Đề án đổi mới sách giáo khoa

Khó hiểu câu chuyện 34 nghìn tỷ

Thứ Sáu, 25/04/2014, 12:00

Báo CSTC từng có bài viết xung quanh đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn VTV "đính chính" về con số 34 nghìn tỷ đổi mới chương trình, sách giáo khoa gây dư luận ầm ĩ tuần qua. Ông cho rằng, đã có những nhầm lẫn, và chi phí cho đổi mới SGK chỉ là 100 tỷ.

Vâng, 34 nghìn tỷ và 100 tỷ, một sự chênh lệch không thể diễn tả được. Nhưng tại sao một việc vô cùng hệ trọng như thế, được mang ra trình tại kỳ họp quan trọng của Quốc hội mà chính ông tư lệnh của ngành không nắm được, để xảy ra tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" như vậy.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức nhận sai sót về phát ngôn dự chi kinh phí lên tới 34 ngàn tỷ cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa mà những ngày qua, chính đại diện của Bộ lúng túng, không giải trình được. Ông Luận nói: "Tuy nhiên cần phải nói rõ con số 34 nghìn tỷ đồng không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

(Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cách đây một tháng, Bộ này đã trình dự án sang Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, họ không đề cập đến kinh phí. Chính ông có ý kiến về việc một dự án phải có kinh phí. Và sau đó, họ bổ sung con số 34 nghìn tỷ).

Ông Luận nói: “Lần trình này, Chính phủ chỉ xin với Quốc hội bàn để ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa, tương tự như năm 2000 Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã ra nghị quyết. Kết cấu của Nghị quyết đơn giản chỉ gồm 3 phần: mục tiêu đổi mới; tiến độ và tổ chức thực hiện quá trình đó thế nào. Trên tay tôi đây đang cầm là hồ sơ gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong hồ sơ này không có con số nào về tiền nong".

Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận.

Theo ông Luận, "Con số trên 34.000 tỉ đồng, sau khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Trong số 34 nghìn tỷ đồng này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn SGK mà còn bao gồm cả đào tạo đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình - SGK, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng".

Và ông Luận giải thích về việc con số 34 nghìn tỷ được đưa ra chưa đúng quy trình, và chính Bộ trưởng, tư lệnh của ngành lại không nắm được con số này: "Đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc. Vào những ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi nước ngoài trên cương vị chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước Asean, nên không thể tham gia trực tiếp. Tại phiên giải trình này, khi đại diện của bộ trình bày tờ trình thì không có nội dung về tiền nong. Con số 34 nghìn tỷ đồng được nêu lên khi thông tin, giải đáp câu hỏi của các ủy viên Thường vụ Quốc hội. Để xảy ra sơ suất này, trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT và chúng tôi xin nhận trách nhiệm.

Ông cũng cho những bước tiếp theo mà Bộ GD-ĐT sẽ làm theo một quy trình rất "chặt chẽ": "Sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình và SGK phổ thông, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Các bộ, ngành sẽ có những công việc cụ thể. Bộ GD-ĐT theo phân công, sẽ xây dựng đề án và kế hoạch cụ thể. Ví dụ, về chương trình mới và sách giáo khoa mới này, lúc đó xây dựng đề án về biên soạn sách giáo khoa mới, trong đó nêu tất cả các công việc liên quan, định mức chi tiêu, số tiền, các nguồn lực khác cần phải có. Đề án sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến công luận và chuyên gia, xin ý kiến của Hội đồng Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục (sắp thành lập). Các bộ, ngành sẽ thẩm định, Chính phủ sẽ thảo luận. Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền, hoặc sẽ báo cáo với Quốc hội nếu công việc vượt thẩm quyền".

Nhìn nhận lại câu chuyện ầm ĩ tuần qua, bắt đầu từ phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Minh Hiển về con số 34 nghìn tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, đến những giải trình lúng túng, thiếu minh bạch, rõ ràng của ông Đỗ Ngọc Thống trước báo giới (Ông Thống khẳng định đó chỉ là con số khái toán), rồi khi bị dư luận dồn ép, đại diện Bộ GD-ĐT vội vàng đưa ra những con số đại khái 5.000 tỷ cho sách giáo khoa, 20 nghìn tỷ cho trang thiết bị và kinh phí cho 7,8 hạng mục khác. Và bây giờ, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  lại khẳng định, con số cho biên soạn sách giáo khoa chỉ 105 tỷ. Chưa kể cách đây 3 năm, con số mà Bộ GD-ĐT  đưa ra nhằm đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục là 70 nghìn tỷ (cả cơ sở vật chất).

Phản hồi với "đính chính" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các chuyên gia cho rằng không thuyết phục. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã thẳng thắn: Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một việc lớn, quan trọng, nhưng khi đề án đổi mới chương trình- SGK trình tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội thì tư lệnh ngành lại đi nước ngoài. Để rồi khi có sai sót lại cho rằng "anh em ở nhà làm không đúng". Cách làm như thế có ổn không".

Cũng theo ông Thuyết, Bộ GD-ĐT cần phải rút kinh nghiệm về những việc hệ trọng như thế này. Bởi con số dự toán kinh phí chưa hề trình Bộ Tài chính thẩm định, chưa xin ý kiến của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, chưa trình Chính phủ mà lại công bố ở cuộc họp Thường vụ Quốc hội, rồi thông tin rộng rãi trong dư luận là sai nguyên tắc, cần xem lại cách làm".

Còn giáo sư Văn Như Cương, người đã đưa ra những chi phí rất khiêm tốn để biên soạn sách giáo khoa cho rằng: "Cách làm của Bộ GD-ĐT thể hiện sự tùy tiện. Đại diện của Bộ GD-ĐT cũng cung cấp cho báo chí những khoản tiền cụ thể về các khoản chi để cho thấy họ có tính toán cụ thể, rõ ràng. Nhưng càng "cụ thể, rõ ràng" càng cho thấy những phi lý, điển hình là số tiền trang thiết bị dạy học lên tới trên 20 nghìn tỷ đồng. Mà lạ ở chỗ Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ khái toán nhưng khoản nào cũng công bố con số khá lẻ như 910 tỷ đồng cho tổ chức dạy thử nghiệm, hay 8.150 tỉ đồng cho tổ chức dạy đại trà... Như vậy thì đâu phải khái toán mà phải là con số có tính toán hẳn hoi và lẽ thường là phải xin ý kiến theo quy trình mới có thể công bố.

Điểm lại những phát ngôn gây sốc và mâu thuẫn nhau của Bộ GD-ĐT để thấy không chỉ Bộ GD-ĐT làm việc tùy tiện mà còn cố gắng để đối phó với dư luận, nên sai thì càng sai to hơn".

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục: 100 tỷ để đổi mới SGK cũng là lãng phí rồi

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã đăng đàn trả lời về con số 34 nghìn tỷ, nhưng theo tôi trả lời như thế là không thỏa mãn. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo. Không có chuyện Bộ trưởng không biết và ngạc nhiên trước những con số do chính Bộ đưa ra. Vậy thì ai đưa ra con số ấy, từ đâu, ai phê duyệt. Một đề án được đưa ra phải có dự trù phần kinh phí một cách bài bản, khoa học, chứ không thể nói là lấy từ các nhóm nghiên cứu được.

Hơn nữa, việc trình đề án ra Quốc hội không có chuyện chỉ xin chủ trương thôi. Phải có số tiền cụ thể như thế nào, được tính toán ra sao, dựa trên cơ sở nào. Phải có sự thống nhất, đồng thuận của nhiều nơi thì mới làm được.

Theo tôi, con số 100 tỷ cho đổi mới sách giáo khoa cũng là quá lãng phí rồi. Nếu ta biết cách làm, thì tôi dám chắc không đến con số đó. Tôi rất ủng hộ ý kiến của các giáo sư Ngô Bảo Châu, Tiến sĩ Giáp Đăng Dương rằng, chúng ta phải xem lại hệ thống sách giáo khoa, xem có chỗ nào được, chỗ nào chưa được thì mới thay chứ không cần thay mới toàn bộ. Rồi tiếp thu, mượn những chương trình tiên tiến của nước ngoài. Bao nhiêu lần chúng ta đã thay sách giáo khoa mà có giải quyết được những vấn đề cốt lõi của giáo dục đâu. Không thể nói thay là thay hết. Chi phí bồi dưỡng cho giáo viên thì đâu cần nhiều, vì năm nào ta chẳng bồi dưỡng, cái quan trọng là dạy cho họ phương pháp mà thôi.

Với tư duy này của Bộ Giáo dục và đào tạo thì tôi nghi ngờ tính hiệu quả của việc đổi mới. Chúng ta phải làm sao để không lãng phí tiền bạc của nhân dân. Bộ Giáo dục đang thiếu một cách làm việc tầm vĩ mô hơn, làm đúng quy trình của việc đổi mới từ cấu trúc hệ thống của ngành giáo dục thì mới có hiệu quả, chứ không phải đùng một cái thay sách giáo khoa, đùng một cái đổi mới thi cử, làm cho xã hội cứ rối loạn cả lên.

Nhóm PV (ghi)
.
.
.