Hợp sức giữ vững an ninh trật tự dọc miền biên viễn

Thứ Năm, 26/01/2017, 08:03
Áp Tết, gió mang cái lạnh phủ khắp miền biên viễn. So với TP Lào Cai, nhiệt độ ở huyện lỵ Mường Khương, Bắc Hà luôn thấp hơn 3-4 độ, nên con đường về với các mô hình "Dòng họ tự quản"; "Đường biên mốc giới tự quản"… đã biến thành những dòng sông mây.


Căng mắt điều chỉnh vòng lái ở những đoạn cua nguy hiểm bên bờ vực sâu hun hút, Thiếu tá Đỗ Xuân Hùng (Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - PC47 - Công an tỉnh Lào Cai) bảo tôi đừng sợ, vì đã thông thuộc từng mét đường nơi đây. Bởi đó là địa bàn chiến đấu quen thuộc của các anh với bọn tội phạm ma túy suốt mấy chục năm qua.

Ngăn tội phạm từ ban thờ họ

Khó nhọc mãi, chiếc xe mới đưa chúng tôi đến được thôn Na Nhung, xã Bản Lầu, Mường Khương. Đứng từ nhà ông Lục Thượng Khiêm (Trưởng dòng họ Lục) ngó lên, đất Trung Quốc nằm ngay trong tầm mắt. Vị trí "yếu địa" của xã Bản Lầu là như vậy.

Tại nơi không có một kết cấu tự nhiên nào (như con sông, khe núi, mom đồi…) giúp phân định ranh giới giữa 2 quốc gia, tự nó đã ẩn chứa những nguy cơ phức tạp về ANTT. Ấy vậy mà ông Dương Hồng Trung (Chủ tịch UBND xã Bản Lầu) bảo vùng này liên tục là địa bàn an toàn, kể từ khi ra đời mô hình "Dòng họ tự quản" và các tổ "Tự quản đường biên mốc giới" của nhân dân, dưới sự tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an huyện Mường Khương và chính quyền cơ sở.

Hồ hởi đón khách vào ngôi nhà khang trang, rót chén rượu để khách "đuổi lạnh", ông Khiêm hào hứng kể với chúng tôi việc ông được "thừa kế" chức "Trưởng dòng họ Lục tự quản về ANTT".

Ông nói: "Họ Lục ở đây là người Nùng, tổng số trong dòng họ mình có 137 khẩu, sống rải rác tại các thôn Na Nhung và Na Pao. Vùng này giáp biên, trước đây tình hình ANTT cũng khá phức tạp. Từ năm 2008, Công an huyện Mường Khương và chính quyền xã đã đi tiên phong thành lập ra các mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT", họ nhà mình đông người, nên được thành lập trước.

Chức vụ ban đầu giao cho cụ Lục Bỉnh Lợi, là bác của tôi. Sau bác về già nên chức này được giao lại cho tôi gánh vác. Ở thôn Cốc Phương bên cạnh đây cũng có mô hình dòng họ Thào (người Mông) cũng hoạt động rất mạnh.

Hiện nay dòng họ tôi bầu ra 10 thành viên để duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, vận động các thành viên trong họ Lục ở vùng này chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Chúng tôi đưa vào nội quy dòng họ những yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với con cháu, công bố trước ban thờ tổ tiên.

Giữ bình yên nơi núi rừng Lào Cai luôn có sự phối hợp của Công an với các lực lượng địa phương.

Thôn xóm "đối đẳng" ngoại giao

Chỉ về đường biên khuất lấp trong bạt ngàn cây xanh trên quả đồi trước mặt, Chủ tịch Trung nói trước đây khi chưa ra đời mô hình "Tổ tự quản đường biên mốc giới" thì tại xã Bản Lầu tình trạng xâm canh xâm cư, chăn thả gia súc bừa bãi phá hoại hoa mầu của nhau, đến chuyện đập phá cột mốc biên giới… xảy ra khá thường xuyên.

Chưa hết, đã xảy ra những vụ án mua bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em, tội phạm ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo, lưu hành tiền giả… qua đường biên đất liền trên địa bàn xã. Vào mùa nông nhàn, tình trạng người dân trong thôn bản tự ý di dịch cư, sang đất bạn làm thuê trồng chuối diễn ra khá phổ biến. Trước tình hình đó, lực lượng Công an huyện Mường Khương, Biên phòng và Chính quyền cơ sở đã nghiên cứu xây dựng các mô hình "Tổ tự quản đường biên mốc giới".

Sau nhiều năm triển khai, mô hình này đã phát huy tác dụng rất tích cực trong việc bảo đảm ANTT tại khu vực biên giới. Những hiện tượng tiêu cực nói trên đã được ngăn chặn.

Ông Trung kể: "Giáp ranh với thôn Cốc Phương của xã Bản Lầu là tổ Tam Bình Bá (thuộc thôn Long Bảo, xã Nam Khê, huyện Hà Khẩu); thôn La Cốc 4 giáp với Đội 4 Nông trường Má Hoàng Bao, huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Được sự nhất trí của trên, chúng tôi đã tổ chức giao lưu kết nghĩa thôn xóm giữa 2 bên, để tạo cơ chế giao lưu nhân dân, góp phần bảo vệ ANTT chung trên địa bàn giáp ranh, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ hoa mầu, phòng chống dịch bệnh. Điều hay là nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, thì nhân dân 2 thôn kết nghĩa sẽ thực hiện "ngoại giao đối đẳng", với sự hướng dẫn và tổ chức của Sở Ngoại vụ và các ngành chức năng của 2 nước.

Thượng tá Ngô Đức Tiềm - Phó trưởng Công an huyện Mường Khương cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành chức năng và chính quyền triển khai có hiệu quả việc xây dựng các mô hình tự quản về ANTT trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, như mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT"; mô hình "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; mô hình "Tuyên truyền, vận động nhân dân không di cư tự do, không học không theo đạo giáo trái pháp luật, bảo vệ biên giới quốc gia"…

Thông qua hoạt động của các mô hình này, đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức và phát huy quyền làm chủ, nâng cao tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân trước hoạt động của bọn tội phạm, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, ngăn chặn và làm giảm tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân".

Điểm sáng Bắc Hà
Lễ ra mắt dòng họ Mai "Dòng họ tự quản về ANTT" tại xã Bảo Nhai, Bắc Hà, Lào Cai.

Rời Bản Lầu, chúng tôi tiếp tục hành trình trong mây về thăm dòng họ Cư ở thôn Pờ Chồ 3 (xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, Lào Cai), rồi dòng họ Mai ở xã Bảo Nhai. Cả 2 dòng họ này là những điển hình tiên tiến của các mô hình "Dòng họ tự quản" và "Dòng họ không có tội phạm và TNXH".

Thiếu tá Hùng bảo tôi, việc đáng nể nhất của Công an huyện Mường Khương và Bắc Hà là ngăn chặn tội phạm từ gốc rễ. "Khi những mô hình nhân dân tự quản về ANTT phát huy tác dụng, nó sẽ giúp triệt tiêu những mầm mống phát sinh tội phạm ngay từ cơ sở. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn các huyện này luôn được giữ vững" - anh phân tích.

Bản thân Trung tá Đỗ Tuấn Sơn (Trưởng Công an huyện Bắc Hà) cũng chia sẻ lý do giúp đơn vị liên tục giữ vững danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" trong 14 năm qua, một phần là do triển khai có hiệu quả các mô hình nhân dân tự quản.

Anh cho biết: "Đến nay trên địa bàn toàn huyện Bắc Hà đang triển khai 10 loại mô hình tại 596 điểm, 236 thôn, tổ dân phố, nhà trường. Các điểm mô hình đã đi vào hoạt động và phát huy được hiệu quả, hằng năm quần chúng cung cấp cho cơ quan Công an hàng trăm tin tức có giá trị, tích cực tham gia vào công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. 

Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tình trạng vi phạm pháp luật giảm rõ rệt, các thôn bản văn hóa ngày càng được củng cố và nhân rộng; xóa bỏ được các phong tục cổ hủ, lạc hậu tồn tại lâu đời, không để xảy ra các diễn biến phức tạp về ANTT. 

Nhân dân đã nêu cao vai trò của mình. Trong 10 năm qua, đơn vị đã được nhận 1 Cờ thi đua (của Bộ Công an), 6 Bằng khen (Bộ Công an và UBND tỉnh); 52 Kỷ niệm chương Bảo vệ ANTQ; 106 Giấy khen của UBND cấp huyện, cấp xã cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến".

Đào Trung Hiếu
.
.
.