Hình như tất cả chỉ có thế

Thứ Năm, 28/01/2016, 13:38
Cách nay đã lâu, trong khi nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đi vắng (hồi ông còn là Trưởng ban thơ Văn nghệ Quân đội). Có một người chép nguyên một bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh rồi lấy tên mình, gửi đến tòa soạn Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Quân đội đã đăng ngay bài thơ này. Sau vụ này, lập tức xuất hiện "lời ong tiếng ve".

Ông B. là người yêu thơ và có làm thơ. Có dạo, ông kết bạn với một người phụ nữ tên là X. cũng rất yêu thơ. Thỉnh thoảng, bà này có gửi cho ông một vài bài thơ rất đặc sắc nhưng không ghi tên tác giả. Do kiến văn hạn chế nên ông B. phục bà X. lắm, cứ ngỡ đấy là những thi phẩm của bà X. 

Một thời gian sau, để đề cao bạn mình, chơi đẹp với bạn mình, khi cho xuất bản tập thơ của mình có in kèm phần "phụ lục" gồm những bài thơ mà ông đinh ninh bà X. là tác giả, trong khi bà X. hoàn toàn không biết việc này. Tất nhiên sau đó, khi ra sách, bà X. bị "lên án" kịch liệt.

Một người khác, tên là V. đã già lắm rồi. Cụ V. cũng rất yêu thơ. Có một dạo, cụ V. có hẳn một quyển sổ tay chép thơ ở dạng sưu tầm của nhiều người. Để là một việc "báo hiếu" thật bất ngờ và có ý nghĩa, con cháu cụ âm thầm bí mật tập hợp những bài thơ đó lại, rồi đem đi in một tập thơ qua một nhà xuất bản hẳn hoi mà cứ nghĩ tác giả chính là ông cụ nhà mình. Họ coi đây là một món quà có một không hai vào dịp cụ V. lên tuổi bát thập. Cũng vì kiến văn hạn chế, nên việc làm trên cũng chẳng khác "yêu nhau như thế" quá là "bằng mười phụ nhau".

Tất nhiên sau đó, cũng như bà X., cụ V. cũng bị "lên án" kịch liệt. Đây cũng có thể coi là "nỗi oan Thị Kính".

Cách nay đã lâu, trong khi nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đi vắng (hồi ông còn là Trưởng ban thơ Văn nghệ Quân đội). Có một người chép nguyên một bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh rồi lấy tên mình, gửi đến tòa soạn Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Quân đội đã đăng ngay bài thơ này. Sau vụ này, lập tức xuất hiện "lời ong tiếng ve".

Cách nay chừng 8 - 9 năm, số Tết báo Hà Nội mới cuối tuần (hồi tôi còn là biên tập viên), có đăng bài thơ "Dạ, thưa thầy" của nhà thơ Võ Thanh An, nhưng tên tác giả lại là một người khác. Bài thơ này không do tôi biên tập và tôi hoàn toàn không biết gì cả, phút chót nó được bổ sung vào trang thơ do người trưởng ban trực tiếp thêm vào. 

Khi báo ra, tôi thắc mắc thì người trưởng ban giải thích: "Thấy bản thảo được viết tay, chữ đẹp quá, thơ đọc lại trơn tru, nên tôi đưa thẳng lên Tổng biên tập duyệt luôn, chứ không có ý gì khác. Bây giờ, sự đã rồi, chỉ có cách là phạt, không chấm nhuận bút nữa". Sau vụ này, tôi đã phải gọi điện thoại xin lỗi nhà thơ Võ Thanh An và được ông cho qua. Sau đó, may mắn không có "lời ong tiếng ve" nào.

Theo tôi, hai trường hợp trước là "đạo" mà không phải là "đạo", tưởng thế mà không phải thế, chẳng qua chỉ là nhầm lẫn tai hại! Còn hai trường hợp sau, có thể chỉ là "phép thử" hoặc "trò đùa" của một vài người ngoài giới sáng tác. Nếu người biên tập không phát hiện ra thì thôi, phát hiện ra rồi thì…ù té quyền và lần sau sẽ không chơi kiểu này nữa. Nếu bị coi là "đạo" hoặc quy kết là "đạo", thì cũng chỉ là "đạo" thoáng chốc, "đạo" cho vui vậy thôi.

Thời chống Pháp và chống Mỹ, làng thơ Việt Nam có 3 bài thơ đáng chú ý. Bài thứ nhất: "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan. Bài thứ hai: "Núi Đôi" của Vũ Cao. Bài thứ ba: "Quê hương" của Giang Nam. Xếp thứ tự như trên cũng là xếp theo trình tự thời điểm xuất hiện của ba bài thơ.

Ba cái kết của ba bài thơ này khác nhau. Nếu "Màu tím hoa sim" có cái kết bi quan: "Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu",  "Núi Đôi" có cái kết lạc quan: "Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm", thì "Quê hương" có cái kết có chút ít triết lý gắn với thực tế hơn: "Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi". Ba cái kết này phụ thuộc vào ngả rẽ của bài thơ và phụ thuộc nhiều vào tâm thế của người viết. Mặc dù vậy thì chúng vẫn có một xuất phát giống nhau, mà ngay từ "Màu tím hoa sim", Hữu Loan đã gợi mở: "Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người em nhỏ hậu phương".

Ấy vậy mà cả ba bài thơ đều tồn tại, đều được đánh giá cao, dường như chẳng có tác giả nào "đụng" vào tác giả nào, thế mới lạ! Và giới phê bình lẫn giới sáng tác (hồi ấy), cũng chẳng có ai có ý kiến gì. Phải chăng lớp người của thế hệ trước vẫn thường tỏ ra nể nang và lịch duyệt với nhau như thế? Còn trước nữa, ngay cả "thời Thơ mới", không phải không có chuyện này, chuyện nọ.

Vì có người đã nhắc đến rồi, nên tôi cũng không muốn nhắc lại, chỉ muốn nói thêm một chuyện. Nhớ vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, trong một lần tâm sự, nhà thơ Lâm Huy Nhuận (con trai nhà thơ Yến Lan) có nói nhỏ với tôi: "Ba mình hay dặn mình rằng, con cần phải học ngoại ngữ cho "đến đầu đến đũa". Một số nhà thơ trong phong trào Thơ mới, thi thoảng cũng có những câu thơ "vướng bận" ít nhiều thơ ngoại quốc một cách có ý thức hẳn hoi. Đơn giản vì có một số người trong số họ có biết và giỏi ngoại ngữ. Trong lời dặn này, ba mình ngầm gửi cho mình một thông điệp tầm xa "cần cẩn trọng" và cần "giữ mình" trong việc sáng tác văn chương nói chung".

Một chuyện khác. Cách nay chừng 7 - 8 năm, có 2 nhà thơ lấy nguyên chuyện trong "Giai thoại thiền" để "chế" ra hai bài thơ giống như nguyên bản và được đăng hẳn hoi trên Tạp chí Nhà văn và Tạp chí Thơ. Nói cách khác: Hai người này chỉ làm mỗi cái việc là "vần hóa", "thơ hóa" hai chuyện trên. Cả hai chuyện này đều rất nổi tiếng. 

Chuyện thứ nhất: Một người mù cầm một ngọn đèn đi trong đêm. Có người hỏi: Ông có nhìn thấy gì đâu mà phải làm thế? Người mù trả lời: Để những người sáng mắt khỏi đâm vào tôi. Có người lại bảo: Nhưng kìa, ngọn đèn đã tắt từ lâu rồi, mà ông đâu có biết! 

Chuyện thứ hai: Con một người đánh cá rất mê một thiền sư. Sau, cô này chửa hoang, đẻ ra một đứa con và bảo tác giả của đứa trẻ là thiền sư. Khi đứa trẻ được mấy tháng, cô mang đứa trẻ đến trao cho thiền sư. Thiền sư nhận đứa trẻ và nói: Thế à! Mặc dù có nhiều lời thị phi nhưng thiền sư vẫn sống bình thường, như thể không có chuyện gì xảy ra. Một thời gian sau, cô gái hối hận, đến nhận lại con và bảo thiền sư: Đây là giọt máu của một người đàn ông khác. Thiền sư trả lại đứa trẻ và lại nói: Thế à! Vì nắm rõ chuyện này nên tôi đã viết bài "Họ nhà đạo", rồi đăng trên Văn nghệ Công an.

Xa xưa, từng có một chuyện, nhân đây cũng xin được nhắc lại. Thời Đường (Trung Quốc), Tiền Hử từng có bài thơ "Vị triển ba tiêu" ("Lá chuối còn phong"). Bản dịch thơ:

Đuốc lạnh khói không, ngọn nến xanh
Lòng thơm còn cuốn, sợ xuân hàn
Phong thư ẩn giấu điều chi ấy
Lén mở ra xem, ngọn gió lành.

    Sau đó nhiều năm, Nguyễn Trãi lại có bài thơ "Ba tiêu" ("Cây chuối"):

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem.

Dù có thế nào thì giữa "Vị triển ba tiêu" và "Ba tiêu" vẫn bị xếp vào dạng "tồn nghi".

Cho dù vậy, tôi vẫn muốn bênh cụ Nguyễn Trãi một câu. Tôi nghĩ: Có thể vì thích bài thơ của Tiền Hử mà có thể cụ Nguyễn Trãi đã dịch, chép lại và để lẫn vào thơ sáng tác của mình. Thế rồi người đời sau, vì yêu Nguyễn Trãi, yêu thơ Nguyễn Trãi mà "đánh đồng" vào sự nghiệp thơ của Nguyễn Trãi. Việc này cũng tương tự như việc nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Cụ, người đời sau đã công bố ảnh Cụ và làm như mới phát hiện được một cái gì rất mới về Cụ, mà trên thực tế lại là ảnh Dương Khuê vậy.

Năm rồi, thi đàn lại rộ lên hai chuyện "đạo thơ". Và như chớp được cơ hội, giới truyền thông đã làm um xùm lên theo cách của những người làm truyền thông.

Vụ thứ nhất: Ngô Xuân Phúc nói cái ý "Tổ quốc gọi tên mình" vốn là của anh, sau được Phan Quế Mai sử dụng lại. Cái ý "Tổ quốc gọi tên mình”, theo nhà thơ Trần Ninh Hồ, chỉ là một cách nói. Nhà thơ Trần Ninh Hồ nói thêm: "Trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Mỹ: "Cuộc chia ly màu đỏ" từng có câu: "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau". Trong câu thơ này, "cần" cũng có thể hiểu là "gọi" và ngay trong câu thơ này, còn có một ý nữa sâu xa hơn: Và đến khi đó, họ còn biết hy sinh ("sống xa nhau") cả hạnh phúc lứa đôi nữa kia". Đấy là câu thơ được viết vào thời điểm mà nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từng quan niệm trong thơ: "Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc".

Viết bài thơ theo ý trên, trong lúc còn trong vai trò và trách nhiệm của người lính với Tổ quốc, tôi tin Ngô Xuân Phúc hơn. Và tôi càng tin hơn vì Ngô Xuân Phúc không phải là người làm thơ chuyên nghiệp. Làm thơ hay không làm thơ, sở hữu câu thơ trên hay không sở hữu câu thơ trên, với Ngô Xuân Phúc, cũng không quá quan trọng. Có lẽ anh chỉ muốn nói lên một hiện thực mà thôi. Nhưng cũng vì "tình ngay lý gian" nên chuyện này, chắc hẳn sẽ rơi vào ngõ cụt.

Vụ thứ hai: Bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư được coi là đã "cầm nhầm" bài thơ "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan. Hồi kết của chuyện này đã có và mọi người đã biết. Nhân chuyện này, nhiều người cầm bút không khỏi băn khoăn: Không hiểu tại sao, nữ nhà thơ Phan Huyền Thư trẻ và tài hoa, thông minh, sắc sảo, lại làm thế nhỉ? Thật đáng tiếc! 

Đơn giản vì tập thơ "Sẹo độc lập" nói riêng và sự nghiệp thơ Phan Huyền Thư nói chung (tính đến thời điểm này), có thêm hay bớt đi "Bạch lộ" thì có ảnh hưởng gì đâu. Và chắc chắn trong "Sẹo độc lập", "Bạch lộ" cũng không làm tăng thêm sức nặng gì và giá trị gì cho tập thơ. Có người bảo: Rất có thể Phan Huyền Thư đã mắc phải cái lỗi: Hơi rối loạn và có nhầm lẫn ít nhiều trong cách hành xử với một vài đứa con tinh thần của chị.

Tổng kết lại, bàn về chuyện đạo văn ư? Hình như tất cả chỉ có thế…

Đặng Huy Giang
.
.
.