Người cựu binh Tây Tiến I cuối cùng:

'Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi'

Thứ Năm, 30/07/2015, 10:00
Sau khi người đồng chí đồng cam cộng khổ một thời là ông Vũ Mạnh Đôn mất năm ngoái thì giờ đây, cả đoàn quân Tây Tiến I năm xưa chỉ còn mình ông Nguyễn Xuân Sâm, nguyên Đại đội trưởng, chính trị viên của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Trong buổi chiều tháng Bảy Hà Nội nhạt nắng, ông cứ miên man nhớ về những ngày hành quân xuyên rừng, những ngày Hòa Bình, Sơn La, Sốp Cộp, "hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi".
Chứng nhân còn lại của chiến thắng Mường Láp 20/10/1945

Ông kể, không phải tự dưng mà người ta gọi trung đoàn cũ của ông là Tây Tiến I. Gọi thế là để phân biệt với các trung đoàn Tây Tiến sau này. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, tạo ra thời cơ cho cả 2 phía: thứ nhất là cơ hội của những người Tây lưu vong ở Vân Nam (gồm 2 tiểu đoàn Âu Phi và 3 tiểu đoàn lính khố đỏ) từ vị trí của một kẻ bỏ chạy hăng hái trở lại Đông Dương tái chiếm Việt Nam; hai là ta có thời cơ để giành lại chính quyền.

Trong lúc đó, tù binh Pháp ở Sài Gòn được Nhật phóng thích, trang bị nhằm tái lập quân đội của Pháp núp sau quân Anh âm mưu tái chiếm Nam Bộ. Trước tình hình cách mạng vừa giành được chính quyền, hai đầu đất nước đều có kẻ thù rình rập như thế, xác định tầm quan trọng đặc biệt của địa bàn chiến lược miền Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó phái ngay những đoàn đi chiến đấu; trước hết là đoàn có nhiệm vụ lên Tây Bắc tìm hiểu, nắm lấy dân, phối hợp với lực lượng tại chỗ để giành và giữ chính quyền, chặn bước tiến của địch.

Lúc ấy, cũng chưa ai biết chính quyền, nhân dân, mặt trận ở đó như thế nào và địch như thế nào. Một đơn vị được thành lập ngay, tạm gọi là Đội Võ trang trinh sát miền Tây (sau này còn gọi là đoàn quân Tây Tiến 1), gồm 200 người do ông Lê Hiến Mai thay mặt chính phủ lãnh đạo, ông Anh Đệ làm đội trưởng, ông Tuấn Sơn làm đội phó.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, cựu binh cuối cùng của Đoàn quân Tây Tiến I năm xưa.

Đội này đa phần là học sinh - sinh viên Hà Nội 16 - 18 tuổi, tham gia cướp chính quyền trong ngày 19/8 tại Trại Bảo an binh (nằm trên phố Hàng Bài bây giờ). Đây là nơi xảy ra mâu thuẫn đỉnh điểm giữa ta và địch. Sau khi cướp lại chính quyền thành công, ai là Việt Minh và được mặt trận giới thiệu thì sẽ được đặc cách tham gia Đội Võ trang trinh sát miền Tây. Ông Nguyễn Xuân Sâm nhớ lại, tinh thần cách mạng lúc đó đang lên, ai cũng phấn khởi, nên gia đình nào có con được gọi lên đường đi chiến đấu thì tự hào lắm.

Đơn vị ấy lập ra ở chính Trại Bảo an binh, thời kỳ đầu được huấn luyện sơ sài, cũng không am hiểu nhiều về kỹ thuật chiến đấu, vũ khí thô sơ, ăn uống thì do các bà tiểu thương ở chợ Đồng Xuân tiếp tế. Sau đó, củng cố lực lượng rồi hành quân qua một vài làng nữa trước khi vào Xuân Mai và nhận lệnh đi Tây Bắc.

Lực lượng địch khi đó mạnh, được trang bị tối tân, lại được lên "giây cót tinh thần" sau khi Nhật đầu hàng nên càng hung hăng. Còn quân đội của ta, không có hậu cần, cấp dưỡng, chưa có nhiều kinh nghiệm quân sự, bất đồng ngôn ngữ với dân địa phương, thậm chí không cả nồi nấu cơm. Ông Sâm kể, Đội của ông "đã ra đi trong một bối cảnh lạ lùng như thế", qua Hòa Bình đi Mộc Châu, rồi từ Mộc Châu đi đường tắt xuyên rừng sang Lào và thị xã Sầm Nứa.

Lúc đó, tàn quân Vân Nam trở về với nhiều mũi, có mũi trở về thị xã Sầm Nứa, cánh nữa về Lai Châu. Và Đội Võ trang trinh sát miền Tây có nhiệm vụ đánh mũi quân ở Sầm Nứa ấy. Lúc bấy giờ, chúng đã liên lạc lại được với những chân tay cũ, đồng thời ép những Việt kiều sinh sống tại đó phục vụ, cung phụng chúng nên bà con ghét lắm.

Cựu binh Nguyễn Xuân Sâm và chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng.

Khi đội quân của mình tiến dần vào lãnh thổ Lào, dân thông tin chuyền tai đến tàn quân này là Việt Minh đang trên đường đến, đông lắm, súng to lắm (mà thực chất có khoảng 200 người), chúng có phần kinh hãi. Khi ta đến Sầm Nứa, có cụ Việt kiều Nguyễn Văn Khuông ở dốc Ba Háng ra đón. Nghe được thông tin và cảm tình với Việt Minh nên cụ chủ động làm liên lạc, thông ngôn, diễn lược cho quân ta. Còn tàn quân Vân Nam, khi nghe tin Việt Minh đang tiến về Sầm Nứa thì hốt hoảng cho đồ tiếp tế, quân trang, súng đạn, thuốc men… thồ tất lên ngựa và bỏ chạy.

Trên đường rút chạy, chúng đinh ninh Việt Minh không đuổi theo kịp nên đã nghỉ ở Mường Láp, cách Sầm Nứa 50km. Chúng tổ chúc liên hoan, cởi trần, gọi gái bản đến nhảy xòe, say sưa trên căn nhà gỗ, chỉ để mấy lính gác ở dưới. Còn chúng ta sau khi đến Sầm Nứa, nghe bà con Việt kiều ở đây nói giặc bỏ chạy thì ta cũng đuổi theo ngay. Mấy bà con Việt kiều dẫn đường. Sau khi tiếp cận, bao vây và bí mật tiến vào thì Đội quân của ta phản công, giết mấy tên lính canh ở dưới. Nghe tiếng súng, tàn quân Vân Nam như ong vỡ tổ. Chúng chạy vào rừng trong đêm tối. Ông Sâm còn nhớ rất rõ, hôm ấy là đêm 20/10/1945.

Chiến thắng Mường Láp là một trận đánh sớm mở màn cho đợt tiến công sang Lào của ta. Thắng lợi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc càn quét, dọn sạch và đánh tan giấc mộng tái chiếm Việt Nam của địch. Đó là một trận đánh, một chiến thắng đúng nghĩa, không gây ra thương vong về phía lực lượng của ta. Chúng ta đã thu được một số lượng lớn chiến lợi phẩm, cho ngựa thồ chở về thị xã Sầm Nứa, nhân dân ra hai bên đường đón tiếp hoan hỉ. Sau này, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập chính thức vào tháng 2/1947 mà nòng cốt chính là các chiến sỹ Tây Tiến I.

Những kỷ niệm cuối cùng

Ngồi kể về đoàn quân Tây Tiến, trước mắt tôi không phải là ông lão 88 tuổi mà là một người lính Tây Tiến đã lên đường năm ấy. Và trên khuôn mặt đã già đi vì tuổi tác ấy, giọng nói của ông vẫn đầy xúc động. Ông nhắc tôi nghe về một thời tuổi trẻ ưa khám phá, phiêu lưu, đối đầu và không sợ gì cả của chính ông cũng như bạn bè đồng đội của mình. Họ đã lên đường tham gia chiến đấu vào những năm tháng đẹp nhất của đời người.

Ông cũng kể về những chặng đường hành quân vất vả, những con "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" đi từ sáng tới chiều mới hết dốc. Những con dốc chân rơi. Những lần xuyên rừng đồng cam cộng khổ. Và nói làm sao cho hết nghĩa tình của đồng bào, của bà con Việt kiều trên đất Lào. 3 tháng trời ở Sầm Nứa cũng là 3 tháng bà con ở đây hết lòng vì bộ đội. Khi địch phản công lại, bà con cũng theo bộ đội rút đi. Người thì thành liên lạc, dẫn đường, cấp dưỡng cho bộ đội ta, không thì về quê, bỏ tất cả tài sản ở lại Lào.

Lễ khởi công công trình tôn tạo khu di tích Lâm viên bia Tây Tiến tại Mộc Châu, Sơn La.

Và ký ức của ông vẫn vẹn nguyên những vùng trời Mộc Châu, Sốp Cộp, những khoảng trời giáp ranh, nơi họ đã đến trong "mùa xuân ấy" và "hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi". Nơi ấy, còn là nơi anh em, đồng đội đã ngã xuống. Là nơi "áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Đọc xong 2 câu thơ trên của nhà thơ Quang Dũng, mắt người cựu binh Tây Tiến bỗng hoe đỏ. Ông nói, mất mát là điều có thật và có những câu chuyện vĩnh viễn thuộc về lịch sử. Nếu không tham gia thì sẽ không một ai có thể biết được có những cái chết liên tiếp của đồng đội ông.

Rừng thiêng nước độc, căn bệnh sốt rét ác tính hoành hành cướp đi nhiều sinh mạng của đồng đội. Có những ngày lo chôn cất cho một đồng chí trong buổi sáng khá tươm tất (nghĩa là cũng đi xin bà con được cái áo quan về chôn, cũng hái được bó hoa rừng, cũng có hai hàng bộ đội mỗi bên 6 người bồng súng, trước khi chôn cũng bắn mấy tiếng súng để tưởng niệm) thì vào buổi trưa, việc xin quan tài trở nên khó khăn hơn. Chiều lại thêm một đồng chí nữa mất, chẳng có gì để chôn cả, đến chiếu cũng không có mà bó nên anh em đành chôn không. Anh em đi chôn đồng đội của mình mà rớt nước mắt.

Cũng có những kỷ niệm đời lính Tây Tiến chẳng biết cười hay mếu. Ông Sâm kể, bệnh tật không trừ một ai, nghe tiếng súng địch ở phía xa nên dìu nhau ra phục kích bắn lại địch. Đây được gọi là trận địa của mấy ông ốm. Giữa ranh giới hai bên có cây xoài núi quả rụng trước mặt. Nghe tiếng súng đùng đùng cứ ngỡ địch mạnh lắm, nhưng thì ra địch cũng như mình, ông này dìu ông kia, thấy xoài cũng nhặt ăn, râu ria xồm xoàm, ốm như chó đói. Sau khi phát hiện nhau, cả hai bên bắn nhau rồi cùng rút.

Ông đang ấp ủ một chuyến sang Lào thăm lại chiến trường xưa. "Đoàn binh không mọc tóc" năm xưa giờ chỉ còn lại mình ông. Ngày trước, quanh nơi ông ở có 10 cựu binh Tây Tiến I. Mọi người vẫn thường xuyên gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa.  Nhưng rồi theo thời gian, ai cũng đi "gặp" đồng đội của mình hết cả. Ông bảo ông đang sống những ngày buồn và cô đơn của đời mình. Những ngày ngồi nhớ bạn xưa, trời cũ. Những ngày "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".

Đậu Dung
.
.
.