Học giỏi áp lực và bi kịch

Thứ Năm, 30/06/2016, 16:08
Để học giỏi ở Việt Nam, ít nhiều bạn bị mất một chút tự do, và buộc phải là bản sao của ai đó và để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị nhào nặn méo mó, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ, vì thế bạn cần đi học để trưởng thành theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2 và họ chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề…

1. Một chiều đầu đông cách đây chừng chục năm, tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Bước vào phòng, tôi có cảm giác một điều gì đó bất thường đang diễn ra. Tôi gọi con gái nhưng không có tiếng đáp lại. Đèn chưa bật nên căn phòng nhá nhem và lạnh lẽo. Tôi gọi tên con lần nữa, vẫn lặng im.

Tôi lần từng bậc thang lên tầng 2, rồi tầng 3. Cửa phòng con gái khép hờ. Vừa hé cửa, tôi ho sặc sụa vì khói ngập phòng. Con gái tôi đang ngồi bất động, mái tóc dài buông xõa, hai tay nó đang xé những quyển truyện tranh rồi thả xuống đống lửa giữa phòng, từng tờ, từng tờ một và ánh lửa lập lòe in lên trần nhà. Tôi hốt hoảng nhảy bổ vào trong bế thốc con bé lên. Mặt nó đờ đẫn, không biểu lộ bất cứ một cảm giác gì.

Dập vội đám lửa và lau nhà xong, tôi lại gần cầm tay con.

- Có việc gì vậy, nói bố nghe nào.

- Con buồn quá. Bố cho con nghỉ học đi.

- Sao lại nghỉ học, nào, có gì kể cho bố nghe, bố con mình cùng giải quyết.

Con bé òa khóc. Tôi ôm nó vào lòng, xoa lên mái tóc nó. Khi tiếng nấc của nó nhỏ dần, nó mới nói:

- Con không thể theo học lớp này đâu. Ngày nào đi học con cũng thấy như là cực hình. Điểm kiểm tra toán của con luôn ở nhóm cuối lớp. Con xấu hổ lắm. Hay bố cho con chuyển lớp khác đi.

Một buổi thực hành của sinh viên Trường Đại học Y tế cộng đồng.

Năm đó, con tôi học lớp 6. Suốt 5 năm tiểu học, nó luôn được công nhận là học sinh giỏi toàn diện, đấy là chưa kể được đi thi chữ đẹp cấp quận, rồi thành phố. Vợ chồng tôi rất vui và luôn tự hào mỗi khi kể cho ai đó về con mình. Khi cháu vào trung học cơ sở, như phần nhiều bậc phụ huynh, chúng tôi quyết tâm chạy cho cháu vào một trường điểm và tất nhiên, mục đích cuối cùng là vào lớp chuyên. Để đạt mục đích đó, chúng tôi phải mất một khoản "phí" không nhỏ.

Con cái luôn là ước mơ của cha mẹ và ước mơ của tôi khi đó là sau này con sẽ trở thành bác sĩ hay dược sĩ. Để ước mơ thành hiện thực thì phải có lộ trình và đầu tư ngay từ bây giờ. Không cần biết con cái nghĩ gì, tôi quyết định cho cháu vào lớp chuyên Toán.

Thời gian đầu, mỗi lần đi học về, cháu thường líu ríu trong bữa cơm kể cho bố mẹ nghe những chuyện ở lớp khiến vợ chồng tôi thấy vui vui. Tôi luôn động viên cháu phải hết sức cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Nếu không đứng tốp đầu của lớp thì cũng phải ở tốp giữa. Thế rồi 2, 3 tháng sau, cháu học đuối dần, đuối dần. Dường như mọi sự nỗ lực của cháu đều không có kết quả. Cháu cũng giấu bố mẹ những điểm kém và trầm tính hơn trước đây.

- Vậy thế này, nếu con thấy không thể học lớp đó nữa, bố sẽ xin cho con chuyển lớp. Trong một tháng, bố sẽ trao đổi với thầy chủ nhiệm để có kế hoạch kèm cặp con riêng. Nếu kết quả vẫn không cải thiện thì con sẽ học lớp khác. Bố muốn con sống vui vẻ như trước và yên tâm là mọi việc của con, bố mẹ đều có cách giải quyết.

Sau một tháng, tôi buộc lòng phải chuyển con sang lớp khác. Cháu thấy thoải mái hẳn. Có vẻ như mọi áp lực của lớp chuyên Toán không đè nặng lên vai nó nữa. Cháu lại cười nói sau mỗi chiều đi học về.

Khi cháu thi đại học, chính cháu đã quyết định thi khối C và đỗ với điểm khá cao. Vậy đấy, chúng ta luôn kỳ vọng vào những đứa con mình, nhưng nó đáp ứng được hay không lại là một câu chuyện khác. Như một người chỉ bơi qua một cái ao, chúng ta lại yêu cầu họ phải vượt qua một khúc sông rộng. Đó là điều không tưởng vì trước sau họ  cũng hụt hơi, kiệt sức.

Nhớ lại câu chuyện trên để thấy rằng, nếu tôi khăng khăng vì sĩ diện bắt con theo học lớp chuyên Toán, rất có thể con tôi sẽ phải chịu một hậu quả còn kinh khủng hơn, đó là mắc bệnh trầm cảm. Nếu vậy, chắc chắn tôi sẽ ân hận suốt đời.

2. Mới đây, trên các trang mạng lan truyền một bài viết khiến nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm với nội dung: Những lý do "đừng" cố học giỏi ở Việt Nam. Thoạt đầu, ai cũng thấy vô lý bởi đã đi học, ai chẳng muốn học giỏi vì chỉ có học giỏi mới cho bạn cơ hội mở những cánh cửa hạnh phúc. Chỉ có học giỏi, bạn mới có thể đi bằng đôi chân của mình và chỉ có học giỏi, bạn mới tự chủ về tài chính và thoát khỏi vòng tay bao bọc của gia đình. Với các bạn trẻ ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn chồng chất, học giỏi là cơ hội lớn để thoát nghèo, đổi đời.

Những lý do "đừng" cố học giỏi đó là: Để học giỏi ở Việt Nam cần phải tốn quá nhiều thời gian cho việc học, học trên lớp, học ở nhà, học thêm, học phụ đạo; Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải "học đều", tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn và không xác định đâu là môn năng khiếu, môn trọng tâm; Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải hấp thụ rất nhiều kiến thức mà học xong không biết để làm gì? 

Để học giỏi ở Việt Nam, ít nhiều bạn bị mất một chút tự do, và buộc phải là bản sao của ai đó và để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị nhào nặn méo mó, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ, vì thế bạn cần đi học để trưởng thành theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2 và họ chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề…

Con trai bạn tôi chính là nạn nhân của bi kịch học giỏi đó. Suốt từ bé đến khi tốt nghiệp THPT, cháu luôn là người đứng đầu lớp. Cả bố mẹ và thầy cô giáo luôn mặc định cháu phải như vậy, vì trong lớp học không bạn nào xứng đáng hơn cháu. Nhiều lần cháu cùng bố mẹ đến nhà tôi liên hoan cuối tuần, cháu ăn vội ăn vàng rồi lại chúi mũi vào đọc sách, ghi chép điều gì đó ra một cuốn sổ nhỏ. Còn bố mẹ cháu, hẳn họ lấy làm hãnh diện khi đã tạo cho cháu thói quen này. 

Học tốt chưa đủ, các em cần rèn luyện thể chất để phát triển toàn diện.

Hơn một lần, tôi nhắc khéo bố mẹ cháu nên khuyến khích cháu tham gia các hoạt động thể chất hay lớp học kỹ năng để cân bằng cuộc sống nhưng bố mẹ cháu cho rằng điều đó không cần thiết, có khi cháu lại dại dột đua đòi theo bạn xấu, lúc đó hối cũng không kịp.

18 tuổi, cháu còi cọc như một thiếu niên với nước da xanh mái, kính cận dày cộp, hậu quả của hơn mười năm đèn sách. Nhìn cháu, nhiều lần tôi xót xa tự hỏi, phải chăng cháu đã bị mất tuổi thơ và nếu cháu tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ chót, các nhà tuyển dụng có nhận cháu không khi cháu có một ngoại hình yếu ớt như thế, một vẻ ngoài khiến người ta lo ngại và không thể đặt niềm tin.

3. GS Pierre Darriulat là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Cuối năm 1999, sau khi nghỉ hưu, GS Pierre Darriulat sang định cư ở Hà Nội cùng người vợ Việt Nam và tại nơi này, ông dành gần hết thời gian và công sức giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam.

Trong một bài phỏng vấn khi ông vinh dự được nhận giải thưởng "Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục" năm 2016 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (được trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực Giáo dục, Nghiên cứu văn hóa, Việt Nam học và Dịch thuật), ông thẳng thắn chia sẻ: Đại học của chúng ta được mô hình hóa như những đại học ở các nước phát triển cách đây 50 năm. Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích dân tộc. Rất nhiều sinh viên đại học phải lăng phí 4 - 5 năm quý giá nhất đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học.

Và như thế, học hành giỏi giang phỏng có ích gì khi nhồi nhét vào đầu những kiến thức lạc hậu, không phù hợp với xu thế hội nhập. Hơn lúc nào hết, cần sự thay đổi rất lớn về giáo dục để chúng ta vừa không lãng phí "nguyên khí" quốc gia, vừa tạo tiền đề xây dựng một xã hội văn minh, phồn vinh.

Nguyễn Tuấn
.
.
.