Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ và việc thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân:

Hiện đại, văn minh, phục vụ người dân tốt hơn

Thứ Sáu, 17/11/2017, 14:59
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, sẽ tiến tới bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND).


Nghị quyết này đã nhận được tín hiệu vui từ người dân, nhiều người dân cho rằng đó là cách quản lý hiện đại, bớt bỏ thủ tục hành chính. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều bạn đọc băn khoăn về các vấn đề hành chính cần giải quyết liên quan đến sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân.

Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trên cả nước, ngày 13-11, Báo CAND đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp, lộ trình thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư”. Sau 2 giờ giao lưu với độc giả, 3 vị khách mời là Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dự liệu quốc gia về dân cư; Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam; Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã phần nào giải đáp được thắc mắc của rất nhiều độc giả quan tâm.

Báo Công an nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả về Nghị quyết 112 của Chính phủ.

1. Tất cả các quốc gia trên thế giới, dù với những chế độ chính trị khác nhau thì công tác quản lý dân cư, con người đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ đó sẽ có hoạch định xã hội và đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội. Tuy nhiên trình độ quản lý của các quốc gia khác nhau, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng và phong tục tập quán của từng nước.

Theo Thượng tá Trần Hồng Phú: “Để tổ chức, triển khai thực tế thì Bộ Công an phải hoàn thiện cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư cũng như triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng thời cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan phối hợp triển khai. Trên cơ sở đó mới phát huy được hết tác dụng và tính ưu việt của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo việc cung cấp và khai thác thông tin”.

Bên cạnh đó, luật sư Quản Văn Minh  đưa ra ý kiến để Nghị quyết 112 đi vào thực tế hiệu quả, nhanh chóng hơn, trong lĩnh vực quản lý cư trú Bộ Công an chủ trì phải được đảm bảo cấp kinh phí, con người để có biện pháp, đề án thực hiện theo đúng chức năng của mình.

Đồng thời phải phụ thuộc vào Luật, các Nghị định, Thông tư… trình lên Quốc hội, Chính phủ tùy theo loại văn bản để sửa đổi, thay thế bằng văn bản mới. Tiếp theo là đối với người dân, phải được tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tiếp cận được cách quản lý này, làm quen với cuộc sống số và quản lý số.

2. Trước đây, soạn thảo dự án Luật Thủ đô, nhiều người cho rằng cần phải thắt chặt quản lý hộ khẩu để ngăn dòng nhập cư, tránh cho Thủ đô quá tải. Thế nhưng thực tế những năm gần đây, nhu cầu lao động, học tập, dòng người nhập cư về Thủ đô là một điều tất yếu. Điều này chỉ làm nảy sinh tiêu cực chứ không ngăn được tỷ lệ người nhập cư.

Chính vì thế khi bỏ sổ hộ khẩu liệu có tạo ra một “làn sóng” di cư mới về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hay không? Đó là điều mà rất nhiều bạn độc giả quan tâm. Đại úy Nguyễn Thành Lâm chia sẻ: Đối với dự án Luật Thủ đô có nhiều quy định cụ thể để hạn chế, giảm bớt tỉ lệ tăng dân số cơ học, tuy nhiên về bản chất không làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

Ngay theo quản lý cư trú bằng phương pháp thủ công thì các vấn đề phát sinh tiêu cực có thể xảy ra. Để đảm bảo khắc phục được việc này, thì vấn đề hiện đại hóa phương pháp quản lý dân cư sẽ được đặt lên hàng đầu và trong đó mọi thông tin của công dân sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và được minh bạch hóa, do đó sẽ hạn chế được tối đa các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh.

Về vấn đề này, Thượng tá Trần Hồng Phú cho rằng, vấn đề di cư và vấn đề lao động nhập cư đang là thực trạng, là bức xúc chung không riêng của nước ta mà của nhiều nước trên thế giới. Với việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch thì việc dân cư từ các vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn di chuyển đến các vùng hạ tầng phát triển, có việc làm, có thu nhập là tất yếu.

Vì thế cần phải tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành có chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp để phân bố dân cư, tránh việc dân cư tập trung quá nhiều một nơi. Phải đồng bộ các chính sách để đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật, tính toán để đưa công ăn việc làm, xây bệnh viện, trường học đến các vùng miền. Vì vậy, việc này không liên quan gì đến việc sử dụng hay không sử dụng sổ hộ khẩu.

Một câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc, đó là việc thu thập thông tin dân cư cũng là một việc hết sức phức tạp. Từ trước đến nay thu thập dữ liệu thông tin chủ yếu dựa vào cảnh sát hình sự, tổ trưởng dân phố, cốt cán trong tổ và khu vực.

Thực tế có những khu vực, tổ trưởng dân phố… không có năng lực ghi chép, hướng dẫn người dân kê khai, cung cấp dữ liệu. Vậy làm cách nào để khắc phục điều này? Thượng tá Trần Hồng Phú cho rằng: “Chúng ta có rất nhiều nguồn để thu thập thông tin, thứ nhất là qua cơ sở dữ liệu có sẵn mà Bộ Công an đang quản lý; thứ hai là theo các văn bản đã có như hộ tịch, hộ khẩu, bảo hiểm y tế…; thứ ba là đối với các trường hợp còn thiếu thông tin, chúng tôi sẽ phát biểu mẫu thu thập thông tin theo Luật Căn cước.

Ngoài việc được số hoá, các biểu mẫu sẽ được đính kèm hướng dẫn cụ thể, giúp người dân dễ dàng tự mình cung cấp thông tin cá nhân.

Trong trường hợp công dân không có khả năng tự kê khai, lực lượng Cảnh sát khu vực sẽ phối hợp với các lực lượng hỗ trợ khác giúp người dân hoàn thành việc kê khai. Sau đó, chúng tôi sẽ căn cứ vào sổ sách để đối chiếu, xác thực thông tin trước khi nhập dữ liệu cuối cùng vào hệ thống”.

Bạn Nguyễn Đức Chính (Quảng Trị) có hỏi: “Nói về tài khoản ngân hàng CMND 9 số khi đổi 12 số căn cước, ngân hàng không chịu cập nhật mà bắt về lấy giấy chứng minh căn cước với CMTND (hết giá trị) thì phải giải quyết thế nào?”.

Với câu hỏi này, luật sư Quản Văn Minh, cho rằng: Đối với khách hàng ở lĩnh vực ngân hàng thì tác phong phục vụ và thái độ của mỗi ngân hàng là khác nhau, chúng ta cần lựa chọn những ngân hàng phục vụ tốt nhất. Nhưng trong khi phục vụ tốt nhất có thể ngân hàng vẫn cần phải căn cứ vào pháp luật, đúng pháp luật còn những điều không đúng pháp luật thì người dân phải tự thực hiện, tự làm lấy.

Một nội dung mà rất nhiều người dân thắc mắc, đó là thủ tục đăng ký xe mới. Vậy khi nào thì người dân đi đăng ký xe mới không cần mang theo sổ hộ khẩu? Và khi ấy người dân đi mua xe sẽ được cấp biển thế nào? Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết: Nếu theo lộ trình thì 1-1-2020, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành và đưa vào khai thác kết nối.

Tuy nhiên, để tránh xuất trình hộ khẩu khi đi làm các thủ tục pháp lý cần có sự đồng bộ các bộ, ngành trong đó có đăng ký quản lý phương tiện. Những quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký quản lý phương tiện đã quy định trong Nghị quyết 112.

Lĩnh vực này đã đơn giản hóa và đạt được thành tựu. Nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào khai thác, qua mã số định danh cá nhân, thông tin sẽ được khai thác thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và theo quy định của lĩnh vực đăng ký quản lý phương tiện. Từ đó, người dân sẽ không phải mang theo sổ hộ khẩu.

3. Khi Nghị quyết 112 của Chính phủ đi vào đời sống, mỗi người dân đều được quản lý bằng một mã số định danh cá nhân. Đây là vấn đề nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân. Bạn đọc Trần Trung Thành (Khánh Hòa) có hỏi: Với những người đang chuẩn bị làm hộ khẩu, tạm trú băn khoăn không biết có tiếp tục làm hay tiếp tục chờ đợi mã định danh cá nhân?

Với câu hỏi này, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết: Việc thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước hiện đại hóa công tác quản lý cư trú từ thủ công sang hiện đại. Hiện nay, công tác đăng ký quản lý cư trú tiếp tục được thực hiện theo đúng Luật Cư trú.

Công dân thường trú, tạm trú ở đâu thì tới cơ quan Công an địa phương cấp phường, xã tại đó để đăng ký thường trú, tạm trú như bình thường, không phụ thuộc và việc cấp mã định danh cá nhân.

Bỏ quản lý hành chính bằng sổ hộ khẩu sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc của người dân.

Khi mỗi công dân đều có một mã số định danh, không lặp lại của người khác. Vậy thì khi đi giải quyết các thủ tục hành chính, người dân vẫn phải trình thẻ căn cước công dân (số thẻ căn cước công dân sẽ là mã số định danh cá nhân) hay chỉ cần đọc mã số định danh cá nhân? Liệu có xảy ra trường hợp người này đọc mã số định danh của người khác để nhằm mục đích xấu?

Về vấn đề này, Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay: Chúng ta vẫn đang sử dụng 2 loại giấy tờ, đó là căn cước công dân hoặc CMND để giao dịch. Khi người dân sử dụng căn cước công dân thì đã có mã số định danh cá nhân. Đối với căn cước công dân thì khi giải quyết các thủ tục hành chính, vẫn phải trình để chứng minh lai lịch của mình.

Việc dùng mã số định danh để tra cứu thông tin, giúp công dân loại bỏ việc kê khai các mẫu đơn, tờ khai như vẫn làm mọi khi. Khi Nghị định 112 đi vào thực hiện thì đã có những biện pháp tránh tình trạng khai thác thông tin của người khác.

Công dân chỉ được quyền khai thác thông tin của chính mình chứ không phải cứ dùng một mã số định danh bất kỳ là có thể khai thác thông tin được. Đối với các cháu dưới 14 tuổi thì có sẵn mã số định danh trong giấy khai sinh. Chỉ cần nhập con số này là có thể lấy được thông tin.

Về thủ tục cấp mã số định danh hiện nay hết sức đơn giản, công dân không phải làm thủ tục gì phức tạp, chỉ cần thông qua ba thủ tục hành chính: Đối với trẻ em mới sinh, thông qua thủ tục đăng ký khai sinh, cơ quan tư pháp các xã, phường thị trấn trong khi làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ truyền dữ liệu trực tiếp sang Bộ Công an, sau đó Bộ sẽ cấp mã số định danh cá nhân trả về bên tư pháp và bên tư pháp ghi và in số định danh cá nhân này trên giấy khai sinh.

Đối với công dân đi làm thủ tục cấp căn cước công dân, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký cấp căn cước công dân, hệ thống tự động sinh ra số định danh cá nhân và ghi số này lên thẻ căn cước công dân. Còn đối với trường hợp không đăng ký khai sinh và không làm thủ tục cấp căn cước công dân, Bộ Công an tổ chức thu thập thông tin dân cư, những trường hợp chưa có số thì Bộ sau khi thu thập đủ 15 trường thông tin cơ bản sẽ đồng loạt cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân. Vì thế, công dân không phải làm thủ tục gì về việc cấp số định danh cá nhân. Đặc biệt khi được cấp số thì không phải nộp lệ phí gì.

Phong Anh
.
.
.