Hồn Việt trong Tết

Thứ Sáu, 16/02/2018, 01:00
Mấy năm gần đây cứ sắp Tết lại rộ lên vấn đề giữ nguyên hay bỏ Tết Nguyên đán. Một số người trong đó có cả giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nêu quan điểm muốn chuyển Tết ta sang Tết tây, ăn Tết dương lịch như người Nhật đã làm. Nhưng việc bỏ Tết ta thực sự có dễ như vậy, khi Tết bao đời nay đã trở thành một giá trị văn hóa cổ truyền ăn sâu bén rễ trong tâm hồn người Việt.


Tết là một phần quan trọng, thiêng liêng trong đời sống tâm linh người Việt. Là dịp để những người thân yêu được gặp nhau, đoàn viên, yêu thương, nhắc nhớ. Tết cũng là thời điểm để tưởng nhớ ông bà tổ tiên nguồn cội.

Một số người nêu quan điểm, gộp Tết tây vào Tết ta cho đỡ tốn thời gian, vì hai kỳ nghỉ gần nhau quá. Bỏ Tết ta sẽ bỏ được những hệ lụy về tâm lý nghỉ ngơi xả hơi ăn chơi hết tháng Giêng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, sẽ giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, bớt đi tệ nạn cờ bạc đầu năm, giảm tỷ lệ tiêu thụ rượu bia... 

Nhưng nghĩ như vậy liệu có công bằng không, hay chúng ta đang viện cớ về sự thiếu ý thức của mình để đổ lỗi lên truyền thống? Cơ sở nào để nói rằng tỷ lệ giao thông sẽ giảm, tỷ lệ người uống rượu bia sẽ giảm, tỷ lệ người chơi cờ đánh bạc đầu năm sẽ giảm khi chúng ta bỏ Tết? Giả sử chúng ta bỏ Tết, nhưng vẫn những con người đó, vẫn ý thức đó, liệu các thói hư tật xấu kia có mất đi không?

Ảnh minh họa.

Vậy ở đây, câu chuyện phải bắt đầu từ ý thức con người, không phải tại Tết.

Vì sao chúng ta sợ Tết?

Chúng ta đang "dồn" lên vai Tết những gánh nặng mà bản thân ý nghĩa Tết không phải như vậy. Những biến thái của kinh tế thị trường như biếu xén, quà cáp, chạy chọt lên chức lên quyền nhân dịp Tết đã khiến cho Tết trở thành nỗi ám ảnh, trở thành gánh nặng của không ít người. Bao nhiêu cái xấu xí đó, xét cho cùng, từ ý thức của con người mà nảy sinh, không phải do Tết. 

Con người đang khoác lên Tết quá nhiều thứ liên quan đến hình thức, là dịp để “khoe khoang” các giá trị vật chất hơn là nuôi nấng những cảm xúc đẹp từ bên trong. Phải thế chăng mà người ta thấy mệt mỏi khi Tết về. 

Sự no đủ về vật chất, cùng với sự góp mặt của công nghệ tiện dụng đã khiến cho những gắn kết gia đình cộng đồng ngày càng lỏng lẻo, khiến cho nhiều người cảm thấy Tết đang nhạt đi. Tết vẫn luôn là Tết, chắc là không nhạt đi đâu, nếu nhạt thì có chăng là lòng người đang nhạt.

Bàn câu chuyện bỏ Tết có nghĩa là bàn một câu chuyện liên quan đến văn hóa. Nó không giống với việc ta bỏ đi một tấm áo cũ. Nó là câu chuyện liên quan đến tâm hồn, trái tim, tâm linh của hàng triệu người Việt. Người ta không thể gắn Tết với bàn thờ gia tiên, lòng biết ơn tiên tổ, cội nguồn. 

Nếu bỏ Tết, chúng ta đang đứng trước một phép thử về lòng người, lòng biết ơn dành cho tổ tiên mình. Tình cảm đó từ lâu đã nằm sâu trong thương nhớ, trong máu, trong gen của mỗi người Việt. Chúng ta bỏ đi một giá trị cao quý, nhân văn như vậy, kinh tế giàu lên thật hay không chưa dám bàn, chỉ thấy nhỡn tiền là tâm hồn mỗi chúng ta sẽ nghèo đi, trống rỗng đi rất nhiều.

Ảnh minh họa.

Trên mạng xã hội và trên truyền thông, một số ý kiến lập luận cho rằng, có gì quan trọng đâu, chuyển Tết ta lên Tết tây, gộp hai Tết làm một chỉ là sự thay đổi, dịch chuyển về mặt thời gian, còn mọi thứ liên quan đến Tết vẫn như cũ. Nghĩa là vẫn có hoa đào, hoa mai, bánh chưng, lì xì... 

Hoa đào thì Tết dương lịch theo tiết trời là chưa nở. Người ta nói sẽ có cách làm cho hoa đào nở đúng vào thời điểm mong muốn, bằng cách trồng hoa trong những ngôi nhà có lắp máy điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ. Thậm chí người ta có thể dùng hóa chất hay một loại thuốc nào đó để ép cho hoa nở. Nhưng chắc chắn hoa đào nở ép đó sẽ khác với hoa đào nở đúng với tiết trời mà thiên nhiên ban tặng. 

Bánh chưng có thể gói và ăn quanh năm, nhưng ngọn lửa dưới nồi bánh chưng trong bất kỳ một ngày nào khác sẽ không thể mang theo cái háo hức, phập phồng, chờ đợi như ngọn lửa dưới nồi bánh chưng đêm 30 Tết âm lịch. Và một điều quan trọng hơn ở đây, là tâm - thế - Tết trong mỗi người dân Việt. 

Tâm thế ấy phải là của những ngày cuối cùng tháng Chạp, những giây phút cùng tận của một năm âm lịch sắp qua. Tâm thế ấy phải là của phút giao thừa linh thiêng, khi năm âm lịch cũ hoàn toàn đã ở lại phía sau và phút giây đầu tiên của một năm âm lịch mới chạm vào trời đất, chạm vào cánh cửa từng ngôi nhà, chạm vào trái tim, tâm hồn của mỗi người. Những thời khắc tuyệt vời đó, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, ăn sâu trong cội rễ của người Việt liệu chúng ta có thể thay đổi, dịch chuyển?

Chúng ta đang sống trong một đời sống công nghiệp sùng bái tốc độ. Cái gì cũng muốn nhanh gọn, giản tiện. Nhưng đừng nên ứng xử với văn hóa bằng tư duy nhanh gọn, giản tiện đó. Đừng nên công nghiệp hóa Tết. Đừng cố để giống các nước phương Tây về mặt văn hóa. 

Chúng ta dù còn nghèo về kinh tế nhưng tự hào có một nền văn hóa giàu có, đậm đà bản sắc để kể với thế giới. Và Tết là một câu chuyện đặc biệt trong văn hóa Việt Nam mà bạn bè quốc tế muốn được nghe, được khám phá... Văn hóa chưa bao giờ là câu chuyện đi sau. Văn hóa là nền tảng, là chỗ dựa cho phát triển kinh tế, điều này không ai là không hiểu.

Thiết nghĩ, càng sống trong tốc độ, mỗi người càng cần những phút giây sống chậm. Tết chính là thời điểm để chúng ta được sống chậm, và sống chậm một cách cực kỳ ý nghĩa. Nếu cần thay đổi, hãy thay đổi những thói quen xấu, những thói quen thiếu văn minh không phù hợp để trả lại cho Tết ý nghĩa tinh thần thiêng liêng vốn có. Khi tấm áo đẹp, bữa cỗ không còn quan trọng nữa vì đời sống vật chất đầy đủ lên, thì Tết vẫn còn nguyên đó ý nghĩa tình thân, kết nối các thành viên trong gia đình, kết nối cộng đồng, lan tỏa sức mạnh truyền thống.

Với hàng triệu người Việt phải đi làm ăn xa, rời quê nhà ra thành phố, Tết là để về nhà. Tết bù đắp cho họ cảm giác trống vắng, thiếu thốn trong tâm hồn mà 360 ngày của một năm đã qua vì mưu sinh phải chịu đựng. Trẻ con mong Tết để cảm nhận một giá trị văn hóa truyền thống tổ tiên ông bà để lại, để học lấy những bài học sâu sắc về phận sự của mình với cha mẹ, ông bà, với quê hương, đất nước. Người già đợi Tết để được hưởng niềm vui ấm áp tình thân. 

Người Việt không còn Tết, có thể sẽ phải gánh chịu một mất mát lớn trong tâm hồn, mà vì nhân danh phát triển kinh tế họ đã bỏ đi vội vàng. Giống như không ít người Nhật giờ đây đã thấm thía điều đó. Nhiều người Nhật khi được hỏi đều nói rằng họ muốn dân tộc mình quay lại những ngày của năm xưa, khi còn Tết, để hưởng những cảm xúc thiêng liêng đặc biệt mà Tết dương lịch không thể mang lại cho họ. Nhưng họ đã không thể quay trở lại. Vì một khi đã mất đi giá trị trị văn hóa nào đó thì vĩnh viễn không lấy lại được.

Hãy bình tĩnh với những thay đổi văn hóa, không phải lúc nào đi nhanh cũng tốt. Vì văn hóa là các giá trị kết tinh lâu đời mới có được. Mỗi người Việt chúng ta trước thềm năm mới đều mong mỏi những vận hội mới để đất nước giàu mạnh lên, nhưng đồng thời cũng không để mất đi các giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Minh Minh
.
.
.