Karaoke- khi tiện ích giải trí trở nên phiền toái

Thứ Sáu, 07/08/2020, 20:39
Bạn là ai khi đang đọc những dòng này? Có thể, bạn đã từng, hoặc chưa một lần thử giọng với Karaoke, dẫu vậy tôi tin rằng, đó là một hình thức giải trí thú vị mà con người đang có hiện nay. Nhưng, khi nào thì một tiện ích trở nên bất tiện? Khi nào một giá trị bỗng trở nên phản tác dụng gây phiền toái, thậm chí mất trật tự, an ninh, an toàn đối với cộng đồng. Bài viết này tập trung vào khía cạnh bất tiện, phản tác dụng, phiền toái ấy của Karaoke. 


Một ngày, khi bạn đang cần một không gian yên tĩnh để làm việc, khi đứa con nhỏ đang chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng ru thật khẽ của mẹ, hay khi các em học sinh đang chuẩn bị ngồi vào bàn học, từ nhà bên tiếng loa công suất lớn của dàn Karaoke dội vào. Đứa trẻ giật mình khóc thét, người mẹ thở dài cáu bẳn, bạn nhăn mặt vì không thể tập trung cho công việc, lũ trẻ chẳng thể ngồi yên bên trang sách… Ấy là khi tiện ích giải trí đã vượt ngưỡng, phản tác dụng bởi sự hiện diện không hợp lý của nó.

Một dạo, Karaoke là hình thức giải trí tại các nhà hàng, với hệ thống cách âm đủ tiêu chuẩn, nhằm phục vụ khách hàng yêu thích văn nghệ, ít ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhưng, từ dạo đời sống kinh tế khấm khá, nhà nhà sắm dàn Karaoke, sẵn sàng phục vụ gia chủ hoặc khách khứa mỗi khi tụ tập, tiệc tùng.

Thường thì, chương trình văn nghệ sẽ diễn ra trong hoặc sau lúc trà dư tửu hậu. Khi ấy, máu văn nghệ cộng với men rượu, bia làm người ta quên đi những ảnh hưởng đến cộng đồng. Uống, hát, chúc tụng, loa cứ đánh căng hết cỡ, giọng hát ngật ngừa, nhừa nhựa, khi đúng khi sai, khi hay, khi dở, đủ các thể loại từ nhạc đỏ đến nhạc vàng, pop, rock, thậm chí hầu đồng, chầu văn các kiểu. Ôi thôi, không gian bỗng trở nên nhức nhối, căng thẳng.

Con khóc, vợ cằn nhằn, cùng bao âu lo, mệt mỏi của cuộc sống khiến bạn muốn điên cả người. Thế là văng tục, là chửi rủa, là ấm ức với cái nhà hàng xóm vô ý, vô tứ, bất chấp kia. Những ấm ức đó, lâu dần thành bực bội, thành căm tức, dồn tụ lại như một quả bóng hơi đang dần căng lên quá cỡ. Hiểm họa trổ mầm từ đó.

Chắc hẳn, điều tôi nói sau đây chẳng còn xa lạ với bạn. Trên các phương tiện truyền thông đang ngày một nhiều hơn những thông tin liên quan đến việc xô xát, xung đột, thậm chí đã xảy ra án mạng liên quan đến Karaoke.

Quả bóng hơi đã phát nổ, ấy là khi hàng xóm đã không còn chịu đựng nhau được nữa. Cường độ của dàn âm thanh, tần suất của những buổi sinh hoạt văn nghệ tại gia, thái độ của nhà hàng xóm (vẫn tiếp diễn sau nhiều lần góp ý) khiến cho sự thể diễn biến xấu đi, thậm chí phản tác dụng. Lúc này, với cộng đồng, Karaoke là một sự phiền hà, một sự tra tấn. Thật đáng kinh ngạc, khi bạn gõ cụm từ khóa "Đâm chết hàng xóm vì hát Karaoke quá to" lên mạng, Google trả về hơn 200.000 kết quả chỉ trong chưa đầy 30 giây.

Như thế, đây không còn là vấn đề riêng tư của gia đình, là hình thức giải trí do lòng yêu văn nghệ nữa. Đó là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Án mạng là hình thức kịch phát của mối phiền toái, căng thẳng, bất bình đến cực độ.

Dĩ nhiên, khi đã xảy ra án mạng hay những hình thức vi phạm trật tự an toàn xã hội khác, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Karaoke không còn là giải trí nữa. Có người chết và có người phải chịu trách nhiệm, đó là lời cảnh tỉnh đến mỗi chúng ta khi sống trong không gian xã hội, cộng đồng.

Vẫn chưa hết, cùng với hình thức Karaoke tại gia là hình thức loa kéo, ruổi rong khắp lòng đường, hè phố. Chiếc loa gọn nhẹ nhưng công suất thì không hề nhỏ, do một hay hai, ba người kéo qua các tụ điểm ăn nhậu, khu vui chơi, giải trí công cộng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Thường thì, chủ nhân của gánh hát này bán kèm các hàng hóa phục vụ người đi lại qua đường hay thực khách, du khách như tăm bông, tăm xỉa răng, móc chìa khóa, kẹo singum, bàn chải đánh răng...

Cũng có khi họ chẳng có hàng hóa gì ngoài tiếng hát của mình. Ai hảo tâm hoặc cảm kích, xúc động vì tiếng hát thì bỏ ra ít tiền động viên, tán thưởng. Chúng ta không bàn đến những mục đích mưu sinh hay những hoàn cảnh khó khăn, khiến ai đó phải nương nhờ vào tiếng hát trên các hè phố. Ở đây, chúng ta bàn đến những phiền toái, bất tiện, mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội đến từ những hình thức hát dạo như thế. Thì đây, tiếng loa, tiếng hát ập vào nhà dân hai bên đường, rền rĩ, nỉ non, gào thét…

 Lúc ấy thì hát dạo nào khác gì hình thức Karaoke tại gia mà chúng ta vừa nói đến ở trên. Cũng đã có xích mích, xô xát, ẩu đả và án mạng từ hình thức hát dạo này. Chính vì vậy, đề xuất cấm hát Karaoke bằng loa kéo đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.

Hát Karaoke sẽ bị hệ lụy khi đi kèm với nó là những tệ nạn xã hội đang ngấm ngầm sinh sôi, hoạt động. Khái niệm Karaoke ôm chẳng xa lạ gì trong cộng đồng hiện nay. Các phòng hát mọc lên như nấm, được trang bị âm thanh, ánh sáng, cách âm, cảnh giới, thoát hiểm… đang là nơi diễn ra các tệ nạn xã hội làm nhức nhối cộng đồng.

Ma túy, mại dâm, cờ bạc… có thể diễn ra ngay sau cánh cửa phòng hát mà lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết. Từ đây, các hệ lụy khác đối với cộng đồng, xã hội nảy sinh như ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, bệnh tật, tranh giành địa bàn, bảo kê nhà hàng, gái gọi… thực sự khiến cho tụ điểm Karaoke không còn nguyên giá trị là một hình thức giải trí tiện ích đối với con người, cộng đồng.

Chúng ta không phê phán Karaoke như một loại hình giải trí phi lợi ích mà phê phán khía cạnh tiêu cực, phản tác dụng nảy sinh, kí sinh, biến tướng, núp bóng Karaoke. Trong xã hội tiêu dùng, nhu cầu của con người được đáp ứng tối đa, vì vậy, sự tồn tại của Karaoke lành mạnh hay không lành mạnh, tích cực hay tiêu cực là điều có thể lý giải được. Tuy nhiên, một khi tiện ích đi quá giới hạn của nó, vượt ngưỡng và vi phạm vào các điều khoản của pháp luật, văn hóa, văn minh và ý thức cộng đồng, nó lập tức vấp phải sự phản đối, tẩy chay từ cộng đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm, tamvvh@gmail.com

Chúng ta vẫn thấy hạnh phúc vì thi thoảng gia đình quây quần bên nhau, cùng đến một phòng hát Karaoke nào đó, hát cho nhau nghe những bài hát mà mình yêu thích, gửi đến người thân những tâm sự từ giai điệu. Đó là điều có lẽ vẫn nên phát huy. Về căn bản, nếu không được đầu tư kỹ lưỡng về trang thiết bị, điều kiện phòng ốc, các dàn Karaoke tại gia đều không đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếng ồn, cũng như các quy định về thời gian (sau 22h đến trước 6h). Đó là nguyên nhân dẫn đến những phiền toái thậm chí là bi kịch hàng xóm láng giềng.

Loại hình hát rong bằng loa kéo, như phản hồi từ cộng đồng, cần phải được loại bỏ để đảm bảo không gây ô nhiễm âm thanh. Các tụ điểm Karaoke trá hình cần được kiểm soát triệt để với các chế tài thỏa đáng, nhằm phát huy khía cạnh tích cực của loại hình giải trí này trong đời sống cộng đồng.

Nghệ thuật hướng tới cái đẹp. Cái đẹp cứu rỗi con người. Thế nhưng, như bạn thấy đấy, khi một hình thức nào đó đi quá giới hạn, theo hướng tiêu cực, nó sẽ gây phiền toái, bất ổn cho xã hội. Một xã hội văn minh trên nền tảng của ý thức văn hóa sẽ từng bước đào thải các dư sinh tiêu cực ấy, để chúng ta có thể tận hưởng ích lợi của văn minh và giá trị nhân văn từ văn hóa. Bản thân Karaoke nó không hề có lỗi!

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.