Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908 - 30/7/2018):

Huyền thoại có thật về vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (Kỳ IV)

Thứ Năm, 16/08/2018, 14:18
Trung tướng Nguyễn Bình, nhất là “soi” qua các thành tích chiến đấu, qua những trang nhật ký, những lá thư gửi bạn... của ông, ta thấy ông thực sự xứng danh là một vị Tướng - vị Tướng của thời đại mới - thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trọn “đạo làm Tướng”

Trong quan điểm của Bác Hồ, “6 đức tính cần phải có của một vị Tướng” là: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung. Theo đó, trí là “phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng”; dũng là “phải can đảm làm những việc đáng làm, dám đánh những trận dám đánh”; nhân là “phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ”; tín là “phải làm cho người ta tin tưởng mình”; liêm là “không được tham lam” (trong đó có cả việc “tham danh vọng”); và trung là “trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với Cách mạng, với Đảng”.

“Áp” các tiêu chuẩn trên vào trường hợp Trung tướng Nguyễn Bình, nhất là “soi” qua các thành tích chiến đấu, qua những trang nhật ký, những lá thư gửi bạn... của ông, ta thấy ông thực sự xứng danh là một vị Tướng - vị Tướng của thời đại mới - thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhìn ở góc độ “đạo làm Tướng” thì thế. Từ góc độ đời thường, ta cũng có thể thấy ở Nguyễn Bình nhiều điều đáng nể trọng.

Trong số báo trước, chúng tôi có nhắc tới bà Hoàng Thị Thanh, phu nhân của Trung tướng Nguyễn Bình. Bà Thanh quê xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 

Thời gian giữ cương vị Khu trưởng Khu 7, Nguyễn Bình thường xuyên có những chuyến thâm nhập nội đô Sài Gòn để tìm hiểu tình hình, cũng là để trực tiếp chỉ đạo Ban Công tác thành (tức lực lượng Biệt động Sài Gòn sau này) tổ chức những trận đánh “kinh thiên động địa” trong lòng địch. 

Bà Thanh được bố trí làm liên lạc, hướng dẫn ông đi lại khắp các khu vực ở Sài thành với nhiều hình thức khác nhau. Khi thì hai người đóng giả một cặp vợ chồng tư sản bách bộ trong công viên, khi thì “vào vai” cặp vợ chồng người Hoa bươn bả “chạy hàng” từ phố này sang phố nọ. 

Lại có khi bà Thanh vào vai một tiểu thư khuê các ngồi xích lô du chơi, mà người “phu xe” chính là Nguyễn Bình. Trước khi tham gia tổ chức kháng chiến, số phận đưa đẩy bà Thanh đến với nghề cô đầu ở Khu Đa Kao. Đó là lý do khiến bà gần như thông thuộc mọi đường ngang ngõ dọc cũng như khá rành các mốt ăn diện của phụ nữ Sài thành thời ấy. Điều này đem lại hiệu quả đặc biệt cho công việc mà bà đảm trách. 

Sau này, khi Tướng Bình chuyển về cứ, nữ liên lạc viên Hoàng Thị Thanh đã kết hôn với ông; trở thành phu nhân của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Giữa bà Thanh và Tướng Bình chỉ có một cậu con nuôi. Đứa bé bị bỏ rơi sau khi bố mẹ ly dị. 

Thương cảm trước hoàn cảnh của bé, vợ chồng Tướng Bình đem về nuôi và đặt tên cho cháu là Nguyễn Phương Chiến. Khi Tướng Bình hy sinh, bà Thanh và cậu con nuôi được đưa ra Bắc. Bà được sắp xếp vào làm việc ở Tổng cục Chính trị; một thời gian sau thì chuyển về làm công tác Công đoàn tại một nhà máy quốc phòng. 

Bà Thanh chính là người - vào năm 1954 - đã mang Bằng Tổ quốc ghi công về quê cha đất tổ của Tướng Bình (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) để báo cho chính quyền địa phương và người thân của Tướng Bình biết ông được Nhà nước công nhận Liệt sĩ.

Bà Hoàng Thị Thanh không phải là người vợ duy nhất của Tướng Bình. Theo lời kể của ông Nguyễn Thế Trường (sách “Trung tướng Nguyễn Bình”, NXB  QĐND, 2001), vợ đầu của Tướng Bình là bà Ngô Thị Cậy. 

Bà Cậy sinh năm 1909, kém chồng một tuổi, người xã Lạc Hồng (cùng huyện với ông). Hai người lấy nhau theo tục lệ cổ, nghĩa là từ khi còn nhỏ và do các cụ thân sinh sắp đặt. 

Bà Cậy là một phụ nữ đẹp người đẹp nết; giàu đức hy sinh. Thời gian bà chung sống với chồng không dài, bởi khi còn học Trung học, do tham gia phong trào yêu nước (để tang cụ Phan Chu Trinh), Nguyễn Bình bị đuổi học phải dạt vào Nam kiếm sống (và hoạt động cách mạng). Tiếp đó là những năm tháng tù đày ngoài Côn Đảo. 

Ở nhà, bà Cậy một thân một mình chăm sóc cha mẹ chồng, giữ trọn bổn phận nàng dâu. Trong tù, nhiều lần Nguyễn Bình viết thư về, khuyên người vợ trẻ đi lấy chồng khác. Cả cha mẹ ông cũng khuyên bà như vậy, song bà dứt khoát không nghe. 

Chỉ đến khi ra tù, bị quản thúc tại quê nhà (quãng 1935-1937), Nguyễn Bình phải giả dùng biện pháp “mạnh”: đuổi bà về nhà cha mẹ đẻ, bấy giờ bà mới chịu. Bà Cậy sau đó tái giá nhưng giữa bà và người chồng mới (từng có một đời vợ) không có con chung. 

Được ít lâu sau, ông chồng mới qua đời. Bà Cậy ở vậy nuôi con riêng của chồng. Bà thường xuyên qua lại nhà Nguyễn Bình, phần để thăm hỏi, giúp đỡ người thân của ông, phần để thắp hương cho các cụ những dịp giỗ tết. Bà Cậy mất năm 1984, hưởng thọ 75 tuổi.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu cắt băng kháng thành Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Một trường hợp khác, tuy không danh chính ngôn thuận là vợ Tướng Bình, nhưng cách xử thế với ông cũng thật nặng tình nặng nghĩa. Nhà báo  Mạnh Việt, trong một bài viết in trên Báo Tiền phong cho biết: Bà Vương Thị Trinh là một phụ nữ đẹp, có học vấn, con gái một điền chủ có tiếng ở Nam Bộ thời ấy. 

Sau khi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, bà Trinh làm Trưởng phòng Mật mã của Bộ Tư lệnh Quân khu 7. “Do công tác có sự liên hệ mật thiết giữa cơ quan mật mã với Văn phòng Khu trưởng nên bà Trinh biết rất rõ anh “Ba Bình” (tên gọi thân mật của Tướng Nguyễn Bình). Bà rất kính phục và yêu quý anh “Ba Bình”... Sau khi “anh Ba” kết hôn với Nguyễn Thị Thanh, bà đã âm thầm đau khổ một thời gian dài vì một lý do tế nhị; theo yêu cầu của tổ chức bà đã vì lợi ích của sự nghiệp chung, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết mà hy sinh mối tình đầu trong trắng của đời người con gái cho đến khi sắp lấy chồng, bà đã nói thẳng với vị hôn phu: Có đồng ý cho bà tôn thờ hình ảnh “anh Ba Bình” trong trái tim mình thì mới làm đám cưới. Bà đã lấy chồng và sinh được một con trai đặt tên là Nguyễn Phương Nam và cháu nội bà đặt tên là Nguyễn Phương Thảo (tên thật của Nguyễn Bình)”.

Nhà văn Trầm Hương, trong bài viết “Nửa thế kỷ một mối tình dang dở với Tướng Nguyễn Bình” in trên tạp chí Hồn Việt cho hay: Trước khi mất, bà Trinh có nguyện vọng đưa hài cốt về chùa Pháp Hoa, nơi thờ Trung tướng Nguyễn Bình. Nhìn cách những người phụ nữ kể trên xử sự với Nguyễn Bình (cả khi ông đã mất), mới thấy ông được họ yêu kính biết nhường nào. Chứng tỏ khi sống, tài năng và nhân cách của ông có sức hút mãnh liệt đối với họ.

Hẳn ít người biết rằng, sinh thời, Trung tướng Nguyễn Bình từng làm... thơ. Theo tài liệu mà ông Nguyễn Thế Trường cung cấp thì vào năm 1940, Nguyễn Bình đã sáng tác một bài thơ lấy tiêu đề bằng tiếng Pháp “Dans la pailotte” (có nghĩa “Trong lều tranh”). Bài thơ được viết theo thể song thất lục bát, nội dung kể lại tình cảnh một người vợ trẻ ôm con trong đêm giông bão, lòng rối bời âu lo cho số phận của chồng đang đánh cá ngoài khơi:“Trong lòng muôn mối tơ vò/ Lòng đau quặn một nỗi lo cho chồng/ Còn bao kẻ chăn bông đệm gấm/ Đang giờ này nằm ấm trên cao/ Mặc cho gió thét mưa gào/ Trong lòng trăm giấc chiêm bao êm đềm/ Họ đâu biết tiếng rên khóc đói/ Cảnh dân chài chìm nổi ngoài khơi/ Trong cơn bão tố tơi bời/ Đuối tay bị lớp sóng vùi mất tăm” (trích). 

Khi Nguyễn Bình sáng tác bài thơ này, phong trào Thơ mới đang hồi thịnh. Cũng nhắc đến một “nàng thiếu phụ”, nhưng khác với các thi sĩ của dòng thơ “lãng mạn tiểu tư sản”, góc khai thác của Nguyễn Bình đậm màu sắc “hiện thực phê phán”, thể hiện cái nhìn đầy sẻ chia, trách nhiệm với những phận người dưới đáy xã hội. Đọc bài thơ, thấy việc Nguyễn Bình đến với cách mạng dường như là lẽ tất yếu.

Thêm một "địa chỉ đỏ"

Đảng, Nhà nước ta nói chung; cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng luôn trân trọng, đánh giá cao những đóng góp to lớn của Trung tướng Nguyễn Bình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Việc ai đó trong các cây bút hải ngoại nói Nguyễn Bình là “Ông Tướng bị lãng quên” là không chính xác. 

Thậm chí, nếu xét về các phần thưởng, các danh hiệu mà Trung tướng Nguyễn Bình được nhận, hoặc được truy tặng (Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), có thể khẳng định, hiếm có vị Tướng nào ở chế độ ta có thể sánh cùng ông. 

Và điều này hoàn toàn xứng đáng với cuộc đời chiến đấu, hy sinh của Trung tướng Nguyễn Bình - vị Tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước (nếu tôi không nhầm thì đến nay, ông cũng là vị Tướng có cấp hàm cao nhất của ta hy sinh trong chiến đấu).

Ngã xuống khi tuổi đời còn trẻ, phần lớn thời gian công tác lại xa Trung ương nên những tư liệu về Trung tướng Nguyễn Bình bị khuyết hụt nhiều, dẫn đến một thời việc tuyên truyền chưa tương xứng. Nhưng không phải vì thế mà cuộc đời huyền thoại của ông không trở thành nguồn đề tài hấp dẫn với nhiều nhà văn, nhà báo (cả trong và ngoài nước). 

Cùng với thời gian, vai trò của Trung tướng Nguyễn Bình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ngày càng được làm sáng tỏ; vị thế của một vị Tướng theo đó cũng ngày càng được nâng cao.

Bức tượng bán thân của Trung tướng Nguyễn Bình tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

Hiện tại, ở Hà Nội và một số tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... đã có đường phố mang tên Trung tướng Nguyễn Bình (đa phần đều là những đường lớn, chạy dài nhiều kilômét). 

Ở Hưng Yên quê ông, ngoài phố Nguyễn Bình (được đặt từ năm 2015), ngày 28-7 vừa qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Yên Mỹ đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh vị Tướng huyền thoại, người con ưu tú của quê nhãn. 

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Hưng Yên; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng dự buổi lễ. Tại đây, Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu đã cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình.

Công trình nằm trong một khu đất rất đẹp thuộc xã Giai Phạm; khuôn viên rộng 2.684m², trong đó diện tích dành cho Nhà lưu niệm là 170m². Nhà được dựng bằng gỗ lim cổ truyền, có mặt bằng hình chữ Đinh, nằm song song với Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, quay mặt ra hồ nước. 

Đây là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật, sách báo về cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình. Hậu cung là nơi thờ Trung tướng với bức tượng đồng uy nghi kèm các bức hoành phi “Nghĩa hiệp Tướng quân”, “Vĩ nghiệp phong công” và nhiều câu đối do các bậc thức giả, các cựu chiến binh sáng tác, hiến tặng. 

Ngoài ra là Nhà quản lý và đón tiếp được đổ bê tông cốt thép giả gỗ, mái lợp ngói. Nhà có mặt bằng hình chữ nhật, rộng 80m², nằm vuông góc với Nhà tưởng niệm.

Trong khuôn viên Khu Tưởng niệm đan xen rất nhiều cây cảnh đẹp, tạo cho du khách một cảm giác thanh bình, thư thái.

Công trình được hoàn thành trong vòng 6 tháng, kể từ khi khởi công vào tháng Giêng Giáp Tuất.

Cùng với Nhà Tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Nhà Tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình đã tạo thành một quần thể di tích, là “địa chỉ đỏ” không chỉ đối với người dân Hưng Yên nói riêng mà đối với người dân cả nước nói chung…
Phạm Khải
.
.
.