Khi bác sĩ bỏ bệnh viện ra ngoài làm

Thứ Sáu, 13/04/2018, 12:47
Anh bạn tôi công tác tại một bệnh viện lớn trong thành phố, giữ chức Phó trưởng khoa. Anh thuộc lớp người cổ, nghĩa là trung thành với những quan niệm truyền thống, ngại thay đổi và thích an phận. 


Thế rồi, các con đang tuổi ăn tuổi lớn, mỗi tháng bao nhiêu khoản chi tiêu đã buộc anh phải làm thêm ở phòng khám tư sau những giờ làm việc căng thẳng trong bệnh viện.

Làm thêm vẫn không đủ, sau vài tháng cân nhắc, anh quyết định xin nghỉ việc và chuyển ra làm ở một bệnh viện tư nhân. Lương ở đây cao gấp 5 lần nơi bệnh viện anh từng gắn bó hơn 20 năm trời. Vợ chồng anh thở phào vì các khoản chi tiêu trong gia đình không phải là nỗi lo thường trực nữa.

Minh họa của Lê Tâm.

Thực ra, việc các bác sĩ bỏ bệnh viện công lập ra ngoài làm vì thu nhập cao hơn không phải là chuyện mới. Thậm chí, không ít bác sĩ giỏi cũng sẵn sàng bỏ bệnh viện công ra ngoài làm. Mấy năm qua, tại nhiều bệnh viện công ở các tỉnh, thành, hiện tượng “chảy máu chất xám” này khá phổ biến. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ buộc phải ra ngoài làm dù trước đó, khi còn học các trường Đại học Y, niềm mơ ước lớn nhất của họ là được làm việc tại các bệnh viện công lập.

Một thống kê mới đây cho thấy, trong 15 tháng qua, tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có 125 bác sĩ chuyển ra ngoài làm việc. Có bác sĩ mới làm được 3-4 năm, có bác sĩ đã làm 17-20 năm và giữ những chức vụ quan trọng trong bệnh viện. Hầu như ai cũng đắn đo, cân nhắc trước khi có quyết định này, nhưng rồi, họ vẫn dứt áo ra đi, để cuộc sống gia đình cải thiện hơn.

Một bác sĩ từng mổ đẻ cho nhiều sản phụ ở Hải Phòng chia sẻ: Lương hiện tại của tôi ở bệnh viện này là 40 triệu đồng. Cao gấp 6 lần hồi tôi còn làm ở bệnh viện nhà nước. Tất nhiên khi còn công tác ở bệnh viện công, mỗi ca mổ tôi cũng có những khoản bồi dưỡng. Nhưng từ khi chuyển ra ngoài làm, tôi không phải lo lắng nhiều về chuyện tiền, dù áp lực rất nhiều. Bác sĩ phải tự tay làm nhiều việc, không thể ỉ vào y tá hay điều dưỡng viên. Mặt khác, kỷ luật lao động cũng rất nghiêm khắc. Họ thu tiền viện phí của bệnh nhân cao thì đương nhiên họ cũng yêu cầu y, bác sĩ phải có tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy cao hơn.

Với các cơ quan quản lý nhà nước, việc tuyển dụng bác sĩ vào các bệnh viện công lập cũng không phải là điều dễ dàng. Theo Sở Y tế Bình Phước, việc thu hút nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, Sở chỉ tuyển được 21 bác sĩ, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lên tới 146 bác sĩ. Rõ ràng là với lực lượng y, bác sĩ mỏng như vậy thì công tác khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nói đi cũng phải nó lại. Các bác sĩ bỏ bệnh viện công ra ngoài làm mặc dù mức lương có cao hơn, kịp thời giải quyết các vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài không có sự thăng tiến nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến. Điều kiện làm việc trong các bệnh viện công lập chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Có thể hiện tại, các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập mọc lên như nấm. Song, chừng vài năm nữa các bệnh viện này sẽ bão hòa, tình trạng bác sĩ dịch chuyển từ công sang tư sẽ giảm nhiều.

Vậy giải pháp nào để giữ chân, thu hút bác sĩ ở lại bệnh viện công lập? Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà nước cần có một chính sách tổng thể, chính sách đào tạo phù hợp, cộng với cơ chế thích ứng với điều kiện từng vùng, miền. Bên cạnh đó, muốn các bác sĩ giỏi tiếp tục gắn bó, các bệnh viện cần phát triển các khoa, chuyên môn kỹ thuật cao, mở thêm khám dịch vụ khoa nhi… giúp bác sĩ có thêm thu nhập và yên tâm công tác.

Ai cũng biết, để đào tạo ra một bác sĩ là vô cùng khó khăn, tốn kém. Vì thế, khuyến khích, tạo ra các cơ chế thoáng, phù hợp với thực tiễn là xu thế tất yếu, đảm bảo cho bác sĩ được làm việc trong những môi trường tốt nhất là việc cần phải làm. Không chỉ bệnh nhân hưởng lợi mà qua đó, các bác sĩ cũng sẽ đóng góp được nhiều nhất vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuấn Nguyễn
.
.
.