Hoang phí những công trình tiền tỷ ở Phú Yên

Thứ Sáu, 19/04/2019, 16:38
Nằm giữa hai cung đường đèo Cả và đèo Cù Mông trên huyết mạch giao thông xuyên Việt, mặc dù hàng chục năm qua Phú Yên đã có nhiều đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, thế nhưng so với Bình Định, Khánh Hoà nối liền ở hai bên thì Phú Yên vẫn còn không ít khó khăn.


Lạ lùng thay, trên địa bàn này có một số công trình xây dựng tiền tỷ không được khai thác hiệu quả, thậm chí đã bị hoang phí từ nhiều năm qua.

1.Công trình đồ sộ nhất đã và đang bị bỏ hoang hơn 5 năm qua là Nhà khách Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn (HTNDNT) khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Công trình này tọa lạc trên khu đất 4,7ha nằm bên bãi biển với hai mặt tiền đường Độc Lập và Lê Duẩn thuộc địa bàn phường 9, TP Tuy Hoà.

Nhà khách Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, công trình 30 tỷ đồng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.

Với tổng kinh phí xây dựng hơn 30 tỷ đồng do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư, Nhà khách Chi nhánh Trung tâm HTNDNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên xây dựng từ năm 2005 và khánh thành cuối tháng 3-2011. Ngoài khối nhà dịch vụ lưu trú với quy mô xây dựng bốn tầng, còn có phòng hội thảo, phòng đào tạo tin học, câu lạc bộ... và khối nhà hai tầng là hội trường, nhà ăn tập thể.

Buổi sáng giữa tháng 4-2019, chúng tôi tìm đến Nhà khách Chi nhánh Trung tâm HTNDNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tìm hiểu thực tế. Do không gian thoáng đãng nên ở khoảng cách vài trăm mét đã nhìn thấy toà nhà đồ sộ, cổng chính đã đóng kín từ lâu với khung sắt gỉ sét nham nhở, bên dưới cổng là những mảnh vụn vỡ của sắt, lối đi vào là cổng phụ ở phía bên trái.

Sân bê tông rộng lớn phía trước toà nhà có thiết kế những khu trồng hoa nhưng cỏ dại đã mọc dày. Ngoài tấm biển đúc nổi dòng chữ "Nhà khách Chi nhánh Trung tâm HTNDNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên" ở phía trước tiền sảnh toà nhà đã rơi mất nhiều chữ, trên tường bên phải lối vào toà nhà có gắn tấm biển đá granit chạm khắc dòng chữ: "Công trình chào mừng 400 năm Phú Yên và năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ Phú Yên 2011. Chủ đầu tư: Hội Nông dân Việt Nam. Tháng 4 năm 2011".

Đi dạo một lượt từ khối nhà dịch vụ lưu trú 4 tầng đến hội trường, nhà ăn tập thể, phòng hội thảo… tất cả đều vắng lặng đến lạnh lùng. Vách tường bong tróc nham nhở, nhiều nơi nước mưa thẩm thấu qua sàn bê tông chảy từ trên xuống sau nhiều mùa mưa tạo nên nhưng vệt rêu phong loang lổ trên vách tường, toàn bộ lan can trên những ô cửa nhìn ra sân ở các tầng nhà cùng nhiều thiết bị trụ đèn trang trí, hộp điện, bình chữa cháy và hàng chục máy điều hoà cùng hệ thống thang máy đều… gỉ sét.

Bên trong các hạng mục công trình, nhiều lớp bụi bẩn xếp dày trên bàn ghế do lâu ngày không sử dụng, gần 40 phòng lưu trú đóng cửa từ lâu. Tìm kiếm, kêu gọi mãi mới thấy một nam nhân viên bảo vệ bước ra với gương mặt buồn tẻ.

Dò hỏi mới biết, từ nhiều năm qua chỉ có ông cùng hai nữ nhân viên kế toán và lễ tân "thường trực" tại Nhà khách Chi nhánh Trung tâm HTNDNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang hư hỏng, xuống cấp nhiều hạng mục.

Bên trong Nhà khách, nước mưa thẩm thấu qua sàn bên tông để lại nhiều vết rêu mốc nham nhở.

Tìm hiểu từ những nhân viên nêu trên, chúng tôi được biết khoảng một năm sau khi khánh thành nhà khách, vài ba tháng mới có một đoàn khách đến lưu trú, rồi cả năm có một, hai cuộc hội thảo, tập huấn. Và hơn 5 năm qua, nhà khách này gần như trong tình trạng bỏ hoang !

Khi nghe chúng tôi hỏi: "Nếu có một tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp nào đó đăng ký tổ chức hội thảo, tập huấn ở đây nhiều ngày với số lượng 100-150 người tham dự thì nhà khách có đảm nhiệm được không ?".

Một nữ nhân viên cho biết, hội trường, ghế ngồi, phòng lưu trú đảm bảo có đủ diện tích, số lượng để phục vụ. Tuy nhiên do nhà khách không được khai thác sử dụng nhiều năm nên muốn đón khách lưu trú, hội thảo cần phải tốn kém chi phí thuê người bên ngoài thu dọn vệ sinh, tẩy rửa bụi bẩn, xử lý môi trường, kiểm tra hệ thống điều hoà, điện thắp sáng, thuê thiết bị âm thanh, đèn chiếu, dịch vụ ăn uống…

Vì thế rất khó có thể phục vụ và khai thác hiệu quả nhà khách nếu như một năm chỉ có vài ba cuộc hội thảo, tập huấn và năm, bảy đoàn khách đến lưu trú.

Thêm một điều đáng nói là Nhà khách Chi nhánh Trung tâm HTNDNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên tọa lạc nơi biệt lập, gần khu rừng dương ven biển, nhưng cách xa khu dân cư, quán xá, nhà hàng ở nội thành Tuy Hoà nên cảnh quan vắng vẻ, đìu hiu.

Phía trước là bãi cát hoang sơ nhấp nhô với nhiều bụi cây dại, du khách lưu trú ra phía trước tắm biển cũng rất lo ngại vì sóng gió, dòng chảy biến đổi bất thường, bên ngoài mặt nước không có phao tiêu chỉ giới an toàn, trên bờ không có nhân viên cứu hộ chuyên trách…

Hơn thế nữa, từ vị trí nhà khách này đến một số khách sạn có hội trường để tổ chức hội thảo ở trung tâm nội thành Tuy Hoà chỉ hơn 3km… Đó cũng là những lý do khiến cho các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp và các đoàn khách không thể đến nơi vắng vẻ, đìu hiu để tổ chức hội thảo, tập huấn và lưu trú!

2.Rời TP Tuy Hoà, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Sông Hinh - nơi có công trình đầu tư tiền tỷ của ngành giáo dục bị hoang phí gần 10 năm qua. Đó là khu nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số Trường THPT Nguyễn Du ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, có tổng kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng.

Công trình này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009 có quy mô xây dựng ba tầng với 24 phòng chức năng khá khang trang thoáng mát, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho 150 học sinh. Thế nhưng, những năm đầu chỉ có 7 phòng được giáo viên và học sinh đăng ký lưu trú, 17 phòng còn lại bỏ hoang từ đó đến nay nên nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Hàng loạt cửa kính nứt vỡ, nhiều cánh cửa sổ rơi mất, tường nhà rêu mốc nham nhở, một số giường ngủ bằng gỗ thiết kế hai tầng cũng bị mục gãy, hệ thống điện thắp sáng hư hỏng, rác thải vứt bỏ nhếch nhác, sân vườn đã bị người dân chiếm dụng để… trồng mì.

Lý giải nguyên do khu nội trú học sinh bị hoang phí, ông Lương Công Tùng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: "Khu nội trú xây dựng cách xa trường học khoảng 2km, những năm đầu, con đường từ đó đến trường học gập ghềnh đất đá, một số ít học sinh có xe đạp vào khu nội trú, nhiều trường hợp còn lại thuê nhà trọ trong khu dân cư ở gần trường học.

Bên trong Nhà khách, nước mưa thẩm thấu qua sàn bên tông để lại nhiều vết rêu mốc nham nhở.

Đến năm học 2016-2017, hầu như học sinh không còn muốn ở nội trú nữa nên Ban giám hiệu nhà trường báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và được Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đồng ý chuyển giao khu nội trú cho UBND huyện Sông Hinh quản lý và sử dụng.

Trong khi đó, ông Đặng Đình Toại - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, dự kiến Trường THCS thị trấn Hai Riêng sẽ được chia tách thành hai trường học, nên chính quyền địa phương đồng ý tiếp nhận khu nội trú Trường THPT Nguyễn Du để chủ động cơ sở vật chất cho trường mới lập. Tuy nhiên, hiện khu nội trú Trường THPT Nguyễn Du vẫn trong tình trạng hoang phí.

3.Nằm bên QL1A qua địa phận thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, dự án "Khu trưng bày sản phẩm làng nghề" được đầu tư xây dựng trên diện tích 1ha với tổng dự toán 15 tỷ đồng. Theo thiết kế xây dựng 4 dãy nhà gồm 40 gian hàng giới thiệu, trưng bày và kinh doanh sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Phú Yên từ nước mắm, cá cơm khô cho đến bánh tráng, thúng chai… cùng với khu dịch vụ ăn uống giải khát, bãi trông giữ xe.

Và từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển làng nghề, dự án đã được đầu tư giai đoạn 1 gần 6 tỷ đồng để thi công san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện - nước, bãi đậu xe và 1 dãy nhà trưng bày thí điểm sản phẩm làng nghề gồm 8 gian hàng, mỗi gian 50m2.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013, UBND huyện Tuy An cũng đã khuyến khích người dân trưng bày, kinh doanh sản phẩm làng nghề khi miễn phí thuê mặt bằng 3 tháng đầu tiên, thế nhưng nhiều năm sau đó Khu trưng bày sản phẩm làng nghề đã phải đóng cửa, bỏ hoang. Trong khi mỗi tháng UBND  xã An Chấn phải chi trả 1 triệu đồng cho người quản lý, bảo vệ.

Do công trình lãng phí nên cuối tháng 5-2015, UBND huyện Tuy An ký hợp đồng với Công ty CP nhà hàng - khách sạn và du lịch An Phú thuê mặt bằng Khu trưng bày sản phẩm làng nghề để kinh doanh ăn uống giải khát.

Đã đến lúc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Phú Yên cần rà soát, kiểm tra và có giải pháp chuyển đổi, khai thác hiệu quả những công trình tiền tỷ đang bị hoang phí, thực hiện nghiêm túc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và Quyết định 2544/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.