Hy Lạp: Hai bộ mặt khi kinh tế khủng hoảng

Chủ Nhật, 29/01/2012, 15:20

Tỷ lệ thất nghiệp cao, khó khăn về kinh tế, và sự tủi hổ của đất nước sở hữu những con cừu đen ở châu Âu đang được giới truyền thông "chĩa mũi dùi" từ lâu và chính điều này dẫn tới việc gia tăng các vụ trầm cảm lâm sàng và tự tử. Hy Lạp chưa bao giờ rơi vào cảnh nhiều người dân mất tinh thần vì những khó khăn như hiện nay.

Khủng hoảng làm tăng thêm 25-30% bệnh nhân tâm thần

Trong khi những nước châu Âu khác đang cố gắng giải cứu chính quyền Athen thoát khỏi nợ công thì nhiều người dân Hy Lạp càng ngày càng rơi vào tình trạng trầm cảm, bí bách. Các bác sĩ trị liệu cho biết, khủng hoảng kinh tế đã làm tăng thêm 25-30% số bệnh nhân tâm thần.

Ông Dimitris Ploumidis, Giám đốc một trung tâm tư vấn sức khỏe tâm lý ở phía Đông thành phố Athen, cho biết : "Số lượng bệnh nhân mắc những triệu chứng của bệnh tâm thần như lo lắng, hoảng sợ, và trầm cảm đang tăng rất nhanh. Trong những ngày gần đây, những người tìm đến trung tâm của chúng tôi phải chờ 2 tuần mới đến lượt được tư vấn, nay thì họ phải chờ khoảng 2 tháng rưỡi, các trung tâm sức khỏe khác cũng đang quá tải".

Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Hy Lạp luôn tự hào là quốc gia đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng về con số tự tử ở châu Âu, với tỷ lệ 2,8/100.000 người dân. Nhưng tình hình đã thay đổi. Các chuyên gia cho biết, năm 2009, số vụ tự tử tăng 18% so với năm 2007, và năm 2011 con số trên còn tăng thêm nữa.

Trong đó, nơi có tỷ lệ tự tử cao là ở Athen và đảo Crete, tại đó, một số doanh nhân đã tự sát khi cuộc khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm. Họ nhìn cuộc sống bằng những bi quan. Những khó khăn kéo dài hàng năm nay khiến họ cảm thấy không có lối thoát. Nợ lần với những áp lực tâm lý, họ thường tìm tới cái chết…

Ông Aris Violatzis, chuyên gia tâm lý đến từ Tổ chức phi chính phủ Klimaka, đã thiết lập đường dây nóng giúp đỡ những người có ý định tự tử, cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến tự sát có nhiều, nhưng hầu hết những người tìm đến chúng tôi trước đây đều đã từng có một cuộc sống tốt đẹp, và họ đang gặp vấn đề về tài chính".

Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng đáng buồn này chủ yếu xuất phát từ các vấn đề về kinh tế, thì có lẽ họ cũng sẽ lo ngại về tình hình ảm đạm của nước này kéo dài trong thời gian sắp tới.

Nhiều người trầm uất không có cơ hội chữa trị nên sống lang thang.

Ông Aris Violatzis nói rằng: "Người Hy Lạp đang phải chịu một cơn khủng hoảng lớn. Họ cảm thấy xấu hổ. Cả thế giới đang cho rằng, họ là những kẻ lừa đảo, là đồ vô lại của châu Âu. Rất khó có thể chấp nhận được."

Một bộ phận "thế giới ngầm" vẫn sống khỏe

Trong những năm gần đây, Hy Lạp đã mất đi tổng số tiền rất lớn vì những người trốn thuế. Tổng số tiền thuế hiện chưa truy thu được kể từ khi nước này gia nhập EU ở mức 60 tỷ euro. Số tiền trên có lẽ sẽ phải xóa bỏ. Chỉ riêng 165.000 trường hợp chưa đóng thuế, chiếm khoảng 30 tỷ euro trị giá các khoản thuế chưa thanh toán. Các số liệu trên được trích dẫn từ Bản báo cáo "Lực lượng đặc nhiệm Hy Lạp".

 Hai tháng trước đây, theo yêu cầu của Chính phủ Hy Lạp, các nhà nghiên cứu Hội đồng EU đã bắt đầu kiểm tra cách mà Hy Lạp đang điều hành và đề xuất những giải pháp để cải thiện vấn đề này. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu-Horst Reichenbach-một quan chức EU người Đức- đã phát biểu mới đây tại Brussels, Bỉ rằng: "Một số quan chức Hy Lạp đã gửi một khoản tiền lớn ở Thụy Sỹ". Reichenbach không cung cấp thông tin gì thêm.

Cá nhân những người giàu có là như vậy, nhưng phương tiện truyền thông Thụy Sỹ ước tính rằng, khoản tiền Chính phủ  Hy Lạp nợ quốc gia Thụy Sỹ vào mức 350 tỷ francs (tương đương với 286 tỷ euro); tuy nhiên, lĩnh vực tài chính của Thụy Sỹ cho biết rằng, con số trên có thể được thổi phồng lên. Một số thông tin khác cho thấy, khoản nợ tổng cộng của Hy Lạp có thể lên tới 350 tỷ euro.

Báo cáo trên nói rằng, sự tham nhũng và quản lý yếu kém, thiếu trình độ và thậm chí sự không sẵn lòng của các cơ quan chức năng thu thuế đã trở thành trung tâm của vấn đề nợ quốc gia. Báo cáo còn cho biết: Chính phủ Hy Lạp dự định thành lập các cơ quan thuế đặc biệt để đối phó với tình trạng này.

Các chuyên gia từ nhiều nước EU bao gồm Đức, Pháp, Áo, Na Uy, Đan Mạch và Estonia đã bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Athens.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng lưu ý rằng, một vấn đề tồn tại chính ảnh hưởng xấu tới ngành thuế vẫn còn đó: hệ thống tư pháp quá tải, ngổn ngang đang tồn tại ở đất nước Hy Lạp. Có một xu hướng hiện nay là, chính quyền hiện đang bất đồng với các cơ quan có thẩm quyền của tòa án, nguy cơ này là dài dài. Sự phức tạp, những mâu thuẫn của pháp luật và các quy tắc lỏng lẻo của chính phủ Hy Lạp đã gây ra tình trạng thất thu thuế và vỡ nợ

Minh - Cúc - Hòa (theo WC)
.
.
.