Huyền bí chuyện "cô tiên" tắm thác ở miền Tây xứ Thanh

Thứ Năm, 22/06/2017, 07:34
Thác Mây mang vẻ đẹp huyền bí, nguyên sơ, thuộc địa phận xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Thác Mây còn gắn liền về một tích truyện huyền thoại, nơi tắm mát của 9 cô tiên giáng trần.

Khi có “lệnh Trời” gọi về, 9 cô tiên để lại 9 dấu chân, tạo thành những bậc thang thác nước tuyệt đẹp. Phía dưới chân thác còn có các ngôi nhà sàn cổ 200 năm tuổi của người Mường. Trong vùng họ vẫn còn lưu giữ các món ăn truyền thống, mang hương vị của nền ẩm thực dân tộc.

Từ Hà Nội vượt hơn 100km, theo đường mòn Hồ Chí Minh, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến xã Thạch Lâm nơi mà tạo hóa đã ban cho vùng đất này một cảnh quan thác nước tuyệt đẹp.

Dưới chân thác là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mường. Đời sống canh tác của cư dân nơi đây tuy còn nghèo, nhưng họ đã biết phát huy, bảo tồn các giá trị vốn có của dân tộc. Một vài năm trở lại đây, người dân đã biết khai thác thế mạnh để phát triển du lịch. 

Bao đời nay, người Mường họ vẫn lưu giữ các ngôi nhà sàn cổ. Những ngôi nhà sàn thoắt ẩn thoắt hiện dưới chân núi, bên những cây cau cây dừa, tạo thành một bức tranh hoang sơ của miền sơn cước. Nhà sàn trong thôn Thượng không lẫn với nhà sàn của người Thái, và cũng khác với các ngôi nhà sàn của các dân tộc khác.

Đối với các cụ cao niên ở làng, họ quan niệm rằng, nếu làm nhà sàn đúng hướng thì sẽ đem lại tài lộc, may mắn. Nhà sàn ở thôn Thượng thường sử dụng 2 cầu thang, một ở trước nhà, một ở cửa sau, gần với vại nước, nên rất tiện cho việc đi lại, nấu nướng của người phụ nữ trong nhà.

Số cầu thang tương ứng có thể là 7 hoặc 9. Trước cửa nhà gần lối đi chính, họ thường đặt một chum nước nhỏ, một gáo múc nước, để tiện cho khách rửa chân khi lên nhà.

Nhà sàn của người Mường được chia thành các gian, với một không gian thoáng mát, nhà càng nhiều gian thì gia đình càng khá giả. Mỗi một gian nhà lại được bày biện những đồ vật khác nhau.

Đường vào thác Mây.

Những gia đình giàu có xưa kia, họ thường treo các đồ vật linh thiêng ở gian tiếp khách như: cồng chiêng, các loại trống, cung nỏ, cũng có khi là các loại sừng trâu, sừng bò hay sừng tê giác hoặc treo các mũi tên…

Sau gian tiếp khách sẽ là gian thứ giữa, đây chính là nơi đàn ông, con trai trong nhà ngủ và là nơi để thóc lúa, các tài sản như tủ, hòm. Gian kế tiếp sẽ là nơi bày biện, chuẩn bị mâm cơm, nơi để chăn màn, quần áo của cả nhà và là nơi sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em.

Hiện nay, ở xã Thạch Lâm, nhiều gia đình họ vẫn còn lưu giữ, bảo tồn các ngôi nhà sàn cổ trên 200 năm tuổi. Nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường nơi đây chính là minh chứng rõ nét nhất về cuộc sống và phong tục, tập quán đẹp đẽ của người Mường.

Nếu như ai đã từng đến với thác Mây, được hòa mình vào không gian của ngôi nhà sàn sẽ cảm nhận được sự tinh tế về cấu trúc. Đây chính là nơi lưu giữ không gian sống, lối sinh hoạt, lao động và những nét văn hoá đặc biệt.

Và có lẽ đối với người dân nơi đây những ngôi nhà sàn cổ, chứa đựng lối sống mộc mạc, gần gũi sẽ là điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách. Việc người dân lưu giữ trọn vẹn các giá trị cổ truyền, sẽ là nền tảng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Cách đây khoảng mười năm, do đường vào thác nước khó khăn nên cũng ít người biết đến thác Mây. Ngày nay đường vào thác Mây đã được mở rộng cho ôtô và xe máy nên du khách tìm đến thác ngày một đông hơn.

Nhà sàn của người Mường ở thôn Thượng, xã Thạch Lâm.

Ngoài không gian văn hóa là những ngôi nhà sàn cổ, du khách khi đến với thác Mây còn được thưởng thức những món ăn đặc sản như ốc đá, gà đồi, cơm nếp nương, canh đắng, thịt lợn Mường, thịt trâu, thịt bò nấu lá lồm, rượu cần… Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên tất cả những món ăn, thức uống do họ tự sáng tạo ra, đã làm nên một nền văn hoá ẩm thực của dân tộc Mường.

Theo các cụ cao niên, suốt 4 mùa trong năm, dòng thác vẫn tuôn chảy, tắm mát biết bao thế hệ ở trong làng. Dân làng ở đây, họ còn truyền tai nhau về một tích truyện, xưa kia ở thác Mây chính là nơi tắm mát của 9 cô tiên giáng trần.

Thác Mây chỉ thực sự đẹp từ tháng 7 đến tháng 12. Vào thời điểm này, du khách tìm đến thác cũng đông hơn. Dòng chảy của thác tạo thành những dải lụa mềm mại, trắng mướt, lướt qua những phiến đá phủ rêu xanh.

Âm thanh của dòng thác tạo thành 9 cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi cung bậc của dòng thác tượng trưng cho một nàng tiên. Khi thì du dương trầm bổng, khi thì réo rắt hoan ca, tựa như lời của rừng, của núi... Cũng tùy theo từng mùa nên âm thanh của thác nước cũng khác nhau. Vào mùa nước lớn, thác Mây trở nên ồn ào, dữ dội hơn.

Nét bình dị, chân chất của đồng bào Mường ở thôn Thượng.

Có nhiều người bảo rằng, những bậc thang của thác nước tựa như những cung bậc của tình yêu. Bởi vậy nên nhiều cặp vợ chồng thường tìm đến đây để thưởng ngoạn và cảm nhận những cung bậc cảm xúc khác nhau của dòng thác.

Từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn truyền tai nhau rằng, những đôi lứa đang yêu nhau cùng nhau lên tắm thác “Chín bậc tình yêu”, thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng và nên vợ thành chồng.

Chín bậc của thác Mây tựa như chốn “bồng lai tiên cảnh”, đó còn là cầu nối giữa trời và đất, giữa mây và núi, tạo nên một dấu ấn mới, một không gian văn hóa đặc biệt. Nơi đây còn có cả bậc thác cha thác mẹ và bậc thác con, những bậc này gối lên nhau, xen kẽ nhau, tạo thành những âm thanh, tựa như lời hát ru của mẹ. Trên chín bậc thác này, du khách cũng có thể ghi lại những bức ảnh để làm kỷ niệm.

Quanh thác nước là những bóng cây xanh che phủ. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, rất đông du khách tìm đến thác Mây. Nước ở thác Mây mát trong, nhìn thấu đến tận đáy, du khách có thể trầm mình xuống dòng nước để cảm nhận sự mát lạnh.

Thác Mây mùa nước cạn.

Theo ông Lê Huy Dương, Chủ tich Ủy ban nhân dân xã Thạch Lâm cho biết: Thác Mây Thạch Lâm đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 45 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP Cao su Miền Trung. Dự án được khởi công xây dựng vào quý I-2017, hoàn thành và đưa vào hoạt động quý I-2020.

Quy mô đầu tư trên diện tích khoảng 150.000 m², bao gồm: Khu nhà nghỉ dưỡng, khu nhà đón tiếp, nhà hàng và giải trí, khu bể bơi, khu vui chơi ngoài trời, trượt cỏ, khu suối thác Mây, đường giao thông, cây xanh cảnh quan và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.

Mục tiêu của việc đầu tư ở thác Mây nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, nghỉ dưỡng của người dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khi đề án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Thác Mây hoàn thành, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển. Các giá trị văn hóa như nhà sàn cổ, các điệu múa dân tộc, các món ăn truyền thống, phong tục tập quán… sẽ được bảo tồn lưu giữ. Và đây sẽ là điều kiện góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy nền kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển. Thác Mây sẽ là địa chỉ đỏ để bạn bè trong nước và ngoài nước đến tham quan.

Minh Phượng
.
.
.