Hiểm họa từ 'quả bom bùn' chờ nổ

Thứ Sáu, 07/08/2015, 21:00
Xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương là nơi có trữ lượng barite lớn và có giá trị nhất tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân thôn Đồng Bèn 2 (xã Thượng Ấm), một số đơn vị được cấp phép đã "xé rào", khai thác không đúng quy định trong giấy phép được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính điều này đã tàn phá môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mùa mưa tới, dù các đơn vị này tạm ngừng khai thác chờ gia hạn giấy phép nhưng ai dám chắc "quả bom bùn" trên đỉnh núi sẽ không "phát nổ"? Và khi đó hậu quả sẽ ra sao?
Doanh nghiệp "xé rào"

Khu vực mỏ quặng barite thuộc xã Thượng Ấm (huyện Sơn Dương) là điểm khai thác của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An (Công ty Hòa An). Theo Giấy phép số 07 do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 11/4/2012, công ty này được khai thác với diện tích 1,7ha. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì diện tích khai thác của Công ty Hòa An lớn hơn nhiều so với những gì được cấp phép.

Theo quan sát của chúng tôi, dù công ty này đã tạm ngừng hoạt động khai thác nhưng hiện vẫn còn 3 lán trại và rất nhiều máy móc đặt ở hiện trường. Toàn bộ khu vực khai thác nham nhở những hố to, nhỏ khác nhau. Khu vực trung tâm được chia ra làm hai khu vực khai thác riêng biệt, một là khu vực lòng chảo hang Hờm, trước đây là cánh đồng; khu vực tiếp theo cách đó 700m ngay trên sườn núi.

Anh Trường, người dân thôn Đồng Bèn 2 chia sẻ: "Thời gian gần đây họ tạm nghỉ rồi nhưng một số máy móc vẫn còn, có lẽ chờ xin thêm thời hạn trong giấy phép để khai thác tiếp. Đứng ở chân núi cũng thấy xót xa, núi nham nhở, người dân thì chẳng được gì".

Cánh đồng của thôn Đồng Bèn giờ rất ít người có thể cấy lúa được do bùn từ trên núi tràn xuống.

Theo quan sát của chúng tôi, để tiện bề khai thác trên sườn núi, những người khai thác mở hẳn một con đường lên núi, dựng lều lán gần khu vực cho các công nhân sinh hoạt. Đường điện lưới và nước dùng lên tận lán phục vụ khai thác lâu dài. Theo phản ánh của người dân, người đứng ra khai thác điểm quặng trái phép có tên là Hùng (do Công ty Hòa An thuê). Cách đây khoảng 2 năm, chính công ty này đã từng bị Phòng Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang "tuýt còi" vì khai thác ngoài khu vực cho phép.

Khu vực lòng chảo hang Hờm trước đây vốn là cánh đồng, bên cạnh việc khai thác ngoài khu vực cho phép, họ còn cho tiến hành khai thác theo hình thức tuyển rửa. Trong khi giấy phép của UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ cấp cho công ty khai thác theo hình thức sàng tuyển. Chính vì hình thức khai thác tuyển rửa nên những dòng bùn đỏ, đặc sánh chảy dài theo nguồn nước về hồ bùn ngay cạnh khu vực đó.

Bà Thắm (thôn Đồng Bèn 2) chia sẻ: "Năm 2009, Công ty Hòa An có thuê hơn 1 sào đất nông nghiệp của gia đình tôi với giá 5 triệu/sào. Họ nói rằng sau 2 năm sẽ hoàn trả đất, thế nhưng quá hạn từ rất lâu rồi mà không thấy họ động tĩnh gì. Họ không những không trả ruộng, mà còn không đền bù gì gia đình tôi với lý do làm ăn thua lỗ. Ở thôn này có tới 20 hộ rơi vào tình cảnh như gia đình tôi".

Nỗi khổ của người dân
Vợ anh Trường lo lắng nếu các đơn vị tiếp tục được gia hạn khai thác thì cuộc sống của họ không biết sẽ ra sao.

Chúng tôi đến thôn Đồng Bèn 2 vào đúng những ngày ở đây hứng chịu những trận mưa rừng. Khắp trong thôn ngoài xóm đâu đâu cũng ngập ngụa bùn đất. Mặc dù đường thôn được xây dựng bê tông nhưng chẳng khác nào đường đất lầy lội. Anh Trường bức xúc: "Do họ khai thác quặng bằng hình thức tuyển rửa nên tàn phá môi trường. Rất nhiều hầm hố đọng bùn trên lưng chừng núi, chỉ chờ có mưa là chảy xuống đây thôi. Đấy là nó chảy nhỏ đã thế này, nó vỡ ra thì không biết tính mạng của bà con sẽ ra sao nữa".

Theo phản ánh của người dân, những ngày khai thác cao điểm ở đây như một công trường. Máy múc, máy ủi hoạt động rầm rộ 24/24h, ôtô ben lớn nhỏ ra vào liên tục. Bụi bay mù mịt khắp nơi khiến cho ngôi làng miền núi vốn yên tĩnh trở nên náo loạn và ngột ngạt. Anh Lê Văn Thanh cho biết: "Ngày trước chưa làm đường bê tông, ô tô vào chở quặng nhiều lắm. Chẳng nhà ai dám mở cửa vì sợ bụi, gạch đá hoa nhà nào cũng phủ kín màu đất đỏ. Chúng tôi nhiều lần ra chặn xe và có ý kiến với tài xế là đi chậm để đảm bảo cho bà con nhưng đều bất lực".

Hồ chứa bùn khổng lồ trên núi chờ ngày "phát nổ".

Được người dân dẫn đường, chúng tôi tận mắt chứng kiến những hố bùn khổng lồ tại đây. Lòng chảo hang Hờm đã trở thành một hồ chứa bùn khổng lồ có diện tích cả nghìn m2. Đặc biệt, bờ bao xung quanh chỉ được đắp sơ sài. Nước từ trên núi đổ về là hồ bùn này cứ thế chảy xuống khu vực dân sinh.

Không chỉ đường làng ngõ xóm ngập ngụa trong bùn, mà rất nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng bị bùn đất "nuốt chửng". Ông Tuyển bức xúc: "Gia đình tôi cũng có 3 sào đất nông nghiệp bị bùn "nuốt" mất, cả nhà có 4 sào giờ chỉ còn 1, chúng tôi không biết trông chờ vào gì để sống đây. Bùn ngập gần 10cm thì lúa làm sao mà sống nổi?". Ngoài gia đình ông Tuyển còn rất nhiều hộ hứng chịu cảnh bùn "nuốt" ruộng như vậy. Anh Lê Tiến Dũng, Trưởng thôn Đồng Bèn 2 cho biết: "Việc bùn lấp ruộng của người dân là có thật, có khoảng 2ha đất trồng lúa mới ngày nào còn màu mỡ, giờ đây chỉ có thể để cho cỏ dại mọc".

Quá bức xúc trước tình trạng bùn đất ngập ngụa, mất nhiều đất nông nghiệp, người dân tại đây đã gửi đơn kiến nghị đi khắp nơi nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Họ chỉ còn biết tự bảo vệ mình, tự bảo vệ cho những mảnh vườn, ao cá bằng những biện pháp hết sức đặc biệt.

Tường rào, cổng ngõ ở thôn Đồng Bèn 2 được xây dựng rất kiến cố, nhằm mục đích chắn bùn ngập vào nhà trong những ngày mưa. Bà Lê Thị Thảo cho hay: "Mỗi lần mưa xuống cơ man nào là bùn đất. Cũng vì bùn mà hệ thống cống thoát nước tắc hết cả, nước cứ thế tràn vào nhà. Thỉnh thoảng người ta cho máy múc, ủi về tận đường thôn để dọn bùn. Phải có biện pháp gì chứ, cứ thế này mãi sao được".

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp siết chặt quản lý những đơn vị khai thác quặng tại đây để đảm bảo an toàn cho người dân. Dù có gia hạn cấp phép hay không thì các đơn vị cần phải có những động thái giúp đỡ, khắc phục hậu quả gây ra cho người dân. Nếu không "quả bom bùn" đang treo lơ lửng lưng chừng núi kia sẽ phát nổ bất kỳ lúc nào.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: "Mỗi trận mưa, đất từ trên trút xuống khiến đường bê tông trông như đường đất, nhầy nhụa. Những ngày nắng thì đường xá bụi mùa, những gia đình sát mặt đường thường phải đóng cửa cả ngày nhưng vẫn không ngăn được bụi.

Việc đất trôi xuống lấp đất canh tác là có. Những hộ bị ảnh hưởng nhẹ thì vẫn cố khắc phục để cấy, những hộ bị nặng thì đành phải chuyển đổi mục đích canh tác như trồng màu, trồng ngô. Diện tích bị lấp không tập trung vào một khu, mà nằm rải rác mỗi chỗ một ít, kết hợp cả của Đồng Trôi lẫn Đồng Bèn.

Hiện tượng này đã xảy ra ở địa phương nhiều năm nay rồi. Bà con cũng đã làm đơn phản ánh lên xã, lên huyện, lên tỉnh nhưng cũng không ăn thua. Sau rồi họ cũng chán, nhiều người bỏ ruộng đi làm thuê. Họ bảo chả có thời gian mà đi kiện, cứ suốt ngày theo kiện thì chắc sẽ chết đói. Về phía doanh nghiệp, họ chỉ hỗ trợ bằng cách mỗi lần đường bị lấp thì cho máy đến xúc để bà con đi lại được dễ hơn chứ ngoài ra không có bồi thường gì.

Kể cả đối với những hộ gia đình bị lấp đất canh tác cũng không nhận được bồi thường nào từ doanh nghiệp. Thực ra bà con ở đây rất bức xúc nhưng không có cách nào giải quyết. Hiện doanh nghiệp này đang hết hạn giấy phép hoạt động nhưng tôi đoán là họ đang xin giấy phép gia hạn. Vì người ta đầu tư vào máy móc bao nhiêu tỉ, không dễ gì mà họ bỏ dở".

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm, Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết: "Giấy phép tận thu khai thác thì đến tháng 4 cũng đã dừng. Hai công ty đó cũng đã thông báo là ngừng khai thác. Về phần chính quyền địa phương cũng đã thành lập tổ công tác phối hợp với UBND huyện và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tuyên Quang để giám sát.

Dù tạm ngừng khai thác nhưng nói thật là khai thác cái quặng barite là khai thác lộ thiên, không như ở dưới hầm lò nên mỗi trận mưa to thì bùn tràn xuống đường và ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Chúng tôi cũng đã làm việc với các công ty, nếu như trong quá trình khai thác đất đá ảnh hưởng đến đời sống vật chất cũng như tài sản của nhân dân thì trước tiên họ phải có biện pháp khắc phục giúp bà con. Kể cả khi tạm dừng khai thác rồi thì cũng vẫn phải có trách nhiệm. Hiện vẫn còn 2 cái lán và máy múc ở đó vì họ vẫn đang trong thời gian chờ gia hạn".

Phong Anh
.
.
.