Khi người vùng cao bỏ rượu nhờ… Nghị định

Thứ Tư, 15/01/2020, 15:22
Kết quả trên cho thấy, Nghị định 100 của Chính phủ mới triển khai đã phát huy tốt hiệu quả. Với mức xử phạt rất nghiêm khắc và không có vùng cấm nên không ai dám liều để điều khiển phương khi đã sử dụng rượu bia.


Với nhiều người dân tộc ở tỉnh miền núi Sơn La, chuyện uống rượu đã trở thành một thói quen. Nhưng khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định tất cả mọi người khi đã uống rượu bia không được lái xe, đặc biệt là mức phạt tiền rất cao và thời gian tước giấy phép lái xe dài hơn trước đã khiến nhiều người ban đầu có chút "bối rối", thậm chí "hẫng hụt", song hiểu được ý nghĩa của việc an toàn tính mạng cho mình và cộng đồng khi tham gia giao thông, nên ai nấy đều đã tự giác chấp hành.

Quyết tâm bỏ rượu vì… sợ phạt

Mới 24 tuổi nhưng anh Hà Quốc Khánh, trú ở xã Huy Tân, huyện Phù Yên, không nhớ mình đã bao lần… ngã xe do lái xe trong lúc say rượu. Lần bị nặng nhất là năm 2018, khi anh đi uống rượu mừng nhà mới của gia đình người bạn. 

Hôm đó, anh cùng những người bạn đã "uống đi uống lại, uống tái uống hồi" không biết bao nhiêu chén. Lúc lái xe về, say quá không làm chủ tốc độ, đêm tối lại không nhìn rõ đường, anh đã lao xe ngã nhào xuống ruộng cạn. Rất may chỉ bị rạn xương sườn, trầy xước chân tay, nhưng lần ấy anh cũng đã phải nằm nửa tháng không làm được gì. 

"Uống rượu say mà cứ liều lái xe đúng là quá nguy hiểm. Tôi mấy lần chết hụt, nên cũng thấy sợ lắm rồi. Giờ Chính phủ quy định uống rượu rồi thì không được lái xe, tôi thấy đúng lắm. Tôi nghĩ chắc sẽ tốt hơn cho mọi người", anh Khánh chia sẻ.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ôtô.

Cũng từng phải nằm viện điều trị 3 tháng do gẫy xương quai xanh, trẹo hàm vì điều khiển xe máy trong lúc say rượu, ông Quàng Văn Bó, dân tộc Thái ở bản Hua Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La, nay rất vui mừng và cho biết mình sẽ hưởng ứng mạnh mẽ Nghị định của Chính phủ cấm mọi người dân uống rượu bia khi lái xe tham gia giao thông: "Tôi sợ lắm rồi, uống rượu say lái xe nguy hiểm lắm. Bây giờ Chính phủ có quy định cấm lái xe khi đã uống rượu, nếu vi phạm sẽ phạt, tôi thấy đúng lắm. Làm chặt như thế chắc chắn tai nạn giao thông do rượu sẽ giảm".

Từ lâu đã quen với "văn hóa rượu" của đồng bào mình, song vì sự an toàn khi tham gia giao thông, anh Lèo Văn Thắm ở bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến và ông Lò Văn Biển ở bản Nà Đốc, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chia sẻ đồng tình với quy định uống rượu bia không được lái xe. Một số lần tôi uống rượu, kể cả đi chậm cũng bị ngã vì say quá.

"Thực hiện Nghị định 100, bản thân tôi hoàn toàn nhất trí theo chủ chương này để hạn chế việc bà con uống rượu say lái xe gây tai nạn. Có Nghị định này ra, anh em bạn bè sẽ không ép nhau uống, thế là tốt nhất", ông Biển nói.

Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, người mừng nhất có lẽ chính là… các bà vợ. Chị Quàng Thị Quynh, bản Hua Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La, cho biết chị và các chị em khác trong bản ai cũng đồng tình với quy định này, bởi ở bản, ở xã chị, cũng như ở các bản làng vùng cao Tây Bắc, mọi người rất hay uống rượu. Sau một ngày lao động mệt mỏi, cánh đàn ông vẫn thường rót một chút rượu nhấm nháp cho "giãn gân cốt". 

Còn mỗi khi có bạn bè, khách quý đến nhà, hay dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… thì rượu là thứ không thể thiếu, chén chú, chén anh, mời nhau uống cạn là thể hiện tấm chân tình của cả chủ và khách. "Không say không về", không ít trường hợp còn chẳng nhớ sau đó sẽ lái xe đi về đâu... 

"Nhiều lúc ăn uống xong các ông còn đi xe máy đi việc này việc kia, hoặc ăn uống xong lại đi xe về nhà, có lúc say khướt chẳng nhớ gì. Vợ con nói thì không nghe đâu. Bây giờ tết nhất đến nơi rồi, nhưng quy định cấm thế chắc cũng sẽ giúp các ông bớt được rượu, tốt cho sức khỏe, chị em chúng tôi rất mừng", chị Quynh bày tỏ.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông.

Hiệu quả đã thấy rõ

Hôm đi cùng tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường, chúng tôi gặp anh Lò Văn Huẩn ở bản Bùa Thượng, xã Tường Phù, huyện Phù Yên, ngồi sau xe máy để vợ chở. Anh Huẩn cho biết vợ chồng anh đi xe máy về thành phố Sơn La có chút việc gia đình. Lâu ngày gặp mặt, trong bữa ăn, chót nhấp vài ba chén rượu cùng người thân; lo cho sự an toàn khi cầm lái, vả lại, biết từ ngày 1-1 có quy định uống rưọu bia rồi thì không được lái xe, anh đã chủ động ngồi sau xe để vợ chở về nhà...

Theo Thiếu tá Tòng Ngọc Sâm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường La, hình ảnh những người đàn ông ngồi sau xe máy để vợ chở trước đây khá hiếm. Song từ ngày 1-1-2020, biết có quy định người đã uống rượu bia thì không được lái xe, những người đã uống rượu đều "tự giác" để vợ con, hoặc người thân chở về. Nhờ ý thức tự giác ấy mà số trường hợp vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn giảm hẳn. 

"Trên địa bàn huyện Mường La trước đây người dân điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, hoặc chất kích thích khác, cũng như chấp hành các quy định khác về Luật An toàn giao thông đôi lúc còn chưa thật nghiêm túc. Tuy nhiên, sau 2 tuần thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, chúng tôi nhận thấy bước đầu bà con nhân dân có ý thức chấp hành tốt hơn. Tỷ lệ người vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong việc sử dụng rượu bia và các chất kích thích giảm nhiều", Thiếu tá Tòng Ngọc Sâm cho biết thêm.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy.

Thống kê trong toàn tỉnh Sơn La, qua 2 tuần đầu triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị định 100 của Chính phủ, trên cả 12/12 huyện, thành phố, số trường hợp vi phạm an toàn giao thông đã giảm đáng kể. Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Trước khi Nghị định 100 được ban hành, một ca công tác chúng tôi tổ chức kiểm tra khoảng 400 đến 500 lượt phương tiện, thì phát hiện 7 đến 8 trường hợp vi phạm. 

Tuy nhiên khi Nghị định 100 có hiệu lực, chúng tôi kiểm tra tương ứng như vậy nhưng chỉ phát hiện 1 đến 2 trường hợp, mà đối tượng vi phạm chủ yếu là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và tập trung ở người điều khiển xe môtô. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nhất là đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn và sử dụng ma túy, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có sự can thiệp nào".

Kết quả trên cho thấy, Nghị định 100 của Chính phủ mới triển khai đã phát huy tốt hiệu quả. Với mức xử phạt rất nghiêm khắc và không có vùng cấm nên không ai dám liều để điều khiển phương khi đã sử dụng rượu bia. Điều đáng mừng là bà con các dân tộc đã tự nâng cao nhận thức, ý thức "Không lái xe khi đã uống rượu, bia", tất cả vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng khi tham gia giao thông, nhất là vào thời điểm khi Tết đến, xuân về.

Thu Thùy-Tuyết Lan
.
.
.