Hồng Kông: Phép thử “1 đất nước, 2 chế độ”

Thứ Tư, 05/07/2017, 16:21
Cuối tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Hồng Kông, nhằm kỷ niệm 20 năm ngày Vương quốc Anh trao trả phần lãnh thổ này cho Trung Quốc (1-7-1997); đồng thời phong bà Carrie Lam làm Ðặc khu trưởng Hồng Kông.


Trong chuyến thăm này, cơ chế “1 đất nước, 2 chế độ” được tôn vinh như một mô hình đã mang lại thành công, khi cho phép Hồng Kông có đạo luật riêng và những lời hứa hẹn rằng cuộc sống ở bán đảo sẽ không thay đổi ít nhất trong 50 năm. Nhưng một số người dân Hồng Kông lo ngại rằng tự do của họ đang bị mất dần khi Bắc Kinh áp đặt quyền hạn của mình lên vùng lãnh thổ. Liệu “2 chế độ” có hiệu quả?

Cơ chế "1 quốc gia, 2 chế độ" lần đầu tiên được Đặng Tiểu Bình đề xuất vào đầu những năm 1980 nhằm hòa hợp giữa đất liền với các lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc - Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao - vốn có nền kinh tế tư bản. Năm 1984, khái niệm được ghi trong Tuyên bố chung của Trung - Anh, trong đó 2 nước đồng ý rằng Anh sẽ bàn giao chủ quyền cho Trung Quốc. Nó cũng nằm trong hiến pháp nhỏ của Hồng Kông - Luật Cơ bản. Macau, được trả lại từ tay Bồ Đào Nha vào năm 1999, cũng có một phiên bản tương tự. Nhưng khái niệm này cho đến nay không thể “cám dỗ” Đài Loan.

Luật Cơ bản quy định rằng mặc dù Hồng Kông là một phần của "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", nhưng Quốc hội của Trung Quốc cho phép bán đảo quyền "tự chủ mức độ cao" để hưởng quyền độc lập tư pháp, hành pháp và lập pháp (tam quyền phân lập). Trung Quốc chịu trách nhiệm về quốc phòng và đối ngoại, nhưng Hồng Kông đảm trách an ninh nội bộ. Chính quyền trung ương bị cấm can thiệp vào công việc của Hồng Kông và Đảng Cộng sản không có sự hiện diện chính thức. Tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo và phản đối đều được bảo vệ bởi luật pháp.

"2 chế độ" đã có hiệu quả tốt hơn dự kiến. Hồng Kông vẫn không thay đổi sau khi được người Anh trao trả. Đây là phần thịnh vượng nhất của Trung Quốc và cũng tự do nhất. Trung Quốc đã phần lớn không can thiệp vào công việc của Hồng Kông, trong khi hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản năng động tại đó. Quân Giải phóng Nhân dân bị giới hạn trong các doanh trại, trừ những cuộc diễu hành nghi lễ như việc ông Tập đến vào cuối tuần trước. Người Hồng Kông có quyền dân chủ hơn. Tòa án của bán đảo được tôn trọng trên toàn thế giới, phương tiện truyền thông nơi đây cũng sống động và những nội dung phản kháng chính trị được dung thứ theo những cách khác nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát lễ duyệt binh ở Hồng Kông. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi Hồng Kông trở nên ít quan trọng về mặt kinh tế đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung, chính quyền trung ương đã trở nên quyết đoán hơn. Bắc Kinh tức giận vì hệ thống của Hồng Kông đã cho phép các nhà chính trị "địa phương" ủng hộ quyết tâm tự trị để được bầu lên nắm quyền. Những người cứng rắn coi bán đảo là mối đe dọa chính trị và muốn nhắc nhở Hồng Kông rằng quyền tự chủ của nó được ủy quyền bởi Quốc hội Trung Quốc.

Sự hiện diện của chính phủ trung ương tại Hồng Kông đã trở nên rõ ràng hơn, và các "nhà dân chủ" phàn nàn về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các cuộc bầu cử. Một số người lo ngại sự giảm dần độc lập tư pháp ở đây.

Hồng Kông vẫn là điển hình của cơ chế "1 quốc gia, 2 chế độ" hay không là hoàn toàn do Trung Quốc quyết định.

Ánh Vân
.
.
.