Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Kẻ ngụ cư yêu Phố

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:37

Triển lãm sắp đặt độc đáo, Phố của Nguyễn Ngọc Dân, được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2013. Đó là một phố Hà Nội chân thật với những góc nhìn cận cảnh, "ngổn ngang thương mến". Ở đó có loa phường, có loằng ngoằng dây diện, có ngổn ngang cột đèn xanh - đỏ... Một đô thị Hà Nội ồn ã đang biến thiên từng ngày. Và ở đó, ẩn chứa một tình yêu mà Dân nói, nó đi vào anh từ lúc nào không biết, với Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Dân rất bất ngờ với đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho triển lãm sắp đặt Phố của mình. Anh không sinh ra ở Hà Nội. Nhưng Hà Nội là nơi anh sống và làm việc. Nơi nảy sinh những suy tư, chiêm nghiệm về đời sống. Phố Hà Nội của Dân không lãng đãng khói sương, không mái ngói nâu trầm. Không phải góc phố của hoài niệm, hay của những giấc mơ thành thị.

Phố của Dân là hiện tại, là nhịp sống nóng hổi của đô thị đang bị cuốn trôi từng ngày. Phố không một bóng người. Mà ở đó, ngổn ngang dây diện, cột điện, loa phóng thanh, ngổn ngang cột đèn xanh đèn đỏ. Nguyễn Ngọc Dân đã chọn một điểm nhìn độc đáo từ trên cao, để nhìn rất sâu vào lòng phố, vào tâm hồn phố, để cảm nhận, sự chuyển biến bên trong của phố thị.

Sau triển lãm Phố, nhiều kẻ bảo anh khùng, điên. Không khùng sao bỏ ra tiền tỷ để làm một triển lãm rồi xếp vào... kho. Không khùng mà bỏ ra 8 năm trời ròng rã, đi sưu tập nào dây điện, cột điện, loa phường, những thứ mà mọi người gọi là rác chất đầy nhà. Còn anh thì giản dị. Đó là sự dấn thân. "Nó không hề là một cuộc chơi, chưa bao giờ tôi nghĩ là mình ngông. Những ý tưởng nó hút mình, bắt mình phải đi con đường đó, không thể khác".

Với Nguyễn Ngọc Dân, nghệ thuật là một hành trình lao động miệt mài và lặng lẽ. Và tự nhiên như thế, Phố ra đời. Phố của Nguyễn Ngọc Dân đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống, khiến người bình thường cũng có thể xem và suy ngẫm một điều gì đó về cuộc sống mà chúng ta đang can dự. Và vì thế, Dân đã làm được nhiều hơn anh nghĩ. Ai đó nói, vì Dân yêu Hà Nội, còn Dân chỉ giản dị coi đó là những quan sát, suy ngẫm về đời sống...

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói: "Nguyễn Ngọc Dân đi và vẽ, sưu tầm và chọn lựa các vật có sẵn, đắn đo cân nhắc các phương tiện tạo hình/thị giác, họa sĩ phát hiện cho mình và cho đô thị những icon mới: Những cột điện, đường dây, biển báo và loa phóng thanh. Chúng đẹp hay xấu, trật tự hay hỗn độn, là đang xây dựng phát triển hay đã là rác thải?

Chúng là những thứ ta mong muốn và căm ghét. Chúng mang lại tiện ích và bất hạnh. Chúng giải phóng hay nô dịch dân phố? Môi trường sống đầy trói buộc, cuộc mưu sinh như một mớ bòng bong khổng lồ không hòng tháo gỡ. Liệu ta có đủ sức điều khiển những khối vật chất vô cảm, vô tri giác mà ta làm ra hay ta sẽ bị những "âm binh" này sai khiến?".

Dân lặng lẽ đi con đường của mình. Và trên con đường miệt mài đó, anh đã tạo nên một không gian Phố của riêng mình mà tôi muốn gọi là Phố “Dân”. Thời gian vật đổi sao dời, Phố của Dân đến một lúc nào đó, cũng sẽ trở thành di sản, đánh dấu về một thời đại đã qua, một thời đại "đẹp như... loằng ngoằng dây điện" rất đáng để suy ngẫm.

Hà Nội City.

- Anh không sinh ra ở Hà Nội, nhưng đã có một quãng thời gian gắn bó với mảnh đất này, Hà Nội đã thay đổi như thế nào trong cảm nhận của anh.

- Từ khi tôi lên đây học, Hà Nội thay đổi chóng mặt, thậm chí đôi khi tôi không tưởng tượng được. Không còn con đường hoa sữa… không còn sự yên tĩnh, vắng lặng. Hà Nội trong thời hội nhập quốc tế, có những nhiễu nhương bất an ngoài tầm kiểm soát. Không gian sống bị phá vỡ, cần thiết và đương nhiên cho sự phát triển mới.

Ở Hà Nội, tôi có gia đình, có bạn bè. Nhưng trên hết đó là sự quan sát và suy ngẫm về cuộc sống và đam mê nghề nghiệp tự nhiên nó phản chiếu vào trong tác phẩm của tôi. Tôi không có ý định ca ngợi dây điện, hay vẻ đẹp của con người Hà Nội. Hay tôi yêu Hà Nôi từ bao giờ cũng không biết. Bởi người nghệ sĩ, họ suy ngẫm về đời sống và họ phải hành động.

- Phố Hà Nội của anh không có vẻ hào hoa, lãng mạn của những hoài niệm. Phố góc cạnh, thô ráp như những gì nó đang chứa đựng. Một góc nhìn rất đương đại.

- Phố của tôi có nhiều góc nhìn đa diện. Ai nhìn vào cũng phải suy ngẫm. Những người trong nghề sẽ có suy ngẫm khác với những người xem bình thường. Nhưng chắc chắn nó khiến chúng ta phải dừng lại để nhìn về những biến thiên của đời sống đô thị.

- Có một điều đặc biệt trong các tác phẩm của anh về Hà Nội rất vắng bóng người, anh không dùng người làm chủ thể mà nhìn cuộc sống qua dây điện, loa phường, đèn xanh đèn đỏ những vẫn thấy được sự chuyển động ồn ào của đời sống đô thị.

- Tôi đã nhìn lên trên và chọn dây điện, cột điện là ngôn ngữ để thể hiện. Những thứ đó đặc trưng của người thành thị. Chỉ có thành phố mới có nhiều dây và cột diện đến thế. Một thời kỳ phát triển của công nghệ, của internet. Rõ ràng là những cái chằng chịt, rối tinh như mạng nhện trên không cũng chính là sự phát triển quá nhanh, quá đông người của thành thị. Mỗi một sợi dây thể hiện số lượng người dân tăng lên, và là sự đông đúc chật hẹp của phố xá. Đó là một cái nhìn sâu về đời sống.

Dây điện và cầu Long Biên.

Hơn nữa, dây điện cũng là ngôn ngữ tạo hình, bởi nó là đường nét. Và ngôn ngữ tạo hình bằng dây diện vượt qua biên giới một quốc gia, thành ngôn ngữ toàn cầu. Nếu vẽ chiếc nón, nó chỉ mang tính bản địa, đánh dấu một khoảng thời gian của thời đại. Còn điện, internet và công nghệ là ngôn ngữ của toàn cầu.

- Đến bây giờ, dư âm về triển lãm sắp đặt Phố của anh vẫn khiến nhiều người trầm trồ, nó thể hiện sự dày công, đam mê và dấn thân của người nghệ sĩ. Hành trình đó chắc hẳn gian nan lắm thưa anh.

- Đó là một hành trình dài, gần 8 năm, bắt đầu từ ý tưởng rồi sưu tập để chuẩn bị. Công đoạn này rất vất vả, tốn kém và mất thời gian. Nhưng vì đam mê, và bị dẫn dụ nên tôi cứ đi thôi. Tôi phải đi mua từng ôm dây điện, vận chuyển, thậm chí dùng cẩu, rồi phải thuê chỗ chứa...

Riêng con sứ điện là hai xe tải to, chất liệu gốm và thủy tinh. Các zulô gỗ phải hai xe tải. Cột  bê tông và hai khối bê tông để ép cọc thành một xe cẩu. Cột điện sắt cũng một xe cẩu. Một cẩu  cây loa hơn 2 tấn. Loa phóng thanh hơn 20 chiếc cùng những phụ kiện như cột đèn cao áp... Riêng dây điện phải 2 xe tải. Và hai xe tải tranh. 

Ngoài ra phải thuê rất nhiều thứ khác nữa, một xe lu, xe hút bê tông, xe tải Thành Hưng, xe tắc xi, xe lưu điện và xe máy cổ, ôtô cổ, một sit đờ ca... Đấy là những phương tiện của cuộc sống, chúng ta cần nó, nhưng nó cũng đầy những cản trở, gây ùn tắc và ô nhiễm, thậm chí nguy hiểm cho đời sống. Và chúng ta phải chấp nhận chung sống cùng nó.

Trong triển lãm có những tác phẩm sơn dầu, vẽ về chủ đề dây điện, dựng lại từ những ký họa trực tiếp ngoài đường phố và những bức tranh chỉ có dây điện căng lên khung tranh, tước bỏ toàn bộ toan và màu.

- Phố của anh khiến người dân phố đương đại phải ngẫm ngợi?

- Suy ngẫm đầu tiên, đó là hiện thực, và dây điện có thể hiện được không, con sứ có thể hiện được không. Tại sao nó lại trừu tượng đến thế nhỉ, rắc rối đến thế, khó hiểu và nguy hiểm đến thế. Sau đó, tôi khai thác tính tạo hình của đường nét. Tôi rất để ý đến tín hiệu đèn xanh - đèn đỏ, tín hiệu nóng và lạnh, đi hay dừng lại. đèn đỏ dừng lại để an toàn, để có một cuộc sống tốt hơn. Sống chậm lại, biết suy ngẫm sẽ tốt cho cuộc sống, cho xã hội. Đó là một thông điệp trên toàn cầu về sự đi hay ở, phát triển hay dừng lại.

Hà Nội City 5.

- Nhưng trong sự rối rắm của dây điện vẫn thấy một cái nhìn rất lạc quan về đời sống, về con người.

- Nghệ thuật lấy cái đẹp, với một nhãn quan tích cực để nhìn cuộc sống. Tôi vẽ dây điện cũng  để nói về sự lạc quan, hy vọng về những thứ tươi đẹp hơn cho cuộc sống, cho con người. Nếu không lạc quan, không Thiền thì tôi sẽ bị rối tinh lên, làm sao nhập mình vào mớ bòng bong đó mà vẽ được.

- Sau sắp đặt Phố, điều gì đang ám ảnh anh?

- Cứ tưởng đã tạm đạt được những suy ngẫm của mình, sẽ tạm dừng. Khổ thay, sau triển lãm, đi chơi, ngắm nhìn phố, nhìn đống dây điện, loa đài, đèn xanh đèn đỏ và phố xá sôi động, tôi như gặp lại người yêu cũ vậy. Và tôi lại nảy ra những ý tưởng mới và cần bắt tay vào làm tiếp. Thậm chí còn thôi thúc hơn. Hình như nó nằm trong máu mình rồi.

Những tín hiệu giao thông đã bắt được sóng và mình lại tiếp tục xử lý thôi. Bằng hội họa, sắp đặt hay thế nào thì tôi cũng chưa biết. Tôi quan tâm đến đời sống con người. Vẽ dây điện, hay loa đài, giao thông chính là vẽ phố. Và vẽ phố chính là vẽ con người.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Việt Hà
.
.
.