Hồi sinh nhiều cuộc đời từng “chết đi sống lại” vì ma túy

Chủ Nhật, 24/12/2017, 07:47
Sau hơn 4 tháng Hà Nội thực hiện chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành các cơ sở cai nghiện ma túy, chúng tôi đã trở lại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, đóng trên địa bàn thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Cơ sở cai nghiện này nằm tách biệt trên một quả đồi của thôn Xuân Khanh.


Đến đây có cảm giác như một cơ quan công sở, "xanh - sạch - đẹp", cây cối um tùm, xanh mướt. Chúng tôi đã được gặp, được trò chuyện với nhiều học viên mà khi mới vào Cơ sở này, họ "thân tàn ma dại", chỉ muốn chết để tự giải thoát, nhưng sau một thời gian được đội ngũ cán bộ, giáo viên, y bác sỹ chăm sóc kiên trì, đúng phác đồ; lại được lao động, học nghề, được chăm lo đời sống tinh thần chu đáo, nhiều học viên như được "hồi sinh", tha thiết làm lại cuộc đời.

Khơi dậy tình cảm nhân bản

Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 là một trong số các trung tâm thực hiện mô hình mới chuyển đổi, thành cơ sở đa chức năng, cùng lúc thực hiện cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và điều trị đối tượng nghiện bằng Methadone…

Thầy Nguyễn Đại Yên đang giảng bài về kỹ năng sống cho các học viên.

Các khu nhà làm việc được thiết kế hợp lý, ngăn nắp, trật tự, xung quanh tràn ngập màu xanh của cây lá; có lúc mây mù còn sà xuống phủ kín nóc nhà. Vị trí địa lý như thế có thể nói là lý tưởng đối với một cơ sở cai nghiện. Lúc chúng tôi đến, học viên đi học văn hóa và xuống xưởng hết nên các khu nhà ở vắng vẻ, tĩnh lặng.

Chúng tôi được đến thăm "Khu thăm gặp qua đêm" - một sáng kiến của Ban Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 7, dành cho người thân, vợ chồng con cái của học viên đến thăm gặp. Nhiều học viên cho biết, từ khi có khu nhà này, họ rất vui, bớt cảm giác lẻ loi, cô đơn vì họ được chia sẻ, các buổi gặp gỡ không còn rơi vào tình cảnh chóng vánh, hết giờ nữa, họ tha hồ hàn huyên, tâm sự với người thân.

Cạnh "Khu thăm gặp qua đêm" còn có căng tin, cũng là một sáng kiến của Cơ sở cai nghiện này để mỗi khi thăm gặp, học viên và người thân có thể ăn bữa cơm, liên hoan, do cán bộ Cơ sở phục vụ. Tất nhiên, ngay cả ở Khu thăm gặp cũng như căng tin, đều có cán bộ của Cơ sở cai nghiện giám sát, đồng thời có camera theo dõi để ngăn chặn, phòng ngừa những biểu hiện tiêu cực…

Khu nhà ở của học viên cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện được bố trí riêng biệt, ngăn nắp và thoáng đãng. Trong căn phòng treo nhiều Giấy khen do Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 tặng những học viên tiến bộ, tích cực.

Ở đây đã thiết kế cả hệ thống nước sạch, nước uống tinh khiết cho học viên. Mùa hè nóng nực thì có đường ống phun sương làm mát phòng. Mùa đông, Cơ sở đã lắp đặt hệ thống bình nước nóng Thái dương năng cho học viên tắm trong giai đoạn cắt cơn, giải độc.

Cơ sở này còn có cả phòng thể thao, thể chất và phòng hát karaoke dành cho học viên sau một ngày lao động, làm việc ở xưởng. Khi chúng tôi đến thì có một nhóm học viên đang chơi bi - a. Gặp nhà báo, anh Nguyễn Anh H, trú tại Yên Phụ (Tây Hồ) không ngại ngần, sẵn sàng chia sẻ niềm vui sắp được về với gia đình.

Anh H cho biết, trước khi vào Cơ sở này, anh đã tự cai nhiều lần, đã từng xích chân tay vào giường, để cách ly bên ngoài, nhưng chỉ cần loáng thoáng nghe tiếng "đồng bọn" ngoài cửa là "nỗi thèm khát ma túy" lại trỗi dậy, và anh lại rút chân tay ra khỏi xích để trốn tìm ma túy. Sau bao năm cai không thành, trở thành gánh nặng và nỗi khổ tâm cho cả nhà, anh H đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Đến nay, anh đã vào Cơ sở cai nghiện số 7 được được 4 năm, trong đó có 2 năm cắt cơn, điều trị ổn định và 2 năm anh tham gia học nghề.

Hiện anh đã có nghề điện, nghề hàn nên anh không sợ bị lạc lõng khi trở về cộng đồng. Anh chia sẻ thêm, việc tự cai sẽ vô cùng khó, hiệu quả rất thấp, do đó, muốn cai nghiện thành công thì phải có cộng đồng hỗ trợ, phải có cơ quan tổ chức đứng ra giúp đỡ bằng phương pháp cai tích cực.

Cùng chơi bi - a với anh H, còn có anh Bùi Ngọc K, ở Hải Dương. Anh Ngọc K trông có chất nghệ sỹ, khuôn mặt thanh tú, tươi tắn và vóc dáng thư sinh. Khi chúng tôi hỏi thì anh cho biết mình là họa sĩ. Nhưng ma túy đã hủy hoại anh, hủy hoại cả những giấc mơ hội họa mà cả thời thanh xuân anh mơ ước, theo đuổi.

Anh Ngọc K cho biết, từ khi vào đây, được các y bác sỹ chăm sóc, điều trị theo đúng phác đồ, sức khỏe của anh cải thiện rõ rệt. Anh đã cắt được cơn, không còn cảm giác thèm ma túy. Những buổi sinh hoạt văn nghệ, thể thao đã khơi dậy trong anh ước mơ nghệ sỹ. Anh bảo với chúng tôi, sau này về nhà, anh sẽ lại đi vẽ, làm lại cuộc đời vì tuổi của anh khá nhiều, nếu lại sa chân vào ma túy thì khó có cơ hội để phục thiện.

Đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, chúng tôi được ghé thăm lớp học của thầy giáo Nguyễn Đại Yên, cán bộ Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng của Cơ sở cai nghiện số 7. Với tôi, đây là một tiết học đặc biệt. Lớp học chỉ có hơn 10 học viên, ở các lứa tuổi, người trẻ chưa đến 20 tuổi nhưng có người hơn 50 tuổi.

Bài học thầy Yên muốn chuyển tới các học viên là "Những giá trị sống cơ bản", trong đó, thầy Yên đã giảng cho những "học viên đặc biệt" 12 giá trị sống như: hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, trách nhiệm… Rồi thầy phát phiếu trắc nghiệm cho các học viên, để họ tự viết suy nghĩ của mình về một trong các giá trị đó.

Thầy Yên chia sẻ, học sinh của thầy đủ các trình độ, từ mù chữ đến lớp 1, 2, 3, tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp đại học, thậm chí có người trình độ sau đại học. Nhưng vì nghiện ma túy mà họ gần như quên hết các giá trị sống cơ bản, quên cách ứng xử tốt đẹp, trong đầu họ chỉ mong muốn làm sao có ma túy để thỏa cơn nghiện.

Vì thế, nhiệm vụ của thầy Yên là kiên trì khơi dậy những tình cảm, cảm xúc nhân bản tiềm ẩn trong họ bằng những bài học giúp học viên hình thành lối sống mới, thói quen mới để làm lại từ đầu, giúp họ biết từ chối lời mời sử dụng ma túy, trang bị cho họ kỹ năng đối phó với cơn thèm nhớ; đồng thời các chuyên đề còn giúp cho học viên có kỹ năng tìm kiếm việc làm, biết quản lý thời gian và biết kiềm chế cơn nóng giận.

Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho học viên sau cai

Cũng giống như nhiều cơ sở cai nghiện ma túy khác, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 rất chú trọng đến công tác dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất cho học viên. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 - ông Vũ Văn Trí cho chúng tôi biết, từ năm 2002 - 2016, tổng số người được dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, trị liệu là 11.342, trong đó, tổng số người được học nghề và cấp chứng chỉ nghề là 1.975. Riêng trong năm 2017, Cơ sở đã dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho 793 người. Cơ sở đã liên kết với các đối tác và tìm kiếm việc làm phù hợp cho học viên.

Các học viên được học nghề điện, nhiều người đã trở thành thợ lành nghề sau khi trở về cộng đồng.

Đặc biệt, đơn vị còn tổ chức lao động sản xuất, gia công sản phẩm, hàng hóa cho các xưởng hoạt động đảm bảo. Việc này được duy trì, tạo việc làm ổn định cho học viên sau cai có mức thu nhập bình quân từ 720.000 - 800.000 đồng/tháng (có học viên sau cai có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng), góp phần đáng kể nâng cao đời sống sinh hoạt cho người sau cai tại cơ sở. Tại xưởng hàn, xưởng lò rèn, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh các học viên bê những tấm cửa sắt do họ tự hàn đưa lên ôtô để chở đến đối tác. Còn tại xưởng thực hành nghề, sửa chữa xe máy, các học viên như những người thợ lành nghề mải miết làm cực cầu dao điện để cung ứng cho doanh nghiệp.

Học viên Trần Đ cho biết, có thêm thu nhập thì cũng rất tốt, nhưng điều quan trọng lao động giúp họ nhanh hồi phục sức khỏe, không nghĩ đến ma túy. Vì Cơ sở cai nghiện số 7 tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho học viên mà đời sống sinh hoạt của học viên tại đây được cải thiện rõ rệt.

Nói về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Giám đốc Vũ Văn Trí cho biết, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 đặc biệt chú trọng mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo không xảy ra "thẩm lậu" ma túy; tuyệt đối không có tình trạng học viên bỏ trốn tập thể.

Cơ sở thường xuyên phối hợp giao ban an ninh cụm với các đơn vị trên địa bàn, nhằm tăng cường lực lượng hỗ trợ khi có tình huống xấu xảy ra. Thành lập Tổ kiểm tra an toàn lao động, hàng tuần đi kiểm tra giám sát toàn diện vị trí lao động trong đơn vị để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn cho cán bộ và học viên.

Còn theo đánh giá của ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội thì "những hiệu quả trong cai nghiện của Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 rất đáng ghi nhận, nhưng chưa nhiều người biết, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên", góp phần chuyển dịch tích cực tỉ lệ giữa người cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Nếu như trước đây, số lượng người cai nghiện bắt buộc - cai nghiện tự nguyện là 90% - 10%, thì hiện nay "cơ cấu" này chuyển dịch thành 30% - 70%.

Việc chuyển đổi mô hình cai nghiện được Hà Nội thực hiện cả về nội dung và hình thức (hiện Hà Nội có 7 Cơ sở cai nghiện sau khi chuyển đổi - PV) và "những điều mà các bạn quan sát, mắt thấy tai nghe tại đây cho thấy không khí làm việc cởi mở, thân thiện, đời sống của học viên được quan tâm, công tác chăm sóc y tế, giáo dục được thực hiện tốt. Người nghiện đã có nhận thức tích cực về các Cơ sở cai nghiện".

Theo ông Thức, việc chuyển dịch tỉ lệ giữa người cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện còn tạo ra hiệu quả kinh tế; khi số lượng học viên cai nghiện tự nguyện tăng lên thì kinh phí Nhà nước đầu tư cho cai nghiện bắt buộc sẽ giảm bớt gánh nặng.

Nói về những khó khăn thách thức, ông Vũ Văn Trí, Giám đốc Trung tâm cai nghiện số 7 chia sẻ, tại đây có tới 70 - 80% học viên có tiền án, tiền sự, trong đó phần lớn có thái độ bất hợp tác trong học tập, lao động. Đa số học viên cai nghiện sử dụng ma túy tổng hợp nên giai đoạn cắt cơn, giải độc rất khó khăn, thời gian cắt cơn kéo dài, chi phí thuốc điều trị tốn kém.

Học viên phần lớn nghiện ma túy lâu năm, nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu và số học viên nhiễm HIV, lao phổi cũng nhiều, dẫn đến trong đơn vị có 10 cán bộ bị lây chéo bệnh lao phổi từ học viên. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, vì yêu công việc mà các cán bộ của Cơ sở vẫn bám công việc, luôn thân thiện, cởi mở để rút ngắn khoảng cách với học viên.

Ông Vũ Văn Trí kiến nghị, chúng ta phải tiếp tục truyền thông có hiệu quả về tệ nạn ma túy, lợi ích của công tác cai nghiện và bộ, ngành cần quyết liệt trong thực hiện cai nghiện ma túy; bổ sung kinh phí cho những cơ sở cai nghiện đã xuống cấp.

Về tiêu chí đánh giá tỷ lệ tái nghiện, theo ông Trí nên thống nhất tiêu chí để đánh giá cho chính xác; đồng thời phải xem xét nghiêm túc hiệu quả của công tác cai nghiện tại cộng đồng, đặc biệt là những nơi còn thiếu cán bộ, không có trụ sở, thiếu thuốc men. Ông Vũ Văn Trí cũng kiến nghị xem xét lại phác đồ điều trị Methadone, vì hiện Methadone chỉ phù hợp với đối tượng sử dụng heroin, trong khi đối tượng nghiện ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng - lại không dùng được Methadone…

Thu Phương
.
.
.