Khi bạo lực học đường không gây sốc

Thứ Hai, 26/08/2013, 12:00

Trước đây, khi chưa có công trình Thủy điện Sơn La, vào mùa mưa, Thủy điện Hòa Bình thường xuyên xả lũ. Một cửa, hai cửa… có khi lên đến bốn hoặc năm cửa cùng xả. Ngày ấy, việc xả lũ chỉ lạ và hấp dẫn khách tham quan du lịch, chứ còn người ở TP Hòa Bình thì đã quá quen. Khi Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn thành và đưa vào sử dụng, nghĩa là bên trên thượng nguồn có hồ Sơn La thì việc xả lũ của hồ Hòa Bình trở lên hiếm hoi, thậm chí có năm không có đợt xả lũ nào.

Còn nhớ, cách đây chừng năm, sáu năm, một clip đánh nhau của nữ sinh Hà Nội được tung lên mạng. Lúc đó, không chỉ cư dân mạng mà cả những người chưa từng vào mạng cũng tìm cách vào xem bằng được. Rồi thì từ quán trà vỉa hè đến hội thảo giáo dục, chỗ nào người ta cũng bàn tán, thảo luận chuyện hạnh kiểm học sinh, chuyện đạo đức xuống cấp, chuyện xã hội suy đồi... Khi ấy, thành thực mà nói, rất nhiều người thấy “sốc”, sốc thật tình, vì xưa nay ta vẫn cứ nghĩ rằng tuổi học trò ắt hẳn phải là trong sáng, nếu có những trò “nhất quỷ nhì ma” đi chăng nữa, thì cũng chỉ trong giới hạn cho phép, chứ không nghĩ rằng học sinh, lại là nữ sinh, có thể “xử” nhau dã man như thế, và màn xử nhau ấy lại có thể được các nữ sinh khác “thưởng thức” thản nhiên, thậm chí thích thú như thế.

Một số khác, ít hơn, thì tuyên bố rằng những chuyện kiểu này đã có lâu rồi, và rất thường xuyên, chỉ có điều chưa được đưa lên mạng cho đông đảo bà con được biết mà thôi. Nhưng dẫu sao, câu chuyện này cũng gây nên một hiệu ứng xã hội đáng kể, và cũng góp phần không nhỏ đưa chủ đề “bạo lực học đường” thành ra cái gì gần gũi thiết thực hơn với nhiều người.

“Bạo lực học đường” không phải là hiện tượng bây giờ mới có, cũng không phải vấn nạn của riêng quốc gia nào. Tuy nhiên, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, hiện tượng sử dụng bạo lực giữa các học sinh với nhau hay học sinh tấn công giáo viên đã trở nên ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Các loại vũ khí nguy hiểm như dao súng cũng được sử dụng nhiều hơn, gây thương vong nặng nề hơn. Đừng nghĩ bạo lực học đường chỉ là chuyện lớn ở các quốc gia kém phát triển hay đang phát triển. Ngay tại những đất nước kinh tế phát triển nhất như Mỹ, hay nổi tiếng vì kỷ luật, nền nếp như Nhật Bản, nó vẫn tồn tại dai dẳng và phức tạp, khiến cho chính phủ và các nhà giáo dục phải đau đầu tìm kiếm giải pháp.

Ảnh minh họa.

Tại Mỹ, có một tỉ lệ không nhỏ học sinh mang theo vũ khí vào trường học và có dính dáng đến những vụ bạo lực sử dụng vũ khí. Ở Nhật Bản, hiện tượng giáo viên trở thành đối tượng bị tấn công đã từng được coi như vấn đề nghiêm trọng. Cách thức giải quyết của mỗi quốc gia cũng muôn hình muôn vẻ. Có nước như Ba Lan, sau khi một nữ sinh tự sát vì bị quấy rối tình dục tại trường học, đã đưa ra cả phong trào cải cách trường học, siết chặt kỷ luật, trao quyền cho Hiệu trưởng trong việc phạt các học sinh và cả cha mẹ học sinh có dính dáng đến bạo lực, còn các giáo viên biết mà không thông báo các vụ bạo lực ở trường học thậm chí còn có thể bị phạt tù.

Ở Việt Nam, từ khi bạo lực học đường trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, câu chuyện bạo lực học đường chưa hề rơi vào quên lãng. Sau clip nổi đình nổi đám đó, đã có thêm biết bao clip, tin, ảnh, bài... xoay quanh các vụ học sinh đánh lẫn nhau hay học sinh hành hung giáo viên được đưa lên mạng. Nhiều tin tức hơn, nhiều vụ việc hơn, nhưng ít sự ngạc nhiên, bất bình và phẫn nộ hơn. Đến giờ thì có vẻ như chúng ta không còn cảm giác “sốc” khi một vụ bạo lực học đường được đưa ra ánh sáng nữa. Gần nhất có lẽ là một clip dài 23 giây quay cảnh hai nữ sinh mặc đồng phục áo dài trắng lao vào đánh nhau túi bụi ngay trên bục giảng trước bảng đen.

Tin này đã được đăng tải và bình luận trên một số trang mạng điện tử như Dân trí, Kênh 14. Song, chẳng khó khăn gì cũng có thể nhận ra, những tin tức kiểu này giờ đã nhạt, truyền thông không mặn mà đưa lên, người đọc cũng không còn hăng hái bày tỏ thái độ kinh ngạc, tức giận... Điều này cũng phải thôi. Dư luận sau mấy năm liền liên tiếp được chứng kiến các vụ bạo lực đủ kiểu, giờ đây cũng có phần “bội thực”. Song quan trọng hơn nữa là, ngần ấy thời gian trôi qua, nhưng ngoài cái việc như người ta thường nói: “gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh”, thì hình như nhận thức của chúng ta về bạo lực học đường chưa có gì thật sự thay đổi, giải pháp cho vấn đề này vẫn cứ lửng lơ như một dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời thích đáng. Duy chỉ có một điều dễ nhận thấy nhất: sự vô cảm cứ ngày một lớn dần, rõ dần. Không chỉ là sự vô cảm của những học sinh tham gia trực tiếp hay chứng kiến các vụ bạo lực, mà còn là sự vô cảm của những người đưa tin và người đọc tin.

“Chuyện thường ngày ấy mà!” có lẽ là câu nói phổ biến nhất của chúng ta bây giờ khi nghe/đọc/xem được tin mới về một vụ bạo lực học đường. Chép miệng, thở dài, lắc đầu..., đủ cả, nhưng ít ai “sốc”, “kinh hoàng”, “giật mình”... như cách đây năm sáu năm nữa. Nhưng đằng sau cái “chuyện bình thường” ấy có biết bao điều bất bình thường.

Ảnh minh họa.

Có bất bình thường không khi bản thân học sinh coi chuyện hành hung, nhục mạ nhau như chuyện bình thường? Có bất bình thường không khi gia đình và nhà trường khi con em, học sinh của mình dính vào hay chịu hậu quả của các vụ bạo lực học đường mà hầu hết phải bó tay, hoặc ngậm bồ hòn làm ngọt, sợ chuyện bé xé ra to, chạy theo giải quyết sao cho êm chuyện? Và càng bất bình thường hơn nữa khi giới truyền thông nhiều khi coi đây chỉ là những tin tức giật gân để hút người đọc, còn người đọc thì liếc qua những tin đó để “ồ”, “à” như đang xem tin giải trí.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi vài năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp phổ thông và vào đại học môn Văn ngày càng ưa chuộng các loại nghị luận, nêu cảm tưởng, phát biểu quan điểm về các vấn đề xã hội gắn với đời sống học đường như bạo lực, bệnh vô cảm... Với các đề thi đó, nhiều học sinh phải cắn bút không biết viết gì, nhiều em lại viết ra những điều sáo rỗng hoàn toàn không liên quan đến suy nghĩ thật lòng. Bởi lẽ, khi chúng ta đã chấp nhận, dù là sự chấp nhận vô thức, rằng bạo lực học đường là chuyện bình thường, thì sự vô cảm đã là tất yếu.

Thực ra, bao nhiêu giải pháp cũng là vô ích, nếu chúng ta không nhìn bạo lực học đường trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Lớp học, giảng đường là một phần của xã hội. Học đường đầy bạo lực là tấm gương phản ánh một xã hội nhiều bạo lực, rộng hơn là một thế giới nơi bạo lực được chấp nhận như một phương thức phổ biến để giải quyết mọi mối mâu thuẫn. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã trôi qua 68 năm, nhưng các cuộc “chiến tranh” ngầm ẩn dưới các hình thức khác nhau vẫn hằng ngày hằng giờ diễn ra khốc liệt giữa các quốc gia. Tiếng súng có thể yên trong một hai ngày trên thế giới, nhưng bạo lực thì không.

Ý thức, tâm lý về bạo lực nằm sâu trong đầu óc của mỗi con người, và ngày càng trở nên phức tạp hơn trong một thế giới nơi cá nhân bé nhỏ và cô đơn hơn bao giờ hết. Cho nên, những học sinh tham gia vào các vụ bạo lực học đường tại Việt Nam vừa đáng giận nhưng cũng vừa đáng thương. Một mặt, các em phải chịu sự lên án của gia đình, nhà trường, xã hội, nhưng mặt khác, có thể nói chính gia đình, nhà trường và xã hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm khi các em lựa chọn bạo lực chứ không phải một cách thức khác ôn hòa hơn, chính thống hơn để “giao tiếp” với bạn bè, để thể hiện thái độ với thầy cô và để giải quyết mâu thuẫn. Cũng chính vì thế, khi bạo lực học đường không còn gây sốc nữa, thì câu chuyện “học trò đánh nhau” muôn thuở trong nhà trường đã từ chuyện bình thường thành chuyện bất bình thường rồi

Minh Hải
.
.
.