Jony Ive - người góp phần làm nên huyền thoại cho Apple

Thứ Ba, 02/07/2019, 21:36
Ngày 27-6, Jony Ive, Giám đốc thiết kế sản phẩm của Apple chính thức thông báo sẽ rời khỏi công ty vào cuối năm nay sau gần 30 năm làm việc và góp phần quan trọng giúp Apple từ bên bờ vực phá sản trở thành công ty trị giá nghìn tỷ USD.

Cùng với Steve Jobs, Jony Ive đã làm nên những sản phẩm công nghệ đình đám, đặc biệt là chiếc điện thoại iPhone, được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những sản phẩm tiêu dùng thành công nhất mọi thời đại…

Đứa con tinh nghịch của người thợ bạc

Jony Ive sinh năm 1967 ở Chingford, một ngôi làng ở phía Đông Bắc London (Anh). Bố của Ive là một thợ chế tác bạc tài hoa; chính người cha đã truyền tải niềm đam mê thiết kế cho Ive.  Ngay từ nhỏ, Ive đã nổi tiếng là một cậu bé thông minh, luôn muốn khám phá những thứ xung quanh và suốt ngày mày mò chế tạo một thứ gì đó. 

Ive là nỗi "sợ hãi" của cha mẹ khi có thể tháo những đồ dùng trong nhà ra rồi lại tìm cách lắp lại như cũ. Có lần Ive tháo tung chiếc radio của gia đình để tìm câu trả lời vì sao các bộ phận có thể gắn kết được với nhau. Trong khi những người lớn đang thẫn thờ vì nghĩ rằng "số phận" của thứ tài sản rất có giá này đã trở thành đống rác thì chỉ nửa tiếng sau chiếc đài được lắp lại và "ca vang".

Tốt nghiệp phổ thông, Ive đăng kí theo học ngành thiết kế công nghiệp tại Trường Đại học Tổng hợp Newcastle (nay là Đại học Northumbria). Năm 1989, Ive bắt đầu công việc thiết kế tại Công ty Tư vấn thiết kế Tangerine tại London. Khi còn ở Tangerine, Ive thiết kế từ bàn chải đánh răng cho tới lò vi sóng. Nhưng Ive nhanh chóng chán công việc tại Tangering và có ý định "nhảy" việc.

Jony Ive đã tự viết nên huyền thoại về mình qua những sản phẩm công nghệ của Apple.

Viết nên huyền thoại cho Apple

Đó là năm 1992, Apple đứng trước nguy cơ phá sản khi sản phẩm làm ra không có khách hàng. Vì vậy, Apple tìm đến Tangerine để mua một vài ý tưởng cho mẫu máy tính xách tay vì thị trường này đang tăng trưởng rất nhanh. 

Jony Ive đứng ra nhận hợp đồng này trong khi đang cố gắng hoàn tất một số thiết kế cho những thiết bị phòng tắm theo yêu cầu của hãng Ideal Standard. Vài ngày sau, khi Ive mang những ý tưởng của mình đến trình bày với giám đốc marketing của Ideal Standard thì bị từ chối thẳng thừng vì giá quá đắt. Tuy nhiên khi Ive bay sang Mỹ và đến trụ sở của Apple để giới thiệu những thiết kế của mình thì lập tức được mời ở lại.

Nhưng 3 năm đầu làm việc ở Apple của Ive là khoảng thời gian vô cùng buồn tẻ khi nhiều bản thiết kế của anh còn bị bỏ xó. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1997, đúng lúc Ive cảm thấy tài năng của mình bị lãng phí và chuẩn bị nghỉ việc thì Steve Jobs trở về Apple. 

Trong lần đầu tiên đến thăm phòng thiết kế của Ive, khi ấy đặt trong tầng hầm cách xa trụ sở chính, Steve Jobs đã phải thốt lên: "Tại sao kho báu của Apple lại nằm ở đây thế này?". Ngay lập tức, Steve Jobs ra lệnh chuyển toàn bộ phòng thiết kế của Jony Ive về trụ sở chính, thiết lập một khu riêng biệt, tăng cường các biện pháp an ninh và cách li hoàn toàn với các bộ phận khác của hãng.

Dưới sự điều hành của Steve Jobs, Ive đã cùng đội ngũ thiết kế ra hàng loạt sản phẩm công nghệ: máy vi tính iMac, máy tính xách tay iBook gốc, và máy PowerMac G3 (trắng và xanh), máy PowerMac G4 Cube, máy PowerBook G4 với chất liệu nhôm, máy eMac, máy Mac Mini, máy chủ Xserve và Xserve RAID cũng như dòng máy nghe nhạc iPod, thiết bị kết nối không dây AirPort và màn hình Apple Cinema Display. Đội ngũ của Ive cũng đã hợp tác với hãng loa Harman Kardon để làm một số phụ kiện cho máy Mac.

Jony Ive (trái) và Tim Cook trong một lễ ra mắt sản phẩm iPhone mới.

Theo lời kể của các đồng nghiệp, phong cách làm việc và thiết kế của Ive chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi triết lí từ những nghệ nhân rèn kiếm của Nhật Bản. Khi Ive được Steve Jobs giao nhiệm vụ tìm ra một thiết kế độc đáo nhưng phải thật mỏng cho mẫu laptop mang thương hiệu MacBook của Apple, Ive quyết định đáp chuyến bay từ Mỹ đi Nhật để tìm đến học hỏi các nghệ nhân rèn kiếm. 

Những nghệ nhân Nhật Bản đã dạy cho Ive rằng một thanh kiếm phải được rèn qua hàng ngàn lần để đảm bảo được độ sắc bén, long lanh và cứng cáp bên ngoài nhưng lại vô cùng mềm dẻo bên trong. 

Triết lí ấy được Jony áp dụng vào việc thiết kế những chiếc MacBook, iPod, iPhone, iPad… khi chúng đều có vẻ ngoài rất bóng bẩy, quyến rũ, mỏng manh tới mức có thể đút trong một chiếc phong bì nhưng không bao giờ người dùng cảm thấy chúng yếu ớt mà ngược lại luôn nhận ra sự mạnh mẽ ẩn chứa trong đó.

Ở Apple, rất nhiều chuyên gia thiết kế tài năng nhưng tất cả đều phải kính phục khả năng làm việc và và sự học hỏi không ngừng của Ive. Khi được giao nhiệm vụ thiết kế mẫu máy tính để bàn iMac với tiêu chí thoát li hoàn toàn khỏi những khối hộp vuông quen thuộc, Ive đã bỏ ra vài tuần đi đến các nhà máy sản xuất bánh kẹo để… học cách pha chế, phối màu sản phẩm. 

Khi nhìn thấy một giọt nước trên tấm kính ở bàn làm việc, Ive nảy ra ý tưởng về một con chuột máy tính "siêu sexy" ra đời và hơn một năm sau những người yêu công nghệ đã được sử dụng sản phẩm Magic Mouse. Khi Ive nhìn thấy một bao thuốc  lá, anh lập tức liên tưởng đến một thiết bị dành cho những người "nghiện âm nhạc" và chiếc iPod ra đời.

Năm 2001, Ive thiết kế chiếc máy nghe nhạc iPod và nhanh chóng trở thành máy chơi nhạc MP3 được ưa chuộng nhất. Khác với máy chạy đĩa CD, iPod cho phép người dùng lưu hàng ngàn bài hát và mang theo đi bất cứ đâu. iPod không chỉ giúp làm biến đổi cả ngành âm nhạc, mà nó còn là một khoảnh khắc quan trọng đối với mảng điện tử tiêu dùng. Jordan Selburn, chuyên gia phân tích cấp cao trong ngành điện tử tiêu dùng của IHS iSuppli, bình luận rằng iPod "đã thực sự mở ra kỷ nguyên của các thiết bị điện tử cầm tay".

Nhưng đỉnh điểm thành công của Apple là năm 2007, khi Ive cùng Steve Jobs đã ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên, chiếc điện thoại làm thay đổi vĩnh viễn ngành công nghệ của thế giới.

Trước đó, thị trường smartphone bị thống trị bởi Microsoft, Palm, BlackBerry, Motorola và các hãng khác. Với iPhone, Apple tập trung vào thiết kế cao cấp, trải nghiệm sử dụng mượt mà, dễ dàng và sự tiện lợi của màn hình cảm ứng đa điểm. iPhone nhanh chóng biến Apple trở thành một trong những hãng smartphone lớn nhất thế giới và tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường smartphone toàn cầu. 

Thiết kế hình chữ nhật với màn hình cảm ứng cỡ lớn của iPhone trở thành chuẩn mực trên thị trường. Trong nhiều năm sau đó, iPhone là nguồn thu chính của Apple. Cùng với nền tảng iOS, iPhone mở ra kỷ nguyên mới của Apple khi trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới.

Chiếc iPod do Jony Ive thiết kế đã mở ra kỷ nguyên của các thiết bị điện tử cầm tay.

Sau iPhone, Ive là người chịu trách nhiệm thiết kế dòng sản phẩm iPad. Mặc dù iPad không phải là chiếc máy tính bảng đầu tiên nhưng nó lại là sản phẩm đưa tablet lên một tầm cao mới. Ive bắt đầu phát triển iPad bằng việc thiết kế 20 nguyên mẫu với các kích cỡ cùng độ phân giải màn hình khác nhau. Tất cả đều được đặt chung tại một chiếc bàn trong studio của Ive để ông và Jobs cùng thử nghiệm.

Năm 2012, Ive được giao cho nhiều trọng trách hơn tại Apple khi trở thành người đứng đầu bộ phận giao diện cá nhân của công ty, chịu trách nhiệm mảng thiết kế phần mềm lẫn phần cứng. 

Sau khi tiếp quản vị trí mới, Ive đã thiết kế lại hoàn toàn UI (giao diện người dùng) cũng như UX (trải nghiệm người dùng) của iPhone lẫn iPad bằng bản cập nhật iOS 7. Đáng chú ý là việc từ bỏ phong cách thiết kế mô phỏng mang tính biểu tượng của iOS 6 và thay vào đó là một giao diện phẳng hoàn toàn mới lạ; chỉ sau một thời gian ngắn, giao diện phẳng đã nhanh chóng trở thành quy chuẩn mới trong ngành thiết kế. Phong cách thiết kế khác biệt mà mà Ive tạo ra không chỉ giới hạn tại Apple mà có sự ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Năm 1999, Jony Ive trở thành 1 trong 100 nhà sáng tạo xuất sắc nhất thế giới ở độ tuổi dưới 35. Với tất cả những đóng góp của mình trên những sản phẩm của Apple, năm 2010, Ive được tạp chí Fortune của Mỹ trao tặng danh hiệu "Nhà thiết kế thông minh và xuất sắc nhất thế giới". 

Năm 2015, Ive rời khỏi nhóm thiết kế hàng đầu của Apple để tập trung phát triển trụ sở "phi thuyền" Apple Park. Tuy nhiên năm 2017, ông quay lại để quản lý thiết kế cho Apple và đảm nhiệm công việc đó cho đến khi rời công ty.

Tháng 5-2012, Jony Ive được phong tước Hiệp sỹ tại Điện Buckingham bởi công chúa Anne, con gái duy nhất của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Apple ra sao thời hậu Jony Ive?

Nói về vai trò của Jony Ive, Tổng Giám đốc Apple Tim Cook khẳng định: "Jony Ive là một nhân vật lớn trong thế giới thiết kế, vai trò của ông ấy trong sự hồi sinh của Apple là rất đặc biệt. Từ iMac, cho tới iPhone, và tham vọng chưa từng có tiền lệ Apple Park đều là những thứ mà ông ấy đã tập trung rất nhiều năng lượng và sự quan tâm". 

Sau khi Ive rời Apple, lãnh đạo nhóm thiết kế của công ty còn Evans Hankey, Phó Chủ tịch thiết kế công nghiệp và Alan Dye, Phó Chủ tịch phụ trách thiết kế giao diện con người. Họ sẽ báo cáo công việc với Jeff Williams, Phó Giám đốc điều hành của Apple, người đã tham gia phát triển Apple Watch từ những ngày đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ive nói rằng: "Mặc dù không còn là nhân viên của Apple, tôi sẽ vẫn có những liên quan với công ty và tôi hi vọng điều này sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới". 

Bình luận về sự ra đi của Ive, nhà phân tích Ben Bajarin thuộc Creative Strategies cho rằng đó là "cuộc ra đi lớn nhất của một nhân vật trung tâm của câu chuyện tăng trưởng" ở Apple dưới thời Steve Jobs. 

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu Apple có lúc giảm tới 1,5% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 27-6 tại New York sau khi thông tin Jony Ive ra đi được công bố, khiến giá trị vốn hóa trên thị trường của Apple giảm khoảng 9 tỷ USD. Công ty mà Ive chuẩn bị thành lập có tên là LoveFrom và tạm thời sẽ đặt trụ sở ở California. 

Ngoài Apple, công ty này sẽ phục vụ nhiều khách hàng khác. Trong một tuyên bố ra ngày 27-6, Apple cho biết công ty sẽ là một trong những khách hàng chính của LoveFrom. 

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.