Khép lại quá khứ để ổn định cuộc sống

Thứ Hai, 16/01/2017, 10:29
Hơn một năm nay, sự việc ông Huỳnh Văn Nén (trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị tù oan hơn 15 năm được trả tự do và minh oan tháng 12-2015 dường như vẫn còn nóng và khiến dư luận đặc biệt quan tâm.


Ông là người bị kết án giết bà Dương Thị Mỹ, Lê Thị Bông (cùng ở huyện Hàm Tân). Dù sao, ông cũng là người may mắn khi pháp luật có những thay đổi ưu việt so với trước.

Như những trường hợp oan sai khác, ông được đại diện TAND tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai tại địa phương nơi cư trú và đăng lời xin lỗi trên báo tỉnh. Song, mọi sự phức tạp và nan giải lại chính là việc hai bên ngồi thương lượng mức bồi thường thiệt hại.

Minh họa của Lê Tâm.

Đến thời điểm này, hai bên đã ngồi với nhau đến lần thứ 6 nhưng chưa thống nhất được mức bồi thường. Gia đình ông Nén yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường 13 tỷ đồng cho thời gian ông phải ngồi tù oan.

Tuy nhiên, Tòa chỉ đồng ý bồi thường cho ông với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Nhận thấy mức bồi thường này chưa thỏa đáng, hai bên đã lập biên bản thương lượng không thành.

Trước đó, ở lần thương lượng thứ 5, Tòa đồng ý bồi thường oan sai cho ông 5 tỷ đồng, nhưng phía ông và gia đình không đồng ý. Tất nhiên, việc thương lượng sẽ vào hồi kết và nếu hai bên không thống nhất được với nhau thì buộc phải đưa sự việc ra tòa dân sự giải quyết.

Có thể nói, từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về việc bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và sau này là Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, hàng trăm trường hợp bị oan sai đã được minh oan và bồi thường.

Đó là chính sách ưu việt rất lớn của pháp luật nước ta. Người bị oan có cơ hội minh oan và được bồi thường những khoản thiệt hại nhất định để họ có điều kiện cải thiện cuộc sống. Người gây ra oan sai thì tùy mức độ sai phạm cũng bị xử lý trước pháp luật.

"Một ngày tù nghìn thu ở ngoài", ai cũng biết một ngày trong tù sẽ gây ra những tổn thất lớn về vật chất và tinh thần. Song, mức bồi thường chỉ mang ý nghĩa tương đối chứ không thể rạch ròi, cụ thể đối với từng trường hợp.

Hầu hết những người bị oan đều rất bức xúc khi ngồi thương lượng với cơ quan đã gây ra oan sai bởi số tiền họ đưa ra thường rất lớn nhưng bên gây oan sai chỉ chấp nhận một phần. Chính vì thế, nhiều cuộc thương lượng trở nên gay gắt, căng thẳng khi cả hai bên đều muốn đạt mục đích của mình.

Qua nhiều lần thương lượng, hai bên dần thông cảm với nhau hơn và gặp nhau ở điểm chung, đó là mức bồi thường. Chỉ một số ít vụ việc phải đưa ra tòa để giải quyết và mức bồi thường tòa đưa ra cũng là một con số khiêm tốn dựa trên những quy định khá chặt chẽ của pháp luật.

Với một người, đồng tiền biết bao nhiêu cho đủ, nhất là những người đã từng đi tù oan thì cùng với nỗi đau về thể xác, họ còn bị ám ảnh bởi những tháng ngày trong quá khứ.

Song, cũng phải nói ngay rằng, nếu nhà nước không có những quy định tiến bộ thì sự minh oan của họ cũng chỉ có một số người biết và mức bồi thường chỉ là con số tượng trưng.

Chính vì thế, để hai bên thống nhất thương lượng thì việc tôn trọng nhau là điều cần thiết. Cùng với đó là sự am hiểu pháp luật để hai bên hiểu, thông cảm và sớm kết thúc thương lượng.

Trường hợp anh Hoàng Hữu Hương ở Bắc Giang là một ví dụ điển hình. Anh bị bắt tạm giam oan hơn một năm về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Cơ quan gây oan sai là Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội.

Ngay trong lần thương lượng đầu tiên, khi đại diện cơ quan gây oan sai đưa ra mức bồi thường, anh vui vẻ chấp nhận, không tranh luận bất cứ điều gì để rồi hai bên thống nhất ký biên bản thương lượng thành công.

Bởi anh cho rằng, được minh oan, đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Còn tiền bạc, anh và gia đình không quan tâm dù cuộc sống không khá giả gì.

Còn tôi cho rằng, cả cơ quan gây oan sai và người bị oan cần khép lại quá khứ để ổn định cuộc sống và sống tốt hơn. Đó cũng là mục đích cao nhất mà pháp luật của chúng ta hướng tới.

Tuấn Nguyễn
.
.
.