Kết thúc không đột phá, Hội nghị thượng đỉnh Normandy đạt được những gì?

Thứ Sáu, 13/12/2019, 15:35
Nga và Ukraine đã đồng ý về một cuộc ngừng bắn và trao đổi tù nhân mới trong Hội nghị thượng đỉnh Normandy kéo dài 9 giờ tại thủ đô Paris của Pháp hôm 9-12.


"Một trận hoà"

4 nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị được tổ chức bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và do Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng ra làm trung gian hoà giải đều ca ngợi sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán hoà bình liên quan đến Ukraine. Nhưng theo các nhà phân tích, mô tả phù hợp nhất về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Normandy lại đến từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Volodymyr Zelensky đã gọi đây là "một trận hoà".

Thực tế, không có bước đột phá lớn nào đạt được có thể mang lại hy vọng chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine và thêm nhiều bất đồng giữa Ukraine và Nga đã xuất hiện. Kể từ năm 2014 đến nay, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã giết chết hơn 13.000 người và khiến cho phần lớn lãnh thổ của Ukraine bị chia cắt giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai thân Nga. Đây cũng trở thành cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2 và là nguồn căng thẳng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

Tờ The New York Times viết: "Hội nghị thượng đỉnh Normandy lần này được ca ngợi là một thành tựu lớn của tất cả các bên vì các cuộc họp kiểu này đã không diễn ra kể từ năm 2016. Mặc dù không có thoả thuận hoà bình toàn diện nào được thực hiện nhưng các nhà ngoại giao đều hy vọng rằng, cuộc họp là "cơ hội tốt nhất" từ trước đến nay để có thể tìm được giải pháp cho xung đột tại Ukraine".

Thắng lợi lớn nhất của "Bộ tứ Normandy" lần này có lẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Cả hai nhà lãnh đạo này đã ngồi ở Paris hôm 9-12 cùng với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Ông Vladimir Putin đã đồng ý rằng có sự ấm lên trong quan hệ với Ukraine. Khi được giới truyền thông Nga hỏi ông nghĩ Hội nghị thượng đỉnh diễn ra như thế nào, ông chủ Điện Kremlin nói: "Tốt. Tốt. Tôi hài lòng". 

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì phát biểu như sau: "Các cuộc thảo luận cho thấy chúng tôi đã thúc đẩy được các vấn đề quan trọng đó là tù nhân, làm rõ lệnh ngừng bắn, chương trình nghị sự nhằm xây dựng niềm tin cho các bên thời gian tới. 

Chúng tôi cũng nhất trí tiếp tục tổ chức cuộc họp của nhóm tiếp xúc cấp Ngoại trưởng và chuyên viên về các điều kiện chính trị và an ninh để tổ chức các cuộc bầu cử, với mục tiêu tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh Norrmandy tiếp theo trong vòng 4 tháng nữa". 

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi trả lời báo chí, bày tỏ tin tưởng rằng bà và các nhà lãnh đạo Pháp, Ukraine, Nga đã tạo động lực mới cho các nỗ lực khôi phục hoà bình ở miền Đông Ukraine. 

Đánh giá về kết quả hội nghị, bà Angela Merkel còn nhận định, nhóm Bộ tứ Normandy đã vượt qua được khoảng lặng trong việc giải quyết vấn đề Donbass và đã nhất trí về việc cần nhanh chóng đạt được những bước tiến chính trị hướng tới tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại Donbass.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine trong một cuộc họp thượng đỉnh của bộ tứ Normandy lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. ảnh: Getty

Những cách diễn giải khác nhau

Theo thông cáo báo chí cuối cùng được đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị, các bên đã cam kết ngừng bắn hoàn toàn vào cuối năm 2019 và thực hiện một kế hoạch rà phá bom mìn mới. Thoả thuận trao đổi tù nhân cũng được đưa ra và nếu được thông qua, đây là cuộc trao đổi tù nhân thứ 2 sau cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine hồi tháng 4, đưa ông Volodymyr Zelensky trở thành Tổng thống. 

Nga và Ukraine cũng đạt được sự nhất trí về nhiệm vụ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE); cho phép họ giám sát khu vực xung đột 24/7 hoặc tăng gấp đôi thời gian giám sát hiện tại. Các điểm giao cắt mới của đường liên lạc đã được thảo luận để giảm bớt tình trạng tác động xấu tới hoạt động nhân đạo ở phía Đông Ukraine.

Một quan chức ngoại giao Ukraine tiết lộ rằng, trong suốt quá trình đàm phán, tất cả các vấn đề chính trị liên quan đến các lãnh thổ bị chiếm đóng đều bị đẩy sang một bên. 

Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã cố gắng tỏ rõ lập trường của mình bởi trong khi ông ngồi bàn cùng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga thì tại thủ đô Kiev, một cuộc biểu tình đang diễn ra trước cửa Phủ Tổng thống với mục đích là ngăn cản ông Volodymyr Zelensky "bị khuất phục" trước áp lực chính trị từ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các vấn đề quan trọng. 

Chính vì thế mà tại cuộc đàm phán, Nga và Ukraine đã có những diễn giải rất khác nhau trong một số thoả thuận. Chẳng hạn, ông Volodymyr Zelensky cho biết, an ninh tại biên giới Ukraine-Nga là điều kiện tiên quyết để tiến xa hơn trong các cuộc đàm phán. 

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì cho rằng, cần có một giải pháp chính trị vĩnh viễn, chính xác là cần thiết cho các vùng bị chiếm đóng, bao gồm cả những thay đổi trong hiến pháp Ukraine, trước khi các vấn đề an ninh được giải quyết. 

Khi người đứng đầu chính quyền Kiev nói về trao đổi tù nhân, ông yêu cầu các quốc gia đồng ý với vấn đề này phải đưa ra định dạng cụ thể với mốc thời gian là ngày 31-12-2019. Nhưng ông Vladimir Putin lại khẳng định, việc trao đổi tù nhân sẽ chỉ liên quan đến tất cả những gì được xác định.

Cuối cùng thông cáo chính thức đã đưa ra cách giải thích thứ ba, lặp đi lặp lại nhiều hơn về cùng một thỏa thuận của các Tổng thống gồm khuyến khích nhóm liên lạc ba bên tạo điều kiện cho việc thả và trao đổi những người bị giam giữ liên quan đến xung đột vào cuối năm nay, dựa trên nguyên tắc "tất cả đối với tất cả", bắt đầu với "tất cả những người được xác định với tất cả đều được xác định", với sự hiểu biết rằng các tổ chức quốc tế bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) được cấp quyền truy cập đầy đủ và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể rằng, ông đã liên tục nhấn mạnh đến nhu cầu rút tất cả các đội quân nước ngoài khỏi khu vực miền Đông Ukraine nhưng ông Vladimir Putin lại nói đến việc tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk và nhấn mạnh, việc ân xá được đảm bảo cho tất cả mọi người là điều bắt buộc…

Từ trái sang: Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Ukraine Zelensky tại Hội nghị.

Và niềm tin của EU

Tờ Forbes bình luận: "Các bên cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn trước cuối năm, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nghi ngờ về khả năng thực hiện. 

Ông Volodymyr Zelensky nói: "Vấn đề ngừng bắn, tôi thực sự không biết cách kiểm soát tình trạng này, bởi vì, gần 6 năm qua, tất cả các bên đã đồng ý ngừng bắn trong 20 lần và tất cả đều bị phá vỡ". Tuy nhiên, EU lại coi Hội nghị thượng đỉnh Normandy là cơ hội để thực hiện các thoả thuận Minsk. 

Phát ngôn viên của Cao uỷ Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Peter Stano nói: "Các biện pháp được thỏa thuận theo định dạng Normandy và sự tham gia đổi mới của các bên tại Hội nghị thượng đỉnh ở Paris hôm 9-12 là những bước quan trọng. Việc thực hiện nhanh chóng và kỹ lưỡng của họ là rất cần thiết và sẽ có tác động tích cực, trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở phía Đông Ukraine từ 2 phía. 

Các động lực mới trong các cuộc đàm phán Normandy đã mở ra cánh cửa cơ hội mà các bên nên sử dụng để tiến tới thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk. Đây sẽ vẫn là chìa khóa để đạt được một giải pháp bền vững và hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, góp phần cải thiện đáng kể trong quan hệ EU-Nga.

Như vậy, EU đã đánh giá cao cách tiếp cận mang tính xây dựng do Ukraine thể hiện và bày tỏ hy vọng Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để các thỏa thuận Minsk có thể được thực hiện đầy đủ. Đồng thời, EU cũng tái khẳng định sự hỗ trợ đối với những nỗ lực của Pháp và Đức trong các cuộc họp khuôn khổ Bộ tứ Normandy. 

Phân tích sâu hơn về quan điểm của EU, hãng AP cho biết, từ năm 2014, sau sự kiện Crimea, EU trên nguyên tắc luôn không thừa nhận các hành động của Nga và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng thời gian gần đây, nhiều nước châu Âu mà đứng đầu và nổi bật nhất là Pháp, Italy đã thay đổi quan điểm, cho rằng Nga là một phần của châu Âu và không phải kẻ thù của châu Âu mà là nhân tố không thể thiếu trong cấu trúc an ninh tại châu Âu. Vì thế, dù muốn hay không, châu Âu cũng không thể không đối thoại với Nga nếu muốn duy trì một không gian an ninh ổn định tại châu lục này. 

Thêm vào đó, Ukraine dưới quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhận thấy không thể mãi căng thẳng với "anh bạn láng giềng" Nga trong bối cảnh đồng minh Mỹ còn đang gặp rắc rối và bị chia rẽ bởi sự kiện luận tội Tổng thống Donald Trump. Đây chính là lý do để tạo nên cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine, từ đó tạo nên những bước đi mới với những diễn biến tích cực hơn sau này.


Chi Anh (tổng hợp)
.
.
.