Hiệp định EVFTA- IPA: Đã đến lúc Việt Nam “lót ổ cho phượng hoàng vào đẻ trứng”

Thứ Sáu, 28/06/2019, 14:57
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định IPA) được khởi động trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.


Dự kiến, hai bên sẽ ký kết đồng thời cả hai Hiệp định này vào ngày 30-6-2019 tại Hà Nội. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như những thách thức từ các Hiệp định này đặt ra đối với Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương).

Mở ra thị trường rộng lớn cho Việt Nam

PV: Hội đồng châu Âu vừa thông qua nội dung của Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA. Dự kiến, hai bên sẽ ký kết đồng thời cả hai Hiệp định này vào ngày 30-6. Theo ông, việc ký kết này sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Việt Nam đặt hy vọng nhiều vào Hiệp định EVFTA. Bởi, thị trường châu Âu là một thị trường lớn chiếm ¼ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. ¼ là xét về lượng, còn vật chất thì ¼ đó là những mặt hàng tinh tuý nhất của Việt Nam đạt được, vào được thị trường châu Âu. Những mặt hàng nào đã vào được châu Âu thì có thể bán được khắp thế giới, nó phản ánh độ lớn, độ trưởng thành của hàng hoá Việt Nam.

PGS.TS Phạm Tất Thắng.

Khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất và những hàng rào thuế quan được dỡ bỏ gần như hoàn toàn và 2 bên dành cho nhau những ưu đãi. Để hàng Việt Nam đưa sang thị trường châu Âu nhiều hơn, Việt Nam phải tự vươn lên, lớn lên, tự vượt qua chính mình, vượt qua những rào cản của châu Âu. Một triệu USD vào được thị trường châu Âu, nó không đơn thuần là 1 triệu USD mà còn phản ánh độ lớn lên của nền kinh tế Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Cùng với EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được ký kết sẽ giúp vị thế của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có đóng góp rất to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

PV: Theo ông, khi EVFTA được ký kết và thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp nhận thị trường này như thế nào?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: EVFTA có hiệu lực, doanh nhân Việt Nam có điều kiện, tiếp xúc với các doanh nhân châu Âu - những người làm ăn chân thật, đàng hoàng, chuyên nghiệp và hiện đại.

Nếu chúng ta có được những mặt hàng và công nghệ cao của EU đưa về Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam, của đất nước Việt Nam sẽ được nâng lên. Như vậy, nó không chỉ là có tác dụng trước mắt mà còn có tác dụng lâu dài trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam.

Kỳ vọng dòng vốn FDI công nghệ cao

PV: EVFTA mở ra nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn FDI công nghệ cao. Ông nhận định như thế nào về dòng vốn này?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Việt Nam đang trong quá trình phát triển cần rất nhiều vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp kỹ thuật cao. Trong khi đó, EU có nhiều nguồn vốn, khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA được ký kết và thông qua thì dòng vốn từ EU sẽ đổ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để có được nguồn vốn đó thì Việt Nam phải khắc phục được tình trạng thu hút FDI chất lượng thấp như trong những năm vừa qua. Hiệp định  EVFTA được ký kết thì giá hàng hoá, máy móc thiết bị sẽ rẻ đi rất nhiều, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp nhận. Theo đó, FDI từ EU vào sẽ sạch hơn, chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn.

Đặc biệt, chúng ta cần phải làm thế nào để các địa phương và DN, có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ EU, người ta gọi là “lót ổ cho phượng hoàng”, từ trước đến nay, nhiều địa phương toàn “lót ổ cho quạ” bây giờ phải “lót ổ cho phượng hoàng vào đẻ trứng”. Muốn như vậy, thì cần phải thấy rằng điều kiện của họ ra sao.

Muốn thu hút được đầu tư từ EU, Việt Nam phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điện, nước, nguồn nhân lực, nhà xưởng KCN để sẵn sàng đón DN EU đầu tư.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu cho ngành dệt may là rất lớn khi EVFTA và IPA được ký kết.               

DN Việt không hành động, không bắt tay vào thì dù nhà nước có ký hiệp định thương mại có ưu đãi gì đi chăng nữa thì cũng đều vô nghĩa. Cuối cùng nó phải được thể hiện bằng cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và EU.

Tôi rất mong các cơ quan truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước có được một sự thông tin nhiều hơn, tần suất lớn hơn tới doanh nghiệp. Nhiều DN hiện nay chưa ý thức được việc tìm hiểu thông tin về thị trường, Hiệp định EVFTA, tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA, họ vẫn ở đâu đâu, mơ mơ màng màng. Vậy, phải làm sao để cho nhiều doanh nghiệp họ thấy được, nhận thức được tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA và thấy được cơ hội và những thách thức của Hiệp định thương mại này đem lại.

PV: Vậy, thách thức lớn nhất là gì, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Với Hiệp định EVFTA, chúng ta phải thấy được những thách thức. Hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở đây rất cao và khắt khe. Thậm chí có những hàng rào kỹ thuật tưởng như không thể vượt qua được, như xử lý chất thải điện tử… rác thải điện tử. Nhưng nó cũng đưa ra những cái đích để Việt Nam phải vượt qua.

Yêu cầu khắt khe trong việc đưa được hàng hoá và dịch vụ vào thị trường EU thì nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi lại cách quản lý, thay đổi lại hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng, thay đổi việc quy định các hàng rào trong thương mại gọi là quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, an sinh xã hội, bảo vệ tầng ozon, không sử dụng những chất thải, xả rác ra đại dương… đóng góp vào chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Những vấn đề này có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Có những quy định xuất xứ, C/O của EU không quá ngặt nghèo như CPTPP, như đối với hàng dệt may người ta tính quy tác xuất xứ từ vải, ( CPTPP là từ sợi) thì điều đó giúp cho hàng hoá của Việt Nam có điều kiện đi vào được thị trường EU.

Do hàng rào kỹ thuật dày đặc và khắt khe, nên trước hết các DN phải nắm được các hàng rào kỹ thuật này đối với từng hàng hoá, từng thị trường, từng nước. Doanh nghiệp nên nhớ rằng ở EU rất hay cập nhập hàng rào kỹ thuật, tháng này như thế này nhưng tháng sau họ có thể cập nhật thêm những tiêu chí mới. Do vậy, việc cập nhật hàng rào kỹ thuật cho từng mặt hàng ở EU là vô cùng quan trọng. Vai trò của Hiệp hội, thông tin, cơ quan thông tin phải thu thập và nắm bắt cái này là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của chúng ta cần phải học tiếng Anh, Đức, Pháp, ngoài ra còn một số tiếng nếu doanh nghiệp biết được của từng quốc gia trong EU thì ngoài việc đưa hàng sang EU còn có khả năng đưa hàng vào một quốc gia cụ thể nào đó thuộc EU, EU không cấm việc đó. Bên cạnh việc tận dụng cơ hội để đưa sang thị trường EU thì chúng ta cần phải lưu ý tới, tuỳ theo mặt hàng, quy mô của doanh nghiệp để nhắm tới một thị trường cụ thể nào nó, một quốc gia cụ thể nào đó, thuộc 28 nước trong Liên minh châu Âu.

Những chuyện này phải lưu ý, doanh nghiệp cũng lưu ý rằng hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở EU tương đối dày đặc và các tham tán này là những người có kinh nghiệm và có tâm huyết. Do vậy, cần phải sớm xây dựng được mối quan hệ tốt với các tham tán thương mại, coi họ như là những người đi tiên phong, nằm vùng, hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp nắm được thông tin, nhu cầu, lý lịch thông tin của doanh nghiệp. Cách thức làm ăn của từng quốc gia và phạm vi rộng cả EU, thậm chí, khi có sự kiện như hội chợ, triển lãm, họ sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn ông!

                                         

Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: Với trọng tâm về thương mại, EuroCham tiếp tục hỗ trợ việc phê chuẩn và thực thi sắp tới của Hiệp định EVFTA để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mở cửa thị trường, tăng cường thương mại và giúp Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á. Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực để trở thành trung tâm đầu tư và thương mại trong khu vực, vị trí thuận lợi để thu hút vốn FDI từ châu Âu. Về lâu dài, Hiệp định EVFTA tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dụng mà còn cho cả các công dân Việt Nam về phúc lợi xã hội, tiền lương và tiêu chuẩn, nhờ đó việc đầu tư vào Việt Nam bền vững hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI: Châu Âu là một thị trường lớn, khi khai thông và thiết lập được mối quan hệ với thị trường như là chúng ta đã xây dựng được một tuyến đường cao tốc hướng Tây để kết nối Việt Nam với một trung tâm KHCN hàng đầu của thế giới. Điều này một mặt sẽ mở ra cơ hội thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chiếm 20% tổng kim ngạch XNK. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA được ký kết thì kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba trong tương lai gần là điều có thể đạt tới. Hiệp định EVFTA không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn là thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam với dòng vốn FDI chất lượng cao, công nghệ cao. Chúng ta có hy vọng rất lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư từ EU tăng gấp nhiều lần trong tương lai gần. Quan trọng là thị trường chất lượng của dòng chảy đầu tư, Việt Nam sẽ xuất khẩu vào thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao và khắt khe với giá tốt hơn. Đẩy mạnh xuất khẩu với giá trị gia tăng lớn hơn. Thị trường EU là thị trường bổ sung cho Việt Nam, tương hỗ và không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu thông tin tới thị trường và lĩnh vực của mình để có cách tiếp cận, hợp tác có hiệu quả.

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.