Khaisilk: Đôi tất rách bên trong đôi giày xịn

Thứ Hai, 06/11/2017, 16:41
Nhưng những ngày gần đây cái tên Khaisilk được nhiều người quan tâm nhắc đến không phải bởi khối tài sản khổng lồ mà bởi thông tin khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk bị tố gắn hai nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam". Điều này khiến không ít khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng đồ lụa của nhãn hàng này bị “sốc”.


Chỉ một tháng trước đây thôi khi nhắc đến Khaisilk là người ta liền liên tưởng đến một doanh nhân thành đạt, một triệu phú tiền đô, sở hữu khối tài sản "khủng".

Nhưng những ngày gần đây cái tên Khaisilk được nhiều người quan tâm nhắc đến không phải bởi khối tài sản khổng lồ mà bởi thông tin khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk bị tố gắn hai nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam". Điều này khiến không ít khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng đồ lụa của nhãn hàng này bị “sốc”.

Thương hiệu Việt… made in China

Người phát hiện đầu tiên và phanh phui việc thương hiệu Khaisilk bán đồ Trung Quốc là anh Đặng Như Quỳnh. Anh Quỳnh cho biết vào ngày 15-10, anh đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk với giá 644.000 đồng/chiếc để tặng đối tác nước ngoài vì anh nghĩ đây là thương hiệu danh tiếng, được nhiều người nước ngoài lựa chọn khi tới Việt Nam.

Chiều 17-10, nhân viên giao hàng của Khaisilk mang khăn đến, khi kiểm tra anh phát hiện một chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 mác: Made in China và Made in Vietnam. 59 chiếc còn lại chỉ có mác Khaisilk "Made in Vietnam" nhưng lại có những vết cắt nham nhở của một nhãn mác khác. Nghi ngờ Khaisilk bán hàng giả, anh Quỳnh đã chụp hình đưa lên facebook.

Phản ứng trước những nghi ngờ của khách hàng, lúc đầu Khaisilk còn lấp liếm “do nhân viên khi soạn lô hàng còn thiếu một chiếc nên lấy trên máy may. Sản phẩm hai mác này xuất khẩu sang Đài Loan”. Nhưng ngay sau đó doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận thương hiệu này nhập đồ từ Trung Quốc từ những năm 90 thế kỷ trước và xin lỗi khách hàng; đồng thời cam kết bồi thường.

Nếu chỉ là một sản phẩm thông thường lỗi đổi, trả lại thì chẳng ai để ý, nhiều lắm cũng chỉ tặc lưỡi “số đen mua phải hàng giả” là xong. Nhưng Khaisilk không chỉ là sản phẩm lụa đơn thuần, rất nhiều người tôn vinh Khaisilk như một hình mẫu của việc đưa nghề thủ công lên một tầm cao mới, vượt ra khỏi tầm sản xuất thủ công truyền thống, mang thương hiệu Việt ra thế giới.

Những người mua hàng để dùng chắc hẳn tự hào vì được dùng sản phẩm thuần Việt. Người ta tin tiền mình bỏ ra đang mang lại việc làm cho rất nhiều người và giúp duy trì một ngành nghề truyền thống của người Việt. Còn những người mua để làm quà tặng, nhất là những vị khách ngoại quốc hẳn là muốn mang theo mình kỷ niệm của đất Việt khi ghé thăm nơi này.

Nhiều người Việt ở nước ngoài cho biết một trong những sản phẩm của người Việt mà họ vô cùng tự hào đó chính là hàng tơ lụa Việt Nam. Và trong các hãng cung cấp sản phẩm tơ lụa Việt Nam, nhiều năm qua cái tên đầu tiên luôn được nói đến chính là Khaisilk. Nhiều người đã coi Khaisilk là một thương hiệu lụa do người Việt làm ra và cố gắng quảng bá đến bạn bè khắp năm châu. Giờ đây, tất cả niềm tin và sự tự hào của họ đã bị sụp đổ, những nỗ lực của họ đã tan thành mây khói.

Ai cho tôi niềm tin?

Một khi niềm tin đã mất thì người ta dễ dàng nghi ngờ mọi thứ xung quanh mình. Rồi đây, không chỉ hàng tơ lụa mà cả những sản phẩm thủ công truyền thống khác của Việt Nam cũng sẽ bị người tiêu dùng nghi ngờ, dò xét. Những người thợ, những người kinh doanh các sản phẩm thủ công chân chính sẽ gặp vô vàn  khó khăn trên con đường gìn giữ những làng nghề thủ công cũng như phát triển chúng. Đây hẳn là những mất mát không gì đánh đổi được.

Chuyện các sản phẩm Việt Nam nhưng xuất xứ Trung Quốc không phải là hiếm. Người tiêu dùng Việt đã phải chịu cảnh “thật giả lẫn lộn” ngay từ bữa cơm hàng ngày trong gia đình. Các thực phẩm như rau củ quả, trái cây hàng Trung Quốc tràn lan khó mà phân biệt. Người mua chỉ biết đặt niềm tin vào người bán hàng ở chợ chứ có gắn tem mác gì đâu mà biết. Dù có gắn tem mác cũng không thể đảm bảo đó là hàng thật, sản phẩm tơ lụa của Khaisilk chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất còn gì...

Phải nói thật là các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thường chưa được sắc sảo, màu sắc, mẫu mã kém phong phú, kém đa dạng, chưa đẹp và bắt mắt bằng các mặt hàng này của Trung Quốc, hơn nữa giá rẻ lại càng không thể so sánh với họ được.

Người Việt chúng ta đa số xuất phát từ gia đình thuần nông nên đặc tính mua sao cho rẻ và mua cho được nhiều vẫn ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nếu thấy hai thứ y hệt nhau mà giá cả chênh lệch thì thường người Việt mình vẫn chọn thứ có giá thấp hơn mà ít khi xem xét đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đây có lẽ cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội phát triển.

Chuyện kinh doanh tơ lụa của Khaisilk không bắt nguồn từ những điều thuần nông như thế, nhưng cũng xuất phát từ cách lựa chọn con đường tắt để làm giàu: nhập hàng bên ngoài, dán nhãn lại rồi đánh lừa người tiêu dùng của mình. Cách làm ăn này có thể khiến ông chủ của Khaisilk giàu lên nhanh chóng nhưng cũng góp phần làm xói mòn niềm tin của những người đã tin tưởng và lựa chọn họ.

“Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, làm ăn gian dối thế nào cũng có ngày bị phát hiện. Chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” của Khaisilk đã bị người tiêu dùng lật tẩy. Mọi chuyện đang vỡ lở, vết lở ngày một lan rộng hơn. Giờ đây không những danh tiếng 30 năm tan biến, mà Khaisilk còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Âu cũng là sự trả giá cho việc coi thường chữ tín trong kinh doanh.

Bên trong chỉ là “đôi tất rách”

Trước khi xảy ra vụ việc bán "lụa Tàu", bên cạnh chân dung của một doanh nhân thành đạt, ông Hoàng Khải còn là một facebooker khá hot trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự theo dõi, quan tâm của dân mạng đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi dòng chia sẻ trên trang cá nhân của ông đều hút hàng nghìn lượt like cùng hàng trăm bình luận. Trong nhiều bài viết trên trang mạng xã hội của mình, Hoàng Khải luôn thể hiện là một doanh nhân hướng đến những giá trị tử tế, chân thật.

Một trong những điều mà ông tự hào nhất là việc đã vực dậy làng dệt lụa ở Việt Nam, đưa giá trị của hàng tiêu dùng Việt Nam về đúng vị trí của nó. "Thôi cứ làm ăn chân chính theo cái nghề của cha ông để rồi phát triển mạnh lên xuất khẩu ra nước ngoài cũng giàu chán", ông Khải chia sẻ trên trang cá nhân.

Trong những triết lý về đạo đức kinh doanh mà Hoàng Khải thường chia sẻ, ông hướng đến một giá trị cốt lõi - đó là cái tâm trong kinh doanh. Người làm kinh doanh dù phát triển đến đâu cũng cần giữ được nhân cách để không xa rời ý nghĩa, lý tưởng ban đầu.

Ông Khải cũng thường lên án những hành động kinh doanh “bẩn” như “bán thuốc ung thư giả”, hay ông từng cho rằng việc taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab bằng logo dán trên xe là cạnh tranh không công bằng. Ông luôn hoan nghênh những người kinh doanh không gian lận, để người tiêu dùng “không còn phải chịu nhiều những đau khổ về những thứ chướng tai gai con mắt nữa”.

Thế nhưng…

Xin lấy câu nói của ông Hoàng Khải chia sẻ trên trang cá nhân thay cho lời kết: “Khải thường đi vòng quanh phố phường cùng một đôi giày thời trang với một điệu bộ dường như mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng thực ra thì Khải đi bên trong đôi giày đó với một đôi tất rách”.

Vâng, bên trong tất cả những thứ hào nhoáng của ông Khải thật ra chỉ là “một đôi tất rách”!

Tân Ước
.
.
.