Hơn nửa thế kỷ sống trong sợ hãi

Thứ Hai, 22/04/2013, 10:03

66 năm, một đời người có thể sống, nếm trải trọn vẹn mọi thứ. Nhưng với bà Diệp Thị Hoặc, ngần ấy thời gian là những ký ức đau thương ngất trời.

Chưa một ngày nào bà thôi ám ảnh bởi cái ngày khủng khiếp nhất đã xảy ra tại ấp Cầu Hòa (Xã Phong Nẫm - Giồng Trôm - Bến Tre) mà bà đã tận mắt chứng kiến. 286 sinh mạng toàn phụ nữ và trẻ em đã chết thảm dưới họng súng khát máu do tên Tây lai Leon Leroy ra lệnh tàn sát.

Buổi sáng đẫm máu

Cầu Hòa ngày nay là một thảm dừa xanh ngát ngày đêm rì rào gọi gió gieo mát lành cho những con dân "chân lấm tay bùn". Những con đường nhựa liên xã liên ấp chạy dọc ngang vào tận cổng nhà dân. Cuộc sống của bà con tuy không giàu có nhưng có phần no đủ. Mọi thứ đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng dấu tích của cái ngày cách nay tròn 66 năm dường như vẫn chạm vào tâm khảm của bất cứ ai đã từng đặt chân tới vùng đất này.

Hình tượng chiếc bia căm thù sừng sững ngay ngã tư đường. Thời gian đã làm màu sơn hoen ố, chữ khắc nhòe đi nhưng toàn bộ hiện trạng thì vẫn còn. Nó còn để mãi mãi khắc dấu một ngày tang thương nơi xóm nhỏ, cái ngày vành khăn tang phủ trắng khắp nơi, tiếng khóc thấu trời xanh.

Ngay sau bia căm thù là một khu di tích tưởng niệm những nạn nhân. Hình tượng vành khăn tang được tạc ngay trước khu tưởng niệm để thấy rằng, nơi đây sự tang thương chưa bao giờ là tận cùng.

Ông Phạm Hoàng Em, người bảo vệ duy nhất ở khu di tích giới thiệu sơ lược cho chúng tôi nghe về cuộc thảm sát. Những nấm mồ chôn tập thể, những cái chum cái vại cháy sém nham nhở, sứt mẻ lỗ chỗ đã tái hiện lại buổi sáng cái ngày kinh hoàng của 66 năm về trước.

Vào lúc 5 giờ sáng 10/1/1947 (tức ngày 19 tháng chạp năm Bính Tuất), hai trung đội lính lê dương do tên thiếu úy tây lai Leon Leroy chỉ huy bằng đường sông từ An Hóa theo kênh Chẹt Sậy đổ bộ lên ấp Cầu Hòa và ấp Nhì càn quét.

Không tìm ra được chứng tích nào của Việt Minh, chúng điên tiết quay ra lùng sục tất cả những con người đang sinh sống trong ấp mà đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em bắn giết vô tội vạ. Tổng cộng 286 người thiệt mạng. Giết người xong, chúng quay ra giết chó mèo, heo gà rồi đốt toàn bộ hơn 100 ngôi nhà trong ấp.

Ký ức khủng khiếp của nhân chứng cuối cùng

Trong ký ức kinh hoàng với một đứa trẻ lên 7 tuổi có thể sẽ quên đi nhiều thứ nhưng chưa một ngày nào bà Diệp Thị Hoặc không thôi ám ảnh về ngày khủng khiếp năm xưa. Người ta bảo bà may mắn nhất, số bà cao, còn bà thì cho đó là một điều khủng khiếp nhất trên đời. Ông trời bắt bà phải sống để chứng kiến cái chết thê thảm của những người thân.

Bà đã từng chạy trốn khỏi vùng quê ấy để không phải ám ảnh mỗi khi đi qua. Nhưng rồi bà vẫn quay lại, vẫn phải sống suốt cuộc đời bên cạnh những nấm mồ chôn tập thể. Bà khóc đến héo cả mắt, đau đớn đến tiều tụy khi lúc nào cũng bị cảnh tượng hãi hùng năm xưa ám ảnh.

Bà kể trong những hàng nước mắt tức tưởi: "Sáng hôm ấy, khi nghe thấy tiếng súng ngoài đầu kênh Chẹt Sậy, mẹ bế ba chị em tôi chạy sang nhà bà ngoại cách đó chừng vài trăm mét để trốn. Khi vừa tới nơi thì nghe thấy phía sau tiếng súng nổ kèm theo tiếng hét thất thanh của mấy bà mẹ. Lửa bắt đầu cháy ngùn ngụt ở những căn nhà gần đó. Bà ngoại và mấy mẹ con tôi vội chạy ra đống bông vải phía sau nhà lấy bông đắp lên.

Khi giặc vào nhà, chúng không thấy người đâu, tính bỏ đi thì bất ngờ đứa em út của tôi lúc ấy mới 6 tháng tuổi khóc sặc sụa do ngậm bông vải vào miệng. Bọn lính nghe thấy tiếng khóc liền nhào tới. Một tràng đạn chát chúa bên tai, tôi nghe thấy một tiếng hét to của mẹ rồi im lặng. Lia xong tràng đạn, chúng bắn chết một con chó, và mấy con gà mái nữa rồi mới bỏ đi.

Nằm trong đống bông, tôi thấy ướt hết chiếc áo trắng đang mặc trên người. Tôi vùng ra khỏi thì toàn thân ướt sũng máu, tôi vừa khóc vừa sờ nắn khắp người xem có trúng đạn không. Tôi chạy đến lay bà ngoại, lay mẹ nhưng tất cả đều im lặng. Máu me vương tung tóe khắp mặt. Nhìn thấy chân đứa em vẫn nằm gọn trong bụng mẹ, tôi lôi em ra, cứ ngỡ em chỉ ngất thôi nên tôi cố sức vỗ về, vỗ mãi, em vẫn nhắm nghiền hai mắt, bất động.

Vừa lúc ấy cậu tôi chạy vào, thấy tôi bế em, cậu vừa khóc vừa nói: "Em chết rồi Hoặc ơi". Hóa ra em tôi chết ngạt do mẹ tôi ôm thật chặt để cố gắng bảo vệ. Còn đứa em áp út cũng chết trong tư thế nằm ngửa do trúng đạn. Không hiểu sao tôi không bị trúng đạn, có lẽ do lúc ấy tôi mặc đồ trắng cùng với màu của đám bông vải".

Kể đến đây, bà Hoặc khóc nấc lên. Bà lấy tay quệt nhanh hai dòng nước mắt không ngừng chảy. Chúng tôi thật sự thấy có lỗi với bà vì đã vô tình gợi lại chuyện đau buồn này.

Ông Phạm Hoàng Em cho biết: "Tội bà lắm, như thế này là bà còn khóc ít đấy. Hằng năm cứ đến ngày giỗ tập thể, bà lại quỳ xuống dưới phần mộ chôn tập thể vật vã gào khóc thật đớn đau. Câu chuyện kinh hoàng quá, như chúng tôi không chứng kiến chỉ có nghe kể thôi đã thấy chịu không nổi rồi huống hồ bà Hoặc là người trong cuộc, bà chứng kiến tất cả".

Một lúc lâu khi đã lấy lại bình tĩnh, bà Hoặc kể tiếp: "Khi bọn giặc vừa rút khỏi, cha tôi và các chú chạy về. Ông về nhà trước, thấy cảnh bà nội tôi nằm sõng soài giữa cửa nhà bên vũng máu, ông ôm mẹ đi chôn. Và ông cũng chỉ làm được một việc đó, khi tới chỗ mẹ, hai em và bà ngoại của tôi thì ông đã mềm nhũn người lại. Ở những căn nhà kế cận, các cô dì, chị em của tôi đều chết hết. Ông không đủ sức đưa họ đi chôn nữa và công việc này phải nhờ đến những người hàng xóm từ ấp bên kia qua giúp".

Ngày ấy, toàn bộ người thân trong gia đình bà Hoặc được chôn cùng một mộ. Nhân dân các ấp lân cận kéo đến phụ giúp việc chôn cất các thi thể. Chăn màn, vải vóc đều rũ hết để cuốn người chết. Máu đỏ chảy thành vũng, mùi tanh phủ trùm khắp nơi. Những tiếng khóc yếu ớt còn lại cứ âm ỉ rên đều, chưa bao giờ, cảnh tưởng chết chóc lại tan hoang đến rợn ngợp như vậy. Công việc chôn cất thi thể nạn nhân xong, những người còn sống sót cũng lặng lẽ rời khỏi ấp Cầu Hòa. Lý do đơn giản, họ sợ bọn lính khát máu sẽ còn quay lại nữa.

Diệp Thị Hoặc theo cha chạy về Ba Tri tá túc nhà người quen. Mãi đến hơn hai năm sau, bà mới dám quay trở lại nhưng cũng chỉ đảo qua rồi lại đi. Vùng Cầu Hòa trở nên hoang lạnh, cỏ cây mọc xanh um tùm. Không khí u ám còn nặng nề và từ đó cho tới tận ngày Pháp rút (1954), nhân dân ấp Cầu Hòa mới bắt đầu quay về, dựng lại nhà cửa bắt đầu lại cuộc sống mới.

Chân dung sát thủ mang hai dòng máu

Tư liệu lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lộc Thuận của Đảng ủy xã Lộc Thuận (Bình Đại - Bến Tre) công bố năm 2004 cho thấy: Leon Lenoy sinh năm 1920 tại làng Bình Đại (Bến Tre ngày nay). Y là kết quả của cuộc hôn phối giữa tên lính gốc Pháp Phile Leroy và bà Võ Thị Khánh.

Chân dung gã tây lai Leon Leroy.

Sau khi mãn hạn đi lính tại chiến trường Đông Dương, y quyết định ở lại lập nghiệp ngay trên mảnh đất Bình Đại. Leon Leroy con sinh ra nhanh chóng theo dòng dõi binh nghiệp của cha. Sau khi học xong tú tài, Leon Leroy quyết định đầu quân cho quốc mẫu.

Từ đây, ý tưởng trở thành tướng và khát vọng quyền lực hình thành trong đầu cậu ấm tây lai này. Việc gieo rắc tội ác khủng khiếp của hắn thực sự bắt đầu khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.

Đầu 2/1945, Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch tái chiếm An Hóa mà trước đó từng thất bại. Tài liệu lịch sử địa phương từng ghi chép: Thực dân Pháp dùng máy bay chiến đấu bắn rát mặt dọc theo sông Ba Lai và sông Cửa Đại nhằm chia cắt tuyến giao thông đường thủy của ta.

Đội quân khát máu được tung vào các ấp chiến lược nhằm tìm diệt các cơ sở cách mạng, móc nối với các tay sai đang ẩn mình trong dân, phát triển tâm lý chiến bằng cách tung tin đồn thất thiệt, tạo ra những mâu thuẫn để Leon Leroy có cớ thực hiện những cuộc tấn công vào những khu vực trọng yếu tàn sát và bắt bớ những người bị tình nghi là Việt Minh.

Sau khi chiếm xong Bến Tre và cù lao An Hóa, Leon Leroy tiếp tục được trọng dụng giữ chức Đại lý hành chánh tạm thời tại cù lao An Hóa. Tại đây, hắn ra sức lộng quyền, sục sôi tìm kiếm cơ sở cách mạng của ta ở khắp nơi để tiêu diệt. Để hiện thực hóa kế hoạch, hắn ra lệnh cho quân lính mở những cuộc càn quét, đốt phá, tàn sát tập thể không thương tiếc.

Với chiến tích "tắm máu" của mình, tháng 7/1947, Leon Leroy được giữ chức quận trưởng An Hóa. Từ đây, nhân dân Bến Tre liên tục phải chứng kiến sự điên cuồng bắn giết và đỉnh cao là sự kiện thảm sát 286 sinh mạng vô tội tại ấp Cầu Hòa.

''Đỉnh cao quyền lực'' của Leon Leroy không được ghi nhận bằng những cuộc tàn sát mà y gây ra. Trong con người y mãi mãi cũng chỉ là tâm địa hung hãn của một tên tiểu giang hồ hăng máu, hiếu chiến, tên tay sai vô hồn của chủ nghĩa thực dân cũ.

Nỗi đau quá lớn, mãi mãi không thể xóa được, chỉ có trách nhiệm của những người đang sống của thế hệ sau với người dân ấp Cầu Hòa mới góp phần an ủi linh hồn những nạn nhân của kẻ thù cách đây 66 năm.

Ngày giỗ hội tang thương

Ngày 19/1/2001, Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho khu di tích Cầu Hòa.

Ngày 19 tháng chạp đã ghi vào lịch sử là ngày giỗ hội hằng năm của người dân ấp 4 (Cầu Hòa), ấp 2 (Kinh Cũ).

65 hộ bị thảm sát trong đó gia đình nhiều nhất là 17 người và nhiều gia đình đã bị xóa sổ.

Ông Phạm Hoàng Em: Nỗi lo "Chiếc lá cuối cùng" 

Ông Phạm Hoàng Em chỉ sơ đồ vụ thảm sát.

"Những nhân chứng hiếm hoi thoát nạn đã lần lượt về với tổ tiên. Vì thế, bà Diệp Thị Hoặc hiện nay là nhân chứng sống cuối cùng của vụ thảm sát. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi thường trực. Hiện nay, sức khỏe bà Hoặc đã yếu nhiều nên chúng tôi rất lo lắng. Có thể nỗi đau sẽ lắng dịu nhưng rồi đây, "linh hồn" của quá khứ sẽ chẳng còn ai nữa, đó là sự mất mát lớn cho nhân dân ấp Cầu Hòa chúng tôi".

Ngọc Thiện
.
.
.