Khi chính quyền cơ sở “bật đèn xanh”

Thứ Bảy, 24/03/2018, 14:02
Tiện ích của ôtô trong đời sống là quá nhiều. Điều này không cần phải bàn cãi, chẳng thế mà ngành công nghiệp ôtô luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng tại các cường quốc kinh tế. Ước mơ một ngôi nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ với một chiếc xe 4 bánh luôn hiện hữu trong bất kỳ một gia đình nào.

Cũng phải thôi. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện thì chiếc ôtô không chỉ là phương tiện đi lại mà còn khẳng định “thương hiệu” chủ nhân của nó.

Tất nhiên, với những nước phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại, đường xá rộng rãi thì việc đi lại bằng ôtô vô cùng thuận lợi và tuổi thọ của xe cũng lâu hơn. Còn với chúng ta, sử dụng ôtô tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đôi khi khá vất vả, nhất là vào giờ cao điểm.

Bạn hãy thử tưởng tượng xem, vào giờ đó, hàng vạn chiếc xe đổ ra đường. Nếu chục năm trước, xe máy còn có khoảng trống để di chuyển thì đến thời điểm này, xe máy chỉ còn biết len lỏi tại những khe hẹp giữa các ôtô. Thế là ùn tắc, nhanh thì 5-10 phút, chậm thì một vài tiếng. Mọi người ngán ngẩm chấp nhận thực tế bởi chỗ nào cũng tắc như vậy.

Minh họa của Lê Tâm.

Sở hữu một chiếc ôtô ngoài chuyện bảo hành, bảo dưỡng, lo bị va quệt trên đường thì đi đến đâu cũng phải nhớn nhác tìm bãi đỗ xe. Nhiều khi ăn bát phở buổi sáng hết 10 phút nhưng mất đến 30 phút để tìm chỗ đỗ xe. Giá trông giữ thì mỗi nơi một kiểu. Những ngày lễ, Tết thì giá trông giữ xe tăng vùn vụt. Chủ xe không có lựa chọn nào khác đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Vâng, lòng vòng một chút về chiếc ôtô, nhưng chuyện chúng tôi muốn nói tới vẫn là vấn đề nóng trong nhiều năm qua, đó là tình trạng các bãi trông giữ xe trái phép tại Hà Nội ngang nhiên tồn tại mà chưa được giải quyết triệt để.

Nếu như ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên... là những quận mới, giáp ranh với các huyện có nhiều khu dự án chưa triển khai thi công, quỹ đất trống còn khá nhiều nên tình trạng lập bến bãi trông giữ trái phép khá phổ biến thì tại các quận nội đô như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, vi phạm về trông giữ xe trái phép lại diễn ra công khai ở lòng đường, vỉa hè, bất kể ngày cũng như đêm.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.200 điểm trông giữ xe. Trong đó có 701 điểm có phép và 91 điểm không phép, hết hạn giấy phép. 408 điểm tại các khu vực đất công, đất dự án. Mới đây, CATP Hà Nội qua khảo sát, nắm tình hình đã phát hiện 156 điểm cấp phép trông giữ phương tiện trái với quy định của UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện 13 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị, vừa không đảm bảo an ninh, an toàn công trình giao thông quốc gia.

Có thể nói, việc xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm trong thời gian qua cho thấy các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, xử lý nhiều điểm trông giữ xe trái phép nhưng rõ ràng những vi phạm này sau đó lại tái diễn, gây bức xúc trong dư luận. Có quan điểm cho rằng, điểm giữ xe vi phạm vì nhiều lý do khách quan như dân số ngày càng đông, đường xá phát triển chậm, số lượng các phương tiện mỗi ngày một nhiều nên tình trạng các bãi giữ xe mọc lên là đương nhiên. 

Song, nhiều người thẳng thắn khẳng định, việc tồn tại những bãi xe trái phép trên thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở. Họ biết cả, nhưng lờ đi, hoặc “bảo kê” cho những bãi xe này tồn tại trong một thời gian dài. Tình trạng này thật sự gây mất trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Không chỉ bãi đỗ xe, những khoảng đất lưu không hiếm hoi tại các địa bàn còn bị một số đối tượng “anh chị” chiếm dụng làm nơi tập kết, mua bán vật liệu xây dựng. Ai cũng có thể hiểu được, nếu chính quyền cơ sở không “bật đèn xanh” thì không ai có thể làm được việc đó.

Thiết nghĩ, thành phố cần có những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trong việc giải quyết dứt điểm những bãi giữ xe trái phép. Nó không chỉ mang lại sự văn minh mà còn góp phần giữ gìn sự bình yên chung cho mỗi địa bàn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.