Khi các "bô lão" dính chiêu độc của tội phạm mạng

Thứ Hai, 06/07/2020, 08:09
Thời gian vừa qua, việc người già lứa tuổi U60, U70 được tiếp cận với các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng... ngày một trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc thiếu những hướng dẫn cũng như khuyến cáo về cách sử dụng cũng như tinh thần cảnh giác trước tội phạm mạng đã khiến nhiều cụ ông, cụ bà phải trả giá đắt.

1.Trưa hè một ngày nắng như đổ lửa cuối tháng 6-2020, một bà cụ tìm đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội xin trình báo "một sự việc rất kinh khủng".

Với vẻ mặt già nua, buồn thảm,  bà Phạm Thị M. H (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ niềm hy vọng "các chú Công an giúp tôi lấy lại cả tỷ đồng mà cả đời tích cóp". Theo bà H. kể lại, hoàn cảnh éo le chồng mất, con lập nghiệp ở nước ngoài, bà chỉ sống một mình. Đứa con gái thương mẹ già mới gửi tiền về nhờ đứa cháu mua giúp cái điện thoại xịn, cài đặt Facebook, Zalo để thi thoảng mẹ con gặp nhau nói chuyện. Nào ngờ chỉ vì cái điện thoại đã khiến bà mất hết tiền.

Người cao tuổi hiện đang là miếng mồi cho đối tượng lừa đảo trên môi trường mạng.

Giữa tháng 6-2020, bà bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ một người đàn ông. Hắn đọc đúng số CMND của bà, đồng thời nói là Công an TP Hồ Chí Minh có việc muốn trao đổi. "Ban đầu tôi nói có việc gì thì mời các anh đến nhà nói chuyện, song người đàn ông nói là đang ở xa nên vài hôm nữa tiện chuyến công tác mới đến. Vị "điều tra viên" nhấn mạnh đang thực hiện một chuyên án về ma túy, cần phải hết sức bí mật, cấm tôi không được hé răng với ai", bà H. nhớ lại.

Không những thế, đối tượng còn hỏi: "Hiện bà ở một mình hay ở với ai?"

- Tôi đang ở một mình, bà H. trả lời.

- Sao lại có giọng nói ở trong điện thoại?

- Đấy là ở trong tivi, bà H. trả lời.

Sau những câu chất vấn, đối tượng cho biết hiện bà H. đang liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia, viện kiểm sát đã ra lệnh bắt giam. Cùng lúc đối tượng gửi ảnh lệnh tạm giam qua mạng xã hội Zalo cho bà H., thông báo vài ngày tới cơ quan chức năng sẽ thực hiện lệnh này.

Nghe những thông tin trên, đọc lệnh tạm giam đúng tên, số CMND, địa chỉ... bà H. tái mặt, toát mồ hôi liên tục khẳng định không hề liên quan gì. Đối tượng lúc này mới bảo, bà H. phải kê khai hết các loại tài sản như nhà đất, vàng, đô la, sổ tiết kiệm... chuyển thành tiền mặt rồi gửi cho "cơ quan điều tra". Sau khi đã xác định đúng là không có liên quan thì sẽ gửi lại cho bà.

"Việc cộng tác của bà có tác động thành bại cho chuyên án, bà phải thực hiện hết sức bí mật, nghiêm chỉnh. Nếu hé răng kể cho ai, hoặc không cộng tác nghiêm túc khiến chuyên án đổ vỡ thì bà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bà có thể bị truy tố, đi tù 5-10 năm", gã đàn ông tiếp tục hăm dọa.

Run như cầy sấy, bà H. vội vàng ra ngân hàng rút hơn 1 tỷ đồng tiền tiền kiệm rồi gửi vào số tài khoản đối tượng đưa ra. Những ngày sau đó ngày nào các đối tượng cũng gọi điện đến giục bà gửi tiền. Khi đã cạn ví, bà mới liên hệ với con gái ở nước ngoài hỏi vay. Người con nghe chuyện biết mẹ bị lừa thì đã nhờ người nhà đưa lên cơ quan Công an trình báo.

2.Không bị các đối tượng gọi điện hăm dọa như bà H., song ông Hoàng Văn T. (SN 1954 trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị lừa mất hàng trăm triệu đồng, chỉ sau một tháng được sử dụng smartphone.

Theo trình báo của ông T., sau khi nghỉ hưu ông được con cái mua cho chiếc điện thoại iphone cùng sim 4G để ông lên mạng đọc báo. Thế rồi ông cũng được các con lập cho một tài khoản mạng xã hội facebook để thi thoảng gọi video call với các cháu.

Khoảng hai tuần trước, ông T. bất ngờ nhận được tin nhắn từ mạng một tài khoản Facebook, nội dung: "Xin chúc mừng tài khoản của bạn có mã số may mắn trúng thưởng là xxxxx đã rất may mắn là 1 trong 3 chủ nhân trúng thưởng "giải Nhất" trong chương trình "Tuần lễ vàng - Tri ân khách hàng Honda Việt Nam từ bên hệ thống quay thưởng và lựa chọn ngẫu nhiên". Phần quà giải Nhất của bạn gồm: 1 xe tay ga Honda SH 150i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 200 triệu đồng, 1 phiếu sử dụng xăng miễn phí 1 năm của Petrolimex. Một lần nữa xin chúc mừng bạn là 1 trong 3 chủ nhân đã may mắn trúng thưởng giải Nhất của sự kiện trên. Giải thưởng do CTCP xe máy Honda và Tập đoàn mạng xã hội Facebook tài trợ".

Ông T. ngẫm lại thì hồi đầu năm gia đình cũng có mua một chiếc xe máy honda nên tin ngay. Ông chỉ hơi thắc mắc tại sao đại lý lại có tài khoản facebook của mình? Sau tin nhắn đầu tiên, tài khoản facebook kia lại nhắn cho biết: Mã số may mắn trúng thưởng của ông là xxxxxxxx.  và đề nghị ông T. truy cập website xxxxx.com để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng, hoặc gọi đến chăm sóc khách hàng hỗ trợ trực tuyến hotline 08xxxxxxxx để được hướng dẫn thêm...

Cuối cùng, ông T. nhận được lời căn dặn: "Khách hàng vui lòng bảo mật mã số trúng thưởng này và tuyệt đối  không được cung cấp cho bất kỳ ai để tránh sự tranh chấp giải thưởng sau này. Lưu ý: Sau khi khách hàng nhận được thông báo này thì hệ thống sẽ tự động khóa tài khoản đã gửi thông báo này cho khách hàng. Để bảo lưu và tránh sự tranh chấp về giải thưởng, vui lòng click vào link trên để được hướng dẫn cách thức nhận thưởng cụ thể. Chỉ áp dụng cho tài khoản nhận được tin nhắn. Xin cảm ơn!"

Quá vui mừng vì bỗng nhiên "lộc" rơi trúng đầu, ông T. vội vã truy cập vào website "sukien...com" để tìm hiểu thì tiếp tục được hướng dẫn nhập các thông tin cần thiết phục vụ làm thủ tục nhận thưởng như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, số CMND, số thẻ ATM/ngân hàng, họ và tên chủ thẻ, số điện thoại đăng ký Internetbanking, mật khẩu đăng nhập...

Sau khi nhập đủ các thông số trên, điện thoại của ông T. nhận được tin nhắn mã OTP từ ngân hàng V. mà ông thường nhận lương gửi về. Liền sau đó, có số điện thoại đầu số 086xxxxxxx gọi đến thuê bao di động của ông T. Ở đầu dây bên kia, giọng một cô gái tự giới thiệu là đại diện ngân hàng V, thông báo một chương trình trao giải vừa liên hệ với ngân hàng để chuyển tiền trúng thưởng tới số tài khoản của chị T..

"Nhân viên ngân hàng" yêu cầu ông T. cung cấp mã số OTP vừa nhận được qua tin nhắn SMS để ngân hàng làm lệnh phong tỏa số tiền trong tài khoản hiện tại nhằm bảo toàn cho chủ tài khoản, không bị nhầm lẫn với khoản tiền mà chương trình trao giải sẽ chuyển đến. Không nghi ngờ gì "nhân viên ngân hàng", ông T. đọc ngay mã số OTP cho người này rồi chờ đợi tin nhắn "tiền về tài khoản".

Nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo qua điện thoại vừa bị Công an Hà Nội bắt giữ

Chỉ trong chớp mắt, ông T. thấy điện thoại báo "ting ting". Đọc tin nhắn, cụ ông bỗng rụng rời chân tay bởi không phải tin "tiền về tài khoản" mà là thông báo tài khoản của ông vừa bị trừ đi số tiền hơn 100 triệu đồng.

3.Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo qua môi trường mạng có xu hướng nhằm vào những người cao tuổi. Bằng thủ đoạn giả danh cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... các đối tượng sẽ dọa dẫm khiến cho các cụ ông, cụ bà (vốn thiếu cảnh giác, không biết những thông tin về các thủ đoạn lừa đảo) sợ hãi, phải nhanh chóng chuyển tiền cho các đối tượng.

"Trường hợp bà Phạm Thị M.H. chúng tôi vừa đề cập bên trên, các đối tượng còn tiếp tục "đào mỏ" khiến bà H. thậm chí đã mang cả sổ đỏ, giấy tờ thế chấp vào ngân hàng để vay tiền. Tuy nhiên do thủ tục vay mất nhiều thời gian và gặp một số vướng mắc nên bà H. chưa kịp chuyển thêm tiền cho chúng. Như vậy cũng là một điều may mắn với cụ bà này. Một điều rất đáng trách là bà H. có tới 5-6 đứa cháu công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, song không ai kể cho bà nghe về thủ đoạn trên".

Từ thực tế những vụ án xảy ra thời gian qua, cơ quan Công an cảnh báo để tránh việc trở thành miếng mồi cho bọn lừa đảo, khi mua smartphone cho các cụ thì cần phải hướng dẫn sử dụng, cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo trên môi trường mạng để các cụ biết.

Bắt nhóm 9x giả danh cơ quan chức năng lừa tiền tỷ

Ngày 26-6-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an triệt phá một đường dây chuyên lừa đảo qua điện thoại. Bốn đối tượng bị bắt giữ gồm: Đặng Thành Toại (SN 1995) Lê Ngọc Quyền (SN 1995) Nguyễn Tấn Thắng (SN 1996) và Lê Công Thái (SN 1995, cùng trú tại huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Theo tài liệu điều tra, từ đầu năm 2020, Đặng Thành Toại đã kết nối với một số đối tượng để mở các tài khoản ngân hàng, mục đích là để chuyển và nhận tiền có được từ việc lừa đảo. Sau đó Toại đã rủ Quyền, Thắng và Thái cùng tham gia.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã đi thu mua các chứng minh thư nhân dân tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.

Sau khi có "địa chỉ" nhận tiền, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên bưu điện, gọi điện cho "con mồi" thông báo có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, liên quan đến khoản nợ ngân hàng và đã có lệnh bắt của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát. Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với các "cán bộ" Công an, Kiểm sát viên thụ lý vụ án và dùng lời lẽ đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, có trường hợp nạn nhân bị lừa đến 2,2 tỉ đồng.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.

Minh Khang
.
.
.