Khát nước sạch ở một trong 5 làng ung thư của cả nước

Thứ Bảy, 22/08/2015, 08:00
Nước sau khi lọc vẫn còn màu vàng khè, những mái lợp fipro xi măng được "khoác vỏ" asen và nghi vấn nhiều người chết vì bệnh ung thư do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là những câu chuyện được bà con ở "vùng khát" nước sạch thôn Yên Lão, xã Hoằng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam bàn đi bàn lại trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó, 2 trạm bơm phục vụ nước sạch cho hàng nghìn người dân sau 15 năm không hoạt động, đến nay đường ống, mô tơ… thất lạc ở nơi nào không biết nữa. Còn theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thôn Yên Lão nằm thứ 5 trong danh sách 10 làng ung thư của cả nước.

Từ màu vàng ám ảnh

Khi được hỏi về nguồn nước bị ô nhiễm, bà Lại Thị Nguyệt (54 tuổi, xóm Bờ sông thôn Yên Lão) có chồng mất vì căn bệnh ung thư dẫn PV đi một mạch ra sau nhà để mục sở thị màu nước giếng của gia đình mình. Vừa nói chuyện, bà Nguyệt vừa thọc tay vào bể lọc lấy ra một chai nước màu nâu đỏ (có kích thước 1 lít) đã lắng cặn còn hơn 1/3 bình.

Bà kể: "Sau Tết, có một đoàn cán bộ môi trường về thôn, có bán cho mỗi nhà một chai nước bỏ vào bể lọc với giá hơn 200.000 đồng. 6 tháng thay 1 lần. Họ bảo đây là “thuốc” có tác dụng trị nước bẩn. Nước đi qua bể lọc, lại được "lọc" bởi thuốc của họ rồi chẳng hiểu ra làm sao mà vẫn còn cái màu vàng khè thế".

Tôi hỏi về cái chai nước lắng cặn kia, bà Nguyệt cũng không biết nhiều, chỉ biết người ta cho vào đó thứ thuốc gì đó, rồi đục một lỗ nhỏ ở bình thả vào bể lọc. Hỏi thêm về danh tính của đoàn cán bộ ấy, bà cũng lơ mơ lắc đầu không nhớ. Điều mà bà nhớ được chỉ là họ là cán bộ môi trường mà thôi. "Nhưng chưa đến hạn mà nước trong chai đã chuyển màu xỉn, vàng nâu rồi lắng cặn như thế này. Lại phải mất tiền mua chai mới rồi", bà Nguyệt chép miệng thở dài.

Bà Nguyệt với chai thuốc trị nước bẩn gần hết hạn sử dụng.

Từ khi bà về làm dâu thôn này đến nay hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ nước lại bẩn như bây giờ. Ngày xưa, dân thôn bà còn dùng cả nước sông Nhuệ cho sinh hoạt. Sau này, nước sông không còn sạch nữa, nhà nhà rủ nhau làm giếng khoan. Ấy vậy mà nước giếng khoan cũng không ăn thua.

Nước bơm lên qua một bể lọc cát đá mà vẫn vàng. Nhà thì vàng khè, nhà thì vàng đục. Lấy nước giếng khoan đó mà giội lên rửa mái fipro xi măng thì y như rằng mái fipro được "mặc" áo màu vàng (giống màu vàng của sắt gỉ sét). Dân hãi quá nên không ai dùng nước đó để ăn mặc dù đã lọc cẩn thận và hai ba tháng thay cát, đá trong bể lọc một lần. Nước đó chỉ dùng tắm rửa, giặt giũ và tắm cho… lợn.

Còn dân thôn Yên Lão nhà bà chỉ dùng nước mưa để ăn. Có người dùng nước đó để tắm và da bị mẩn ngứa, từ đó sau khi tắm bằng nước giếng khoan, phải múc thêm nước mưa giội lại lần nữa. Bà Nguyệt chỉ tay vào chậu quần áo đang ngâm và bảo rằng, vì quần áo giặt bằng nước giếng khoan lúc nào cũng bị ố vàng nên nhà bà lúc nào cũng thủ sẵn thuốc tẩy, để cả giặt quần áo cả tẩy vết ố đó đi. Lắm lúc ngửi mùi thuốc tẩy mà buồn nôn.

Người dân thôn Yên Lão chỉ dám dùng nước giếng để tắm rửa.

"Vì không có nước sạch nên nhà tôi phải đi mua nước về uống. Gia đình gần 10 người, cả già trẻ lớn bé 1 tháng chỉ dùng trong giới hạn 6-7 bình (loại 20 lít/bình), không dám uống nước một cách phung phí, khát lắm mới dám uống. Nhà nghèo, tiền đâu mà mua nước uống thả ga hở cô?".

Theo bà Bùi Thị Viên (50 tuổi, thôn Yên Lão), nguồn nước ngầm của quê bà bị ô nhiễm nặng như thế là do nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm. "Và nước sông Nhuệ như thế lại do các khu công nghiệp từ Hà Nội đổ về, Đồng Văn… xả thải về, lắm lúc nước đen thui và mùi khắm lắm, không ngửi được. Bây giờ, dân bỏ đồng ruộng gần hết. Vì nước sông đổ vào đó, lúa có sống nổi đâu mà cày với cấy". Bà kể, thường thì có 2 thời điểm trong ngày là buổi sáng sớm và buổi tối, nước đổi màu như thế.

Mái lợp fipro xi măng của nhà bà Viên.

Tỷ lệ người chết vì ung thư là tỷ lệ chung?

Khi tôi hỏi, 2 trạm máy bơm kia sinh ra để làm gì, bà Nguyệt mới đùa lại rằng, để cho kẻ gian tẩu tán. Đùa nhưng cũng là thật. Theo tìm hiểu, vì nhu cầu "khát" nước sạch của dân xã Hoằng Tây, cách đây 15 năm, UBND xã đã kêu gọi người dân đóng góp 120.000 đồng/người và cả lao động công ích để xây đường ống làm 2 trạm máy bơm dẫn nước sạch về.

Tuy nhiên, sau vài lần bơm thử nghiệm, nước sạch đâu chẳng thấy, chỉ thấy nước chẳng khác gì cái giếng khoan nhà mình (nghĩa là vẫn còn màu vàng), bà con chán, chẳng buồn dùng. Thế là 2 trạm bơm bỏ không. Theo thời gian, 2 trạm này giờ đây chỉ còn là "di tích" về một nỗ lực bất thành của chính quyền xã Hoằng Tây.

Giải thích về điều này, anh Bùi Văn Thuyết, Phó trưởng thôn Yên Lão nói người dân không dùng nước từ 2 trạm bơm dẫn về cũng có lý của họ. Thứ nhất, chất lượng nước không thay đổi so với nước giếng khoan, thứ hai cũng chẳng có cơ quan ban ngành nào về kiểm tra hoặc mang mẫu nước đi xét nghiệm. Sau thử nghiệm vài lần không có kết quả, xã cũng không bơm nữa cũng như không truy ra tận cùng nguyên nhân vì sao nước lại thế.

Bể lọc của nhà bà Phan Thị Xuân (85 tuổi, thôn Yên Lão).

Dân ít dùng, tiền phí không đóng đủ tiền điện, không đủ tiền thuê người điều khiển máy móc nên công trình phục vụ dân sinh này cũng dẹp. Đến nay, mô tơ thì thất lạc. Đợt xã làm đường bê tông hóa phải nhấc đường ống nước lên, sau đó đường ống này cũng bị kẻ nào đó lấy đi. Một bên trạm còn nghiêng sắp đổ, thôn phải làm đề xuất lên xã cho tháo dỡ trạm. Gần khu ấy có mấy lớp học dành cho trẻ em nên dân làng sợ nguy hiểm. Cuối cùng, xã không tháo dỡ được, đành xây bờ bao quanh.

Còn về mấy chai thuốc cho vào bể để trị nước bẩn, anh Thuyết cho biết: "Hầu như năm nào, bên môi trường cũng về và khuyến cáo bà con dùng thuốc của họ hòa vào nước để giảm thiểu ô nhiễm. Có cả giấy quỳ để thử. Chắc họ cũng về qua xã để thông báo hoặc xin phép nên tôi thấy có cả dấu đỏ đàng hoàng. Đoàn về có nhờ chúng tôi dẫn đi từng hộ. Có hộ mua có hộ không. Vì tôi dẫn đi nên họ biếu, mình không phải mất tiền. Có điều, gia đình tôi cũng không dám dùng. Nhìn cái thứ bột vàng vàng ấy tôi cũng hãi". Hỏi thêm về đoàn cán bộ môi trường ấy, anh Thuyết cũng không nhớ đích xác.

Mặc dù đã phản ánh lên xã nhiều lần nhưng đến nay nước sạch vẫn chỉ là cơn khát và là mong muốn "treo" của bà con thôn Yên Lão nói riêng và xã Hoằng Tây nói chung. Trong những năm qua, số người chết ở thôn Yên Lão vì bệnh ung thư ngày càng tăng, nên người dân đang nghi ngờ nguồn nước là thủ phạm. Có những nhà chết tới 3 người. Anh Thuyết còn giữ tập điếu văn về việc này.

Anh kể, từ năm 2008 đến nay có vài chục người đã ra đi vì ung thư. Ung thư phổi, gan, đại tràng… đủ cả. Chết già thì ít, toàn chết trẻ, dưới tuổi 40. Thậm chí, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sau khi đi khảo sát nguồn nước trên cả nước đã xếp Yên Lão vào vị trí thứ 5 trong danh sách 10 làng ung thư của cả nước.

Kết quả thẩm định xét nghiệm nguồn nước ngầm tại thôn yên Lão cho thấy, nguồn nước ngầm ở Hoằng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép, trong đó hàm lượng asen cao hơn 0,01 mg/L, có nơi còn lên đến 0,25 hoặc 0,3 mg/L so với giới hạn tối đa TCVN. Kết quả được đơn vị này công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông vào hồi tháng 2-2015.

Tuy nhiên, theo lời ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã: "Sau khi về lấy mẫu nước và khảo sát, xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tỷ lệ người mất vì căn bệnh ung thư của thôn Yên Lão và xã Hoằng Tây là tỉ lệ chung của các xã trong toàn tỉnh. Còn về việc ung thư có phải do nguồn nước hay không, đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chuyên môn". Khi PV hỏi thêm về tình trạng hai trạm bơm, ông Thắng đáp hết sức ngắn gọn: "Tôi mới nhận chức, khi tôi lên tình trạng đã thế rồi".

Tìm gặp ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, chúng tôi được biết thêm rằng, 90% người dân của xã Hoằng Tây dùng nước giếng khoan để rửa ráy. Ăn thì dùng nước mưa. Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kết luận tỷ lệ người chết vì ung thư của xã là con số chung, tuy nhiên, trong báo cáo của họ cũng chỉ ra rằng tỷ lệ asen (hay còn gọi là thạch tín) trong nước cao gấp gần 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép. 

Tỷ lệ chung hay tỷ lệ riêng vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ đến từ phía các cơ quan chuyên môn. Chỉ biết, hơn 1.300 người dân thôn Yên Lão đang từng ngày "khát" nước sạch và sống trong tâm lý nơm nớp lo sợ về căn bệnh ung thư do nguồn nước. Các cấp ban ngành của tỉnh Hà Nam nên chăng cần ngồi lại, xem xét và có một câu trả lời cho bà con của mình.

Đậu Dung
.
.
.