Học tiếng đồng bào, gần gũi với bản làng

Thứ Hai, 05/10/2020, 10:13
Chỉ sau một thời gian ngắn đưa cán bộ chiến sĩ Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, tình hình an ninh trật tự ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã có thay đổi tích cực.


Học tiếng đồng bào để phục vụ dân tốt hơn

Chúng tôi đến Công an xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, khi anh em đang bận rộn với công tác thu thập Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để kịp hoàn thành, làm báo cáo vào cuối tháng 9-2020 theo kế hoạch đề ra.

Trung tá Trần Quang Tuyến, Trưởng Công an xã Mà Cooih cho biết, xã Mà Cooih có diện tích hơn 181km2, trong khi dân số khoảng 2.500 người phần lớn là đồng bào Cơ Tu. Đây được xem là xã trọng điểm của huyện Đông Giang, tập trung 5 nhà máy thủy điện lớn, trong đó có thủy điện A Vương; 2 dự án du lịch đã và đang được xúc tiến triển khai gồm Khu du lịch sinh thái Cổng Trời, Khu du lịch Trường Sơn Sông Bung; có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua...

Công an xã Mà Cooih đến nhà trao đổi với anh A Lăng Trung về tình hình ANTT.

Xã Mà Cooih có khoảng 1.000 công nhân đến đăng ký tạm trú để làm việc tại các công trình quan trọng trên địa bàn. Do đó, công tác đảm bảo ANTT luôn được lãnh đạo huyện Đông Giang, Công an huyện Đông Giang và Công an xã Mà Cooih đặc biệt quan tâm.

Ngày 1-4-2020, bốn cán bộ Công an chính quy được bố trí về đảm nhận các chức danh Công an xã Mà Cooih, gồm 1 Trưởng Công an xã, 1 Phó Công an xã, 2 Công an viên. Để có nơi làm việc cho anh em, Công an huyện Đông Giang trưng dụng khu nhà làm việc của Đồn Công an bảo vệ dự án Nhà máy Thủy điện A Vương trước đây làm nơi làm việc, sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ.

Trung tá Trần Quang Tuyến cho biết ngay sau khi nhận địa bàn, anh em bắt tay ngay vào việc. Địa bàn rộng, dân cư thưa nên công việc khá vất vả. Ngay như việc thu thập dữ liệu dân cư, nếu ở các xã miền xuôi thì khá dễ dàng, nhưng ở đây, do phần lớn người dân là người dân tộc Cơ Tu nên gặp rất nhiều khó khăn do âm ngữ người Cơ Tu không có chữ viết chính nên việc xác định chính xác, đồng nhất họ, tên của người dân bằng ký tự la-tinh gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, đồng bào Cơ Tu ở địa phương còn có tình trạng thay đổi họ, ngày tháng năm sinh, thậm chí cùng một gia đình nhưng con lại có họ khác với bố mẹ cũng đã gây nhiều khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu.

Trung tá Trần Quang Tuyến, quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Cũng như nhiều cán bộ Công an đang công tác tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, do đã có thời gian dài công tác ở huyện Đông Giang nên Trung tá Trần Quang Tuyến đã tìm hiểu, học tập tiếng Cơ Tu địa phương và văn hóa của người Cơ Tu nên giúp ích rất nhiều cho Trung tá Tuyến khi về công tác tại xã Mà Cooih. Khi đã về cơ sở, tiếp xúc trực tiếp với đồng bào Cơ Tu hằng ngày, Trung tá Tuyến lại có dịp để trao dồi vốn tiếng Cơ Tu, văn hóa Cơ Tu của mình.

Để việc thu thập Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đạt hiệu quả cao, Công an xã Mà Cooih đã thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” nhằm tuyên truyền, vận động người dân hợp tác, chấp hành việc khai báo dữ liệu dân cư đúng quy định. Vì ban ngày người dân địa phương thường hay đi lên rẫy, lên rừng để sản xuất, tìm mật ong rừng… nên các cán bộ Công an xã Mà Cooih nhiều khi tranh thủ xuống nhà người dân vào buổi tối, khi đó mới có người ở nhà để thực hiện thu nhập dữ liệu dân cư nhằm đáp ứng tiến độ đề ra.

“Ở vùng núi này, công việc tuy không nhiều lắm, song chúng tôi phải thường xuyên gắn có với cơ sở, xuống các bản làng để thực hiện “3 cùng” với người dân, hướng dẫn hỗ trợ người dân thoát nghèo và củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Trung tá Trần Quang Tuyến tâm sự.

Những chuyển biến tích cực

Theo kế hoạch, cuối tháng 9-2020, Công an xã Mà Cooih được tăng cường thêm 1 đồng chí Công an chính quy để đảm bảo đủ quân số 5 cán bộ Công an xã theo quy định. Thời gian qua, Công an xã Mà Cooih đã tham mưu lãnh đạo xã Mà Cooih củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương; tranh thủ sự ủng hộ của các Tổ tự quản về công tác tuần tra bảo vệ rừng (gọi tắt là Tổ tự quản) để làm “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trung tá Trần Quang Tuyến xuống tận các gia đình người Cơ Tu để thu thập dữ liệu dân cư.

Xã Mà Cooih hiện có 3 thôn gồm A Roong, A Xờ, Cutchrun. Mỗi thôn đều có một Tổ tự quản với 14 thành viên. Nhiệm vụ chính của Tổ tự quản là tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các Tổ tự quản còn hỗ trợ Công an xã trong việc thực hiện công tác dân vận, thông báo tình hình mới phát sinh về ANTT cho Công an xã và đặc biệt là sẵn sàng hỗ trợ, tham gia tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng có hành vi khai thác lâm khoáng sản trái phép trên địa bàn và một số công việc khác khi Công an xã có yêu cầu.

Anh A Lăng Trung, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn A Xờ, chia sẻ rằng nhờ được đào tạo chính quy, bài bản nên từ ngày lực lượng Công an chính quy được đưa về đảm nhận các chức danh Công an xã, tình hình ANTT ở cơ sở có sự chuyển biến rõ rệt, không còn xảy ra tình trạng trộm cắp, mua bán trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng được Công an xã Mà Cooih giải quyết, hướng dẫn rất nhanh, gọn, đúng thủ tục cho người dân. Do đó người dân rất tin tưởng vào lực lượng Công an xã chính quy.

Công an xã Mà Cooih tổ chức tuần tra, đảm bảo ANTT.

“Chúng tôi rất chia sẻ những khó khăn, vất vả của Công an chính quy khi về xã nên các thành viên trong Tổ tự quản của thôn A Xờ luôn tình nguyện là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an xã trong việc giữ gìn ANTT ở địa phương. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ Công an xã khi có yêu cầu”, anh Trung tâm sự.

Trong mùa nắng nóng vừa qua, trên địa bàn xã Mà Cooih liên tiếp xảy ra 6 vụ cháy rừng quy mô lớn. Công an xã Mà Cooih đã huy động 3 Tổ tự quản trên địa bàn xã cùng tham gia với các lực lượng khác triển khai công tác dập lửa, khoanh vùng, không để đám cháy lan rộng. Thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát, Công an xã Mà Cooih lại xung kích tổ chức, huy động thành viên các Tổ tự quản trên địa bàn xã tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch… Tất cả những điều kể trên đã góp phần khẳng định vai trò của lực lượng Công an chính quy trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Viết Bằng, Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững; không xảy ra vụ trọng án nào. Có được kết quả đó một phần lớn nhờ vào vai trò của lực lượng Công an chính quy tại 10 xã trên địa bàn huyện.

Từ khi có Công an chính quy về xã, tình hình ANTT đã có chuyển biến rõ rệt ngay từ cơ sở. Trong thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7-2020, Công an các xã trên địa bàn huyện Đông Giang đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, thường xuyên bám bản, bám làng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Dịch bệnh tạm lắng, Công an các xã lại nỗ lực để thực hiện thu thập dữ liệu dân cư để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Mới đây, trước khi cơn bão số 5 đổ vào, lực lượng Công an xã đã triển khai bám các bản làng vận động, tuyên truyền, giúp đỡ người dân ứng phó với mưa bão. Dù điều kiện sinh hoạt, công tác ở địa phương còn nhiều thiếu thốn, song lực lượng Công an xã chính quy trên địa bàn huyện đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ngọc Thi
.
.
.