Khi dịch COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống, các nước châu Âu lên kế hoạch khôi phục nền kinh tế đang bị tác động nặng nề khi chỉ trong hai tuần lễ, COVID-19 cuốn trôi tăng trưởng Pháp đã tích lũy được trong 5 năm; GDP của Đức giảm 10% trong ba tháng sắp tới.
IMF dự báo GDP của khu vực đồng euro trong năm 2020 giảm 7,5%. Liên hiệp châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đồng loạt đưa ra những giải pháp “chữa cháy” tránh để các doanh nghiệp phá sản và hàng chục, thậm chí là hàng trăm, triệu người lao động mất việc làm. Nhưng chính sách chung cho giai đoạn “tái thiết” hậu khủng hoảng COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.
Khi Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha bất đắc dĩ lọt vào tốp 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng COVID-19 thì cũng là lúc giới chức Liên hiệp châu Âu và nhà lãnh đạo của các quốc gia này định hình rõ hơn về những thách thức mà họ chuẩn bị đương đầu.
Ngay từ đầu tháng 3/2020, các giới chức lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu và của khu vực đồng euro lập tức đóng vai trò của những người “lính cứu hỏa”. Ở cấp quốc gia, các chính phủ đều có kế hoạch cứu vãn kinh tế bằng mọi giá, tránh để các doanh nghiệp sa thải nhân viên.
Hà Lan, nơi có truyền thống Nhà nước ít can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, nhưng Thủ tướng Mark Rutter đã phải lên tiếng.
Ông là vị Thủ tướng Hà Lan thứ hai từ những năm 1970 long trọng phát biểu trước toàn dân trên đài truyền hình rằng COVID-19 sẽ dồn mọi người vào chân tường, đồng thời cam kết chính phủ sẽ “làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ mỗi chủ doanh nghiệp và từng người lao động”.
Nước Đức của Thủ tướng Merkel vốn rất chặt chẽ về chi tiêu công đã nhanh chóng thông báo một gói hỗ trợ 1.100 tỷ euro chống COVID-19 và “giúp đỡ vô hạn định” các doanh nghiệp của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Pháp tới nay thông qua một dự luật tài chính bổ sung tương đương với 15% GDP để khắc phục hậu quả virus SARS-CoV2 gây nên. Italia và Tây Ban Nha là những tâm dịch tại châu Âu cũng đã thông báo “hàng trăm tỷ euro” cứu các doanh nghiệp và duy trì một số dịch vụ xã hội.
 |
Nhiều hãng sản xuất ôtô ở châu Âu phải ngừng sản xuất vì COVID-19.
|
Ở cấp cao hơn, Ủy ban châu Âu đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cả Eurogroup đã nhập cuộc tránh để đình trệ kinh tế biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng và khủng hoảng về nợ công.
Có điều các định chế châu Âu đã không tránh khỏi một số vấp váp ban đầu. Nếu như Bruselles nhanh chóng thông báo trích xuất 37 tỷ euro từ Quỹ Đầu tư châu Âu để hỗ trợ các bệnh viện đối mặt với COVID-19 và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, thì ngược lại, phải mất đến một tuần lễ ECB mới quyết định mua vào 870 tỷ euro công trái phiếu và cổ phiếu của các nước thành viên từ nay cho tới cuối năm (thay vì 120 tỷ euro như đã thông báo một tuần lễ trước đó).
Chưa bao giờ định chế tài chính này lại dễ dàng mở hầu bao như vậy. ECB muốn bằng mọi giá tránh để kịch bản 2012 tái diễn. Tám năm trước, Hy Lạp bị đe dọa mất khả năng thanh toán và qua đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của đồng euro.
Lần này con nợ cần được cấp cứu là Italia, quốc gia thứ ba trong khu vực đồng euro và có trọng lượng lớn hơn nhiều so với Hy Lạp. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde thừa biết rằng, nếu như Italy lâm nguy thì châu Âu khó dập được đám cháy.
Quyết định của ECB lại càng cấp bách vào thời điểm chính quyền Roma phải đi vay tín dụng 10 năm với lãi suất gần 3% thay vì 1% như trong hai tuần lễ trước đó. Các dự báo tăng trưởng càng tiêu điều, Italy càng phải đi vay với lãi suất cao.
Tối 9/4/2020, Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đưa ra một giải pháp chung đối phó với hậu quả kinh tế COVID-19. Các bên đã thuyết phục được Hà Lan đồng ý về một kế hoạch khẩn cấp 500 tỷ euro và một quỹ hỗ trợ 19 thành viên Eurozone trong tương lai.
Thỏa thuận tập trung vào ba điểm: trong khuôn khổ cơ chế bình ổn tài chính (EMS), 19 thành viên châu Âu có thể vay nợ tới 240 tỷ euro tín dụng để đối phó với dịch COVID-19 ; huy động 100 tỷ euro để duy trì công việc làm cho người lao động của eurozone và 200 tỷ euro hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ.
Rõ ràng kế hoạch 500 tỷ euro lần này nâng gói hỗ trợ kinh tế của Liên hiệp châu Âu chống virus SARS-CoV2 lên thành 3.200 tỷ euro. Đây là gói kích cầu “lớn nhất thế giới”.
Có điều trong lúc một mình nước Mỹ có thể tung ra tới 2.000 tỷ USD ngăn chặn COVID-19 lây lan sang lĩnh vực kinh tế và tài chính, Nhật Bản là 1.000 tỷ USD thì 3.200 tỷ dành cho 27 thành viên trong Liên hiệp châu Âu được xem là khá “khiêm tốn”.
Cả khối euro chật vật lắm mới đạt được đồng thuận trên 500 tỷ euro. Đó là số tiền quá ít, nhưng cũng phải hiểu rằng khối euro không có ngân sách chung để ban hành một gói kích cầu như Nhật hay Mỹ.
Tuy nhiên, châu Âu hình thành và lớn mạnh từ những cuộc khủng hoảng. COVID-19 cũng đã buộc định chế này phải có nhiều thay đổi, thí dụ như không còn bắt các thành viên khăng khăng tuân thủ các chuẩn mực về ngân sách Nhà nước, về nợ công.
Minh Trang (tổng hợp)