Khi ao, hồ… bốc hơi

Thứ Hai, 30/11/2015, 22:19
Có cả trăm cách lấn chiếm ao hồ. Từ hành động đổ trộm phế thải xây dựng, dựng lán tạm rồi đến việc tiến hành hoàn tất giấy tờ, xây nhà kiên cố. Tình trạng nhức nhối ấy cùng với tốc độ đô thị hóa, kèm theo là bao lỗ hổng quản lý đất công, đã khiến nhiều ao hồ bị thu hẹp, “thoi thóp” và không ít biến mất vĩnh viễn.

Ngang nhiên lấn chiếm

Yên Phụ (quận Tây Hồ) là một trong số những phường có diện tích đất công bị lấn chiếm nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Ngoài phần ao, hồ tiếp giáp Hồ Tây, ao Yên Phụ bị thu hẹp một phần, thì hồ Đồng Tâm (5.092m²) và ao An Thành (8.000m²), bãi sông Hồng… cơ bản bị lấn hết từ năm 2009.

Có mặt trong một buổi tuyên truyền, giải tỏa mặt bằng hồ Đồng Tâm, bà Vương Thị Chính Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ bức xúc: "Chúng tôi sống ở đây từ lâu. Xưa hồ Đồng Tâm rộng lắm, chừng 12.000m². Người ta đã lấn chiếm, chỉ còn khoảng 4.000m2. Năm 2009, sau rất nhiều nỗ lực của các đoàn thể tác động, đã cưỡng chế thu về. Nhưng do chưa xây tường, lại bị tái lấn chiếm".

Theo thông tin từ ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, diện tích hiện nay của hồ Đồng Tâm là 4.000m2, đã được UBND quận Tây Hồ phê duyệt dự án xây Trường THCS An Dương. Qua các thời kỳ, hồ Đồng Tâm bị 45 hộ "xà xẻo" với diện tích khoảng 1.000m2.

Đứng bên hồ Linh Quang thuộc phường Văn Chương (quận Đống Đa), nơi mặt nước trong vắt ngày nào đã bị ô nhiễm trầm trọng, hẳn nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngay giữa trung tâm Hà Nội vẫn còn hồ bị… bỏ hoang? Nhiều bậc cao niên trong phường nói rằng, từ nhiều năm trước đây hồ không được "ngó ngàng tới", đã bị thu hẹp khoảng  1/4 diện tích. Địa phương đã phá bỏ 82 lều lán, khoảng 237 hộ thuộc diện có lấn chiếm phải giải phóng mặt bằng.

Xuôi xuống Đầm Hồng, Đầm Sen thuộc phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) - điểm nóng về vi phạm suốt nhiều năm, trong đó không ít cán bộ là người trực tiếp liên quan. Từ năm 1995, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử một số cán bộ khi đó là xã Khương Đình vì vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Cơ quan chức năng cũng đã tịch thu toàn bộ diện tích Đầm Hồng, Đầm Sen bị đem ra mua bán trái phép và chỉ ra có tới gần 800 hộ không có giấy tờ sử dụng đất hợp lệ.

Nhiều diện tích ao hồ bị lấp để xây dựng.

Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết thấu đáo nên từ năm 2007 đến 2009, nhiều hộ dân tiếp tục lấn chiếm, ngang nhiên rao bán đất. Đến nay, sự việc vẫn đang khiến cán bộ phường Khương Đình đau đầu. Ngoài những điển hình kể trên, hàng chục ao, hồ khác cũng bị thu hẹp như quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…, có nguy cơ mất trắng lan ra các huyện ngoại thành khiến không ít người có trách nhiệm lo lắng.

Đùn đẩy trách nhiệm

Người dân vi phạm cần phải bị xử lý, thu hồi nếu lấn chiếm đất công. Các cơ quan quản lý cũng biết vậy, song điều đáng tiếc là ở không ít địa phương, mà trực tiếp là cấp phường, quận đã chưa làm tròn trách nhiệm. Trả lời câu hỏi vì sao nhiều diện tích ao hồ bị lấn chiếm đến vậy, và kết quả xử lý vừa chậm, vừa ít?

Không ít lãnh đạo thay vì đưa ra những giải pháp cụ thể thì chỉ nói chung chung "do lịch sử để lại". Một số phường nói đã báo cáo lên quận khẳng định đã xây dựng kế hoạch quản lý các khu vực đất đai dễ bị lấn chiếm, đồng thời thừa nhận buông lỏng quản lý. Lãnh đạo phường Yên Phụ còn tố: do sự thiếu trách nhiệm của Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội, đơn vị được giao quản lý khu 16 héc-ta, trong đó có hồ Đồng Tâm.

Ở cấp cao hơn, Tổ Thanh tra công vụ quận Tây Hồ chỉ ra: Để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo UBND phường. Ông Đỗ Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ Thanh tra, Trưởng phòng Nội vụ quận Tây Hồ kết luận: "Lãnh đạo phường đã không sát sao trong việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, trong quá trình chỉ đạo chưa bám sát, thiếu kiên quyết khi áp dụng các biện pháp xử lý. Đối với Tổ Thanh tra xây dựng phường, khi phát hiện các công trình vi phạm đã tiến hành lập hồ sơ nhưng không tham mưu và tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để...".

Thêm một vấn đề thiếu sát sao trong công tác quản lý, ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Tây Hồ cho rằng: Cấp phường khi phát hiện các hộ vi phạm chỉ có thống kê, không lập biên bản và hồ sơ vi phạm, dẫn đến việc xử lý mất thời gian. Đồng thời, khi tách quận Tây Hồ từ quận Ba Đình, chúng tôi không được bàn giao hồ sơ từ các phường.

Nói gì thì nói, lãnh đạo các quận không thể không liên đới trách nhiệm. Nếu UBND quận thực hiện nghiêm túc quản lý ao hồ thì đâu có xảy ra nhiều tiêu cực đến vậy?! Những vi phạm tại hồ Đồng Tâm, ao An Thành đã diễn ra từ năm 2009 mà đến nay vẫn chưa dứt điểm thì có phải việc xử lý đã chậm trễ quá lâu?

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định: "Theo chỉ đạo của thành ủy, UBND quận thực hiện nghiêm túc quản lý ao hồ. Thời gian qua, quận đã kè được một số hồ như hồ Phú Thượng, hồ Ao Vải, một số hồ trên địa bàn quận đã được quản lý. Trách nhiệm quản lý quận giao các phường. Hằng năm quận chỉ đạo tám phường thống kê và báo cáo".

Theo tìm hiểu, có quá nhiều cơ quan quản lý ao hồ. Sở Tài nguyên - Môi trường thì quản lý chất lượng nước, Sở Xây dựng quản lý về hạ tầng, các quận, huyện lại quản lý về địa giới hành chính. Ông Tạ Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý dự án và Truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), cho biết: "Nhiều cơ quan quản lý nên bị chồng chéo do đó cũng sẽ bị lỏng lẻo".

Hệ lụy của vấn đề diện tích mặt nước bị thu hẹp, không chỉ là chuyện hễ mưa là ngập, gây biết bao khó khăn cho sinh hoạt, mà chính người dân đô thị phải hứng chịu nhiều hậu quả khác. Đáng trách thay, hệ lụy ấy có một phần nguyên do là người dân thiếu trách nhiệm với tài sản chung.

Quy hoạch chưa khoa học

Cùng với việc bảo vệ, chống lấn chiếm là vấn đề quy hoạch. Chính áp lực đô thị hóa, theo nhiều chuyên gia, cùng nhiều nguyên nhân khác khiến vấn đề quy hoạch bị rối, kết quả là khoảng 50 năm qua, Hà Nội đã san lấp khoảng 80% diện tích mặt nước dành cho các công trình xây dựng. Hiện nay, theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và Cộng đồng môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), có khoảng 80% hành lang bờ ao, hồ vẫn bị ô nhiễm và đang có nguy cơ bị lấn chiếm, tập kết phế liệu và rác thải. Con số đó, phải chăng cần những hành động cụ thể và quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng để cứu những "lá phổi xanh" của thành phố.

Ao Giao Thông 2 ở phường Vĩnh Hưng đã bị lấp để xây nhà và làm vườn.

Vậy có cách nào để giảm bớt tình trạng lấn, lấp hồ ao? Có ý kiến cho rằng, chỉ có cách kè bờ, làm đường đi bộ ven hồ. Nhưng thực tế chứng minh, có hồ dù được kè, do thiếu kinh phí nên không thể tiếp tục triển khai dự án và sự lấn chiếm tiếp tục diễn ra. Thí dụ hồ Cần và Ao cá Bác Hồ ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), hai công trình được triển khai hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do dự án "tắc", bờ hồ lại bị người dân… hành! Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nêu ý kiến: "Các cơ quan quản lý đô thị Hà Nội chưa thấy hết vai trò và chức năng vô cùng quan trọng của sông, hồ, ao, chỉ vì lợi ích trước mắt tăng nhanh diện tích đất xây dựng đã quyết định cho phép san lấp sông, hồ, ao một cách tràn lan, thiếu cơ sở khoa học".

Nói đi cũng phải nói lại, không phải đến bây giờ các cơ quan chức năng mới nghĩ đến chuyện bảo vệ ao hồ. Từ gần chục năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo về việc cải tạo môi trường sông, hồ. Đã có hơn 40 hồ được cải tạo, hơn 60 hồ khác vẫn… chờ dự án. Đầu năm 2010, thành phố Hà Nội đã phát động cuộc vận động kêu gọi xã hội hóa việc kè và cải tạo hồ và được sự hưởng ứng rất cao.

Mới đây, tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân. Đồng thời, mục tiêu cũng hướng đến đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống cây xanh, mặt nước trên địa bàn thành phố.

Cơ quan chức năng giải tỏa các hộ dân lấn chiếm đất công.

Kế hoạch là vậy, song theo các chuyên gia, thành phố cần phải có những khảo sát cụ thể, tránh tình trạng dự án quy hoạch đi vào hoạt động thì nhiều hồ, ao đã bị lấp. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu vấn đề: "Thành phố đã có những kế hoạch tăng cường quản lý ao, hồ. Nhưng điều đó chưa đủ, cần phải có những chương trình hành động cụ thể, có sự phân công rõ ràng cho các phường, siết chặt công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở, đồng thời thay đổi cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay".

Hà Nội đã được thiên nhiên ban tặng cho hệ thống ao, hồ. Khối tài sản ấy vừa là nét duyên đô thị, vừa đóng vai trò là những cỗ máy điều hòa không khí. Xốc lại công tác bảo vệ, quy hoạch ao hồ không chỉ là chuyện của các cơ quan chức năng, mà người dân cũng cần chung tay góp sức.
Ngô Thục Miên
.
.
.