Truyền hình trả tiền:

Khán giả bức xúc vì chất lượng dịch vụ

Thứ Hai, 25/05/2015, 21:00
Mặc dù hằng tháng, người xem đều phải trả một khoản tiền nhất định để xem truyền hình, trong khi các nhà đài thu lợi nhuận khủng từ các thuê bao và quảng cáo nhưng khán giả vẫn phải chấp nhận tình trạng quảng cáo tràn lan, chất lượng hình ảnh thấp, số lượng kênh nhiều nhưng kênh hay thì chưa tương xứng.

Tình trạng này đã được báo chí phản ánh từ lâu, nhưng dường như vẫn không hề có sự biến chuyển trong khi mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) vừa trình Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo đó, giá cước mới có thể cao hơn so với hiện tại khiến người xem càng bức xúc.

Mất tiền để xem… quảng cáo

Cụ thể, theo đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền, đơn giá dịch vụ được chia ra làm nhiều mức cước. Truyền hình analog đơn giá có 2 mức giá gồm gói kênh cơ bản 40 - 45 kênh, giá cước 60.000 - 65.000 đồng/tháng và gói 65 - 72 kênh giá cước 90.000 đồng/tháng.

Truyền hình cáp HD với 110 - 120 kênh có giá 180.000 - 220.000 đồng. Gói kênh truyền hình số mặt đất với 75 - 85 kênh được đề xuất 65.000 - 80.000 đồng/tháng. Truyền hình số vệ tinh được đề xuất 3 mức giá sàn: 90.000 đồng, 180.000 đồng và 250.000 đồng/tháng. Các gói kênh dịch vụ truyền hình IPTV (truyền hình Internet) được đưa ra mức 85.000 - 90.000 đồng/tháng.

Bảng giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền.

Với mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất, một số gói cước cao hơn khá nhiều so với mức cước mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang áp dụng. Ví dụ, trong các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh, Truyền hình An Viên đang cung cấp gói cơ bản 70 kênh với mức cước 33.000 đồng/tháng, thấp hơn 32.000 đồng so với mức giá sàn. VTC đang có gói dịch vụ thấp nhất là 60.000 đồng, K+ gói thấp nhất là 85.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng/tháng. Trong khi giá sàn thấp nhất của truyền hình vệ tinh được VNPayTV đề xuất là 90.000 đồng/tháng.

Trước đề xuất này, nhiều khán giả tỏ ra khá bức xúc về việc tăng giá cước. Họ cho rằng, chất lượng truyền hình trả tiền chưa tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Trên thực tế, các đài truyền hình ở Việt Nam có số lượng kênh rất lớn, nhiều chương trình giải trí đa dạng, nhưng để tìm được một kênh hay, chương trình có ý nghĩa lại không nhiều. Các chương trình thường xảy ra lỗi kỹ thuật, sóng kém, hình ảnh không nét, âm thanh rè, làm người sử dụng nhiều lần phải tốn sức kêu gào đến nhà đài "chăm sóc".

Nhiều khi người xem phải bật âm thanh to hết cỡ mới nghe được thì đến quảng cáo bỗng dưng tivi lại rồ ầm lên, khiến trẻ em, người lớn đều phải giật mình. Đặc biệt, những chương trình truyền hình trực tiếp, chất lượng âm thanh luôn là điều khán giả e ngại nhất, bởi âm thanh kém khiến khán giả "đổ lỗi" nhầm cho ca sĩ, người dẫn chương trình… Điều khó chịu hơn cả là tình trạng quảng cáo tràn lan, không đúng với chất lượng thực tế.

"Dù trả tiền thì nhà cung cấp cũng phải sòng phẳng, không thể thu tiền rồi muốn làm gì thì làm. Chúng tôi không cần coi quảng cáo nhiều như vậy đâu. Kênh nào cũng quảng cáo... có khi quảng cáo đến 20 phút trong khi chiều dài phim mới chiếu được 15 phút lại tiếp tục quảng cáo. Chúng tôi có còn được lựa chọn hay không. Cách làm áp đặt như vậy mà không có một cơ quan nào đứng ra xử lý", anh Hiếu ở Kim Liên, Hà Nội chia sẻ.

Một khán giả khác bày tỏ: "Hiện tại nhà mình đang sử dụng truyền hình cáp của SCTV, mỗi tháng đóng 95 nghìn đồng. Không biết đó có được gọi là truyền hình trả tiền không nhưng ngoài 2 kênh SCTV5 và SCTV10 dành riêng cho quảng cáo thì các kênh còn lại của SCTV cứ xem chương trình được khoảng 30 phút thì lại được SCTV khuyến mãi cho 20 phút xem quảng cáo, mà những sản phẩm quảng cáo thì theo như mình đi hỏi những người xung quanh và những người thân thì 10 người mua sản phẩm hết 10 người đều nói các sản phẩm nếu chỉ đáp ứng được 30% như trên quảng cáo họ đã hài lòng, giống như đánh lừa người tiêu dùng vậy.

Khán giả Việt Nam phải xem "lậu" qua kênh CCTV5 của Trung Quốc trận đấu giữa Mayweather và Pacquiao.

Trở lại với truyền hình trả tiền, những tưởng khi trả tiền để xem truyền hình thì số tiền đó sẽ phần nào thay thế được phí quảng cáo giúp duy trì các chương trình được xem liền mạch hơn, nào ngờ các kênh dành riêng cho nhà đài quảng cáo còn nhiều hơn mấy lần các đài địa phương mà chỉ cần bộ anten thu sóng là có thể bắt được".

Trên thực tế, theo Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013, thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh - chương trình chuyên quảng cáo và mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút.

Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút - điều 22 Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, không ít đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền vẫn cho phép quảng cáo vượt thời lượng ở các kênh, đặc biệt trong những khung giờ vàng và những chương trình truyền hình thực tế có tỉ lệ người xem cao.

Với trên 40 nhà cung cấp và 7,5 triệu thuê bao hiện nay, truyền hình trả tiền đang là mảnh đất màu mỡ với những khoản thu lên tới gần 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, riêng tiền thuê bao đã khoảng 6.000 tỉ đồng và doanh thu từ quảng cáo ước tính 150 triệu USD/năm (số liệu doanh thu quảng cáo của truyền hình trả tiền năm 2013 là 125 triệu USD).

Theo ước đoán, doanh số quảng cáo truyền hình trả tiền sẽ tăng từ 20 - 30% mỗi năm.

Mặc dù thời gian gần đây, Bộ TTTT tăng cường công tác kiểm tra, nhưng số vụ các nhà đài bị xử phạt vì quảng cáo quá thời lượng, ngắt chương trình quá 5 lần còn ít nên người xem vẫn phải "bổ mắt" vì những phút quảng cáo không đáng có nếu muốn tiếp tục theo dõi chương trình mình đang xem.

Thiếu đầu tư những chương trình hấp dẫn

Cách đây không lâu, trận đấu quyền Anh thế kỉ giữa 2 võ sĩ Mayweather - Pacquiao diễn ra tại võ đài MGM Grand, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ đã thu hút sự quan tâm hàng vạn khán giả trên toàn thế giới bởi sức nóng từ hai võ sĩ nổi tiếng thế giới này. Những con số như giá vé chợ đen của trận đấu đắt gấp vài lần giá gốc 7.500USD hay để xem trận đấu trên truyền hình, mỗi gia đình Mỹ phải bỏ ra khoảng 100USD… đủ thấy người hâm mộ trên thế giới chờ đợi trận đấu này như thế nào.

Hai công ty giữ bản quyền trận đấu này là HBO và Showtime của Mỹ. Ban tổ chức cũng thông báo, ít nhất 30 quốc gia đã mua bản quyền trực tiếp trận đấu này. Ở Châu Á, ngoài Philippines còn có Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,… xác nhận có bản quyền.

Người hâm mộ Việt Nam cũng sôi sục chờ đợi để được xem trận đấu thế kỉ, nhưng cuối cùng, họ đành chấp nhận xem "lậu", tức là lên mạng Internet tìm những đường link để xem chùa. Mặc dù không hi vọng các nhà đài Việt Nam sẽ bỏ ra hàng chục triệu USD để mua bản quyền một trận đấu quyền Anh, nhưng khán giả vẫn bức xúc khi nhà đài chưa biết cách chiều lòng người xem. Hằng tháng, họ vẫn mất một khoản phí thuê bao nhất định nhưng không được xem những sự kiện thể thao lớn trên thế giới.

Khán giả vẫn trông chờ những kênh truyền hình chất lượng.

"Các nhà đài hiện nay hầu như chỉ lấy số lượng kênh để thu hút khách hàng trong khi lại không chịu đầu tư vào vấn đề bản quyền. Có những gói chúng tôi phải trả tới 250.000đ/tháng nhưng cuối cùng thì vẫn phải xem lậu qua máy vi tính. Giá cước truyền hình cáp đang đề xuất tăng trong khi chất lượng truyền hình thấp, không có bản quyền những sự kiện thể thao được mọi người quan tâm thì chẳng khác nào coi thường khán giả", anh Phương, phố Nguyên Hồng chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Phương, chị Lan ở Hà Đông cho rằng: "Hiện nay mang tiếng người xem được dùng cả trăm kênh chỉ với trên dưới 100 nghìn đồng, nhưng thực chất các kênh trùng lắp, vô bổ, thậm chí nội dung nhảm nhí. Chưa kể nhiều chương trình, nhiều kênh vừa phát sóng đã lòi ra sai phạm nọ sai phạm kia, rồi vạch tội nhau, tố cáo nhau, rồi xin lỗi rối rít, khác nào coi thường khán giả. Tại sao không để cho chúng tôi thích kênh nào thì ký hợp đồng thuê bao kênh đó".

Bài ca chất lượng truyền hình kém, quảng cáo tràn lan dường như vẫn không có hồi kết. Người tiêu dùng vẫn trông chờ sự mạnh tay của các nhà quản lý và hi vọng truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ có những kênh chất lượng, những chương trình có ý nghĩa thực sự không chỉ ở trong nước mà cả các nước trên thế giới, nhưng dường như điều đó vẫn quá xa vời.

Ngọc Lê
.
.
.