Những nẻo đường thẩm lậu

Kẽ hở 'voi' chui lọt

Thứ Năm, 25/06/2015, 15:00
Quyết định cho phép cư dân biên giới (CDBG) được trao đổi, mua bán hàng hóa miễn thuế trong phạm vi 2 triệu đồng/người/ngày đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đời sống của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chính sách này đã bộc lộ những "kẽ hở" lớn được cánh buôn lậu triệt để khai thác, công khai gian lận thương mại...
>> Những nẻo đường thẩm lậu: Theo dấu 'xuồng bay'

Nghề đi chợ… thuê

Câu chuyện nghe qua tưởng đùa nhưng mà thật. Bà G. năm nay tuổi đã ngoại 70 nhưng vẫn nhanh nhẹn. Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà khá khang trang ở thôn Cốc Nam (xã Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn), bà lão thật thà kể: "Hồi còn trẻ cô chuyên đi vác hàng thuê cho các chủ lậu ở Đồng Đăng, Tân Thanh. Triền dốc biên giới cao là thế mà cô cứ hai tay cắp hai bao tải hàng từ bên kia cột mốc sang bên mình cứ băng băng. Giờ già rồi, tay yếu chân run nên không theo được bọn trẻ.

Cách đây mấy năm có bà chủ dưới TP Lạng Sơn lên đây thuê các cô đi chợ Trung Quốc, mua gom hàng quần áo mang về đây, trả 3 trăm nghìn/ngày công. Cả nhà cô có 7 người lớn đều đi chợ Lủng Nghịu (TT Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc) mua hàng cho bà ấy. Mỗi ngày cả nhà cô bình quân thu được hơn 2 triệu đồng tiền công. Việc vừa nhàn lại kiếm tốt, nên gần như cả xã này dân đều đi chợ thuê như nhà cô".

Đi chợ, xách hàng thuê tại cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái.

Câu chuyện của bà G. "lạ" ngay từ phút đầu. Số là gần 10 năm nay, kể từ khi Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 của Chính phủ cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với CDBG khi mua hàng hóa của nước ngoài (trong danh mục 35 mặt hàng) với trị giá nhỏ hơn hoặc bằng 2 triệu đồng/lần/ngày, thì một nghề mới đã xuất hiện ở vùng này - nghề đi chợ thuê.

Vẫn theo lời bà G., chuyện đi chợ  Trung Quốc hết sức đơn giản. Hàng ngày, từ sáng sớm cả nhà bà cùng dân trong xã tập trung ở gần cửa khẩu Cốc Nam, chủ hàng sẽ đến phát tiền, mỗi người lận lưng 2 triệu đồng. Việc còn lại là xuất trình giấy thông hành hay chứng minh thư biên giới. Đến chợ Lũng Nghịu, họ thoải mái chọn lựa những mặt hàng như đồ điện gia dụng, quần áo, vải vóc…để mua trong phạm vi số tiền bà chủ đưa. Cũng có khi chủ hàng gọi điện trước cho người bán hàng, nên họ chỉ việc vào chợ nhận hàng rồi vác về cửa khẩu.

Theo quy định, hàng hoá mua bán của CDBG (người có hộ khẩu thường trú ở những xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền) thì không yêu cầu phải khai trên tờ khai hải quan nếu trong định mức miễn thuế, nên Hải quan cửa khẩu chỉ kiểm tra qua hóa đơn mua hàng, đối chiếu với lượng hàng rồi cho thông quan. Hàng hóa mua về sẽ được người dân tập kết ở kho của chủ hàng, cũng kiểm đếm, ký sổ rồi nhận tiền công. Đi chợ buổi nào trả tiền buổi đó, chứ không nợ nần dây dưa.

Vì mỗi người một ngày chỉ được đi chợ Trung Quốc một lần, lại chỉ mất một lúc buổi sáng, nên cánh đi chợ thuê tha hồ thời gian rảnh rỗi mà làm những việc khác. Người vùng biên thì cuộc sống bám lấy chợ, cả ngày mua bán đổi chác, rỗi rãi thì "chăn" con lô để mua sự hồi hộp lúc tối về. 

Mua bạc triệu, báo tiền nghìn

Hàng đã được đưa về Việt Nam một cách "chính tắc" trên những đôi vai người dân biên giới, thì không thể gọi là hàng lậu. Sau vài ngày gom hàng, kho chứa đã chật, bấy giờ chủ hàng mới cho xe lên bốc để chở về xuôi. Khi qua các trạm kiểm soát liên ngành, những xe hàng sẽ bị Hải quan và Quản lý thị trường kiểm tra về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đối chiếu với lượng hàng trên xe. Nếu không có chứng từ "đầu vào", tức là hàng lậu và sẽ bị tịch thu, phạt tiền. Thế nên, một chiêu "lách luật" ngoạn mục khác đã được những "đầu nậu" sử dụng bao năm nay, khiến lực lượng chức năng dù biết mười mươi là hàng lậu biến tướng, nhưng cũng đành "bó tay.com".

H. "hói"- một chủ hàng "tay to" ở Đồng Đăng kể với tôi: "Hiện nay nhà nước cho phép doanh nghiệp được mua gom hàng hóa do CDBG bán lại, mua bao nhiêu thì tự kê khai để viết thuế. Đã cho "thả cửa" thì viết thế nào mà chẳng được. Hàng trị giá 1 triệu đồng, viết 10 nghìn thì cũng chẳng làm sao!. Đây, như anh cứ mỗi cái quần bò mua vào giá 5 trăm nghìn, anh kê có 5 nghìn. Chẳng ai hơi đâu mà đi xác minh xem có đúng là ông A, bà B đã bán cái quần mới toanh ấy với giá "bèo bọt" hay không. Mà có đi tìm, cũng "đến mùa quýt sang năm" mới thấy, vì tên người bán toàn do bọn anh bịa ra. Trên tổng số tiền hàng đã tự kê khai, cơ quan chức năng sẽ tính thuế. Con số phải trả quá thấp so với giá trị thực của hàng hóa. Coi như bọn anh mua cái hóa đơn để hợp pháp hóa số hàng đó. Có hóa đơn rồi, cứ kê cao gối mà ngủ, đi đến đâu cũng chẳng lo sợ gì. Còn nếu không muốn lấy hóa đơn, thì chỉ việc khai báo đó là các kiện hàng của nhiều người gộp lại cùng chở một chuyến, sẽ chẳng ai có thể đánh thuế mình, làm hoàn toàn theo luật đấy nhé!".

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn), vào những dịp cuối năm, mỗi ngày tại cửa khẩu này có trên 1 nghìn lượt người xuất cảnh, nhập cảnh thì trong đó từ 3 trăm đến 5 trăm người dân các xã biên giới đến kê khai, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu, với những mặt hàng chủ yếu như chăn, ga, quần áo, giấy… Trong đó, phần lớn là hàng hóa được cư dân vác thuê cho "đầu nậu".

Chứng kiến những đoàn xe nghễu nghện chở hàng lậu biến tướng về xuôi, nỗi lo về cái chết ngắc ngoải của doanh nghiệp trong nước mỗi lúc một lớn. Với mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh… hàng lậu Trung Quốc đã và đang cướp đi "miếng ăn" của những nhà sản xuất nội địa. "Kẽ hở" này từ chính sách quản lý biên mậu, đủ rộng để cả "đàn voi" chui lọt.

Cơ quan quản lý nói gì?

Với hạn mức tiêu dùng đến 2 triệu đồng/người/ngày/lượt, có nghĩa là trong 1 tháng, 1 CDBG mua đồ dùng thiết yếu tới 60 triệu đồng? Một con số bất hợp lý, vì người dân tộc thiểu số vùng biên không có nhiều tiền như vậy, cũng không có nhu cầu tới mức chi tiêu số tiền "khủng" đó. Vậy thì ai mới chính là kẻ hưởng lợi chủ yếu từ chính sách này?

Vận chuyển hàng qua cửa khẩu.

Thượng úy Hoàng Thế Hà (Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Mường Khương, Lào Cai) xác nhận: "Thực tế, CDBG rất khó có số tiền 2 triệu đồng/ngày mua hàng. Ở Mường Khương, có khi cả tuần cư dân mới sang trao đổi hàng hóa (chủ yếu là nông sản, quần áo, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày…) 1 lần vào mỗi phiên chợ".

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) thì thực sự phi lý nếu một nhà có 4 người, mỗi ngày 4 lần qua biên giới mua hàng để được miễn thuế 8 triệu đồng. "Nếu như đời sống của người dân đã cao như thế thì họ không phải đi buôn làm gì"- ông phân tích.

Vẫn theo ông Cẩn, hiện Tổng cục Hải quan đã kiến nghị xem xét lại chính sách miễn thuế cho CDBG để không tạo ra kẽ hở, tiếp tay cho buôn lậu.

Xung quanh việc nên hay không nên tiếp tục duy trì chính sách này, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, có thể duy trì việc miễn tính thuế với những mặt hàng CDBG đã mua, nhưng bán ra phải được quy định tính thuế thật cụ thể.

Thượng úy Hà phân tích: "Tại các cửa khẩu quốc tế, không ít cư dân là những dân buôn chuyên nghiệp, họ lợi dụng chính sách mua hàng miễn thuế để bán lại, thu về lợi nhuận cao, không còn mang tính chất trao đổi hàng hóa CDBG nữa. Vì thế, việc miễn thuế chỉ nên áp dụng tại các cửa khẩu phụ, nơi mà các cư dân có mục đích trao đổi hàng hóa nông sản thực thụ tại các phiên chợ".

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật Nay&Mai cũng nhất trí đánh thuế với hàng hóa CDBG mua về miễn thuế rồi bán ra thị trường nội địa. Theo ông, nên chuyển việc ưu đãi này từ cá nhân sang hộ gia đình và mỗi tuần chỉ được mua hàng miễn thuế một lần. "Nghĩa là mỗi hộ CDBG chỉ được mua hàng miễn thuế trong phạm vi 2 triệu đồng trở xuống trong 1 tuần. Như vậy đã tương đương với 8 triệu đồng/hộ/tháng, thay vì 60 triệu/người/tháng như hiện nay. Con số này sẽ phù hợp với nhu cầu và thu nhập thực tế của CDBG hơn" - ông Hiển kiến nghị.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương rà soát, đánh giá những lợi ích của chính sách ưu đãi, CDBG nếu thấy không có lợi thì bãi bỏ. Trên cơ sở thực tế, đề nghị các địa phương cho ý kiến đánh giá những mặt được, chưa được, những tác động đến đời sống cư dân khu vực biên giới nếu bãi bỏ chính sách này. Và một khi duy trì thì hướng quản lý sẽ như thế nào?
Nhóm PVĐT
.
.
.