Hy vọng đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn

Thứ Năm, 14/11/2019, 10:10
Dư luận hết sức quan tâm tới vụ “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” đã được Tòa án Nhân dân quận Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Việc xử phạt hình sự này mở ra những hy vọng góp phần hạn chế vấn nạn thực phẩm bẩn, vốn là một vấn đề nhức nhối nhiều năm qua ở nước ta.


Ngày 1-11, Bùi Văn Sáng bị TAND quận Thủ Đức xét xử về tội Vi phạm quy định về an toàn thực thẩm theo khoản 1, Điều 317 BLHS có khung hình phạt từ phạt tiền 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm. 

Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe người tiêu dùng. Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản tại đường số 2, khu phố 5, phường Tam Bình (quận Thủ Đức) và chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Bị cáo Bùi Văn Sáng.

Từ tháng 1-2017, anh ta thuê 3 công nhân rửa củ cải, cà rốt bằng hóa chất cho mối hàng ở Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để sản phẩm sạch đẹp, không bị hư thối. 

Theo cáo trạng, Sáng chỉ đạo các công nhân mua hóa chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc tại chợ Tam Bình, Thủ Đức. Tiếp đó, lấy một muỗng cà phê hóa chất pha vào nước để ngâm 50 kg củ cải, cà rốt. Mỗi ngày, nhóm này ngâm khoảng 7-8 tấn hàng cho khách, thu lợi 3-4 triệu đồng. Sáng trả công 300.000 đồng một ngày cho mỗi công nhân.

Điều quan trọng là khi được hỏi về những nguy hại cho sức khỏe khi ngâm rau củ vào hóa chất. Sáng nói không biết việc ngâm củ cải, cà rốt vào hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà chỉ nghĩ là làm cho chúng "sạch đẹp, không bị hư". Tuy nhiên lời khai này không được HĐXX chấp nhận. 

"Bị cáo chỉ vì lợi nhuận nhỏ mà gây ảnh hưởng đến người dân cả thành phố và có thể chính gia đình của bị cáo. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội, phải xử phạt nghiêm khắc", tòa nhận định và tuyên phạt Sáng 1 năm 6 tháng tù.

Hàng tấn cà rốt bị ngâm hóa chất trước khi đưa ra chợ.

Đây là lần đầu tiên, một vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý hình sự. Có lẽ là muộn, nếu không nói là quá muộn khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và có tính răn đe trong lĩnh vực thực phẩm bẩn. Nhưng muộn còn hơn không. 

Thực tế, nhiều năm qua, thực phẩm bẩn là một vấn nạn của người Việt. Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bắt giữ các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, như lợn có chứa chất tạo nạc, thực phẩm chức năng giả, hàng tấn chân gà ngâm hóa chất, bún chứa chất làm trắng, rau củ, hoa quả ngâm hóa chất… Thực phẩm bẩn đe dọa từng bữa ăn, từng món ăn của người dân. 

Cũng nhiều năm qua, các vụ việc về vi phạm thực phẩm bẩn mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Và các cá nhân, vì chạy theo lợi nhuận, vẫn sẵn sàng dùng đủ các mánh khóe bấp chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình. Vì thế, vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn luôn là vấn đề nhức nhối ở nước ta.

Vì sao, những sai phạm trắng trợn và có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như thế nhiều năm qua vẫn bị “thả nổi”. Một trong những lý do cơ bản, đó là chúng ta chưa quyết liệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. 

Theo luật sư Vũ Quang Đức, “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự và Luật An toàn thực phẩm. Nếu hành vi vi phạm chưa đủ cấu thành tội phạm tại Điều 317 thì sẽ phải xử lý theo Luật An toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính. 

Tại sao khó xử lý hình sự hành vi vi phạm này? Thông thường giá trị thực phẩm "bẩn" mà cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở chế biến thường thấp hơn so với quy định. Còn việc xác định hậu quả lại rất khó khăn bởi khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mới có thể phát sinh có hậu quả. 

Và hậu quả này cũng không biết do thức ăn nào gây ra vì hiện nay nguồn thực phẩm "bẩn" rất đa dạng, phong phú. ” Luật sư Đức cũng cho rằng, chúng ta chưa  thực sự quyết liệt trong vấn đề xử lý các vụ vi phạm thực phẩm bẩn.

Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: 

“Muốn áp dụng pháp luật để xử lý loại tội phạm này không dễ. Ngay cả xử phạt hành chính mà lập biên bản xử lý không đúng cũng bị kiện ngay. Bộ luật Hình sự có nêu rõ điều kiện vi phạm nhưng thực tế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì hầu hết đều bị kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không chứng minh được thiệt hại của nạn nhân. 

Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Chưa kể những chất độc hại tích tụ sẽ di hại về sau mà không ai định lượng được. Trong khi, từ trước tới nay đa số các vụ việc chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính”.

Thực phẩm bẩn là một cuộc chiến lâu dài.

Trong khi chờ ý thức của người dân được nâng cao, chờ việc kiểm soát thực phẩm theo chuỗi được thực hiện, thì hiện nay, khung pháp lý vẫn là vấn đề mấu chốt để hạn chế vấn nạn thực phẩm bẩn. Nếu chỉ xử phạt hành chính, với mức phạt bằng tiền không thể ngăn cản được sự gia tăng của các hành vi vi phạm. Vì các cá nhân, tổ chức này thường bất chấp và đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Và hệ lụy của nó, không phải là những con số đo đếm được ngay tức thì, nhưng những năm qua, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam tăng chóng mặt. 

Theo Tổ chức sáng kiến toàn cầu về ung thư (GICR), Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư, tức mỗi ngày trung bình hơn 450 người phát hiện bệnh. Một trong những nguyên do tỷ lệ ưng thư tăng đến từ thực phẩm bẩn. 

Chưa bao giờ, vấn đề thực phẩm bẩn lại nhức nhối như hiện nay. Vì thế, việc xử phạt hình sự đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Tòa Án nhân dân quận Thủ Đức đã khởi lên những hy vọng về sự tham gia của Pháp luật sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn. Điều này cũng cho thấy, pháp luật cần được thực thi một cách nghiêm minh và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Theo cục An toàn thực phẩm, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất vệ sinh ATTP, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, cơ quan truyền thông cùng chính quyền  địa phương trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cụ vi phạm An toàn thực phẩm.
Phương Thúy
.
.
.