Hội nghị Vancouver giải quyết được gì?

Thứ Năm, 25/01/2018, 11:11
Một hội nghị quốc tế đã diễn ra tại Vancouver, Canada từ ngày 15 đến 17-1. Theo hai nước đồng chủ trì là Mỹ và Canada, hội nghị sẽ bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên hiện nay.


Tuy nhiên, với thành phần tham dự của hội nghị thiếu những nước có vai trò quan trọng như Nga và Trung Quốc, cộng với việc chương trình nghị sự của hội nghị còn chưa rõ ràng đã làm xuất hiện nhiều câu hỏi xung quanh hội nghị này…

Tạo liên minh chống Triều Tiên?

Các quan chức Canada và Mỹ cho biết cuộc họp thảo luận các biện pháp để đảm bảo thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp quốc (LHQ), bao gồm các bước đã được đồng ý vào tháng trước nhằm hạn chế hơn nữa việc Bình Nhưỡng tiếp cận với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, dầu thô và hàng công nghiệp. 

Brian Hook, Giám đốc Cơ quan hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay những người tham gia, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, sẽ tìm cách tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên và các biện pháp ngăn chặn các tàu chở hàng bị cấm vi phạm các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) được cho là người đề ra sáng kiến tổ chức hội nghị ở Vancouver.

Đánh giá về việc này, ông Brian Job, Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc tế thuộc Viện Liu, Đại học British Columbia của Canada đã nhận xét một cách gay gắt rằng, một chương trình nghị sự chung chung như vậy sẽ khiến người ta tự hỏi rằng hội nghị có thể đạt được kết quả gì ngoài việc tập hợp một liên minh chống Triều Tiên, chứ không phải tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Cuộc họp ở Vancouver chủ yếu tập hợp các quốc gia đã hỗ trợ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga - những nước ủng hộ miền Bắc trong chiến tranh Triều Tiên - sẽ không tham dự. Hàn Quốc và Mỹ vẫn còn đang chiến tranh với miền Bắc vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một vụ ngừng bắn, không phải là một hiệp định hòa bình.

Hạn chế vì thiếu Trung Quốc

Cuộc họp đã được thông báo sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất từ trước tới nay vào cuối tháng 11-2017, nhưng lại diễn ra giữa những dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang nới lỏng, ít nhất là tạm thời. Mới đây, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên trong 2 năm qua, và Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ gửi vận động viên đến Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng tới.

Trung Quốc, đồng minh chính của CHDCND Triều Tiên và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng, nhưng cũng kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với cuộc họp tại Vancouver như là một ví dụ về tư duy chiến tranh lạnh. Các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng cần phải giảm bớt căng thẳng.

Đặc phái viên của Trung Quốc về Triều Tiên Xuanyou, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix hôm 15-1, kêu gọi Mỹ nắm bắt cơ hội để tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên. 

Tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng cuộc họp tại Vancouver đã phản ánh mong muốn của Washington trong việc "nêu bật vai trò chi phối của họ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và làm tê liệt Trung Quốc và Nga. Nhưng cuộc họp có thể sẽ rất ít cơ hội thành công".

Các nhà ngoại giao cho rằng sự vắng mặt của Trung Quốc sẽ hạn chế những gì có thể đạt được, trong khi lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên không có dấu hiệu sẵn sàng tuân theo áp lực từ bỏ vũ khí mà ông cho là quan trọng cho sự sống còn của Bình Nhưỡng.

Nhiều lổ hổng

Nhà Trắng hôm 12-1 đã hoan nghênh tin tức nhập khẩu của CHDCND Triều Tiên vào tháng 12-2017 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, nhưng Tổng thống Donald Trump đã buộc Bắc Kinh phải cắt xuất khẩu dầu cho Triều Tiên. Eric Walsh, Đại sứ Canada tại Hàn Quốc, phát biểu trước một hội đồng tại Đại học British Columbia, rằng các biện pháp trừng phạt không đồng đều được áp dụng có nghĩa là "có rất nhiều khoảng trống".

Các quan chức Mỹ cho hay những người theo phái diều hâu trong chính quyền của Tổng thống Trump vẫn bi quan cho rằng việc nối lại liên lạc Bắc-Nam ở bán đảo Triều Tiên cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trong chính quyền Mỹ về việc xem xét nhiều hơn tới các lựa chọn quân sự, chẳng hạn như một cuộc tấn công dự định vào một địa điểm hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên, đã bị chựng lại trước Thế vận hội mùa Đông.

Theo ông Scott Snyder, Giám đốc Chương trình chính sách Mỹ-Hàn Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Washington, nếu Bình Nhưỡng thấy các biện pháp chế tài cứng rắn hơn việc phong tỏa, họ có thể giải thích đó là một hành động chiến tranh.

Canada muốn ghi điểm

Mặc dù còn nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau về hội nghị ở Vancouver, cũng cần phải khẳng định trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân lên cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, đàm phán là phương thức an toàn và tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng. Trông đợi kết quả hội nghị sẽ góp phần tăng cường các nỗ lực ngoại giao hướng tới việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Có tin tức cho rằng, chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề nghị người đồng cấp Canada Chrystia Freeland cung cấp địa điểm tổ chức Hội nghị quốc tế về Triều Tiên nhằm biến sự kiện này thành một hội nghị mang tính quốc tế nhiều hơn là theo định hướng của Mỹ. Điều này có nghĩa là Canada chỉ là nước cung cấp địa điểm, còn sáng kiến thực sự là của Mỹ, hay chính xác hơn là của Ngoại trưởng Rex Tillerson. 

Ông Brian Job cho rằng, Ngoại trưởng Rex Tillerson đang cố gắng ngăn chặn hoặc trì hoãn mọi nỗ lực của các thành phần diều hâu trong Nhà Trắng vẫn đang tranh cãi về viễn cảnh tấn công quân sự Triều Tiên.

Tuy nhiên, Canada cũng có nhiều lý do để cùng với Mỹ tổ chức một hội nghị quốc tế như vậy. Chính phủ Canada luôn có chính sách tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn thể hiện thái độ hợp tác đặc biệt với Mỹ trong bối cảnh các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn đang diễn ra.

Hơn nữa, việc chủ trì hội nghị sẽ giúp xóa bỏ quan điểm cho rằng Ottawa bỏ rơi khu vực Thái Bình Dương. Canada muốn cho thấy sau hàng thập kỷ thực thi chính sách tiếp nhận người nhập cư châu Á, họ đã xoay chuyển từ một quốc gia “Đại Tây Dương” thành “quốc gia Thái Bình Dương”.

Vĩnh Đông
.
.
.