Khi Công an chính quy rời phố thị đến với người dân miền núi

Thứ Năm, 26/12/2019, 10:57
Tháng 7-2019, hơn 70 cán bộ chiến sĩ Công an chính quy được điều động về 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để thay thế lực lượng Công an xã bán chuyên trách.

Trong số đó, Hòa Bắc là xã miền núi xa nhất của huyện, có diện tích tự nhiên rộng lớn với núi đồi trải dài, tiếp giáp với vùng núi hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. 

Xã có mật độ dân cư thưa thớt với 20% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Vượt qua những khó khăn về điều kiện sinh hoạt và làm việc, lực lượng Công an chính quy xã Hòa Bắc nhanh chóng tạo dấu ấn trong công tác và chiếm được tình cảm yêu mến của người dân đầu nguồn Sông Bắc- Sông Nam...

1. Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hoà Bắc là một cán bộ trẻ thuộc thế hệ 8X. Từ phố thị lên công tác và hơn 10 năm gắn bó với vùng đất xa xôi này, chị không giấu được xúc động khi nhắc lại những ngày đầu các cán bộ chiến sĩ Công an chính quy về địa bàn nhận công tác. 

Ban đầu, có 8 cán bộ chiến sĩ Công an chính quy về xã, sau bổ sung 2 đồng chí và đều là nam. Trong đó, 7 người đã có vợ con và hầu hết nhà ở cách Hòa Bắc 30-40km. Đặc biệt, có 2 đồng chí vừa từ Quảng Trị và Kon Tum mới đến nhận nhiệm vụ và chưa có điều kiện đưa gia đình đi theo.

Lực lượng Công an xã được bố trí làm việc, sinh hoạt, ở lại tại 3 căn phòng nhỏ ngay trụ sở Đảng ủy, UBND xã. Ban đầu chưa có bếp ăn tập thể nên các anh phải nhờ người dân bên ngoài nấu ăn. Hơn 1 tháng sau, Đảng ủy, UBND xã mới bố trí được nơi để anh em tự đi chợ nấu ăn. 

"Địa bàn xã rộng lớn, đường xá hư hỏng, một số khu vực nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở nên việc đi đến các điểm dân cư xa xôi để gặp gỡ người dân, giải quyết các sự việc rất vất vả, nhất là những ngày mưa gió. Trên địa bàn các thôn xóm vùng cao cũng không có quán xá nên anh em thường phải mang theo nước uống và mì tôm ăn sống cho qua bữa nếu không kịp về đúng bữa, không khác gì những cán bộ trẻ chúng tôi về cơ sở nhiều năm trước", chị Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, điều kiện ăn ở không phải là chuyện mà Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc và cán bộ chiến sĩ ở đây bận tâm nhiều. Công tác xa nhà, cuộc sống của mỗi người đều xáo trộn. Lo nhất là việc đưa đón con cái đến trường, dạy con học hành, chăm sóc cha mẹ... đều phải trông cậy vào vợ và người thân.

Công an xã Hòa Bắc phối hợp với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Hòa Vang làm CMND cho học sinh và đồng bào Cơ tu.

Là xã miền núi, xa xôi nhất huyện Hoà Vang, lại giáp ranh với các xã ngoại tỉnh, dù đã có bước phát triển đáng kể so với nhiều năm trước, nhưng đời sống của người dân Hòa Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật và ý thức phòng ngừa tội phạm của nhiều người dân còn hạn chế. 

Trên địa bàn xã đang có một số dự án đang triển khai liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù nên Hòa Bắc cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây phức tạp về an ninh trật tự. Các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đang được nhân rộng nên khó quản lý người từ địa phương khác đến lợi dụng thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật. 

Xã Hòa Bắc còn có mỏ vàng Khe Đương và nhiều tiềm năng về lâm khoáng sản nên hoạt động khai thác lén lút, trái phép vẫn còn nguy cơ diễn ra. Xã cũng là nơi có cơ sở xã hội Bàu Bàng, nơi hiện đang điều trị, giáo dục, dạy nghề cho gần 700 học viên cai nghiện. Những yếu tố trên cũng đặt ra không ít khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Vì thế ngay sau khi đến nơi công tác mới, anh em nhanh chóng làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình; từng bước tiếp cận, nắm địa bàn, đối tượng phục vụ yêu cầu công tác chuyên môn, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. 

Công an chính quy cũng tranh thủ được sự hỗ trợ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với lực lượng Công an xã bán chuyên trách thôi làm nhiệm vụ trong công tác nắm tình hình và giải quyết các vụ việc, vấn đề liên quan đến an ninh trật tự ở từng thôn, từng tổ dân cư. 

Các chiến sĩ đến tận nhà gặp gỡ, vận động những già làng, trưởng thôn, người có uy tín để xây dựng "cầu nối" giữa lực lượng Công an với người dân địa phương; giúp đỡ những trường hợp cần quan tâm và từng bước tuyên truyền, kêu gọi người dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự.

2. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng Công an xã Hoà Bắc Lê Văn Tư kể rằng, việc đầu tiên các anh thực hiện là tuyên truyền, nhắc nhở người dân đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, xóa bỏ được suy nghĩ là đi xe trên đường nông thôn thì Công an không kiểm tra, xử phạt. 

Ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, người dân đồng bào dân tộc Cơ tu có tập quán nuôi thả tự do trâu bò ngoài đồng, trong núi, có khi hàng tháng không thăm. Đến khi cần bán mới đi tìm dắt về nên rất dễ xảy ra nhầm lẫn với trâu bò của hộ dân khác, gây mâu thuẫn, tranh chấp. 

Đã xảy ra việc một số đối tượng còn lợi dựng các tuyến đường mới mở để đánh ôtô tải vào tận bìa rừng, dắt trộm trâu bò của người dân. Do đó, Công an xã đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể tổ chức các buổi nói chuyện tại nhà sinh hoạt cộng đồng để nhắc nhở người dân phòng ngừa mất cắp vật nuôi, gia súc thả trong rừng cần cho đeo các đồ vật hoặc tạo các dấu hiệu nhận biết chủ sở hữu; phải trông coi, không để gia súc gây ô nhiễm môi trường nơi sinh sống và phá hoại hoa màu của người dân.

Tương tự, Công an xã tuyên truyền tác hại của tệ nạn cờ bạc và quy định về xử lý hành vi đánh bạc, theo dõi các tụ điểm đánh bạc. Qua đó tiến hành nhắc nhở, đẩy đuổi và triệt phá. Đến nay, tình trạng cờ bạc nhỏ lẻ trên địa bàn đã bị đẩy lùi và giảm thiểu rõ rệt. 

Công an xã cũng vận động người dân có ý thức bảo vệ tài sản như tối ngủ phải đóng cửa, xe máy không để ngoài đường mà phải đưa vào trong nhà và thường xuyên nhắc nhở những vấn đề này trên hệ thống loa phóng thanh của xã. 

Công an xã cũng phân công cán bộ trực tiếp đến từng nhà dân dán 1.000 tờ rơi tuyên truyền phòng chống tội phạm với nội dung sát thực, kèm với đầy đủ thông tin, số điện thoại liên hệ của Đảng ủy, UBND, lực lượng Công an xã để người dân có thể liên hệ kịp thời.

Công an xã Hòa Bắc họp với lực lượng an ninh thôn triển khai công tác đảm bảo ANTT.

Chỉ sau một thời gian ngắn về phụ trách địa bàn, Công an xã đã cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh thông tin di trú, nhân hộ khẩu trên địa bàn vào kho dữ liệu, phối hợp với Công an huyện cấp phát 270 chứng minh nhân dân, trong đó có 5 trường hợp già yếu, đau ốm được anh em đến làm chứng minh nhân dân tận nhà, tiếp nhận giải quyết 57 hồ sơ hộ khẩu. 

Cũng từ công tác tuần tra kiểm soát phòng ngừa tội phạm, Công an xã đã phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp sử dụng ma túy; phối hợp với lực lượng kiểm lâm, dân quân thường trực tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác gỗ và khoáng sản trái phép.

Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự, Công an xã còn phải giải quyết cả những việc liên quan tới… hạnh phúc gia đình. Đó là trường hợp của chị T, ở thôn Tà Lang. Dù đã có với nhau 3 đứa con, nhưng anh Th, chồng chị T không chí thú làm ăn, suốt ngày uống rượu. Mỗi khi say, anh T thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ con. 

Nắm bắt tình hình, Trung tá Lê Văn Tư cùng Thượng úy Nguyễn Văn Sen đến tận nhà để khuyên bảo anh T. Nhưng chỉ được ít ngày, anh T lại giở tật cũ, đánh chị T gây thương tích nhẹ. Lần này, Công an xã đến tận nhà lập hồ sơ xử lý. Từ sự nhắc nhở, giáo dục đó, đến nay anh Th đã lo lắng làm ăn, chấm dứt hành vi đánh vợ. 

Tương tự, ông H ở thôn Phò Nam cũng đã bỏ tật xấu đánh vợ sau khi bị Công an xã giáo dục, lập biên bản phạt tiền và khuyến cáo về các chế tài của pháp luật nếu không chấm dứt đánh vợ... Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ bạo lực gia đình được Công an xã hòa giải, xử lý thành công...

Thượng tá Nguyễn Văn Tăng, Trưởng Công an huyện Hòa Vang đánh giá rất cao nỗ lực và những thành tích bước đầu của lực lượng Công an xã Hòa Bắc. Anh Trần Văn Vân (người Cơ tu), Bí thư chi bộ thôn Tà Lang nhìn nhận, lực lượng Công an chính quy về xã đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người dân ở mảnh đất xa xôi này...

Thân Lai
.
.
.