"Hoàn lương" từ đảo Long Hội

Thứ Hai, 18/07/2016, 14:05
Nằm giữa bốn bề sóng nước trong lòng hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), đảo Long Hội đã trở thành nơi "ẩn mình" của những người lầm lỡ. Ẩn mình ở đây không phải là lẩn trốn mà họ chọn sự cách ly để từ bỏ ma túy đang ngày đêm giày vò thể xác lẫn tinh thần. Và câu chuyện với cái tên đảo "hoàn lương" của Trung tâm Giáo dục LĐXH tỉnh Thái Nguyên bắt nguồn từ những con người như thế...


Một gia đình lớn

Cách thành phố Thái Nguyên hơn chục kilomet, đảo Long Hội nằm ở bờ Nam của hồ Núi Cốc, xanh mướt và tĩnh lặng, trái ngược hẳn với sự sầm uất náo nhiệt của khu du lịch cách đó không xa.

Để vào được đảo, chúng tôi phải nhờ Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục LĐXH, anh Hà Biên Cương đưa đến tận bến tàu trung chuyển. Anh Cương cho biết: "Tôi cũng từng có thâm niên quản lý đảo gần chục năm, đường vào khá khó đi và xa thành phố. Người chưa được dẫn vào đảo, muốn tự tìm được đường cũng phải mất cả tiếng đồng hồ...".

Phải dùng xuồng máy mới có thể vào đảo.

Cũng theo anh Cương, đảo Long Hội có diện tích rộng hơn 4,5ha, trên đảo được xây dựng thành các khu nhà làm việc dành cho cán bộ quản lý, y tế, nhà ở, nhà xưởng lao động trị liệu phục hồi chức năng và các khu tăng gia cho người cai nghiện (HV).

Khác với những trại cai nghiện và phục hồi nhân phẩm mà chúng tôi từng tới, ở đảo Long Hội không có tường cao, rào thép hay những người bảo vệ gác cổng đầy nghiêm ngặt. Để giảm áp lực cho học viên, ngay từ khi có ý định xây dựng đảo vào năm 1994, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục LĐXH đã suy nghĩ đến mô hình thân thiện để giảm áp lực cho các học viên đến với trung tâm.

Với quan điểm xây dựng một môi trường tự giác, hợp tác giữa cán bộ với học viên, học viên với học viên, đảo Long Hội đã trở thành một nơi giúp cho nhiều người dứt được sự cám dỗ chết người từ ma túy. Đến năm 1996, đảo Long Hội được xây dựng và như ý tưởng đã lập sẵn, một ngôi nhà chung cho những người nghiện được dựng lên, không hàng rào thép gai, khác biệt so với những trại cai nghiện khác...

Theo anh Hà Biên Cương cho biết: "Chúng tôi luôn coi những người nghiện là người bệnh, cán bộ là thầy thuốc. Chữa khỏi bệnh cho họ là trách nhiệm của chúng tôi. Và với căn bệnh này, không đơn giản chỉ là dùng thuốc mà còn phải kết hợp giữa các liệu pháp tâm lý.

Giúp họ hiểu được, tự giác rời xa ma túy và có nghị lực không mắc nghiện lại khi trở về với xã hội. Đó mới là mấu chốt quan trọng trong việc giáo dục, điều trị với những người mắc nghiện".

Từ khi còn làm một cán bộ trên đảo, anh Cương cùng các đồng nghiệp luôn hướng tới việc xây dựng một gia đình lớn trên đảo "hoàn lương". Mỗi khi có người nghiện mới đến, việc đầu tiên của các cán bộ nơi đây đó là nghiên cứu hồ sơ, tâm lý để định hướng tư vấn cho từng người.

Trong buổi tư vấn, họ chia sẻ với nhau chuyện gia đình, cuộc sống và những khó khăn phải trải qua để tạo sự đồng cảm, từ đó hiểu được những "người bệnh" này hơn.

Cũng nhờ sự tôn trọng, thấu hiểu và đồng cảm với những người nghiện đến với trung tâm mà mô hình gia đình này đã thành công. Trong buổi làm việc tại đảo Long Hội, chúng tôi thấy những học viên tự động làm những công việc hằng ngày như nhổ cỏ, trồng rau mà không cần ai giám sát, quản lý.

Sau khi xong công việc, họ lại ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau hoặc chơi các trò chơi như bóng chuyền, đánh cờ cùng cán bộ đảo. Và cũng nhờ đó, trong suốt bao nhiêu năm công tác, anh Cương chưa từng chứng kiến một vụ xô xát, gây gổ nào.

Một học viên đang chuẩn bị bữa ăn chiều.

"Mô hình gia đình đề cao tính tự giác giúp tính tình của các học viên dễ chịu hơn rất nhiều. Có những người trước khi vào đây cũng rất ngỗ ngược, nóng tính, cũng là một đại ca giang hồ nhưng sau một thời gian đến đảo lại trở nên rất ôn hòa.

Một năm chỉ có một vài vụ mâu thuẫn nhưng thay vì cãi nhau thì họ lại tìm các cán bộ để phân giải đúng sai. Vì thế vụ việc không bị đi đến mức mất kiểm soát", anh Cương chia sẻ.

Làm lại từ đầu

Quả thực, nhìn cách các học viên nói chuyện, cười đùa với nhau một cách thân thiết, không ai nghĩ đây là một nơi chỉ để họ cai nghiện. Trò chuyện với các học viên, họ chia sẻ một cách rất thật lòng về những gì đã trải qua và mong muốn được làm lại cuộc đời.

Anh Dương Văn Phong (Phú Bình, Thái Nguyên) chia sẻ: "Mắc nghiện đã 7 năm nay, từ ngày ra đảo, được các thầy cô ở trung tâm tư vấn và tạo điều kiện trong sinh hoạt rất đầy đủ.

Các học viên trên đảo tăng gia sản xuất.

Mỗi ngày chúng tôi bảo nhau làm các công việc lao động ở đảo, tăng gia sản xuất. Sau khi hết việc thì lại ngồi uống nước hoặc hoạt động thể thao. Ở đảo cũng có quy định, kỉ luật riêng nhưng anh em được tạo điều kiện hết mức để tự bảo ban nhau. Tôi đi cai tự nguyện nên có lần về thăm nhà mấy hôm, lúc về cũng thấy nhớ đảo".

Với giọng nói run run đầy xúc động, anh Phong cho biết thêm, sau nhiều lần được các cán bộ tư vấn tâm lý, chia sẻ về cuộc sống, anh cũng mong muốn sớm quên được ma túy và trở về với ba đứa con.

Vợ anh đã bỏ đi từ ngày anh dính đến cái chết trắng, do các cháu còn nhỏ, ông bà lại có tuổi không đưa đi thăm bố được nên phải nhiều tháng anh mới được gặp con. Mỗi ngày ở đây, nỗi nhớ con lại càng khiến anh quyết tâm cai nghiện hơn.

Cũng giống với hoàn cảnh của anh Phong, anh Nguyễn Văn Thạnh (Sông Công, Thái Nguyên) đã lên đảo Long Hội được 8 tháng. Cho đến nay, anh Thạnh đã mắc nghiện được hơn 10 năm. Anh chia sẻ rằng, do tuổi trẻ bồng bột, mải chơi nên mắc nghiện. Dù đã có gia đình, con cái nhưng trước sự cám dỗ, giày vò của ma túy, anh không thể từ bỏ được.

Điều đó đã khiến vợ anh không chịu nổi phải ôm con bỏ đi. "Cho tới nay, tôi đã quên dần được ma túy, anh em trong đảo cũng động viên nhau rất nhiều để cùng cai nghiện, cùng làm lại từ đầu. Hy vọng khi trở về, tôi có thể nhận được sự tha thứ của vợ con mình", anh Thạnh tâm sự.

Và ở đảo Long Hội, cơ hội làm lại từ đầu không chỉ dành cho những người sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Phó giám đốc Trung tâm - anh Hà Biên Cương cho biết, ngoài những người cai nghiện bắt buộc như trước đây được gửi đến từ các huyện của tỉnh, nhiều người cai tự nguyện từ các tỉnh thành khác như Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang và thậm chí là Hà Nội cũng biết tiếng mà tìm đến nơi đây.

Điển hình như trường hợp anh Triệu Ngọc Minh (Việt Trì, Phú Thọ) đã ở trên đảo được 4 năm nay. Ở quê nhà đã không còn ai, anh Minh tìm đến đảo như một gia đình thứ hai, một nơi bấu víu và tìm lại chút hơi ấm tình người.

Anh Minh nói: "Anh em, cán bộ trên đảo như  gia đình thứ hai của tôi. Có những lần bị ốm, được các thầy chữa trị, chăm sóc và các anh em quan tâm hỏi han, kẹo bánh gì ngon lại chia sẻ với nhau. Những cử chỉ tình người ấy đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống".

Cũng theo anh Cương, trường hợp ở lại đảo lâu như anh Minh không hiếm, đã có những người sau khi cai nghiện thành công đã được giữ lại đảo làm cán bộ. Để họ có thể truyền lửa, truyền kinh nghiệm cho những người đến sau. Trường hợp như vậy ở lại lâu nhất cho đến nay cũng đã 14 năm.

Như anh Luân Chính Hữu từng là học viên của đảo, sau khi cai nghiện ở lại làm cán bộ được hơn chục năm, mới đây vừa chuyển sang làm tổ trưởng tổ bảo vệ của một doanh nghiệp nước ngoài.

Tại đảo Long Hội, ngoài việc cai nghiện, các học viên còn được dạy nghề sửa chữa điện, cơ khí để khi trở về xã hội sẽ dễ dàng thích nghi làm lại từ đầu hơn. Có nhiều trường hợp trở về cho tới nay đã hơn chục năm vẫn còn khỏe mạnh, không còn dính dáng gì đến tệ nạn xã hội, mở được doanh nghiệp riêng cho mình.

Những gian nhà dành cho các học viên trên đảo.

Mở tin nhắn cho chúng tôi xem, anh Cương cười và cho biết: "Có một học viên người Hà Nội, mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Sau khi trở về đã có cuộc sống ổn định và đã sinh con. Nhờ y học hiện đại mà cháu bé không bị lây nhiễm căn bệnh của bố mẹ. Nhiều năm nay, tết nào cậu ấy cũng nhắn tin chúc mừng tôi. Có lần cậu ấy gọi điện tâm sự với tôi rằng cậu ấy chỉ nhắn tin cho hai người vô cùng kính trọng, người đầu tiên là bố và tôi là người thứ hai".

Chỉ những tin nhắn ấy, những con người làm lại được cuộc đời ấy cũng đủ khiến cho anh Cương cùng các đồng nghiệp của mình trên đảo Long Hội thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm. Là một người từng bị phơi nhiễm trong lúc làm nhiệm vụ nhưng vị phó giám đốc này vẫn không hề nao núng, nản trí trước những khó khăn để đưa người nghiện thoát khỏi cái mà các anh gọi là căn bệnh.

Cho tới nay, gần 20 năm trôi qua, hàng ngàn lượt học viên được gửi đến rồi đi, nhiều người đã làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội nhưng cũng có những người không vượt qua được cám dỗ của cái chết trắng.

Đó là nỗi trăn trở của những cán bộ đang làm công tác cai nghiện như anh Cương, cũng như những lời chia sẻ thật lòng trước khi tạm biệt chúng tôi, anh nói: "Tôi chỉ mong một ngày, đảo Long Hội cũng như các trung tâm cai nghiện khác không còn một học viên nào. Đó cũng là ngày không còn ai mắc nghiện, không còn ai phải vật vã tìm con đường hoàn lương...".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.