Huấn luyện chó thể thao, thú chơi mới của giới trẻ

Thứ Ba, 17/11/2015, 09:00
Chuẩn bị roi da, lều, rào chắn, mặc áo giáp cho chó, mặc áo dày như một chú gấu, giả bị tấn công và chỉ sau một hiệu lệnh chú chó đã phi như bay vào tấn công kẻ có ý định đánh chủ của nó. Đó chỉ là một phần trong những bài tập, huấn luyện đã quá quen thuộc đối với các thành viên Câu lạc bộ Huấn luyện chó thể thao (Working Dog).

Thú chơi mới

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi người trong chúng ta đều muốn tìm cho mình một thú vui riêng. Có người chọn những chú gà, người chọn cá, người chọn những chú chim để thỏa mãn niềm đam mê của mình và thú chơi huấn luyện chó thể thao là một thú chơi mới lành mạnh và đặc biệt tại Việt Nam.

Có mặt tại sân vận động số 68 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội vào sáng sớm ngày thứ bảy, tôi thật sự bất ngờ và bị cuốn hút vào những cảnh bay, nhảy, tấn công "quân xanh"… của những chú chó becgie trong CLB Working Dog. Đang mải mê với những cú nhảy rào đẹp mắt của "Thầy trò" nhà Working Dog thì trời bỗng đổ mưa nặng hạt, vậy mà các thành viên vẫn luyện tập miệt mài, hăng say.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh Nghiêm Xuân Đông là lớp trưởng trong CLB cho biết: "Huấn luyện chó thể thao Working Dog, trước tiên là niềm đam mê, thú vui lành mạnh mang lại sức khỏe, sau đó CLB còn đưa chó đi tham dự các cuộc thi ở trong và ngoài nước. Việc tập luyện trong điều kiện thời tiết mưa, nắng, trên cạn, dưới nước là bình thường. Các bài huấn luyện mà CLB đang áp dụng bao gồm 3 phần chính: Đánh hơi, vâng lời và bảo vệ. Dạy và học theo giáo trình chuẩn quốc tế với phương pháp đổi mới như không kỷ luật chó mà chủ yếu là khích lệ và động viên, thưởng cho chó".

Trong năm 2014, CLB đã 3 lần mời huấn luyện viên có uy tín người nước ngoài về dạy, các thành viên đang hăng say luyện tập, huấn luyện cho những chú chó của mình để chuẩn bị tốt cho cuộc thi "chó bảo vệ" được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 12 tới. Cũng theo anh Đông, muốn có một chú chó ưng ý, đi thi đạt thành tích thì ngoài huấn luyện, chăm sóc trong điều kiện tốt, còn phải biết cách chọn con chó giống tốt nữa.

"Chọn chó con, miếng cắn phải có dạng kiểu lưỡi kéo, nghĩa là các răng cửa của hàm trên phải trùm kín hoặc ôm sát các răng cửa của hàm dưới. Răng nanh không được vểnh lên trời. Nếu các răng cửa của hàm dưới nằm trên một hàng với răng hàm trên thì không nên chọn con chó này. Mắt chó hình hạnh nhân, hơi nghiêng nhưng không lồi ra. Màu lông vàng quanh mắt chó hơi sẫm màu.

Một buổi huấn luyện tại sân vận động rất hăng say và lôi cuốn.

Qua đó thể hiện sự tinh nhanh, tự tin, năng động và vững vàng của chó. Ngực chó thì nên rộng và hiện rõ xương sườn dài. Ngực chó quá tròn thì sẽ tạo ra sự rối loạn và khuỷu chân sẽ bị dãn ra. Ngược lại nếu ngực chó mà phẳng quá thì khuỷu chân sẽ bị co lại. Nói chung, tất cả các bộ phận từ mông chó trở xuống phải rắn chắc, nên phải cho chó vận động thường xuyên mới đạt, để khi huấn luyện sẽ tốt.

Chó bécgiê Đức có hai màu cơ bản là màu vàng lửa pha đen và màu thanh xám tàn thuốc lá. Tốt nhất là ta nên chọn những chú chó con năng động, quan tâm đến mọi thứ xung quanh và dũng cảm đến gần người, vật lạ. Muốn xác định được điều này, ta chỉ cần ném chiếc găng tay hoặc chiếc chìa khoá. Một con chó năng động, dũng cảm sẽ chạy về phía đó, còn con nhút nhát sẽ đi đến đó với vẻ sợ sệt và thận trọng, hít ngửi rất lâu, hoặc nếu không thì cũng chạy lủi đi và lẩn trốn.

Huấn luyện chó thể thao Working Dog, hiện tại nghe có vẻ khá là xa xỉ, nhưng có thể một tương lai không xa sẽ có nhiều người hiểu và đam mê thú chơi này. Thành lập tháng 10/2014 dựa trên cơ sở những người yêu và thích giống chó cơ bản là GSD (bécgiê Đức), CLB trực thuộc Hiệp hội Chó giống quốc gia Việt Nam.

Mục đích của các thành viên CLB là có một chú chó với những phẩm chất tốt, thân thiện với mọi người, hòa nhập với các thành viên trong gia đình, cảnh báo khi có nguy hiểm, can đảm sẵn sàng bảo vệ và là một người bạn đồng hành đáng tin cậy, biết vâng lời. Những phẩm chất vừa kể trên là thành quả của việc "giáo dục" dựa theo hành vi. Đồng thời cũng là kết quả thiên phú của tính di truyền từ thế hệ trước.

Tình huống truy tìm tội phạm.

Anh Ngô Đức Hùng là thành viên CLB cho biết: "Huấn luyện chó thể thao là thú chơi, môn thể thao mà anh rất yêu thích. Mặc dù lúc đầu cũng gặp một chút khó khăn như: Chó giống là từ nước ngoài khi về Việt Nam do thay đổi khí hậu nên việc chăm sóc chó thời kỳ đầu là rất quan trọng, để cho chó quen dần với điều kiện thời tiết là điều không khó nếu mọi người để ý và quan tâm hơn tới chú cún cưng của mình”.

Anh cho biết thêm, khó khăn nhất vẫn là lúc huấn luyện các bài tập, ví dụ như: Tập đánh hơi, do tính đặc thù của bài tập là cần những địa điểm như trên đồi, ven sông, những chỗ vắng người… để cho đỡ bị loãng hơi. Bài tập đánh hơi gồm các mùi chính là da, gỗ và nỉ.

Nhiều bữa, các anh đặt, giấu đồ để chó đánh hơi và tìm. "Nhìn mấy ông sáng sớm cứ lúi húi ôm túi đồ cất cất, giấu giấu ở ven cầu Nhật Tân, hành động này đã lọt vào mắt của các đồng chí tuần tra của phường, thế là các đồng chí ấy cứ "âm thầm" đi sau tìm hiểu điều tra và… kết quả là bị "loãng mùi" làm hỏng một buổi tập huấn luyện của anh em trong CLB, lắm khi để cả 1kg thịt bò cạnh đồ vật cho chó đánh hơi thành công thì thưởng cho nó, cuối cùng bác nào đi qua lấy mất…” - Anh Hùng kể lại.

CLB huấn luyện chó thể thao Working Dog với chương trình “Chào buổi sáng” của VTV3.

Trong các bài tập, tôi thật ấn tượng với Mai Đức Huy, anh làm "quân xanh" mặc áo giáp và dày như một chú gấu, anh là "đạo cụ", người giúp đỡ, đóng vai tội phạm… Nhìn anh cầm roi da quật và chạy để cho những chú chó đuổi, bay lên và cắn vào tay giống như phim hành động, thật ngưỡng mộ.

Anh Huy kể: "Do thân hình anh to, cao, có sức khỏe nên anh em "tín nhiệm" cho làm đạo cụ. Có nhiều lần anh cũng bị xây xước, đau vì chú chó khỏe quá tấn công, khi thực hành các bài huấn luyện bảo vệ và truy tìm tội phạm". Anh Huy mong rằng, công sức luyện tập của các anh sẽ được đền đáp trong cuộc thi "chó bảo vệ" được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 12 tới.

Lãi như chơi "siêu khuyển"

Là đồng đội cùng tham gia cuộc thi "chó làm việc thế giới năm 2012" tổ chức tại Áo với anh Phạm Doãn Hà, một người nổi tiếng trong lĩnh vực huấn luyện chó thể thao tại TP Hồ Chí Minh, anh Nghiêm Xuân Đông cho biết: "Việc chọn được giống chó tốt, huấn luyện, cho đi thi và đạt thành tích cao, được xếp hạng và chứng nhận cho chú chó cưng của mình là điều mà ai chơi trong lĩnh vực này cũng mơ ước. Bởi không những đem lại vinh quang cho cá nhân, cho đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận "rất khủng" cho chủ nhân của những chú chó. Vì con của những chú chó có gen tốt, được huấn luyện tốt và đạt giải thì giá bán rất cao".

Một chú chó GSD một năm tuổi, nhập từ Trung Quốc giá chỉ khoảng 25 triệu đồng, nhưng nhập từ Serbia rơi vào khoảng 50-70 triệu đồng, nhập từ Đức có thể lên đến khoảng 90-200 triệu đồng. Chú chó GSD đắt nhất Việt Nam hiện nay thuộc về một người chơi ở Thái Bình có giá mua ban đầu lên đến 480 triệu đồng. Hiện ở Việt Nam, số người chơi như anh H.S và anh Trần Duy Thắng (Chủ nhiệm CLB GSD Hà Nội) - sở hữu những GSD có giá 100-200 triệu đồng không nhiều, số người chơi sở hữu GSD 50-70 triệu cũng không phải quá phổ biến. 

Nghiêm Xuân Đông (ngoài cùng bên phải) tham gia cuộc thi "Chó làm việc thế giới năm 2012" tổ chức tại Áo.

Đưa được một GSD từ nước ngoài về đã tốn công, tốn của, nhưng công cuộc chăm cún mới là thử thách lòng kiên nhẫn và đam mê của dân chơi "siêu khuyển". Chơi được GSD phần lớn là những cá nhân ngoài niềm đam mê, còn có sự tự chủ và ổn định về kinh tế, nếu không muốn nói là rất mạnh về kinh tế bởi sự cầu kỳ và tốn kém trong chăm sóc.

Trên diễn đàn GSD, người chơi truyền nhau những "lý thuyết nhập môn cơ bản" vì sao chơi cún ngoại như GSD cần nhiều tiền, nhiều thời gian và cả tình cảm. Dù là nhỏ hay lớn, GSD vẫn cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, chăm nuôi khoa học với các loại thức ăn có chất lượng và chi phí không nhỏ. Chi phí này cũng rất đa dạng tùy điều kiện kinh tế của người chơi và tùy độ lớn, độ đắt tiền của chó mà cần những chế độ đặc biệt hơn.

Tuấn Trình
.
.
.