Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908 - 30/7/2018):

Huyền thoại có thật về vị Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam (Kỳ III)

Thứ Bảy, 11/08/2018, 15:44
Kỳ thực đến nay, không hề có một tài liệu chính thức nào cho biết Nguyễn Bình nghĩ gì khi nhận được “công lệnh” bất ngờ này. Chỉ là căn cứ vào những trang nhật ký Nguyễn Bình ghi lại ít ngày trước khi mất, ta thấy ông rất sốt ruột thời gian đi đường kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới công việc, tới sự cống hiến của ông cho sự nghiệp chung. 


Chuyến đi cuối cùng và nỗi trăn trở của một vị “Tướng trận”

Nếu như khi vâng lệnh Bác Hồ vào Nam lo việc nước, Nguyễn Bình trong tâm thế nhẹ tênh, kiểu anh chàng Từ Hải trong câu Kiều của cụ Nguyễn Du “Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong”, thì khi nhận được lệnh Trung ương ra Bắc triển khai công tác mới (tháng 6/1951), ông lại không khỏi có chút ưu tư. 

Không, tâm trạng này của vị chủ soái chiến trường Nam Bộ hoàn toàn không phải như cách báo chí hải ngoại vẫn tuyên truyền bậy bấy nay, rằng “Nguyễn Bình biết chuyến đi của mình là đi vào tử lộ”; rằng ông quá hiểu đây là âm mưu “điệu hổ ly sơn” để thủ tiêu ông của những người đồng đội ngoài Bắc, song vì “kỷ luật đảng” mà ông “phải chấp nhận”. 

Trung tướng Nguyễn Bình tạm biệt Chiến khu Đ lên đường ra Việt Bắc (năm 1951).

Kỳ thực đến nay, không hề có một tài liệu chính thức nào cho biết Nguyễn Bình nghĩ gì khi nhận được “công lệnh” bất ngờ này. Chỉ là căn cứ vào những trang nhật ký Nguyễn Bình ghi lại ít ngày trước khi mất, ta thấy ông rất sốt ruột thời gian đi đường kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới công việc, tới sự cống hiến của ông cho sự nghiệp chung. 

Đây là đoạn ông nói về tâm trạng của mình - một vị Tướng trận phải nằm bẹp trên xe bò trong hành trình đi vòng qua đất bạn Campuchia ra Bắc: “Đi từ Sốcky đến Suối Đá, rồi từ Suối Đá đi Tà Nốt, tôi đành phải nằm trên xe bò vì bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cao Miên nói phải tạm nghỉ trong 2 tháng nếu không muốn quỵ dọc đường. Tôi nghĩ nếu dừng hai tháng, rồi đến mùa mưa thêm 3 tháng, sau đó đi 6 tháng nữa mới ra tới Trung ương thì không thể được. Một năm không hoạt động gì trong khi cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt… Không, tôi kiên quyết ra đi”.

Để thêm hiểu con người Nguyễn Bình (qua đó cho thấy cách mà giới báo chí “lề trái” muốn gán “thuyết âm mưu” vào mạch tư duy của ông là hoàn toàn “lệch pha”), thiết nghĩ cần giới thiệu với bạn đọc một đoạn trích trong lá thư ông gửi kỹ sư Lâm Thái Hòa trước khi lên đường ra Bắc. 

Thật ra, với Nguyễn Bình, điều quan trọng hơn cả không phải là danh vị, chức vụ mà là được cống hiến: “Tôi cũng như đồng chí, chúng ta sẽ nhất định không làm ông Tổng tư lệnh trong cuốn kịch Tiền tuyến, và sẵn sàng rút lui để khỏi là viên gạch cản ngăn sự tiến bộ của cán bộ. Nhưng khi kháng chiến còn cần đến ta, ta còn hữu ích cho kháng chiến, cho cách mạng đến chừng mực nào, đến giai đoạn nào thì ta không được phép từ chối và trốn nhiệm vụ đó”.

Chuyến đi của Tướng Bình bắt đầu từ ngày 5/7/1951; điểm xuất phát là Tân Uyên (Chiến khu Đ, Bình Dương). Có tới 22 người được Bộ Tư lệnh Nam Bộ cắt cử đi theo bảo vệ ông. Đoàn dự tính sau 6 tháng sẽ ra đến Việt Bắc - “Thủ đô kháng chiến”. 

Thực tế, cuộc hành trình diễn ra vô cùng vất vả. Để tránh sự truy kích của địch, đoàn phải đi xuyên rừng, xuyên qua các bản làng (Campuchia). Ngày đi đêm nghỉ, có khi loay hoay hàng tháng trời trong rừng, lại trong tình trạng thiếu lương ăn, thiếu thuốc chữa bệnh, khí hậu thì khắc nghiệt, chỉ mới hơn hai tháng mà có tới 80% thành viên trong đoàn đổ bệnh. 

“Gạo đã gần hết. Từ một tháng nay mỗi ngày tôi chỉ ăn chút xíu đủ để đứng vững. Tôi đã ăn măng thay cơm... Đang đi thì một xe bò bị gãy trục, theo dân địa phương là một điềm rất xấu” - Nguyễn Bình viết trong nhật ký (ngày 21/9/1951). Cũng trong nhật ký, Tướng Bình cho biết tình hình xấu đến mức, có lúc đích thân ông phải “vào bếp nấu cơm cho cả đoàn”, trong khi “hai trinh sát viên đi liên lạc có thể đã bị bắt và các đồng chí ở Nackor đã không hay biết gì về chúng tôi”. 

Và đây là tình cảnh mà đoàn gặp phải được ghi lại trong những trang nhật ký cuối cùng “Ngày 25,26,27, anh em câu vài con cá. Không có mỡ, không có gia vị nên chỉ đem nấu canh me. Ngày 29, đêm qua tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Hôm nay tôi và một số anh em khác sẽ nhịn ăn để nhường gạo cho những người ốm…”. Sở dĩ tôi phải dùng chữ “cuối cùng” bởi đúng trưa hôm ấy (29/9/1951), Trung tướng Nguyễn Bình đã vĩnh viễn ngã xuống. Cuốn nhật ký phải khép lại ở những dòng trên.

Về cái chết của Trung tướng Nguyễn Bình, hiện cũng còn mấy luồng thông tin chưa thật sự “khớp” nhau. Ở đây, xin được dẫn lại thông tin từ một nhân chứng mà tôi xem là đáng tin cậy hơn cả - đó là Đại tá Quân đội Phạm Huy Châu. Ông Châu nguyên là cán bộ Tỉnh đội trực tiếp tham gia đoàn hộ tống Trung tướng Nguyễn Bình ra Bắc năm ấy, có nghĩa ông là một “nhân chứng sống”. 

Theo ông Châu, hôm ấy, khi đoàn vượt qua sông Srê Dốc (thuộc huyện Sê San, tỉnh Stung Treng, Campuchia), Trung tướng Nguyễn Bình cho đoàn nghỉ lại để cử người vào bản mua thêm lương thực, thực phẩm…Dừng chân bên một con suối nhỏ, nhìn cảnh nước non hữu tình, Trung tướng buột miệng: “Sau này yên bình, có điều kiện về đây làm nhà sinh sống thì cũng thích”.

Khoảng ba rưỡi chiều, khi Tướng Bình đang ngủ trong một túp lều trông nương của người dân bản thì bất ngờ bị địch bao vây, nổ súng tấn công. Tướng Bình cùng anh em bảo vệ vừa nổ súng bắn trả vừa rút dần ra phía bìa rừng. Tại đây, bất ngờ ông bị một loạt đạn liên thanh của địch đốn gục. 

Tối ấy, anh em bảo vệ đã đào huyệt mai táng Tướng Bình bên dòng suối nhỏ rồi rút trở về Nam Bộ. Chính ông Châu là người đã bảo vệ trọn vẹn mọi tài liệu của Tướng Bình. Trở về căn cứ, ông đã giao nộp những tài liệu này cho Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn.

Trở về Đất Mẹ

Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh vào những năm giữa của cuộc kháng chiến chống Pháp, lại ở mãi tít một thôn bản của Campuchia; lẽ thường công việc tìm kiếm hài cốt sẽ gặp muôn trùng khó khăn, nhất là khi  độ lùi thời gian tới gần nửa thế kỷ. Rất may, hẳn vì Trung tướng “sống khôn chết thiêng” nên ngay trong hành trình tìm kiếm đầu tiên, kết quả đem về đã vô cùng mỹ mãn.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, trong một bài viết in trên Báo QĐND cho biết: Cuộc tìm kiếm, cất bốc mộ Trung tướng Nguyễn Bình được chính thức tiến hành từ tháng 2 năm 2000, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà ký Quyết định cử đoàn công tác đặc biệt gồm 14 người sang Campuchia tìm mộ ông. 

Mộ Trung tướng - Liệt sĩ Nguyễn Bình tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh

Trong đoàn, đáng chú ý, ngoài đại diện Cục Chính sách; đại diện Đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia còn có một số cán bộ từng tham gia đoàn hộ tống Trung tướng Nguyễn Bình trong chuyến ra Bắc gần nửa thế kỷ trước. Để phục vụ chuyến công tác đặc biệt này, Bộ Quốc phòng còn điều hẳn một máy bay trực thăng cùng tổ lái thuộc Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân làm nhiệm vụ chuyên chở...

Được sự phối hợp, giúp đỡ hết sức tận tình của quân đội bạn, đặc biệt là người dân thôn Kpal Rômia, mộ Trung tướng Nguyễn Bình đã nhanh chóng được tìm ra. Một cụ già người bản địa cho biết, chính cụ - khi còn trai trẻ - đã tham gia chôn cất Tướng Bình. 

Mặc dù đến bây giờ cụ mới biết tên tuổi và cấp bậc hàm của ông, song ngay từ ngày ấy, ông và người dân trong thôn đã gọi ngôi mộ của Tướng Bình là mộ của “Lục Thum” (tức Ông Lớn) và chăm nom thường xuyên, không để thất lạc.

Đại tá Đỗ Minh Nguyệt, đại diện Cục Chính sách và là Trưởng Đoàn công tác đặc biệt - trong một bài viết in trên Báo CAND cho biết thêm: Người có công lớn trong việc tìm kiếm mộ Tướng Bình là Đại tá Trần Bá Hào, nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Ông Hào là người từng vào sinh ra tử bên cạnh Tướng Bình năm xưa. Ông đã có công thu thập nhiều cứ liệu qua nhiều nguồn tin cậy rồi “tác nghiệp lên bản đồ để xác định toạ độ sẽ triển khai việc tìm kiếm”. 

Tiếp đó là Thiếu tướng Phùng Đình Ấm. Tướng Ấm là người vào tháng 9/1951 được giao nhiệm vụ đi đón đoàn của Tướng Bình từ Nam Bộ hành quân ra Bắc. Tuy không gặp, song ông đã nghe kể tường tận chuyện hy sinh của Tướng Bình. Ông là người thạo tiếng nói, phong tục người dân nơi đây nên có thể hỗ trợ đoàn công tác trên nhiều góc độ. 

Cuối cùng không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt của mấy vị bô lão người Campuchia, trong đó có vị bô lão mà Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu từng đề cập. Theo Đại tá Đỗ Minh Nguyệt, vị bô lão đó chính là già Nhoi Sa Rô, người dân tộc M’Nông. Khi Trung tướng Nguyễn Bình cùng đoàn bộ đội Việt Nam dừng chân tại phum Kpal Rômia, già Nhoi Sa Rô mới 24 tuổi. 

Già kể: “Bộ đội Việt Nam đến ở phum này trong 2 đêm. Không biết tên ông chỉ huy, cấp gì, nhưng theo thói quen đồng bào chúng tôi gọi là Lục Thum, tức Ông Lớn. Gọi ông là Lục Thum vì thấy ông chỉ huy to con lắm, nom như Tây”. Cũng theo già Nhoi Sa Rô, sau khi việc đau lòng xảy ra, già và một số người trong phum đã cùng bộ đội Việt Nam khiêng xác “Lục Thum” đi khoảng 6 km rồi dùng thuyền vượt bờ nam sông Srê Dốc để mai táng.

“Ngôi mộ của Lục Thum nằm gần con đường lên xuống bến sông nên hằng ngày bà con đi về nói vẫn còn thấy nguyên. Biết đây là mộ của một chỉ huy cao cấp Việt Nam nên bà con quý lắm, năm nào cũng tới phát dọn cây cối xung quanh, không để chúng mọc thành rừng” - Già Nhoi Sa Rô cho biết.

Ngày 29-2-2000, vào hồi 15 giờ 30 phút, trong nghi thức đón tiếp trang nghiêm của Quân khu 7 và TP Hồ Chí Minh, Đoàn công tác đặc biệt đã rước hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Và ngày 11/3/2000, Bộ Quốc phòng phối hợp với một số cơ quan chức năng đã tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình với nghi thức cấp Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đích thân đọc lời điếu. Hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình sau đó đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.

Việc tìm kiếm, qui tập hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình kể ra như vậy là suôn sẻ. Tuy nhiên, ít người biết trước đấy đã xảy một tình huống khiến Đoàn công tác không khỏi lúng túng: Đang khi chuẩn bị cho lễ an táng, đoàn bất ngờ nhận được yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh, phu nhân Trung tướng Nguyễn Bình “muốn được kiểm tra hài cốt”. 

Bà Thanh còn nhớ, vì bị hỏng một bên mắt trái nên sinh thời, chồng bà phải lắp một con mắt giả bằng thủy tinh. Không những vậy, trước hôm Tướng Bình ra Bắc, tự tay bà đã cẩn thận đơm lại cho chồng hàng cúc áo (loại cúc bằng xương). 

Theo bà Thanh, những thứ này chưa thể phân hủy. Bởi vậy, bà chỉ công nhận hài cốt của chồng khi trong ấy còn đủ mấy thứ này. Thoạt nghe yêu cầu của bà Thanh, anh em đoàn công tác thoáng chút lo lắng, bởi không phải ai cũng để ý xem khi bốc di cốt Tướng Bình, có những vật dụng nhỏ bé kia không. Để gia đình tin tưởng, không còn cách nào khác đoàn công tác buộc phải mở lại tiểu sành để kiểm tra. Đích thân bà Thanh tìm kiếm. Bất ngờ bà kêu lên “Đây rồi”. 

Nhiều người không giấu được xúc động khi theo tay bà Thanh chỉ, họ phát hiện ra những chiếc cúc áo bằng xương và con mắt giả bằng thủy tinh lẫn trong bộ hài cốt. Trải qua gần nửa thế kỷ, những di vật đó tuy đã biến màu nhưng vẫn dễ dàng nhận dạng... (còn nữa)

PHẠM KHẢI
.
.
.