“Hóa thù thành bạn” sau hơn nửa thập kỷ

Thứ Tư, 25/01/2017, 10:23
Chỉ cách nhau vẻn vẹn có 144km theo đường biển, nhưng đã mấy thập niên qua hai bên luôn trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Thế nhưng, sau cái ngày 20-3-2016 đó, quan hệ giữa hai bên đã dần được hâm nóng. Ðây là điều mà không chỉ “hai người trong cuộc” mong muốn, mà còn là sự mong đợi của cả cộng đồng quốc tế.


Vâng, có thể độc giả đã đoán ra được, điều mà chúng ta đang nói tới chính là quan hệ giữa Cuba - Mỹ. Chỉ còn vài ngày nữa ông Obama sẽ chính thức rời tòa Bạch Ốc, “nhường ghế” lại cho người kế nhiệm Donald Trump. Hai nhiệm kỳ không phải là quãng thời gian quá dài, nhưng vị Tổng thống da màu đầu tiên của “xứ cờ hoa” đã làm được một việc mà 10 đời Tổng thống Mỹ trước đó chưa ai làm được. 

Đó là đặt dấu mốc cao nhất về quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba, kể từ khi ông và Chủ tịch Cuba Raul Castro nhất trí đưa ra quyết định lịch sử tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương vào ngày 17-12-2014. 7 tháng sau, ông Obama tuyên bố: “Chúng ta là hàng xóm, và bây giờ chúng ta là những người bạn. Như vậy sau hơn 50 năm gián đoạn, cuối cùng Washington và La Habana đã chính thức nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao”.

Cái bắt tay giữa ông Obama (trái) và Chủ tịch Raul Castro làm mọi người tin tưởng rằng, việc quan hệ Mỹ - Cuba được khôi phục chỉ còn là vấn đề thời gian

Quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng. Sau ngày 17-12-2014 lịch sử, vòng đàm phán song phương đầu tiên về khôi phục quan hệ giữa hai nước diễn ra vào ngày 21-1-2015. Sau đó, Mỹ đã quyết định nới lỏng một số lệnh cấm vận đối với việc đi lại của công dân hai nước, cũng như nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ các tiểu thương Cuba. 

Tiếp đó, ngày 11-4-2015, sau hơn 50 năm, Chủ tịch Raul Castro đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Obama, bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ. Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo làm mọi người tin tưởng rằng, việc quan hệ Mỹ - Cuba được khôi phục chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Ngày 29-5-2015, Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi cái gọi là “danh sách các nước bảo trợ khủng bố” - động thái xóa bỏ một rào cản lớn  trong quá trình khôi phục mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. 

Và rồi, chỉ hai tháng sau, ngày 20-7-2015, cờ Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, trong khi tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng đã mở cửa trở lại. 

Người dân Cuba chia sẻ: “Đối với chúng tôi đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, là bước đi quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ.  Chúng tôi hoan nghênh sự kiện này và đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Với những gì làm được, chúng tôi lạc quan cho rằng, mọi điều đều là có thể vì lợi ích nhân dân 2 nước”. 

Và không thể không nhắc đến chuyến thăm lịch sử tới Cuba của ông Obama vào ngày 20-3-2016. Chuyến thăm đã biến ông Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên quốc đảo Carribean này kể từ năm 1928. Trước đó, dù hai nước chỉ cách nhau 144 km tính từ bờ biển Florida của Mỹ, nhưng chưa có một tổng thống Mỹ nào tới thăm “hòn đảo tự do” trong gần 90 năm qua.

Nhiều người cho rằng, quá trình “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Cuba đã diễn ra quá nhanh và thường cái gì nhanh quá cũng không tốt. Quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đang trong giai đoạn cao trào thì đùng một cái, ông Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Người ta đặt câu hỏi rằng: Một nhiệm kỳ của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tái lập quan hệ với Cuba? Đối với vị tỷ phú địa ốc này, chính sách đối ngoại của ông về vấn đề Cuba chưa hoàn toàn rõ ràng. 

Đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng phải thừa nhận: “Tôi hiểu sự hoài nghi trong cộng đồng về bất kỳ chính sách cam kết nào đối với Cuba” và khẳng định, lệnh cấm vận với Cuba là lỗi thời và cần giải quyết vấn đề này một cách triệt để. 

Đối với người dân Cuba, có lẽ do thói quen đối phó với 11 tổng thống Mỹ, từ ông Eisenhower cho tới ông Obama và đương đầu với những lời dọa nạt trong 15 kỳ bầu cử tổng thống Mỹ trong 56 năm qua, nên việc ông Trump đắc cử không gây lo ngại hay bồn chồn gì đối với Cuba. 

Một nguyên nhân khác là do La Habana đã đánh giá khá chính xác tiềm năng của cả bà Clinton và ông Trump, cách thức thể hiện và chương trình nghị sự mà họ đưa ra, cũng như ý nghĩa của chúng đối với tương lai các hoạt động đối ngoại của Mỹ, bao gồm cả mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước. 

Công bằng mà nói, trong cuộc đua tại Mỹ, đảng Dân chủ là bên đã đưa ra bước đi lịch sử tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba và mở cửa Đại sứ quán giữa hai nước và theo logic chung, một nhiệm kỳ tổng thống nữa của chính đảng này, với bà Clinton đứng đầu và các bước tiến triển đã đạt được của Ủy ban song phương, con đường tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ - Cuba dường như trơn tru hơn so với những người đảng Cộng hòa. 

Nhưng với suy luận thuần túy và kinh nghiệm đã tích lũy được, khả năng nêu trên không đồng nghĩa với việc Cuba giang hai tay với ứng cử viên này và đóng cửa với ứng cử viên khác, mà buộc họ tập trung hy vọng không phải vào con người mà là khía cạnh họ quan tâm nhất: Cho dù ai chiến thắng, tiến trình bắt đầu từ tháng 12-2014 sẽ tiếp tục phát triển một cách tự nhiên. 

Chính vì lẽ đó, rất rõ ràng là Cuba đã nỗ lực kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama xóa bỏ tối đa hiệu lực trừng phạt do bao vây cấm vận gây ra trong phạm vi quyền hành pháp và chỉ để lại trong tay Quốc hội Mỹ 4 hoặc 5 vấn đề liên quan tới trừng phạt buộc phải có sự thông qua của ngành lập pháp theo luật định. Nhưng mong muốn đó mới chỉ đạt được phần nhỏ.

Bên cạnh việc ông Trump đắc cử, thì sự ra đi của Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro cũng đặt ra câu hỏi lớn về tương lai những nỗ lực mà ông Obama đã thực hiện khi cả hai nước đang trải qua quá trình bình thường hóa quan hệ. Sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ có thể nhìn thấy rõ gần như ngay lập tức sau khi tin tức Lãnh tụ Fidel Castro từ trần được công bố. 

Trong khi ông Obama có thông cáo gửi lời chia buồn đến nhân dân Cuba và gia đình cựu Chủ tịch Fidel Castro, ca ngợi rằng “Lịch sử sẽ ghi nhận và đánh giá sức ảnh hưởng to lớn của ông Fidel Castro đối với người dân và thế giới xung quanh ông” thì Tổng thống đắc cử Trump viết trên Twitter vỏn vẹn 4 chữ “Fidel Castro từ trần!”. 

Điều này tạo ra viễn cảnh mà ở đó các đối thủ về chính sách của ông Obama có thể sẽ tận dụng thời điểm này để ngăn chặn những tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước. Ông Obama từ lâu nhìn thấy cơ hội mở ra một con đường mới cho những mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, tuy nhiên ông Trump rất có thể sẽ xoá sạch những gì ông Obama đã làm với Cuba. 

Sự ra đi của Lãnh tụ Fidel Castro sẽ loại bỏ những gì từ lâu là rào cản tâm lý lớn nhất đối với quan hệ Mỹ - Cuba. Nhưng điều này cũng làm tăng thêm sự không chắc chắn trong tương lai với sự thay đổi chính phủ từ ông Obama sang ông Trump.

Chỉ vài ngày nữa ông Obama sẽ rời Nhà Trắng và Chủ tịch Raul Catro cũng sẽ thôi nắm giữ cương vị hiện nay vào năm 2018, để lại những trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ song phương nhất là trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận. Do vậy, tương lai của mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào những người lãnh đạo tiếp theo ở cả hai nước, liệu họ có muốn tiếp tục đà cải thiện hiện nay hay sẽ bước sang một khúc rẽ khác.

Khổng Hà
.
.
.