Hòa Bình: Núi nứt làm đôi, nhiều hộ dân sống trong sợ hãi

Thứ Năm, 02/11/2017, 17:46
Sau những trận mưa liên tiếp, quả núi nằm sau xóm Máy 1 và Máy 3 (xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bỗng nứt làm đôi, miệng rộng từ 2-3m. Vết nứt kéo dài cả kilômét khiến bà con ở đây bồng bế nhau di chuyển khẩn cấp trong đêm.

Sau một tuần sơ tán, người dân vẫn sống trong cảnh hoang mang lo sợ, chưa dám trở về nhà. Hàng loạt vấn đề đặt ra như tái định cư cho người dân, xử lý vết nứt vẫn chưa thể giải quyết.

Bỏ của chạy lấy người

Chúng tôi trở lại sau một tuần sự việc quả núi sau xóm Máy 1 và Máy 3 bỗng dưng nứt làm đôi, cuộc sống ở đây vẫn bị đảo lộn, người dân còn chưa hết hoang mang. Hơn 30 hộ dân vẫn chưa dám trở về nhà sinh sống, mọi hoạt động trở nên ngừng trệ. Theo quan sát của phóng viên, vết nứt rộng chừng 2 – 3 mét, kéo dài  hơn 2km, ôm trọn khu vực hai xóm Máy 1 và Máy 3.

Anh Nguyễn Văn Tư, người có nhà ngay cạnh vết nứt khổng lồ còn chưa hết bàng hoàng, đưa mắt về phía nhà mình nói: “Nửa đêm hôm đó, tôi đang ngủ thì bỗng thấy nhà mình rung lên bần bật. Cứ nghĩ có động đất, một lúc sau tôi lại nghĩ, có khi do mưa lũ kéo dài sạt lở núi cũng nên. Tôi hoảng quá, chạy ra ngoài hô hoán mọi người dậy xem có chuyện gì. Các nhà hàng xóm cũng chạy hoảng loạn ra ngoài kêu la thất thanh vì đất đá lúc đó bắt đầu tràn vào nhà. Cứ thế chẳng ai bảo ai, bồng bế nhau mà bỏ chạy”.

Ngay trong đêm đó, gia đình anh Tư và những hộ lân cận chạy xuống trung tâm xã để thoát thân. Trời mưa như trút nước, từng lớp đất đá cứ thế chảy tràn xuống đường, vào nhà, tiếng người kêu la thất thanh khiến cả khu vực trở nên hỗn loạn.

Vết nứt đang có dấu hiệu ngày càng rộng hơn.

Anh Nguyễn Văn Rụng (xóm Máy 1) kể lại: “Nhà tôi bị đất đá tràn vào nhà, khi đó tôi chẳng còn nghĩ được gì hô hoán người thân dắt nhau chạy lên ủy ban để tránh. Nếu như ngọn núi ập xuống chắc chúng tôi không ai chạy thoát. Ngôi nhà mới làm của chúng tôi giờ như ngàn cân treo sợ tóc, quả núi sau nhà nứt đôi rồi, chỉ 1 trận mưa nữa là đổ ụp xuống”.

Gia đình anh Rụng có 7 nhân khẩu, vợ chồng anh dành dụm rất nhiều năm mới xây được ngôi nhà kiên cố. Vợ chồng con cái vừa chuyển về ngôi nhà mới sống được khoảng 3 tháng. Thế nhưng chỉ sau một đêm, bức tường phía sau bị đất đá trên núi trượt xuống phá tan hoang. Tường nhà có nhiều vết nứt, ngôi nhà sập xuống có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Theo người dân, đây là khu vực được đánh giá hết sức an toàn, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nứt lún dù cho mưa bão nhiều ngày. Chính vì thế xảy ra hiện tượng này khiến tất cả đều bất ngờ.

Anh Tư nói, giọng đầy lo lắng: “Nhiều ngày nay cơ quan chức năng cũng đã đến để đo đạc, tìm hiểu. Nguyên nhân có lẽ là do làm đường, chân núi bị liếm mất nhiều nên có hiện tượng nứt. Hàng ngày chúng tôi vẫn lên đo vết nứt xem có rộng ra thêm không thì thấy mỗi ngày rộng thêm 50 cm. Nếu có 1 trận mưa bất ngờ ập tới chắc chắn nửa quả núi này sẽ sập xuống”.

Diễn biến thời tiết ngày càng có dấu hiệu phức tạp, người dân các xóm Máy 1, Máy 3 như đang ngồi trên đống lửa vì lo núi sạt lở. Trong khi đó, rất nhiều ban, ngành liên quan đến thực địa nhưng vẫn chưa có phương án khả thi.

Những ngôi nhà kiên cố bao năm họ mới tạo dựng được nay đang đứng trước nguy cơ bị "thần núi" tước sạch. Trước tình hình vô cùng khẩn cấp, chính quyền địa phương đã nhanh chóng di chuyển các hộ lân cận, có nguy cơ bị núi lở đến nơi tránh trú an toàn.

Ông Phùng Trọng Huân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Bình cho hay: "Trước tình trạng nguy hiểm cận kề, xã đã vận động 33 hộ dân khẩn cấp di chuyển khỏi vùng có nguy cơ. Chúng tôi nhất định không để bà con phải chịu đói, chịu rét. Bà con tránh trú chỉ là phương án tạm thời, chúng tôi đang họp bàn để có phương án tốt nhất đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống".

Ngôi nhà tạm được chính quyền địa phương dựng lên làm nơi tránh trú của các hộ dân bị ảnh hưởng.

Chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả

Khắp trong thôn ngoài xã nơi đâu cũng nặng trĩu một không khí căng thẳng. Các hộ dân lân cận ngọn núi lở được tạm thời tránh trú tại ủy ban xã, một số hộ ở nhà văn hóa xã. Một số hộ xa với vết nứt ban ngày trở về nhà lo vườn tược, lợn gà nhưng ban đêm vẫn phải đi ngủ nhờ để tránh bất trắc bất ngờ xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Tới, Trưởng xóm Máy 1 cho hay: “Thực sự lúc này tình hình rất căng thẳng, vết nứt ngày càng to và dài hơn. Xóm tôi có 8 hộ phải di dời, 4 hộ ban ngày về nhà ăn cơm, sinh hoạt nhưng tối vẫn phải đi ngủ nhờ. Còn 4 hộ khác là phải làm lán ở một địa điểm an toàn nhưng cũng chỉ là tạm bợ thôi. Họ dùng những cọc tre, đến cả những tấm bờ rô xi măng cũng không có nên lại phải đi xin. Xã hỗ trợ bằng cách cho đến ở tạm nhà văn hóa, sau đó xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ đó mượn một ít đất để dựng lều lán. Khi có đất thì những người trong thôn, trong xóm sẽ chung tay, góp sức cùng những hộ không may mắn bằng cách cắm các cọc tre rồi dùng bạt quây xung quanh”.

Trong những hộ khó khăn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng là gia đình chị Hà Hoài Thu. Đất đá tràn sát tận tường nhà khiến ngôi nhà của vợ chồng chị có hiện tượng nứt toác, khu nhà kho để thóc lúa đã bị đổ sập hoàn toàn.

Vết nứt rộng chừng 3 mét chạy dài tới hơn 2km.

Để đảm bảo an toàn, khoảng một tuần nay vợ chồng con cái chị Thu phải vào nhà người cậu ở nhờ. “Nhà tôi có tất cả 5 nhân khẩu, giờ chẳng còn gì ngoài mấy tạ thóc vụ vừa rồi. Hiện tại thành phố cũng hỗ trợ 2 triệu đồng, các nhà hảo tâm từ các tỉnh cũng hỗ trợ 1 yến gạo và 1 triệu đồng.

Mấy hôm nay cũng phải về xem nhà cửa vườn tược thế nào. Hôm đó nhà tôi bị đất đá tràn vào khoảng 12 giờ trưa, đang ăn cơm thì thấy ầm ầm phía sau nhà, thế là vợ chồng con cái bỏ bát cơm chạy thục mạng. Cũng may mà có các anh dân phòng đến giúp đỡ di chuyển được mấy tạ thóc và đồ đạc đi”.

Cảnh ngộ đáng thương nhất phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Lan, cả gia đình gồm hai vợ chồng, bố mẹ già và 3 đứa con nhỏ phải ở tạm sân của Nhà văn hóa xã. “Chúng em chẳng biết làm thế nào nữa, nhà thì chắc chắn không dám về rồi. Vết nứt trên núi ngày một to hơn, về nhỡ may có chuyện gì thì chết. Bây giờ mọi sinh hoạt đều tạm bợ ở sân nhà văn hóa, mang cả lợn gà ra đó nữa. Nếu không có biện pháp gì thì chúng em ở đây mãi sao được”- chị Lan nghẹn ngào nói về hoàn cảnh gia đình mình hiện tại.

Điều lo lắng nhất với các hộ phải di dời hiện nay là việc tái định cư. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các cấp chính quyền địa phương đang có phương án mở khu vực tái định cư cho những hộ phải sơ tán. Tuy nhiên, nhiều người rất lo lắng bởi điều kiện kinh tế của họ đa phần rất khó khăn, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào nông nghiệp, làm thuê khi nông nhàn. Theo các hộ ở đây cho biết, giá cho mỗi suất đất tái định cư lên tới 120 triệu đồng, đó là số tiền quá lớn.

Chị Lan cho hay: “Chúng tôi từ trước tới nay rất khó khăn, xây được ngôi nhà là do tiền đền bù Nhà nước làm đường. Có bao nhiêu dồn cả vào ngôi nhà đó rồi, bây giờ núi lại lở nhà đó cũng mất chúng tôi lấy đâu ra 120 triệu để mua bây giờ. Nếu không mua thì không có đất để sinh sống. Chúng tôi tha thiết mong các cấp chính quyền có phương án giải quyết cho các hộ dân để sớm ổn định cuộc sống”.

Không giấu được vẻ lo lắng, chị Hà Hoài Thu nói mà như khóc: “Gia đình tôi hiện tại rất khó khăn. Chồng đi làm thuê ba cọc ba đồng, bản thân tôi cũng chỉ loanh quanh ruộng nương, nuôi con nhỏ. Vừa rồi cũng được chút tiền đền bù đất để làm đường nhưng lại dùng để lấp đất, xây nhà nên hết cả rồi. Nếu như Nhà nước cho mua đất tái định cư theo hình thức trả dần thì may chăng gia đình mới chịu được. 

*Ông Phùng Trọng Huân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Bình cho biết: “Thực sự xã cũng chưa biết khắc phục theo hướng nào, giờ chỉ có cách là nếu mưa thì cho bà con sơ tán, di dời thôi. Hiện một số hộ cũng đã về nhà nhưng chỉ dám về vào ban ngày, còn ban đêm lại đi ngủ nhờ. Một số khác thì di dời hẳn vì quả núi đó sạt đến một nửa, vết nứt bị sập tương đối lớn rồi. Trước nó chỉ há ra thôi, giờ nó sập hẳn xuống rồi. Trước đó chưa từng bao giờ có hiện tượng như thế, nay do làm đường khiến chân núi bị “liếm” nên nó mới sụt xuống như thế. Đối với các hộ trong vùng nguy hiểm, lực lượng dân quân, Công an, Mặt trận tổ quốc xã… đã hỗ trợ di chuyển các đồ đạc thiết yếu tới nơi an toàn. Trong số các hộ phải di dời thì một số hộ ở nhờ tạm nhà người thân, một số ra ở trụ sở ủy ban cũ và Nhà văn hóa. Từ khi xảy ra vụ nứt thì một số cơ quan chức năng cũng đã về và khảo sát để tìm phương án khắc phục. Cụ thể như Sở Tài nguyên Môi trường cùng lãnh đạo thành phố đã về kiểm tra. Tuy nhiên đến thời điểm này cũng chưa có phương án nào khả thi”.

Phong Anh
.
.
.