Khó khăn trong công tác tìm việc cho trẻ mồ côi khi đủ tuổi trưởng thành

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:00

Số lượng trẻ vị thành niên cơ nhỡ, không gia đình, không nơi nương tưa, bất hạnh được đưa vào trại mồ côi ngày càng gia tăng. Điều đó không chỉ áp lực lên những khó khăn về mặt quản lý, chăm lo đời sống cho các em. Mà một trong những việc cũng đáng quan tâm là “đầu ra” khi các em đủ tuổi bước vào đời, thì khâu hỗ trợ tìm việc cho các em là một việc còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Trong buổi trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, anh Nguyễn Văn Bằng đã có những chia sẻ về điều này.

Khi “đầu vào không ổn”

Số lượng trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 với số lượng rất lớn, bao gồm: Trẻ lang thang cơ nhỡ, không nhà, trẻ bị dị tật, phát triển chậm, trẻ không còn gia đình, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.

Thứ nhất, về mặt tâm lý, đây là những trẻ thường phải chịu những áp lực cuộc sống trước đó, như là không được ăn học đến nơi đến chốn đối với trẻ vị thành niên. Trẻ rụt rè khi tình trạng cha mẹ bỏ nhau, cha mẹ bị vào tù. Trẻ chậm phát triển về khối óc, có những vấn đề về đi đứng, mắt, nói ngọng, sức khỏe yếu, không có khả năng làm việc bị cha mẹ bỏ rơi. Trẻ sơ sinh được nhận từ các bệnh viện về. Hầu hết các em đều không có một môi trường phát triển như những đứa trẻ khác, vì vậy các em ngay từ đầu đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Thứ hai, sự phát triển không theo quy luật, cũng như thiếu thốn tình cảm đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng và cách ứng xử của trẻ khi phát triển, học tập tại trung tâm cũng như khi ra ngoài đời sống. Với đầu vào không ổn, đã tạo ra những khó khăn trong quá trình nuôi dạy và đào tạo.

Thứ ba, do công tác dạy nghề cho trẻ còn nhiều bất cập. Một số trung tâm xã hội tổ chức dạy những nghề không phù hợp với khả năng của các em, không phù hợp với hoàn cảnh và cơ hội việc làm sau này. Ví dụ như nghề mây tre đan mà một số trung tâm đang tiến hành dạy . Thực chất những nghề này không còn phù hợp. Vì vậy khi ra ngoài xã hội rất khó xin việc.

Những khó khăn trong vấn đề đầu vào cũng như quá trình học tập và phát triển đã tạo ra những khó khăn lớn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho trẻ sau khi đã đến tuổi trưởng thành, không được nhận trợ cấp của nhà nước nữa.

Mặc dù có những khó khăn trên, song không phải trung tâm nào cũng có tất cả những trẻ như vậy. Có những trẻ có khả năng trong học tập, tiếp thu tốt. Những trẻ này cũng sớm được phát hiện qua quá trình học tập. Và tiếp tục bồi dưỡng để thi vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên số lượng trẻ này không nhiều.

Khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp

Do trong trại trẻ mồ côi có rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh và đối tượng trẻ khác nhau nên công tác tìm hiểu, theo dõi và phân loại trẻ về quá trình nhận thức gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bằng nói: “Khả năng học tập và nhận thức của trẻ rất quan trong, phát hiện được khả năng của các em thì sẽ dễ dàng hướng dẫn, dìu dắt các em đến một môi trường làm việc sau này phù hợp với bản thân hơn”. Ở trung các tâm bảo trợ mà cụ thể là tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, Sơn Tây Hà Nội, công việc này đã được phân loại như sau và từng loại cũng có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, những trẻ đến tuổi trưởng thành có khả năng học tập tốt được định hướng thi vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp. Việc này rất tốt song cũng có những khó khăn như trẻ đỗ thì sẽ được tham gia học tập, tuy nhiên vấn đề nhà cửa ăn uống cũng cần được trợ cấp hàng tháng, trong khi trẻ mới ra đời, bên quản lý của trại bị cắt khẩu. Điều đó đồng nghĩa với việc những bạn này sẽ phải tự bươn trải, tìm kiếm việc làm phù hợp, sao cho vừa học vừa làm. Đây là một vấn đề đáng lo ngại của trung tâm.

Thứ hai, chủ yếu các trẻ vào đây rơi vào độ tuổi từ 15, 16 tuổi. Với số tuổi này thường là những trẻ bỏ nhà ra đi với nhiều lý do: cha mẹ bỏ nhau, phát triển tâm lý không tốt, học lực thì thường bỏ học đã rất lâu nên khó có thể đào tạo văn hóa trở lại. Đối với những trẻ này thì Trung tâm hướng các em vào 2 trường dạy nghề lớn ở Hà Nội là trung tâm dạy nghề Hoa Sữa và Trung tâm dạy nghề Cô Tô.

Thứ ba, đối với những trẻ không có khả năng đào tạo văn hóa được nữa nhưng đến tuổi trưởng thành trung tâm cũng phải tìm cách để các em có công ăn việc làm ổn định phục vụ cho quá trình sống. Đối với những trẻ này vấn đề xin việc là một trong những vấn đề hết sức khó khăn và quan trọng. Ông Bằng chia sẻ: “Chúng tôi hết sức chú ý, quan tâm. Trung tâm tìm việc cho các em chủ yếu bằng cách thông qua những mối quan hệ của chính bản thân những người ở đây để giúp đỡ các em. Các công việc và mối quan hệ còn hạn chế. Ví dụ như, chúng tôi liên hệ với các chủ nhà hàng, quán ăn, quán pha chế, bưng bê, bảo vệ, địa điểm trông giữ xe… cho các em vào đó làm việc. Chủ yếu cũng mong nơi đó có chỗ cho các em ăn ngủ. Vừa tạo được công ăn việc làm cho các em, mà những nhà hàng đó cũng có thêm những người trông giữ luôn. Tuy vậy đây là một vấn đề không hề đơn giản, những người có quan hệ thì không nhiều và họ cũng khó để nhận vào khi mọi thứ đã có và đầy đủ hết” Như vậy, đây là một vấn đề hết sức quan trọng.

Thứ tư, những trẻ không có khả năng làm việc, đó là những trẻ bị tàn tật, liệt, có vấn đề về phát triển tâm lý chậm chạm, sức khỏe cực yếu. Với những trẻ này thì trung tâm xác định là sẽ nuôi họ suốt đời.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 thì số lượng trẻ hiện tại rơi vào loại thứ 3 và thứ 4 khá nhiều so với những loại khác. Hằng năm thì số trẻ vào trại càng nhiều, tuy nhiên số trẻ ra khỏi trại chiếm khoảng 6, 7 em. Như vậy, khả năng và sự giúp đỡ các em tìm kiếm việc làm cũng có hạn và thực sự là vấn đề khó khăn, cấp thiết để các em có một cuộc sống ổn định hơn khi bước vào đời.

Kết quả đạt được và tính hai mặt của vấn đề

Do quá trình theo dõi và phân loại trẻ ở trên nên trung tâm đã có những mặt giải quyết rất tốt tuy vậy cũng có những hạn chế. Về mặt tích cực, các em được theo học ở các trường trong tuổi trưởng thành hay tham gia công việc, có quyền lợi và công ăn việc làm ổn định. Sẽ giúp các em tự lập, có cuộc sống vào đời mới. Quá trình sống tại trung tâm nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình thế nên khi bước vào cuộc sống các em sẽ có những kinh nghiệm sống nhất định ở mức độ nào đó. Đây cũng là cơ hội để các em tự khẳng định mình trước những khó khăn, một hai năm đầu là môi trường rèn luyện hữu ích để các em bước vào đời.

Chia sẻ về những câu chuyện này, Giám đốc trung tâm Nguyễn Văn Bằng cũng kể lại những kỉ niệm về các em đã từng sống ở đây và giờ rất thành đạt. Đó là câu chuyện của 2 bạn Bình và Châu, hai bạn đã có công việc ổn định, đã và đang làm công nhân ở một công ty lớn tại Hà Nội, lương tháng ổn định, và cũng từ trung tâm 2 bạn quen và yêu nhau, đã trở thành gia đình nhỏ giữa cuộc đời. Hiện tại hai bạn đã có nhà cửa, việc làm ổn định. Đây là câu chuyện mà trung tâm nhớ và luôn lấy làm động lực và niềm vui để cố gắng phấn đấu giúp đỡ các con ở lại.

 Về mặt hạn chế, ông Nguyễn Văn Bằng cũng nói: “Có những trẻ, chủ yếu là những trẻ thuộc loại ba như trên đã nói. Các em được xin vào các nhà hàng, quán ăn làm những công việc nhỏ như bưng bê, trông giữ xe. Do điều kiện sống một mình, và do tinh thần, ý chí ngay từ đầu vào chưa vững, thế nên khi ra khỏi trung tâm các em rất dễ bị dụ dỗ và tìm về con đường cũ. Đây là điều mà chúng tôi lo ngại nhất”.

Thực tế đã chứng minh, đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Tuy nhiên lúc này nó lại nằm ngoài khả năng của trung tâm, lúc này trở thành vấn đề chung đặt ra cho xã hội. Những khó khăn này đặt ra cho xã hội những vấn đề cần thiết. Sự giúp đỡ, cưu mang, định hướng các em khi đã bước vào đời quả là bài toán khó, song không phải không thực hiện được. Việc này cần các cơ quan, tổ chức, cá nhân gia đình chung tay, để các em có một hướng đi đúng đắn, xã hội thêm một con người tốt

Hà Vũ
.
.
.