Khi tổ tiên được cúng giỗ bằng các gói dịch vụ online

Thứ Hai, 20/05/2013, 22:24

Cúng giỗ tổ tiên là chuyện tưởng chẳng còn gì để bàn ở Việt Nam ta, đơn giản bởi nó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng hóa ra không phải vậy! Đơn cử như dịch vụ cúng giỗ online với các gói cúng giỗ khác nhau của nghĩa trang Lạc Hồng Viên gần đây được phản ánh trong bài viết của một tờ báo nước ngoài - tờ Morning Journal, đã khiến dư luận một lần nữa nóng lên với chuyện cúng giỗ tổ tiên thời hiện đại của người Việt.

Mấy năm trở lại đây, ngày giỗ Tổ Hùng Vương càng ngày càng được coi trọng. Đầu tiên là chuyện ngày giỗ Tổ trở thành ngày nghỉ, rồi số ngày nghỉ cứ ngày một tăng lên. Các nghi lễ trong ngày này cũng được tổ chức bài bản hơn, trang trọng hơn. Vẫn biết rằng ông cha ta từ xưa đã nhắc nhở: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, song không thể phủ nhận rằng, để “nhớ” được, thì việc quy chuẩn hóa nó thành một ngày nghỉ lễ thực sự ở cấp quốc gia là rất quan trọng. Nghỉ lễ dài hơn, ngày giỗ Tổ được coi trọng hơn, thiết tưởng cũng là chuyện đáng mừng với toàn dân. Song cái mừng hình như luôn song hành với những cái lo, và sau khi mừng thì người ta lại phải suy đi nghĩ lại. Và câu châm ngôn “phú quý sinh lễ nghĩa” trong trường hợp này có vẻ như vẫn rất đúng.

Có lẽ không mấy người liên tưởng câu chuyện về ngày giỗ Tổ Hùng Vương với câu chuyện dịch vụ cúng giỗ online của Việt Nam được lên báo nước ngoài xôn xao các trang mạng trong thời gian vừa qua. Thực ra, cả hai câu chuyện này đều xoay quanh một chủ đề: đó là phong tục cúng giỗ tổ tiên của người Việt Nam thời hiện đại, cho dù một bên là tổ tiên của cả dân tộc, còn một bên là tổ tiên của mỗi người, mỗi gia đình.

Nghĩa trang Lạc Hồng Viên nổi tiếng nằm tại tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, với khoảng đất được quy hoạch cho khoảng 120 nghìn ngôi mộ trên các sườn đồi. Đây có lẽ cũng chỉ là một khu nghĩa trang bình thường nếu như một suất đất của nó không cực đắt, nếu phong thủy của nó không được đồn đại là cực tốt, và các dịch vụ đi kèm thì có thể làm vừa lòng các “thượng đế” khó tính nhất. Giờ đây nó được biết đến như một khu nghĩa trang dành cho người giàu có, và là ví dụ thường được người ta dẫn ra khi nói rằng, chết đôi khi còn tốn kém hơn cả sống, và cái giá phải trả để nằm xuống có thể đắt đến mức khó tưởng tượng. Giá cho một phần mộ ở đây dao động từ mấy trăm triệu đến một tỷ đồng, nhưng khách hàng của nó có vẻ chẳng hề ít đi chút nào.

Dự kiến trong tương lai gần, thậm chí những phần mộ đắt đỏ như vậy cũng chẳng còn nữa để mà bán. Và để phục vụ tận tình các “thượng đế”, các dịch vụ cũng liên tục nảy sinh hay đổi mới, trong đó có dịch vụ cúng giỗ online được Lạc Hồng Viên giới thiệu trên trang web lachongvien.vn vào ngày 12 tháng 3 năm 2013 vừa rồi. Như chính lời giới thiệu của Lạc Hồng Viên thì đây là “dịch vụ đầu tiên trên Việt Nam cũng như trên thế giới”, ra đời với mục đích giúp những khách hàng ở xa hay quá bận bịu không thể đến cúng trực tiếp phần mộ của tổ tiên. Khách hàng có thể lên mạng chọn các gói cúng khác nhau và đăng ký với ban quản lý, sau đó bộ phận dịch vụ hậu cần của nghĩa trang sẽ thực hiện triển khai gói cúng này, rồi gửi email thông báo bao gồm cả hình ảnh và clip cho khách hàng.

Khỏi phải nói, dư luận quanh gói cúng online này cũng muôn màu muôn vẻ, người ca ngợi là nhân văn, là tiện lợi, kẻ lại bảo là mất hết ý nghĩa thiêng liêng của việc cúng giỗ tổ tiên. Dân ta thì tranh cãi như vậy, còn người nước ngoài, có lẽ họ chỉ cảm thấy kỳ lạ với dịch vụ đúng là xưa nay chưa từng có trên thế giới này. 

Khi tôi nói với mọi người rằng ở Trung Quốc hiện nay, ít nhất là ở các thành phố lớn, hầu như các gia đình không còn để bàn thờ tổ tiên trong nhà nữa, hầu như không ai tin.

Trong hình dung của nhiều người, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ta và của người Trung Quốc là rất giống nhau. Và khi phóng viên Việt Nữ - phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại Bắc Kinh - tường thuật trong bản tin chào năm mới vừa qua rằng trong mấy ngày đầu năm, người dân tại Bắc Kinh đổ về các chùa chiền trong thành phố để thắp hương, bởi hầu như họ không còn bàn thờ gia tiên trong nhà để thắp hương nữa, hẳn không ít khán giả người Việt sẽ giật mình, thậm chí bán tin bán nghi. Người Việt có thể thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống, song bàn thờ tổ tiên thì ít nhất trong tương lai gần vẫn là một thứ thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Cũng vậy, việc cúng giỗ phần mộ tổ tiên ông bà là nghi thức không thể không thực hiện vào những ngày nhất định. Cái mâu thuẫn khó giải quyết giữa một bên là các nghi thức không thể không làm với một bên là quỹ thời gian có hạn và điều kiện có chừng, chính là nguyên nhân sinh ra các dịch vụ khác nhau. Có cung ắt có cầu là quy luật muôn đời của thị trường. Cho nên thực ra ban quản lý nghĩa trang Lạc Hồng Viên cũng chỉ đang làm công việc của họ tức là phục vụ nhu cầu của khách hàng mà thôi, chứ hoàn toàn chẳng có ý định làm thay đổi chút gì thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa.

Tín ngưỡng hay phong tục thờ cúng tổ tiên vốn rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam. Người ta quan niệm rằng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, không hoàn toàn rời bỏ hẳn cuộc sống trần gian, họ vẫn có một mối dây liên hệ nào đó với những người còn sống, đặc biệt là con cháu. Cho nên trong nhiều việc của cuộc sống, người ta vẫn cầu mong và tin tưởng vào sự “phù hộ độ trì” của tổ tiên ông bà. Một mặt khác, người ta vẫn giữ gìn mối liên hệ đó bằng các hình thức cúng giỗ vào các ngày lễ Tết, ngày giỗ chạp, ngày Rằm và mồng 1 hàng tháng, thậm chí là bất cứ ngày bình thường nào khác mà có việc đại sự như ngày cưới xin, làm nhà, sửa nhà, sinh con, thi cử hay đi xa... Đồ cúng giỗ cũng mang đậm tính chất “thế tục”: đồ ăn thức uống thì là những thứ người sống vẫn ăn, các đồ dùng khác thì được “gửi” đến cho người đã chết dưới hình thức đốt vàng mã. Cho nên nói đến cùng thì cúng giỗ tổ tiên giống như một sự duy trì mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu, vừa thành kính thiêng liêng lại vừa đời thường như cách chúng ta giữ các mối quan hệ xã hội vậy.

Cúng giỗ như vậy trước hết là để thỏa mãn tâm lý của người sống, có cúng giỗ thì mới yên tâm, mà cúng giỗ càng chu đáo thì tâm lý yên tâm càng vững chắc, càng có niềm tin rằng cuộc sống của mình và của gia đình sẽ luôn được che chở, bảo vệ, phù hộ bởi các bậc tổ tiên đã khuất.

Tục lệ này ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam đến mức nó gần như trở thành một kiểu tôn giáo riêng của cộng đồng người Việt. Dù đó là người miền Bắc hay miền Nam, người ở trong nước hay đang sống ở hải ngoại, người theo đạo Phật hay đạo Thiên Chúa thì tất cả vẫn có một “đạo” chung gọi là “đạo Ông Bà”. Sách vở viết về phong tục tập quán Việt Nam từ xưa đến nay đều phải dành một phần để nói về tín ngưỡng này. Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính đã khẳng định: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người”.

Cách suy nghĩ này từ thời Phan Kế Bính viết những dòng trên cho đến nay, thực ra chẳng có gì thay đổi. Phong tục tập quán là điều không phải nói bỏ là bỏ được, cũng không phải nói thay đổi là thay đổi được, nhưng việc giữ gìn nó như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào cái Tâm và cái Trí của mỗi người. Thời buổi này thật sự chẳng khó khăn gì để online đặt một gói dịch vụ cúng giỗ cho phần mộ tổ tiên, cũng chẳng khó khăn gì để làm một chuyến hành hương lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ Tổ, nhưng làm những điều này với một lòng thành kính thực sự và một sự hiểu biết thấu đáo, thì có lẽ không phải quá dễ dàng

Chí Dũng
.
.
.