Huấn luyện bò ở làng "hoa hậu"

Thứ Hai, 21/12/2015, 10:00
Chải lông, tỉa tót, tắm rửa và huấn luyện bò đi catwalk trước công chúng là những màn chuẩn bị đầu tiên của cuộc thi "hoa hậu bò" diễn ra thường niên ở Nông trường Thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Để có được một "nàng bò" đội vương miện, những người công nhân nuôi bò đã phải mất đi sức lực, mồ hôi, nước mắt. Bù lại, họ ngây ngất trong hạnh phúc chiến thắng và niềm kiêu hãnh nghề nghiệp.

Khi bò đội vương miện

Hỏi thăm đường vào làng "hoa hậu bò" (đơn vị Vườn Đào 1, Thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La), một chị công nhân nông trường chạy ra cười xởi lởi: "Cứ đi theo mùi bò đến cuối đường là tới". Chúng tôi đi, giữa  một vùng đồi bạt ngàn cỏ sữa và ngô xanh, trong không gian nồng nặc "mùi" bò. Hàng ngàn chú bò sữa đang nhởn nha nhai cỏ trong các trang trại. Bò ở làng "hoa hậu" có khác, con nào con đấy đẫy đà, béo múp, bầu sữa căng mọng. Đó chính là một trong các tiêu chí khắt khe để nhà tổ chức tuyển lựa bò vào vòng chung kết.

Gia đình chị Hoàng Thị May (tiểu khu 70, đơn vị Vườn Đào 2), vừa có một "nàng" bò giật giải "Á hậu" trong đợt thi tháng 10 năm 2015 hồ hởi: "Năm 2013 nhà này có một nàng được vương miện hoa hậu, năm 2012 thì được giải khán giả bình chọn, còn năm 2014 được giải nhất hậu bị B (giải dành cho các chú bê). Nói chung năm nào cũng có vài "nàng" đi thi. Huấn luyện cực khổ nhưng vui và háo hức lắm".

Chị May bên đàn bò sữa của gia đình.

Để có thành tích ấy, gia đình chị May đã dốc toàn bộ sức lực để chăm sóc "thí sinh" từng miếng ăn giấc ngủ, xem "các nàng" như cục vàng, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Chế độ ăn uống của "thí sinh" cũng phải đặc biệt. Ngoài các loại thức ăn chính như cây ngô, cỏ mỹ, cỏ tima, "nàng" bò còn được ăn cỏ ủ chua và một số thức ăn giàu dinh dưỡng.

Khâu huấn luyện bò tiếp cận với công chúng là vất vả nhất. Bò sữa quanh năm nhốt trong trang trại, chỉ biết ăn, chửa đẻ, vắt sữa nên khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đặc biệt là đám đông thường rất rụt rè, hoảng loạn. Vì vậy, các "ông bà bầu" phải dắt bò ra ngoài, cho làm quen với con người để bò mạnh dạn, tự tin sau đó sẽ huấn luyện dáng đi sao cho mềm mại, uyển chuyển. Ngày thi đấu, "thí sinh" phải có màn thể hiện catwalk thật sự chuyên nghiệp trên sân khấu.

Chị May cho biết: "Sáng dắt bò đi dạo bộ về tắm rửa chải chuốt, tỉa tót một lần, tối đi dạo bộ về tắm lần nữa. Đảm bảo cho "nàng" lúc nào cũng phải thơm tho, sạch sẽ và bóng loáng trong mắt mọi người. Tiêu chí "đắt" để ăn giải chính là bầu sữa của "thí sinh". Bầu sữa khẳng định giá trị của chú bò, bầu càng to, càng mọng cho sản lượng sữa tối thiểu 40kg/ngày/con mới có cơ hội cạnh tranh vương miện. Cuộc thi có rất nhiều hạng mục, gia đình nào có tay nghề huấn luyện "hoa hậu" đi thi năm nào họ cũng ẵm một đến hai giải chứ nhất định không chịu về tay không". 

Phong trào thi "hoa hậu bò" là hoạt động thường niên ở nông trường Mộc Châu. Hầu như nhà nào cũng có bò đi dự thi, ít nhất là một nàng. Có hộ một năm tung ra 3, 4 "thí sinh" đi thi, nâng tổng số bò vào chung kết lên tới hàng trăm con. Vì vậy, sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. 

Giải thưởng cho mỗi "thí sinh" đạt vương miện hoa hậu trị giá khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với các "ông bầu, bà bầu", việc đưa bò đi thi không hẳn là để tranh giải thưởng, mà điều quan trọng nhất chính là khẳng định thương hiệu bò sữa của gia đình. Khẳng định công sức chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện của người chủ.

Bò vừa nghe nhạc vừa vắt sữa trong trang trại gia đình chị Lê Thị Thoa.

Từ trung tuần tháng 9 đến ngày thi khoảng giữa tháng 10, cảnh luyện bò "hoa hậu" diễn ra hối hả, nhộn nhịp ở các tiểu khu của nông trường. Trong đó đơn vị Vườn Đào có số lượng bò dự thi hùng hậu nhất và số lượng ''hoa hậu'' các năm luôn áp đảo các đơn vị khác. 

 "Hoa hậu bò" năm 2015 thuộc về gia đình Nguyễn Văn Huynh và Lê Thị Thoa (đơn vị Vườn Đào 1). Tân "hoa hậu bò" sinh năm 2010, nặng 710kg đã đẻ 3 lứa và cho sản lượng sữa trung bình mỗi ngày xấp xỉ 60kg, đã xuất sắc vượt qua 126 "thí sinh" để giành vương miện. Giây phút công bố "hoa hậu bò" đăng quang, cả gia đình chị Thoa nhảy lên sung sướng, hàng nghìn khán giả vỗ tay hò reo.

"Hoa hậu bò" hoảng quá chồm lên định bỏ chạy khiến ông bà chủ phải vất vả kìm lại. Chị Thoa tâm sự: "Đó không chỉ là giây phút hạnh phúc của chiến thắng mà còn là niềm kiêu hãnh nghề nghiệp, sức lao động chân chính của người công nhân nuôi bò. Nó giúp chúng tôi có thêm nguồn động lực trong cuộc sống". Trong các lần mang bò đi thi, gia đình chị Thoa đã giật được hai "vương miện hoa hậu", ba năm đoạt giải bò nhiều sữa.

Vui buồn cùng bò

Chúng tôi ghé nhà chị Thoa đúng vào thời điểm chuẩn bị vắt sữa bò. Cả gia đình chị Thoa và 5 công nhân làm việc hết công suất với 70 chú bò sữa. Tiếng nhạc xập xình vui nhộn lan khắp trang trại, chị Thoa cho biết: "Nhạc mở là để cho bò nghe trước khi vắt sữa. Nó như tiếng kẻng báo cơm vậy đó. Mỗi nhà có phương pháp vắt sữa khác nhau, riêng nhà tôi thì cho bò nghe nhạc". Quả thật, khi tiếng nhạc cất lên, các chú bò đồng loạt đứng dậy, tiến đến bậu cửa sẵn sàng vắt sữa.

Cảnh đăng quang "hoa hậu bò" năm 2015

Chị Thoa làm công nhân nuôi bò gần 20 năm thì ngần ấy thời gian hai vợ chồng ăn ngủ cùng bò. Vất vả nhất là những ngày Tết, khi công nhân nghỉ ăn Tết chỉ còn lại gia đình chị đánh vật với đàn bò gần 100 con. Chị phải huy động mấy đứa con đang học cấp một, cấp hai ra chuồng. Mùa đông đến, khi sấp nhỏ đang ngủ vùi trong chăn ấm, thì 4 giờ sáng đã phải khua khoắng dậy hết. Huy động tổng lực vậy nhưng vẫn không kịp với nhu cầu sinh hoạt của bò. Dọn phân đến vắt sữa liên hoàn, thậm chí ăn cơm còn ngồi trên đống phân mà ăn.

Hai lần có "thí sinh" đăng quang hoa hậu, gia đình chị Thoa nổi tiếng khắp nông trường. Bò hoa hậu được cánh săn ảnh tìm tới "phỏng vấn" tấp nập. Những ngày sau đó, vợ chồng chị Thoa phải bỏ cả công ăn việc làm để tiếp khách, chưa kể báo đài về quay phim, chụp ảnh nườm nượp. 

Anh Huynh cười hắt ra hơi: "Mệt lắm, chả làm được việc gì cả. Tiếp khách, nói chuyện đến nỗi thuộc làu luôn". Nhưng cái phiền phức của ông chủ "hoa hậu bò" lại là nỗi thèm khát của hàng trăm ông bà chủ khác. Họ kể về ngày "hoa hậu bò" đăng quang mới ngưỡng mộ làm sao. Khỏi phải nói, mặt mày ông bà chủ lên nhận giải hớn hở, hãnh diện lắm.

Vất vả, ưu phiền là vậy nhưng vợ chồng chị Thoa đang âm thầm chuẩn bị vài ứng viên tiềm năng cho mùa giải năm sau. Chị Thoa cho biết: "Muốn nàng nào đạt giải, mình phải là người chủ động tuyển lựa từ trước, phải bồi dưỡng, chăm sóc thật kỹ. Vòng sơ khảo sẽ có người của Ban tổ chức tới tận chuồng chấm và thông báo kết quả luôn để "nàng" nào lọt qua vòng sơ khảo sẽ chuẩn bị tinh thần cho vòng chung kết".

Ngọc Thiện
.
.
.