Khi những người anh hùng gặp lại cựu thù

Thứ Ba, 24/09/2019, 09:06
Tối 22-9, sau nhiều ngày điều trị xuất huyết não tại Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh), Đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã qua đời, hưởng thọ 84 tuổi. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là phi công đầu tiên và duy nhất lái Mig-17, loại máy bay cổ lỗ nhưng đã bắn rơi được tới 7 máy bay Mỹ.

Năm 2016, một cuộc gặp mặt giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Bảy. Trong cuộc gặp này, các phi công Việt Nam đã giải thích vì sao bắn rơi được máy bay Mỹ dù máy bay của Mỹ hiện đại hơn.

Nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân, là người may mắn được dự cuộc gặp mặt lịch sử này đã ghi lại sự thán phục của phi công Mỹ với ông Bảy và phi công Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy và một cựu phi công Mỹ.

1. Cho đến bây giờ, mặc dù đã gần 4 năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên cuộc gặp mặt lịch sử giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ - những “đối thủ trên trời” trong khoảng thời gian  từ năm 1965 đến cuối năm 1972, vào chiều ngày 13-4-2016 tại khách sạn Intercontinental - Hà Nội

Ít có cuộc gặp gỡ nào mà lại gây cho tôi được sự tò mò, háo hức và xen lẫn hồi hộp đến thế. Bởi lẽ, với một người viết báo, được gặp những nhân vật điển hình, từng làm nên lịch sử, và lại là những con người mà những chiến công của họ đều là huyền thoại, thì đó là sự may mắn hiếm có. Chính vì thế, mặc dù thời gian buổi gặp được thông báo là 18h30, nhưng tôi vác máy ảnh đến từ 16 giờ, và quyết không bỏ sót một hình ảnh nào… Và tôi thấy mình thực sự khôn ngoan, khi đã tới sớm. Bởi lẽ, các cựu phi công Việt Nam và phi công Mỹ cũng đã tới rất sớm… Họ tới để gặp nhau, để có thêm thời gian tâm sự, chia sẻ.

Thật ra, trước đó cũng đã có vài cuộc gặp mặt lẻ tẻ, nhưng mang tính cá nhân giữa các phi công Mỹ và phi công tiêm kích Việt Nam. Còn cuộc gặp lịch sử này được tổ chức bởi sáng kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, phi công lái MIG-21 đã từng xuất kích 100 lần và bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Phía Mỹ là ông Charile Tutt, đã từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 10-1969 đến 9-1970, ông lái máy bay F-4B, chuyên làm nhiệm vụ yểm trợ và cường kích.

Ðại tá Nguyễn Văn Bảy và cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson, người từng tham chiến ở Việt Nam, và đã bị bắn rơi trên bầu trời Hải Dương.

Về phía Việt Nam, tham dự cuộc gặp mặt này có các phi công danh tiếng, đó là: Trung tướng Phạm Phú Thái, phi công lái MIG-21, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bắn rơi 4 máy bay Mỹ; ông Lê Thanh Đạo, phi công MI-21 bắn rơi 6 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Bảy lái MIG-17 đã 100 lần xuất kích, 13 lần nổ súng và đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ; phi công Mai Đức Toại bắn rơi 2 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Tiến Sâm bắn rơi 5 máy bay Mỹ; phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi 5 máy bay Mỹ; phi công Đồng Văn Song lái MIG-21 bắn 4 máy bay Mỹ; Từ Đễ lái MIG-17 và sau lái cả A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975 và một số phi công, kỹ sư của lực lượng không quân Việt Nam.

Về phía Mỹ có 10 cựu phi công Mỹ, nhưng số lái máy bay tiêm kích trực tiếp không chiến chỉ có 5 người, còn lại là lái cường kích, yểm trợ chiến thuật, hoặc tìm kiếm, cứu nạn. Đặc biệt, trong cuộc gặp này có ngài cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson đã từng tham chiến ở Việt Nam, và đã bị bắn rơi trên bầu trời Hải Dương.

Các cựu phi công Việt Nam thì như “vồ lấy nhau” khi gặp lại, còn các cựu phi công Mỹ cũng rất hoan hỉ khi gặp các cựu phi công Việt Nam.

2. Trong số các cựu phi công tiêm kích Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người cao lớn nhất, ấy vậy mà khi đứng cạnh một phi công Mỹ thì anh vẫn  chỉ đến… tai họ. Còn cựu phi công tiêm kích huyền thoại - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy thì có lẽ chỉ đứng nhỉnh hơn… vai họ. Nhưng các phi công Mỹ tỏ lòng kính trọng đặc biệt đối với cựu phi công Nguyễn Văn Bảy.

Giới phi công quân sự trên thế giới có một thỏa thuận ngầm với nhau rằng phi công bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên thì đạt được cấp Ace, đẳng cấp cao nhất. Việt Nam có 18 phi công đạt cấp Ace, phi công Nguyễn Văn Bảy là người duy nhất dùng Mig-17 bắn rơi 7 máy bay địch, đây là thành tích thuộc loại xuất sắc nhất thế giới. Các cựu phi công Mỹ không thể nào tưởng tượng được là một người phi công, văn hóa chỉ ở mức “thoát nạn mù chữ”, lái chiếc tiêm kích MIC-17 cổ lỗ sĩ, lại có thể hạ tới 7 chiếc tiêm kích Mỹ, trong đó có cả F-4 là loại hiện đại bậc nhất của không quân Mỹ hồi ấy.

Họ cũng rất ngạc nhiên khi biết “cụ” Bảy đã xuất kích ngót trăm lần, và kỳ lạ là chưa một lần “dính đạn” của máy bay Mỹ. Mấy chục năm sau cuộc chiến, các cựu phi công Mỹ càng ngạc nhiên hơn nữa khi Trung tướng Nguyễn Đức Soát giới thiệu với họ rằng “cụ” Bảy bây giờ về quê vui thú điền viên; trước cưỡi máy bay thì nay đi đâu cưỡi… xe đạp.

Buổi gặp gỡ diễn ra rất xúc động, bởi suốt một thời gian dài họ từng là đối thủ trên trời của nhau và chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt. Các cựu phi công gặp nhau có cảm giác rằng giữa họ không có sự khác biệt. Thời gian đã trôi đi, những vết thương quá khứ đã liền sẹo và Trung tướng Nguyễn Đức Soát trong lời phát biểu của mình đã mong muốn rằng, các cựu phi công hãy làm cho nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Điều thú vị nhất trong buổi gặp này là có một phi công Mỹ đã mang cả sơ đồ đường bay ra trình bày và đề nghị Trung tướng Nguyễn Đức Soát “giải trình” cho một điều mà ông thắc mắc mấy chục năm nay mà ông không có lời giải, ấy là: “Tại sao Trung tướng bắn rơi được tôi, trong khi tôi và Trung tướng bay ngang nhau, ở tốc độ 1,5 Mach, và trên độ cao 6km, thậm chí chúng ta còn  nhìn thấy nhau”.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy và Trung tướng Nguyễn Đức Soát.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cười và lên bục, vẽ lại vào sơ đồ bay. Trung tướng thong thả giải thích: “Lúc đó, tôi vừa chui ra khỏi đám mây thì bất ngờ nhìn thấy ông ở bên phải, và đúng là chúng ta nhìn thấy nhau. Tôi đoán ông sẽ thoát ly xuống độ cao thấp dưới 4 ngàn mét, vì ở độ cao ấy, F4 của các ông có lợi thế hơn MIG-21 của chúng tôi. Nhưng muốn phóng tên lửa thì tôi phải ở phía sau ông?

Vậy làm thế nào để tôi lùi lại mà không bị ông phát hiện? Tôi đột ngột giảm vòng quay tua bin, thả cánh cản… Lập tức, chiếc MIG-21 của tôi như bị khựng lại, và chỉ sau chục  giây là máy bay của ông vọt đi xa… Tôi lại bật tăng lực đuổi theo và… bấm nút phóng tên lửa… Có vậy thôi”.

Cả hội trường vỗ tay rầm rầm, còn người cựu phi công Mỹ chỉ còn biết lắc đầu: “Hóa ra thế. Thảo nào, tôi vừa nhìn thấy ông, thế mà thoáng cái đã thấy ông biến mất. Khi còn đang ngó nghiêng xem ông ở đâu thì đã bị bắn rơi…”. Chiến công này của Trung tướng Nguyễn Đức Soát được ghi đầy đủ trong cuốn “Các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam”.

Tại cuộc gặp, tôi đã phỏng vấn được một số cựu phi công Mỹ và tất cả ai cũng đều công nhận rằng phi công Việt Nam quá giỏi. Cũng phải nói thêm rằng, một số phi công Mỹ trong số này từng tham chiến ở Triều Tiên, họ đối đầu với phi công Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và cả Liên Xô cũ, nhưng với họ, phi công Việt Nam là những người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936 tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Năm 17 tuổi ông tham gia du kích. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17.

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES; được kết nạp Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.

Ngày 1-1-1967, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  Sau đó, ông dần được thăng lên hàm đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, sống cùng gia đình. Năm 2009 gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Nguyễn Như Phong
.
.
.