Khi người ngoại quốc mưu sinh ở Việt Nam

Thứ Năm, 06/08/2020, 08:46
Không phải người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng giàu có dư giả, và rồi vì hoàn cảnh cơ nhỡ, nhiều người phải lăn lộn ra ngoài kiếm sống bằng đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống.

Muôn kiểu kiếm tiền

Những ngày mắc kẹt bởi dịch COVID-19 ở Việt Nam, Lana (28 tuổi, Quốc tịch Thụy Điển) không biết phải làm gì để có tiền sinh hoạt tại khu phố Tây sầm uất của TP HCM.

Ở Thụy Điển, Lana là giáo viên dạy các môn khoa học xã hội của một trường trung học. Đến Việt Nam du lịch, cô chưa từng nghĩ mình phải ở lại đất nước này lâu đến vậy. Cô lần mò lên mạng, đăng thông tin tìm kiếm việc làm và chờ đợi. Chờ mãi vẫn chưa thấy thông tin hồi âm, Lana nóng ruột nhờ một người bạn làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam giúp đỡ.

Sau 3 ngày, anh bạn gọi điện cho cô thông báo, có một khách hàng nữ 65 tuổi muốn học tiếng Anh nhưng yêu cầu giáo viên phải nói được tiếng Việt để dễ dàng giao tiếp.

Học tiếng Việt vô cùng khó, nhưng đã hết cách, Lana muốn có thu nhập thì phải đầu tư. Cô lại tìm người bạn cũ nhờ dạy chút ít vốn liếng tiếng Việt để đi dạy tiếng Anh. Sau 2 tuần mài dũa học tập, rèn luyện, Lana chỉ nói được vài tiếng bập bẹ, chủ yếu chào hỏi xã giao làm hành trang đi dạy.

Ngày đầu tiên tới nhà học sinh, Lana bất ngờ vì được chào đón nồng nhiệt từ gia chủ. Học sinh của Lana thuộc hàng "cá biệt". Cả cuộc đời của bà chưa từng biết đến "một chữ tiếng Anh bẻ đôi". Con cái lớn khôn trưởng thành vào thành phố lập nghiệp, có của ăn của để đã đón bà từ Nam Định vào sinh sống. Sắp tới, gia đình dự định đi du lịch vài nơi trên thế giới nên muốn bà có chút ngoại ngữ để chuyến đi thêm phần tự tin. 

Nắm được đặc tính này, Lana đã dạy bằng cả trách nhiệm và tấm lòng. Giáo án của cô được soạn thảo vô cùng tỉ mỉ, rõ ràng, mạch lạc. Mỗi buổi, cô dạy học sinh nói và nhận dạng 10 từ vựng thông dụng trong giao tiếp. 

Đồng thời, cô cũng phải học thuộc 10 từ đó bằng tiếng Việt để truyền đạt lại theo hình thức song ngữ. Gia đình học sinh rất quý Lana, vì nhìn thấy sự nhiệt tình, hồn nhiên, trong sáng của cô. Một tháng làm gia sư, Lana được trả 6 triệu đồng. Số tiền đó giúp cô trang trải cuộc sống, trả tiền thuê trọ và mua sắm những đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.

Học sinh của cô nhờ chăm chỉ nên "hầu bao" ngoại ngữ rủng rỉnh, có thể hỏi đường, hỏi tên và giới thiệu về bản thân bằng tiếng Anh một cách trôi chảy. Lana có lịch bay về nước, cô tới chào tạm biệt gia đình học sinh, nơi cô đã xem là một địa chỉ thân quen và ấm áp trong những ngày ở Việt Nam. Học sinh đã tặng Lana kẹo dừa, bánh pía, lạp xưởng, những món ăn dân giã ở miền Tây Việt Nam. 

Trước khi chia tay, Lana trân trọng mời cả gia đình học sinh nếu đi du lịch Thụy Điển thì ghé thăm nhà của cô. Lúc đó, cô sẽ là hướng dẫn viên du lịch, dẫn họ đi thăm các địa danh thắng cảnh của quê hương mình. Gia đình học sinh của cô đã vui vẻ nhận lời.

Natsa bán đồ trang sức trên vỉa hè kiếm tiền sinh sống khi ở Việt Nam.

Không may mắn như Lana, Jojep Jian (35 tuổi, Quốc tịch Canada) đi xin việc khắp nơi mà không có nơi nào nhận. Jian là cựu vận động viên bóng chày nên ở Việt Nam không có việc gì phù hợp với anh. 

Đi dạo quanh thành phố, anh thấy có nhiều người kéo loa đi hát bán kẹo kéo, bán tăm, Jian nảy ra ý định hát rong. Anh đi thuê bộ loa kéo, buổi tối ra phố đi bộ Bùi Viện nghêu ngao hát và bán kẹo cao su.

Bi hài ở chỗ, dân ăn nhậu vỉa hè nghe ông Tây hát nhạc nước ngoài thì như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì nên họ lắc đầu khi Jian chìa bịch kẹo ra. Ế ẩm, đói ăn, Jian tới tiệm trà sữa trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) xin làm bồi bàn. 

Nhìn thấy anh chàng Tây ba lô đáng thương quá, chủ quán đồng ý cho anh làm ca đêm, một tuần 3 buổi, mức lương 900 ngàn/tuần. Mừng như bắt được vàng, Jian chăm chỉ làm việc. Vốn ngoại ngữ trôi chảy, anh được giao phụ trách toàn bộ lượng khách nước ngoài vào quán.

Công việc cho Jian cái ăn và cuộc sống ổn định những ngày mắc kẹt bởi dịch bệnh COVID-19. "Nếu phải ở lại lâu hơn nữa, tôi mong rằng chủ quán sẽ vẫn cho mình công việc này. Tôi yêu thích nó", Jian chia sẻ.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sang tới tuần thứ 2, quán trà sữa phải đóng cửa do quy định cách ly toàn xã hội, Jian mất việc. Căn phòng trọ trên đường Bùi Viện có giá 5 triệu đồng/ tháng, nay chủ nhà giảm xuống còn 2 triệu nhưng Jian vẫn không đủ tiền đóng. Thấy hoàn cảnh của cậu trai Tây đáng thương, ông chủ quyết định tặng luôn cho cậu toàn bộ tiền nhà trọ.

Giờ đây, khi đã trở về quê nhà bình an vô sự, Jian vẫn luôn nhớ đến những ngày tháng ở Việt Nam. Anh nhớ những con phố sầm uất, những hàng quán phong phú bên chợ Bến Thành, nhớ món hủ tiếu, phở bò, bia vỉa hè...mang hồn cốt đặc trưng của người Việt Nam. 

Jian cho biết, chắc chắn anh sẽ còn quay trở lại đất nước xinh đẹp này. Khi đó, dự định của anh không phải là du lịch nữa, mà là làm việc. Anh sẽ mở một cửa hàng bán đồ thể thao và ước muốn có một Câu lạc bộ bóng chày để dạy cho các em nhỏ lang thang cơ nhỡ.

Nhanh nhẹn, hoạt bát, Natsu (39 tuổi, Quốc tịch Nga) trong những ngày dài ở Việt Nam đã nghĩ ra cách kiếm tiền hiệu quả bằng việc bán vòng trang sức trên vỉa hè đường Hàm Nghi (quận 1). 

Rất đông người qua đường đã ghé vào ủng hộ Natsu. Anh chia sẻ, cuộc đời của mình chưa bao giờ ý nghĩa như những ngày ở Việt Nam. "Người Việt rất tử tế, họ sẵn sàng trò chuyện vui cười thoải mai dù chúng tôi không thể giao tiếp trọn vẹn bằng một thứ ngôn ngữ chung", Natsa chia sẻ.

Vợ chồng ông Trưng bán vé số đã trở thành hình ảnh quen thuộc từ nhiều năm nay.

Ông Tây vé số

Từ nhiều năm nay, trên các con đường khu vực kênh Lò Gốm (quận 6, TP HCM) luôn có một ông Tây cao to, khắc khổ lững thững đi bán vé số. Tên Việt Nam của ông là Nguyễn Trưng, còn tên Pháp là gì thì ông không nói, có lẽ ông buồn vì người cha đã bỏ mẹ con ông từ rất sớm.

Bên cạnh ông là người vợ Việt Nam bé nhỏ, khuôn mặt buồn khổ, nhăn nhúm. Bà Nguyễn Thị Bé (62 tuổi, quê Bến Tre) đến với ông Nguyễn Trưng vì định mệnh. Năm ấy, bà đã ngoài 30 tuổi mà chưa có một mảnh tình vắt vai. Những ngày mưu sinh ở chợ Phú Lâm (quận 6), bà thường được một anh Tây cao lớn, nói giọng miền Nam thỏ thẻ ngọt ngào giúp đỡ. 

Sự đồng cảm của hai con người có chung một hoàn cảnh, một nỗi buồn số phận đã kéo họ lại bên nhau. Bà Bé cần có một bờ vai dựa vào những khi ốm đau Ông Trưng ước mơ một gia đình nhỏ, có tiếng khóc của con trẻ. Cứ thế, họ đã buộc vào nhau bằng sợi dây tình.

Những năm sau này tuổi cao, sức khỏe yếu, ông bà Trưng chuyển sang làm nghề bán vé số. Mẹ là người Việt Nam, nhưng ông Trưng lại sở hữu gần như trọn vẹn hình hài của người phương Tây. Từ chiếc mũi cao nhọn, mái tóc vàng hoe mỏng manh, đôi mắt trắng đỏ, cho tới thân hình cao lớn hộ pháp. 

Có lẽ ông Trưng là người Tây đầu tiên đi bán vé số ở TP HCM. Người ta mua vé của ông vì tò mò lạ lẫm. Sau này biết hoàn cảnh, thì bà con chuyển sang xót xa, thương cảm. Trên các con hẻm nhỏ khu vực Lò Gốm, Hậu Giang, ông Tây bán vé số đã không còn xa lạ gì nữa.

Một thầy giáo dạy tiếng Anh giơ bảng cảm ơn vì đã được người dân giúp đỡ trong những ngày mắc kẹt ở Việt Nam bởi dịch bệnh COVID -19.

Đứa con trai sinh ra, ngỡ như hạnh phúc trọn vẹn, như món quà trời ban cho vợ chồng ông Trưng, thì thật trớ trêu, thằng bé mắc bệnh thần kinh. Nó khờ khạo, ngơ ngác. 

Có con, gánh nặng đè lên vai bà Bé gấp đôi, ngày càng gầy hơn, đôi mắt sâu hoắm lại, gò má nhô cao lên. Ông Trưng chỉ biết động viên vợ: "Mợ phải ráng sống vì cha con cậu. Không có mợ, tui sẽ không thể sống nổi". Danh xưng "cậu mợ" mà ông bà dành cho nhau xuất phát từ cái nghĩa nhiều hơn cái tình.

Thành vợ thành chồng không qua một nghi lễ cưới hỏi nào, họ cùng dìu nhau đi khắp mọi nẻo đường để mưu sinh. Sóng gió chưa lúc nào ngưng đổ lên cuộc đời của họ, thế nhưng ngày nào còn sống, họ vẫn sẽ bước cùng nhau.

Mỗi ngày, hai ông bà chỉ bán được 100 tờ vé số, thu về hơn 100.000 ngàn đồng. Họ chỉ dám ăn cơm rau muối, chắt bóp từng đồng một để lo cho Long, thằng con trai 28 tuổi nhưng tâm hồn thì như đứa trẻ lên ba.

"Nhờ cái tiếng ông Tây mà chúng tôi bán được vé số. Sau này nhiều người biết, họ còn cho quà, tiền giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống", bà Bé tâm tình.

Những ngày này, khi dịch COVID- 19 quay trở lại với diễn biến phức tạp trong cộng đồng, ông Trưng lo lắng mai này sẽ không thể đi bán vé số được. Như thế thì lấy tiền đâu sinh sống, lo thuốc men cho thằng Long. Hỏi ông có nghĩ đến một nghề nào khác kiếm cơm thay cho nghề vé số? 

Ông cười hiền hậu, hồn nhiên trả lời: "Tôi năm nay 72 tuổi rồi, sức đâu mà làm nghề khác. Trong mắt thiên hạ, tôi là người nước ngoài đi bán vé số cũng có cái hay, cái lạ. Tôi được nhiều người quan tâm lắm".

Ngọc Thiện
.
.
.