Kẻ chuyên bán nhà phố cổ

Thứ Năm, 06/06/2013, 15:35

Người thì gọi hắn là kẻ “khùng”. Hắn chỉ mủm mỉm, tự nhận là mình khác đời. Người lại chê hắn là “Chó chui gầm chạn”. Hắn cười to và kêu lên rằng, dĩ nhiên ở nhà vợ thì phải chịu, không sao. Nhưng hắn tức nhất là nhiều người thợ gốm Bát Tràng đặt cho hắn cái tên Tuấn “đồng nát”. Nghĩa là hắn bị chê làm méo mó hình ảnh gốm Bát Tràng, từ ngày mò về làng vào năm 1990, với những bình lọ, ang thạp, ấm bát chẳng giống ai. Thậm chí có người mắng, nếu cứ làm hàng như thế thì chó nó mua. Tuấn “cú” lắm mà không dám hé một lời mà chỉ âm thầm luyện nghề, do ông bố vợ truyền lại, suốt 8 năm trời.

Hai cú đòn nhớ đời

Thế rồi một ngày Tuấn bất ngờ được một khách đặt hàng trực tiếp. Đó là một cái thạp giả cổ men hoa nâu thời Lý. Mọi chuyện chẳng có gì ghê gớm. Hắn nghĩ mình thừa sức làm. Tất cả các công đoạn hắn làm lại được bố vợ kiểm tra. Ok! Xong, thế là vào giai đoạn đốt lò.

Khi ấy cả làng Bát Tràng vẫn còn nung gốm bằng củi và than. Nhưng thật xui, suốt đêm nung thạp, gần vào cuối lò, hắn buồn ngủ díp mắt, không để ý đến nhiệt độ. Lò bị non lửa, thạp bị bong lớp men rạn nhiều chỗ, chỉ giữ lại được họa tiết dây hoa màu nâu bóng. Thế là hắn bị khách mắng cho một trận lên bờ xuống ruộng vì làm hỏng hàng đã đặt. Biết sao được, hắn chỉ gãi đầu chữa ngượng và xin làm đền một cái thạp khác. Nhưng thật lạ, khách hàng ấy để lại một ít tiền gọi là, rồi hầm hầm ôm của hỏng ấy ra về, không hề bắt làm lại. Ai cũng nói là may mà khách hàng không đòi lại tiền đắt cọc. Tuấn thở phào coi như thoát nợ.

Nhưng lạ lùng thay, 5 tháng sau khách hàng ấy quay trở lại thưởng cho Tuấn một triệu đồng và còn cảm ơn đàng hoàng. Hắn ngỡ ngàng chưa hiểu đầu đuôi ra sao, thì ông khách xởi lởi kể chuyện, thật ra khi xem cái thạp của Tuấn ông ta không ngờ lại phù hợp đúng với một cái thạp cổ. Nghĩa là đẹp, lại còn bị bong rạn bởi thời gian, dễ lừa người mua. Thế là ông ta mang thạp về chôn xuống đất sâu, phủ lên trên mọi tạp chất kể cả phân trâu, bò.

Cứ thế mặc cho mưa nắng dãi dầm, các tạp chất ngấm vào thạp suốt gần nửa năm trời. Ô hô! Thế là thành đồ cổ. Khi dỡ thạp lên ít ai ngờ đó là đồ mới làm. Thậm chí khách đến mua, có kinh nghiệm khi gõ vào thạp nghe tiếng bộp bộp thì tin ngay. Sau đó khách còn giội ít nước sôi lên chỗ bị bong men, rồi ngửi nhận ra mùi thời gian xa xưa, nên trả luôn một giá là 70 triệu đồng, rồi hí hửng đem hàng về.

Tuấn nghe chuyện mà cứ ngỡ mình nằm mơ, thì ra trình độ làm gốm giả cổ của mình cũng được đấy chứ. Hắn cười thầm và tỏ ra khoái trá. Đến lúc này, nhiều người có vẻ tin là hắn có thể làm gốm cổ truyền Bát Tràng được, thế mới hay.

Và, đến chuyện thứ hai thì tên tuổi hắn đã nổi thật sự và xóa đi cái dớp “đồng nát”. Ấy là khi hắn ngấm ngầm nhận một món hàng độc chiêu, là làm một cái bình cổ theo ảnh chụp, do khách hàng đến đặt. Hàng khó đến mức, ngoài việc vẽ những họa tiết theo tích “Lã Bố hý Điêu Thuyền”, thì phải làm mẻ một miếng, rồi gắn lại đúng như bình cổ trong ảnh. Tuấn có vẻ nghi ngại sợ mình làm lại để cho kẻ khác hưởng, nhưng lại nghĩ thôi thì khách thuê với một số tiền hậu hĩnh dại gì không làm. Hơn thế, hắn còn ngấm ngầm, muốn thể hiện tài năng của mình trước bàn dân thiên hạ. Thế là hắn “chiến” i xì. Nhìn mặt hàng, khách sướng rơn và còn thưởng thêm ngoài giấy biên nhận.

Nhưng thôi rồi! Chỉ một tháng sau Công an ập đến bắt hắn vì tôi làm đồ cổ giả để lừa khách mua. Sau nhiều lần gặp gỡ, tra xét Tuấn xòe cái giấy khách đặt hàng ra có địa chỉ rõ ràng và số tiền thuê là 400 ngàn đồng. Hắn chỉ là người thợ làm hàng, còn việc bán, hay lừa đảo của người khác thì hắn không chịu trách nhiệm. Có nhiều người làm chứng nên câu chuyện trở nên nhẹ nhõm hơn. Hắn lại được thoát nợ một lần nữa.

Ơn trời! Lần này thì hắn lại nổi lên là một tay thợ giỏi. Có thể nói là xóa sạch cái danh “đồng nát” bấy lâu. Tuấn hả hê làm sao. Đủ lông đủ cánh. Thế là, năm 1998 vợ chồng hắn xây nhà ra ở riêng ở ngay ngách làng, trên đường đi cắt ngang đường ra chợ gốm.

Tôi là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn!

Hắn đã ngầm tuyên như vậy khi bạo dạn đăng ký dự danh hiệu kỷ lục ghi nét đón chào Lễ hội Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, trong Hội phố hoa lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, năm 2008. Tác phẩm dự thi của Nguyễn Ngọc Tuấn là một dãy phố cổ đặc trưng cho những ngôi nhà cổ Hà Nội một thời. Đây là một mảng ghép từng ngôi nhà cổ liên tiếp gắn kết với những nhịp phố cao thấp khác nhau với sắc độ rêu phong tinh tế, gây cảm xúc bất ngờ đối với người xem. Hơn 200 mô hình căn nhà cổ nối dài tới 50 mét, tạo nên một hình ảnh phố cổ Hà Nội ngàn năm văn hiến, quả là độc đáo. Ngay sau đó, kỷ lục đã được xác lập. Tuấn nổi danh ở xứ gốm Bát Tràng, với biệt hiệu nghệ sĩ tài hoa của đất và người làm nhiều nhà cổ nhất hiện nay.

Chính vì thế, Tuấn bây giờ chỉ việc “cắt” từng căn nhà cổ ra bán cho du khách và cho những người trang trí vườn cây hay nội thất cảnh tượng trong nhà. Những ngôi nhà cổ của Tuấn như có người ở vậy, nó ấm áp, với rêu phong tự nhiên. Ở đó có những tiếng chim kêu và tiếng lá cây xào xạc thân quen. Tuấn đã thổi hồn vào gốm như vậy. Lần lượt phố cổ của Tuấn bán hết sạch hơn 200 ngôi.

Mới đây, một người Italia, tên là My-an đã từng làm việc ở Việt Nam và lấy vợ người Việt, đã trở lại cửa hàng của Tuấn ở Bát Tràng, đặt mua một dẫy nhà gốm mang về nước, để  bày ở ngoài vườn của ngôi nhà mới xây. Ông ta tâm sự, ngắm những ngôi nhà của người nghệ sĩ trẻ này, luôn có cảm giác vẫn đang ở Hà Nội, cùng với bao kỷ niệm về gia đình người vợ. Với ông đó là những ngôi nhà của hạnh phúc và những lứa đôi của tình yêu.

Tuấn còn thể hiện tình yêu Hà Nội với nhiều tác phẩm khác ngoài phố cổ. Khi tôi sang gặp đúng lúc Tuấn đang dựng hình tượng Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Hắn tâm sự, mình làm theo gợi ý của một người bạn hàng, thực sự có những đồng cảm với nét gốm sáng tạo trong nghệ thuật gốm mà mình đang theo đuổi. Cùng với giai đoạn này, Tuấn còn thực hiện dựng các mô hình tiêu biểu của thủ đô như Ô Quan Chưởng, Cột cờ, tháp Hòa Phong, Tháp Rùa, và chùa Một Cột...

Cùng với những tượng gốm trên, Tuấn còn nổi bật ở mảng nghệ thuật phù điêu, đặc biệt hình tượng thiếu nữ Hà thành, và vũ nữ Chăm. Hắn đã theo đuổi đề tài này gần hai mươi năm qua, đồng thời cũng là người đi tiên phong, mở đầu cho ngành tranh gốm hiện đại ở làng Bát Tràng. Đã có lần, bộ tranh tứ bình “Tố nữ” của hắn bán cho một du khách nước ngoài với giá 3.000 USD, năm 2000.

Từ đó, tranh gốm nổi mang yếu tố điêu khắc của hắn đã có sắc thái riêng biệt và cùng với phố cổ, có tính ứng dụng cao và đã gắn với cái tên “Gốm Tuấn”, mỗi khi du khách đi chợ làng Bát Tràng. Đáng chú ý, tranh gốm của Tuấn đã khá nổi bật trong đường gốm sông Hồng, với mảng điêu khắc vũ nữ Chăm và vẻ đẹp dịu dàng của thiếu nữ Hà Nội.

Mới đây, hắn còn là tác giả duy nhất về tranh gốm được gắn trên cổng làng Lụa Vạn Phúc ở Hà Đông, với nhiều mảng phù điêu đẹp về Hà Nội xưa gợi cho cổng làng lụa thêm sâu sắc nét văn hóa truyền thống 1000 năm Thăng Long. Chưa hết, Gốm Tuấn còn hiện diện ở nhiều công trình công cộng và nhiều biệt thự với giá trị nghệ thuật trang trí độc đáo về thể loại hình đất nung bền vững.

Vẫn là những ngôi nhà gốm ‘‘Gốm Tuấn”

Tuấn khoe mình vừa được đặt hàng, sẽ làm một bình ấm trà cao 3,5m để chào đón Festival trà Tân Cương sắp tới được tổ chức tại Thái Nguyên. Cho dù còn nằm ở dự án, nhưng hắn tỏ ra hết sức hào hứng muốn thể hiện những câu chuyện mình muốn gửi gắm vào chiếc ấm khổng lồ này. Không hẳn đó sẽ là một kỷ lục, nhưng điều mà hắn ấp ủ đó là ý nguyện muốn đền đáp cho tình nghĩa của làng nghề đã chấp nhận mình như một người con thân yêu, được sinh ra tại làng và được sống trên mảnh đất Bát Tràng cổ kính.

Khi trao đổi với tôi về thị trường gốm trong tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay, hắn tỏ ra phấn chấn, khi mình vẫn còn bám vào đất mẹ, mảnh đất phù sa trên sông Hồng. Tuấn mỉm cười nói, mình vẫn sẽ tiếp tục “xây” nhà đem bán, những ngôi nhà cổ mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Hắn yêu gốm suốt gần 30 năm qua, giờ đây gốm trả lại cho hắn cái tên: “Gốm Tuấn”, với những căn nhà xinh xắn, nhỏ nhoi ấm áp hơi thở con người

Lưu Kường
.
.
.