Idosing: “Con ma” nhạc số đã trở lại

Chủ Nhật, 28/09/2014, 10:30

Vài năm trước, trào lưu nghe Idosing - nhạc gây nghiện hay còn gọi là nhạc ma túy bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam và gây "bão" cho giới trẻ. Thịnh hành suốt một thời gian dài sau đó lắng xuống. Tuy nhiên, giờ đây trên nhiều diễn đàn xã hội, giới trẻ lại rầm rộ chia sẻ cho nhau những bản nhạc gây nghiện mới ra lò. Idosing đem lại cảm giác mạnh và gây nghiện như nghiện ma túy. Thứ nhạc này nếu được nghe trong thời gian dài có thể gây chứng loạn thần và tổn thương não.

Idosing có thực sự gây nghiện?

Trên diễn đàn "Làm cha mẹ", một phụ huynh đã chia sẻ: "Khoảng vài tháng trở lại đây, mỗi lần vào phòng riêng tôi đều thấy con trai mình đeo headphone nghe nhạc. Ban đầu tôi cũng nghĩ nó đang nghe nhạc bình thường thôi. Nhưng sau tôi để ý thì phát hiện, mỗi lần nó nghe phải hàng tiếng hoặc vài tiếng. Sau khi nghe xong thì người cứ đờ đẫn, mụ mị như kẻ mất hồn. Tôi có cảm giác như nó không còn biết những gì đang diễn ra xung quanh nữa. Khi tôi nhắc nhở thì nó bảo: Con chỉ nghe nhạc thôi mà. Thực sự tôi thấy lo lắm". Phía dưới lời chia sẻ ấy là rất nhiều những lời nhận xét, góp ý, hầu hết đều có chung một ý nghĩ rằng con trai của phụ huynh này đang nghe nhạc Idosing.

Thực chất, Idosing xuất hiện ở các nước châu Âu từ rất lâu. Và khoảng vài năm trước, loại nhạc gây nghiện này được "nhập khẩu" về Việt Nam và đã tạo thành cơn sốt. Theo như các chuyên gia phân tích thì Idosing được biết đến như một loại nhạc công nghệ cao, dựa trên kỹ thuật âm thanh được thiết kế để kích thích chức năng não cho đến khi bán cầu phải và bán cầu trái trở nên đồng bộ. Một bản Idosing sẽ có những nhịp sóng âm lặp đi lặp lại, phát ra hai tần số song song gần tương tự nhau. Như vậy sẽ khiến cho người nghe có cảm giác như họ đang nghe một giai điệu duy nhất, rất tự nhiên như thể tự trong đầu mình phát ra. Cảm giác âm thanh chạy từ tai trái qua tai phải và ngược lại sẽ khiến người nghe có cảm giác mê hoặc.

Theo ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý con người thì: "Idosing thường được các tín đồ ma túy đá sử dụng rất phổ biến. Đối với những con nghiện ma túy đá, để tăng ảo giác họ rất hay tìm đến Idosing để tận hưởng cảm giác "thăng hoa" trọn vẹn". Không chỉ những đối tượng đang sử dụng chất kích thích là ma túy mà nhiều người trẻ vì tò mò, vì muốn test (thử) xem Idosing có thực sự gây nghiện như đồn thổi không cũng đã tìm đến thể loại nhạc này.

Cũng trên một toppic của một diễn đàn, thành viên langtuhathanh chia sẻ: "Mọi người cứ nói Idosing dễ gây nghiện nhưng mình thì không thấy thế. Mình cũng đã thử nghe vài lần để trải nghiệm cảm giác nhưng quả thật là không thấy gì. Thứ mà mình thấy rõ nhất chỉ là thứ âm thanh chói tai và rùng rợn. Khi bỏ headphone ra đầu mình quay cuồng như đi trên mây vậy. Rất khó chịu".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản hồi lại không đồng tình với quan điểm của Langtuhathanh. Nhiều người cho rằng, Langtuhathanh đã không biết cách cảm nhận nên không thấy được độ phê của Idosing. Nickname Troirongsongdai thì cho rằng: "Idosing quá tuyệt. Đó là thứ âm nhạc có thể cứu rỗi tâm hồn. Khi tôi chán chường vì bị người yêu bỏ, tôi đã nghe Idosing. Lúc nghe tôi cảm giác mình vứt bỏ được thực tại, không còn cảm thấy đau khổ nữa. Lúc nào trong đầu cũng chỉ có thứ âm thanh mê hoặc đó thôi".

Có thể vì những ảo giác mà Idosing đem lại nên nhiều người có cuộc sống khép kín hay gặp phải những chuyện đau lòng đã tìm đến dòng nhạc gây nghiện này. Nhiều bạn trẻ đã lên diễn đàn chia sẻ rằng, Idosing là một loại "thần dược" cứu cánh họ khỏi những buồn chán, thất vọng trong cuộc sống. Có người tìm đến idosing khi bị gia đình dằn vặt, chì chiết vì không thi đỗ đại học. Có người lại tìm đến Idosing vì muốn trốn chạy thực tại đau buồn như mất người thân, bị người yêu bỏ…

Sử dụng lâu dài có thể gây loạn thần

Theo một nghiên cứu chuyên sâu về dòng nhạc Idosing cho biết: Idosing được tạo ra từ những tần số âm thanh cao thấp đan xen, đồng thời cũng sử dụng những ngôn từ gây kích thích mạnh trong ký ức con người. Hiệu ứng cộng hưởng này sẽ tác động mạnh mẽ và gây cảm xúc cho người nghe. Thế nên nhiều người nghe Idosing thường có cảm giác quằn quại, đờ đẫn như mắc chứng mộng du. Tuy nhiên, với tần suất âm thanh quá mức chịu đựng của ngưỡng nghe, Idosing có thể gây tác hại rất lớn đến cơ thể người như hỏng màng nhĩ, loạn thần…

Nguyễn Huy Minh, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Thương Mại đã bày tỏ cảm giác khi nghe Idosing rằng: "Theo mình không nên quá đề cao tính gây nghiện của thể loại nhạc này. Bởi vì, nếu không phải nghiện Idosing thì bạn cũng có thể nghiện nhạc trẻ, nhạc vàng hay nhạc đỏ có sao đâu. Hãy cứ coi đó như một thể loại nhạc thông thường, nếu nghe mà mình cảm thấy thích. Nó đem lại cho mình những giây phút thư giãn, giải trí thì cũng nên nghe chứ. Bản thân mình lúc đầu nghe loại nhạc này mình cũng hơi lo sẽ bị "nghiện" không dứt ra được như lời nhiều người nói. Thế nhưng khi nghe rồi mình thực sự thấy nó rất "phê". Sự lặp đi lặp lại với tốc độ siêu tốc của một loại âm thanh khiến mình có cảm giác như đang tham gia một cuộc đua gay cấn. Nó làm cho mình có cảm giác hồi hộp đến nghẹt thở".

Không giống quan điểm của Minh, Lê Thanh Hà, Võ Thị Sáu, Hà Nội thì cho rằng: "Chả thể nào lại có thể bị nghiện vì một thứ tạp âm hổ lốn như thế. Úp tai phôn vào chỉ thấy đinh tai nhức óc. Chỉ nên gọi nó là hiệu ứng âm thanh thôi chứ không thể coi nó là một dòng nhạc được. Đã là nhạc thì phải khiến người ta thấy dễ chịu chứ, đằng này chỉ thấy đau đầu thôi".

Được coi là một loại gây nghiện nhưng Idosing không giống với hầu hết các chất ma túy khác là phải mất tiền mới có được cảm giác "phê". Các con nghiện loại "ma túy" này chỉ cần lên mạng và gõ "Idosing" thì sẽ tải về miễn phí bất kể bản nhạc nào mà mình muốn nghe.

Đối với những tín đồ của thể loại nhạc này thì nghiện Idosing cũng vật vã, quằn quại chả kém gì nghiện các loại ma túy tổng hợp khác. Khi đã thực sự nhập tâm vào thứ âm thanh đó, người nghe như thoát xác. Người cảm thấy mình như được đi mây về gió. Người lại rúm ró, hoảng sợ như vừa bị đày xuống 18 tầng địa ngục. Có người lại thấy mình như lạc vào một khu rừng hoang vu…

Sở dĩ có nhiều cảm giác khác nhau khi nghe Idosing là vì họ chọn những bản nhạc có tiết tấu khác nhau. Một tín đồ của thể loại nhạc này tiết lộ: "Nhiều người nói, phải nghiện các loại ma túy khác thì sử dụng Idosing nó mới phê. Nhưng không phải thế đâu, nếu ngấm loại âm thanh này thực sự thì tác dụng của nó chả khác nào dùng ma túy".

Mặc dù cho đến nay, chưa có trường hợp nào "sốc nhạc" Idosing dẫn đến tử vong. Nhưng đối với những người nghiện thể loại nhạc này, nếu nghe thường xuyên và nghe trong thời gian dài thì hậu quả nhãn tiền sẽ là gây tổn thương nặng nề tới màng nhĩ, đầu óc u mê, nặng hơn có thể dẫn đến loạn thần.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, Trưởng khoa 4, Bệnh viện Tâm thần TW1, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: Khi não bộ thường xuyên bị âm thanh tác động mạnh, con người sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng. Đối với những người nghe nhiều một thể loại nhạc, âm thanh sẽ lặp đi lặp lại ngay cả khi dừng nghe và ám ảnh cả trong giấc ngủ. Cái đó được gọi là ảo giác âm thanh, tạo nên sự ức chế thần kinh. Đối với những người yếu thần kinh hay đang gặp phải những tác động tâm lý tiêu cực sẽ rất dễ bị rối loạn thần kinh. Trên thực tế, chỉ cần nghe một loại nhạc thông thường với volume cỡ lớn cũng đủ làm tổn thương màng nhĩ, thậm chí gây điếc. Tính tới thời điểm hiện nay thì Bệnh viện Tâm thần TW1 chưa từng tiếp nhận một bệnh nhân nào nhập viện vì nguyên nhân nghe nhạc Idosing.

Thạc sĩ Nguyễn Tố Mai, Trưởng khoa sư phạm âm nhạc, Đại học Sư phạm nghệ thuật TW cho biết: "Loạn tiết tấu có thể gây ảnh hưởng đến tim, phổi, não của người nghe. Có thể lấy ví dụ từ nhiều trường hợp khi nghe Rock thôi cũng đã không thể chịu nổi được loại âm thanh đó nên đã bị ngất hoặc cởi bỏ quần áo vì không kiểm soát được hành vi. Loại âm thanh có thể gây nghiện đó đều không có lợi cho tâm sinh lý con người".

Ngọc Anh
.
.
.