Khi học sinh là nạn nhân của bạo lực tinh thần

Thứ Hai, 09/04/2018, 15:09
Trong xã hội, để hòa nhập và tồn tại, mỗi người đều phải thực hiện một phận sự của mình. Có những việc đòi hỏi chuyên môn cao, nhiều kiến thức tổng hợp cộng với các kỹ năng. Lại có những việc đơn giản như lao động phổ thông, lao động thời vụ không đòi hỏi nhiều ở người lao động phải có nhiều kiến thức.


Song, dù làm việc dưới hình thức nào thì buộc người lao động cũng phải hành động, nghĩa là họ phải tuân thủ những quy trình nhất định để hoàn thành một công việc nào đó.

Hiểu theo nghĩa đó thì giáo viên đứng trên bục giảng có trách nhiệm giảng bài, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Không những thế, nhà giáo còn có một sứ mệnh nữa, đó là dạy các thế hệ học sinh những bài học làm người để sau này trưởng thành sẽ hội tụ những yếu tố cần thiết làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Minh họa của Lê Tâm.

Để làm được điều đó, những người thầy phải dồn tâm huyết của mình vào những giờ lên lớp, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để mỗi bài giảng thêm sâu sắc, sinh động. Những thầy giáo có tố chất sư phạm luôn hiểu các học trò muốn gì và mình nên giảng những gì. 

Thông qua mỗi bài giảng, nhận thức của học trò sẽ mở rộng, quan hệ giữa thầy và trò cũng gắn bó, gần gũi hơn. Điều này đã trở thành một nguyên tắc sư phạm mà những người thầy buộc phải tuân thủ và hoàn thành tốt mỗi lần đứng trên  bục giảng.

Chuyện ồn ào mấy ngày qua trên các diễn đàn mạng chính là việc cô giáo Trần Thị Minh Châu dạy môn Toán của Trường THPT Long Thới, TP Hồ Chí Minh tự ý thay việc giảng bài trên lớp bằng cách im lặng và viết toàn bộ bài lên bảng để học sinh chép. Theo giải trình của cô, việc im lặng trên bục giảng này diễn ra từ sau Tết đến giờ, nghĩa là hơn hai tháng. Sự im lặng này thật đáng sợ, nó tạo sự căng thẳng trong lớp học và tất nhiên học sinh không thể tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất.

Nguyên nhân của sự im lặng được cô Châu giải thích bằng một lý do rất khó hiểu: Vì có một học sinh cũ dọa nếu cô giảng bài thì sẽ tổ chức ghi âm lại, để “đánh” cô giáo, làm cô sợ không dám giảng bài nữa.

Nếu sự việc diễn ra chỉ trong một hai tiết học cũng đã là điều không bình thường, ở đây, nó đã diễn ra hơn hai tháng, nghĩa là mấy chục tiết Toán khiến nhiều người không thể tưởng tượng được một giáo viên lại có thể làm điều này. Vào những tiết học đó, chắc chắn bầu không khí trong lớp sẽ rất ngột ngạt, bức bối. Khi chọn cách im lặng bất kỳ vì lý do gì thì đó cũng bị coi là hành động tiêu cực, một kiểu bạo lực tinh thần đối với học sinh và giáo viên đã cố tình vi phạm nguyên tắc giáo dục, không làm tròn trách nhiệm của một nhà sư phạm.

Một nhà giáo dục thẳng thắn nêu quan điểm: Tại một  thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, sự việc tưởng như không thể xảy ra lại xảy ra, trong một thời gian dài cho thấy mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh ở nhà trường đang nổi cộm nhiều vấn đề. 

Bởi trong một môi trường sư phạm, khi lớp học hay một học sinh nào đó có điều gì xảy ra, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi và cùng nhau tìm cách giải quyết ổn thỏa nhất. Rồi mối quan hệ giữa các giáo viên cùng tổ bộ môn, giáo viên với Ban giám hiệu… tất cả đều lỏng lẻo, thiếu sự kết nối, chia sẻ dẫn tới việc khi học sinh không thể chịu đựng nổi, khiếu nại lên Ban giám hiệu, mọi việc mới vỡ lở và tìm hướng giải quyết.

Tất nhiên, sự im lặng của cô Châu sẽ phải trả giá. Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh đang họp bàn để đưa ra hình thức xử lý cần thiết. Trước đó, cô giáo này cũng đã từng bị một án kỷ luật vì có những vi phạm nghề nghiệp. Cùng với đó, các trường học cần siết lại kỷ cương nhằm tránh những việc làm phản giáo dục của một số giáo viên, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

Hy vọng vụ việc trên sẽ là tiếng chuông cảnh báo để các trường học nghiêm túc nhìn lại mình, khắc phục những gì chưa tốt để xây dựng một môi trường giáo dục hoàn thiện nhất.

Tuấn Nguyễn
.
.
.