Indonesia:

Cảnh sát thẩm vấn Thị trưởng Jakarta

Thứ Hai, 28/11/2016, 09:48
Việc thẩm vấn Thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (thường gọi là Ahok) liên quan đến cáo buộc phỉ báng đạo Hồi được dư luận quan tâm. Bởi theo luật Indonesia, nếu bị buộc tội, ông Basuki Tjahaja Purnama có thể phải ngồi tù 6 năm và nộp phạt lên tới 1 tỷ rupiah (khoảng 74.493 USD).


Theo giới truyền thông, Thị trưởng Jakarta không đưa ra bất kỳ bình luận nào trước các câu hỏi của phóng viên sau khi đến trụ sở cảnh sát để thẩm vấn hôm 22-11.

Theo người phát ngôn cảnh sát Indonesia Boy Rafly Amar cho biết, hồ sơ vụ việc sẽ được hoàn tất trong một tuần, sau đó được chuyển tới văn phòng công tố trước khi đưa ra tòa xét xử.

Thị trưởng Jakarta và Tổng thống Indonesia.

Trước đó, Thị trưởng Jakarta cho biết, sẽ hợp tác với cảnh sát trong cuộc điều tra, đồng thời khẳng định, sẵn sàng ngồi tù nếu bị kết tội. Indonesia là quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới và người gốc Hoa chiếm khoảng 1% trong 250 triệu người ở nước này.

Ông Basuki Tjahaja Purnama là người gốc Hoa theo đạo Cơ đốc đầu tiên giữ chức Thị trưởng Jakarta, được coi là đồng minh thân cận của Tổng thống Joko Widodo.

Tuy không bị bắt giam sau khi bị cáo buộc phỉ báng đạo Hồi, nhưng cảnh sát đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với ông Basuki Tjahaja Purnama. Và những người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đang huy động hàng nghìn người để yêu cầu phải bắt giam Thị trưởng Jakarta.

Giới chức Indonesia cảnh báo, cuộc biểu tình lớn do các nhóm Hồi giáo bảo thủ tổ chức hôm 25-11 và 2-12 có thể bị lợi dụng. Tổng thống Joko Widodo từng tuyên bố (31-10), biểu tình là quyền của công dân, nhưng khuyến cáo người dân không quá khích và phá hoại tài sản công cộng.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia, Tư lệnh Tito Karnavian cảnh báo, cảnh sát sẽ cấm tiến hành các cuộc biểu tình do lo ngại về an ninh.

Cả Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, tướng Tito Karnavian và Tư lệnh quân đội, Tướng Gatot Nurmantyo đều cho biết, có nhiều thông tin đáng tin cậy cho thấy khả năng xảy ra một cuộc tạo phản đằng sau cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.

Tướng Tito Karnavian cho rằng, việc tiến hành thêm các hoạt động biểu tình liên quan đến vụ báng bổ kinh Koran của Thị trưởng Jakarta là vô lý vì nó sẽ gây tổn hại tới lợi ích của mọi người.

Theo giới truyền thông, vụ việc xuất phát từ các chiến dịch vận động tranh cử ở Pulau Seribu, khi ông Basuki Tjahaja Purnama tố cáo các đối thủ sử dụng một đoạn trong Kinh Koran có nội dung rằng, người Hồi giáo không nên chọn người không thuộc đạo Hồi làm người lãnh đạo nhằm lừa gạt người dân bỏ phiếu chống lại mình.

Sau đó, ông Basuki Tjahaja Purnama đã xin lỗi về tuyên bố kể trên, đồng thời khẳng định chỉ trích dẫn lời của các đối thủ chính trị đã sử dụng mánh khóe này, chứ không chỉ trích Kinh Koran. Nhưng phát biểu của Thị trưởng Jakarta vẫn tạo ra một cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hơn 100.000 người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn.

Bởi Thị trưởng Basuki Tjahaja Purnama bị cáo buộc báng bổ Hồi giáo trong bài phát biểu trước các cư dân ở đảo Seribu vài tháng trước. Không chỉ tại Jakarta, những cuộc biểu tình phản đối Thị trưởng Jakarta còn diễn ra tại nhiều thành phố khác ở Indonesia.

Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong hòa bình, nhưng sau đó biến thành xung đột khi người biểu tình đốt xe cảnh sát, ném đá, chai lọ ở trung tâm thành phố, khiến ít nhất 2 xe tải của cảnh sát bị đốt cháy, 1 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có cả cảnh sát. Và cuộc biểu tình này đã khiến Tổng thống Joko Widodo phải hủy chuyến công du tới Australia.

Tờ Straits Times từng đưa tin, thủ đô Jakarta được đặt trong tình trạng báo động cao nhất trước cuộc biểu tình của phe bảo thủ Hồi giáo chống lại Thị trưởng Basuki Tjahaja Purnama trước kế hoạch tái cử hồi thượng tuần tháng 11, khiến cảnh sát phải huy động 7.000 người, cộng với 500 lính của quân đội.

Cảnh sát thậm chí còn phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông sau khi cuộc biểu tình yêu cầu Thị trưởng Jakarta từ chức biến thành bạo lực. Theo Channel News Asia, cảnh sát đã bắt 10 người biểu tình quá khích tại cuộc biểu tình chống Thị trưởng Jakarta.

Theo người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Rafli Amar, những kẻ bị bắt không thuộc các nhóm Hồi giáo và họ tham gia biểu tình với mục đích gây mất trật tự an ninh. Cơ quan chức năng đang xác minh những cá nhân đứng sau các vụ gây rối trong những cuộc biểu tình tại Indonesia.

Làn sóng phản đối Thị trưởng Jakarta diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Thị trưởng và Thống đốc sẽ diễn ra trong tháng 2-2017 và có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tái nhiệm của ông Basuki Tjahaja Purnama.

Theo giới truyền thông, Thị trưởng Jakarta được lòng tầng lớp trung lưu ở Jakarta bởi ông được coi là người thích nói thẳng, không tha thứ cho nạn tham nhũng và muốn biến thủ đô thành một nơi sạch sẽ, trật tự, hiệu quả như Singapore.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.